Sangeeta Kaur là nghệ danh của ca sĩ Teresa Mai, tức Mai Xuân Loan, người Việt đầu tiên thắng giải Grammy Award hồi tháng Tư năm 2022. Xin giới thiệu với độc giả vài dòng tiểu sử về một gương mặt vô cùng đặc biệt của cộng đồng người Việt hải ngoại.

Mai Xuân Loan (Teresa) sinh năm 1980 tại Montclair, California, và lớn lên tại Manhattan Beach. Từ nhỏ cô đã thích hát. Teresa kể năm cô khoảng 4-5 tuổi, có người cho cô quyển phim The Sound of Music trên băng VHS. Cô xem đi xem lại không biết bao nhiêu lần và cứ bắt chước hát theo. Mặc dù cha mẹ Teresa không người nào chơi nhạc, nhưng như nhiều gia đình Việt khác, cả hai đều hay hát karaoke. Năm lên lớp Sáu Teresa được cho học đàn violon. Nhưng đến khi lên trung học thì cô chuyển sang hát trong ca đoàn của trường. Tuy nhiên, lúc bấy giờ Teresa không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành ca sĩ.

Ra trường trung học, Teresa học hai năm đầu tại một trường Community College. Chính tại nơi đây năng khiếu âm nhạc của cô mới thực sự được phát huy và nảy nở. Cô kể rằng những thầy cô giáo dạy nhạc tại đây đã có ảnh hưởng sâu đậm đến sự nghiệp âm nhạc của mình. Cô kể một hôm nọ cô được nghe hai cô gái trong ca đoàn hát opera giọng soprano khiến cô sửng sốt. Cô nói không thể tưởng tượng một con người trông bình thường có thể phát ra những âm thanh đầy nội lực và quyến rũ đến như vậy. Kể từ đó Teresa Mai bắt đầu mang giấc mộng làm ca sĩ opera. Với sự khuyến khích của các thầy cô, Teresa Mai ghi danh vào đại học Cal State Long Beach và học hát một cách thực thụ tại Nhạc viện Bob Cole Music Conservatory. Sau khi ra trường với bằng Cử nhân môn Diễn xuất Opera Performance, Teresa lấy tiếp bằng Thạc sĩ về Vocal Performance tại đại học Berklee ở Boston, một nhạc viện hàng đầu ở nước Mỹ.

Dĩa nhạc Mythologies được đề cử Grammy vào tháng 12, 2021. Nguồn: Facebook Sangeeta Kaur 

Sau khi tốt nghiệp, Teresa được nhiều cơ hội đi hát khắp nơi trên thế giới – từ Âu Châu sang đến Úc Châu. Khoảng đầu thiên niên kỷ 2000, Teresa Mai sống ở New York City. Tại đây, một kinh nghiệm đổi đời đã xảy ra cho cô. Một nhà sản xuất nhạc mời cô hát trong một dĩa nhạc thuộc thể loại “mantra” – dạng tụng kinh của các nhà sư Tây Tạng. Sau khi hát xong một bài mantra, Teresa kể cô cảm thấy trong người vô cùng thanh thoát và phấn chấn. Những ngày sau đó cô tiếp tục hát thêm những bài mantra khác để thâu thanh, và phát hiện ra một con đường nghệ thuật mới cho mình bên ngoài thế giới opera cổ điển.

Xem thêm:   Beetlejuice

Kể từ đó Teresa bắt đầu mở hướng sang loại nhạc mà thế giới âm nhạc Âu Mỹ gọi là New Age. Cô lấy nghệ danh Sangeeta Kaur theo lời đề nghị của vị sư thầy của mình. Sangeeta trong tiếng Phạn có nghĩa là công chúa của âm nhạc và sự hài hoà (Princess of Music and Harmony). Năm 2012 Sangeeta cho ra đời dĩa nhạc đầu tay – Yoga Is Love. Tiếp theo đó là một loạt những dĩa khác: Niguma (2016); Ascension, Niguma Vol. 2 (2017); Mirrors (2018); Compassion (2019); Illuminance (2020).

Những người làm nên lịch sử, từ trái: Gerhard Joost, Trịnh Hoàng Hải, Sangeeta Kaur. Nguồn: Facebook Sangeeta Kaur

Niguma là một vở nhạc kịch thuộc thể loại mantra opera do Sangeeta sáng tác và là nhà đồng phát hành. Dĩa nhạc có sự góp mặt của nghệ sĩ guitar Nguyễn Đức Đạt, một trong những khuôn mặt quen thuộc trong giới nghệ sĩ ở Nam Cali. Gần đây nhất, vào năm 2021 Sangeeta đã xuất hiện trong một chương trình âm nhạc trên đài PBS mang tên “Front & Center” và trình diễn cùng với một số tên tuổi lớn trong làng nhạc như Jon Anderson của ban nhạc rock ‘Yes’ và Stewart Copeland của ban ‘The Police’.

