‘The Shire’ là một ngôi làng giả tưởng trong hai tập truyện “The Hobbit” và “Lord of the Rings” của J.R.R. Tolkien, đã được dựng thành phim. Mời các bạn cùng tôi ghé thăm ngôi làng của người Hobbit. ngoài đời thật.

Vườn rau xanh ngát. (ảnh: ianbui/Trẻ)

Năm 1997, khi Peter Jackson bắt đầu chuẩn bị dựng phim “Lord of the Rings”, một trong những việc đầu tiên ông làm là tìm địa điểm để xây ‘The Shire’, quê quán của hai nhân vật chính Bilbo Baggins và Frodo. Sau khi dùng máy bay thám sát khắp hai hòn Ðảo Bắc và Ðảo Nam của Tân Tây Lan, Peter Jackson đã chọn được một vùng đồi cỏ tuyệt đẹp ở Matamata, cách Auckland khoảng 2 tiếng về hướng Nam. Miếng đất 12 mẫu này nằm trong khu điền trang rộng lớn của gia đình Alexander chuyên nuôi cừu và bò.

Những hộp thư đậm đà cá tính. (ảnh: ianbui/Trẻ)

Sau khi thương lượng thành công, năm 1999 đoàn phim đã bỏ ra nhiều tháng trời để dựng phim trường Hobbiton bằng vật liệu tạm, sử dụng cho ba cuốn phim trong tập “Lord of the Rings” – “Fellowship of the Ring” (2001), “The Two Towers” (2002), và “Return of the King” (2003). Quân đội Tân Tây Lan đã góp phần đào đất, xây đường, dựng trại cho phim đoàn có chỗ làm bản doanh. Số người làm việc tại đây có khi lên tới 400 nhân mạng. Sau ba tháng quay phim, ‘The Shire’ được tháo dỡ gần hết vì không còn cần đến nữa.

Nhà anh thợ mộc với đủ thứ đồ nghề (ảnh: ianbui/Trẻ)

Ðến cuối thập niên 2010 Peter Jackson lại làm tiếp ba bộ phim dựa trên quyển “The Hobbit” – “An Unexpected Journey” (2012), “Desolation of Smaug” (2013) và “Battle of the Five Armies” (2014). Thế là ‘The Shire’ được tái dựng. Lần này, vì đã thành công lớn với bộ phim trước và có lượng fan đông đảo, Jackson quyết định xây phim trường Hobbiton bằng vật liệu thật để giữ lại. Sau 12 ngày quay, phim trường được biến  thành địa điểm du lịch, và gia đình Alexander được giao việc quản lý và điều hành Hobbiton từ đó đến nay.

“Không phận sự miễn vào” (ảnh: ianbui/Trẻ)

Hàng năm số lượng du khách đến Hobbiton không biết bao nhiêu mà kể, đa số là người nước ngoài. Người Tàu, Nhật và Hàn rất là đông, có lẽ vì gần Auckland, thành phố lớn nhất và cũng là nơi quy tụ nhiều dân Á Châu, kể cả Việt Nam (trong đoàn tour hôm đó cũng có vài người Việt). Dân thổ địa thì ngược lại, đi rất ít; có lẽ vì giá vé hơi mắc – $80 NZ (khoảng 60 USD thời điểm 2019). Ngày ngày có hàng chục chiếc xe bus với nhãn hiệu “Hobbiton” luân phiên mang người đến từ những thành phố du lịch lân cận như Rotorua, Waitomo, Hamilton… Và cứ mỗi 10 phút là có một chuyến xe chở khách từ trung tâm điểm – nơi ta có thể mua vé, ăn trưa, hoặc sắm quà lưu niệm – vào khu làng. Trên website, du khách được khuyên nên book tour trước để giữ chỗ và giữ giờ vì lượng người đi rất đông, ngay cả vào những tháng 6, tháng 7 – tức là mùa Ðông ở Nam Bán Cầu nhưng lại là mùa Hè ở Bắc Bán Cầu.

Người Hobbit có lẽ thích ăn lươn, ba con đang được treo để làm khô. (ảnh: ianbui/Trẻ)

Ðến thăm Hobbiton, du khách được dẫn đi xem các căn nhà gọi là “Hobbit holes” (Hố Hobbit) được xây vào hông các sườn đồi. Những căn hố (không phải hộ) được thiết kế cực kỳ cẩn trọng và tỉ mỉ. Toàn bộ phim trường có cả thảy 44 căn hố, mỗi căn là đại diện cho một nhân vật Hobbit với nghề nghiệp và tuổi tác khác nhau. Có căn thật gọn ghẽ đẹp đẽ, căn thì luộm thuộm giống như thiếu bàn tay phụ nữ. Căn của anh thợ mộc có cả một khu làm việc với đủ thứ đồ nghề. Căn của bác thợ câu có cá khô treo bên hông nhà. Căn của một gia đình nọ có cả một khu vườn lớn trồng đủ thứ cải quả, rau thơm, luôn cả một bụi gì nhìn giống như sả (tiếc rằng du khách không được sờ mó nên người viết không dám ngắt để ngửi). Ðặc biệt có một căn hố được xây hai kích cỡ khác nhau, một khổ nhỏ, một khổ lớn. Lý do là để tạo ảo giác: khi diễn viên đóng vai hobbit đứng trước căn nhà khổ to anh ta sẽ trông nhỏ lại, còn diễn viên đóng vai người thường khi đứng trước căn nhà khổ nhỏ sẽ trông lớn hơn!

Nhà người thợ bánh (ảnh: ianbui/Trẻ)

Làng Hobbiton có một cây cổ thụ cao mấy chục thước gọi là Party Tree, nơi dân làng tụ tập mỗi khi có tiệc tùng ăn nhậu. Trên thực tế đây là cây giả, làm bằng gỗ và xi măng. Lá trên cây là lá nhựa nhập cảng từ Ðài Loan. Nghe cô tour guide nói phải mất hai năm để kết những chiếc lá giả lên cây cổ thụ này! Ngoài ra trong làng còn có một tửu điếm tên Green Dragon Inn, xuất hiện trong nhiều cảnh phim. Tất cả du khách đều kết thúc chuyến tour tại Green Dragon Inn và được tặng một cốc bia (giá bình thường khoảng $8), coi như cũng gỡ gạc được chút đỉnh tiền vé. Bia của Green Dragon được sản xuất tại một lò nấu gần đấy và đặc biệt dành riêng cho khách của Hobbiton. Phải công nhận bia Hobbit uống rất được, nhất là loại Dark Stout và Ale. Tại tiệm bán đồ lưu niệm gần trạm xe bus du khách cũng có thể mua vài chai bia mang về làm kỷ niệm.

Thưởng thức cốc bia Dark Stout trong Green Dragon Inn sau buổi cuốc bộ đầy sảng khoái. (ảnh: ianbui/Trẻ)

Tuy vé tour hơi mắc nhưng Hobbiton là một điểm du ngoạn lý thú độc nhất vô nhị. Nếu bạn là fan của “Lord of the Rings” thì đây càng là chỗ không thể bỏ qua nếu có dịp viếng thăm Tân Tây Lan.

Xem thêm:   Allen PAC

IB

Matamata, NZ.