Lần đầu tiên xuất hiện trên PBS. Nguồn: Facebook Sangeeta Kaur

Sangeeta từng xuất hiện trong nhiều chương trình âm nhạc của cộng đồng người Việt ở Nam Cali, cũng như trong chương trình Paris by Night của Thuý Nga. Cô cũng hát chung với nhạc đoàn Vietnamese-American Philharmonic Symphony Orchestra dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng. Chính nhờ qua vị nhạc trưởng này mà Sangeeta Kaur đã có dịp gặp gỡ người sau này trở thành hôn phu của mình. Anh Hoàng Hải là một người bạn của anh Khánh Hồng. Theo lời kể của anh Hải ở Austin hôm tuần rồi, trong một chương trình âm nhạc do anh Hồng tổ chức, anh đã hát chung trên sân khấu với Sangeeta và ca đoàn trong bài “Do You Hear The People Sing” từ nhạc kịch Les Miserables.

Xem thêm:   "Phim cúng cụ"

Anh Hải nói đó là một cơ hội nghìn năm một thuở và cũng từ sự kiện đó mà hai người quen nhau. Anh Hồng chính là người giới thiệu anh Hải với Sangeeta, bảo với cô rằng đây là một học sinh đang kiếm thầy dạy hát. Không những vậy, sau đó anh Hải còn ghi danh học mấy lớp Yoga của Sangeeta nữa. Teresa thì kể rằng khi thấy anh Hải trong lớp Yoga của mình cô liền nghĩ trong bụng: “Uh oh!!” Ý chừng anh chàng này đang âm mưu gì đây!

Đôi uyên ương Teresa – Hoàng Hải trong ngày vui. Nguồn: Facebook Sangeeta Kaur.

Nhưng rồi câu chuyện nhân duyên đã xảy ra một cách tốt đẹp. Hai người trở nên vợ chồng cách đây ba năm. Anh Hải và Teresa vừa dọn về Austin hồi năm ngoái, sống trong một căn nhà vừa là studio vừa là cư gia. Họ còn mang được cả chuyên viên kỹ thuật âm thanh Gerhard Joost về theo để điều hành Studio Hill của mình. Gerhard là người làm âm thanh cho tất cả các dĩa hát của Sangeeta từ trước tới nay. Và khi Sangeeta đoạt giải Grammy với dĩa Mythologies (2021) thì Gerhard cũng thắng cho mình một chiếc cúp Grammy cho phần âm thanh.

Teresa nói từ khi cô tìm ra con đường âm nhạc mantra cho chính mình, cô có cảm giác như được giải thoát khỏi những ràng buộc về kỹ thuật hát. Đối với cô giờ đây như có một sợi dây vô hình kết nối mình với những luồng năng lượng trong trời đất. Khi hát, cô biến thành một phương tiện chuyển tải nguồn năng lượng ấy đến với người nghe. Cô nói: “Mục đích đời tôi là sáng tạo và chia sẻ âm nhạc có khả năng mang lại niềm vui và sự chuyển đổi nơi tâm thức người nghe.”

Xem thêm:   Cấm TikTok

Ngoài công việc sáng tác và diễn xuất, Teresa Mai còn đóng góp vào các chương trình thiện nguyện cho cộng đồng, như chương trình Ngọc Trong Tim nhằm trợ giúp các nghệ sĩ khuyết tật. Teresa nói cô với anh Hải rất tâm đầu ý hợp trong các việc làm mang tính chất xã hội. Cô rất vui vì từ khi quen anh, cô đã kết nối được với nhiều người khác mà anh quen biết, và ngược lại. Bản thân người viết cũng nhờ sự kiện “Nắng Khuya” ở Austin hôm tuần rồi mà gặp gỡ được nhiều người bạn mới. Trong số đó, tình cờ phát hiện ra anh Nguyễn Khánh Hồng ngày xưa cũng từng học với cố giáo sư Đỗ Thế Phiệt, là người thầy violon đầu tiên của mình.

Cảm ơn anh Hoàng Hải, cảm ơn Sangeeta Kaur. Không phải vô cớ mà chúng ta đã gặp được nhau. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật (và cố thi sĩ Bùi Giáng), đây đúng là câu chuyện nhân duyên.

IB