… Quân đội đã được huy động để ngăn chặn cuộc xuống đường của công nhân. Hàng chục người đã thiệt mạng. Các nhà lãnh đạo đang tìm cách xoa dịu sự phẫn nộ của quần chúng …

Đại đội C Sư Đoàn 15 Bộ Binh đến Chicago dẹp biểu tình năm 1894. nguồn: bettman/corbis    

Hôm thứ Hai vừa rồi nhân viên toà soạn báo Trẻ Dallas – như bao nhiêu triệu người Mỹ khác, đã được nghỉ việc ăn lương. Từ lâu Lễ Lao Ðộng (Labor Day) – ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 9, đã là một truyền thống bất di bất dịch báo hiệu mùa Hè đã qua. Học sinh sửa soạn cho niên học mới; phụ huynh chuẩn bị học cụ cho con em mình; doanh nghiệp đua nhau “đại hạ giá” để vớt một cú lớn trước mùa Thanksgiving… Ba ngày cuối tuần của Labor Day Weekend còn là dịp để thiên hạ đốt lò nướng thịt, xông khói khui bia, ăn uống nhậu nhẹt, cá độ thể thao, hoặc nếu là người Việt thì rủ nhau … đánh bài, hát Karaoke v.v. Nhiều gia đình Mỹ hay đi picnic, camping. Labor Day Weekend còn nổi tiếng là thời điểm con số tử vong tăng vọt trên xa lộ, nhất là khi ngày càng có nhiều tài xế “đa năng”, vừa lái xe vừa lả lướt trên … điện thoại (không) thông minh (tí nào).

Nhưng ít ai biết ngày lễ vô cùng rộn rịp này từng có một lịch sử đầy máu và nước mắt kéo dài nhiều thập niên, bắt đầu từ cuối thế kỷ thứ 19. Thuở ấy cuộc cách mạng công nghiệp đang phát triển mạnh. Các nhà đại tư bản giàu lên như diều gặp gió. Nhưng song song với sự phát triển ấy là một bức tranh u tối đối với người làm công. Vào thập niên 1880 một người Mỹ trung bình làm việc 12 tiếng một ngày, lương cực thấp, thiếu an toàn, nhiều tai nạn rủi ro, và tất nhiên không có bảo hiểm sức khoẻ. Trẻ con cũng lao động, nhưng được trả lương còn thấp hơn người lớn.

Cuộc diễn hành Labor Day đầu tiên, năm 1882, tại New York City. nguồn: wikimedia

Tháng 9 năm 1882, liên đoàn công nhân Central Labor Union của New York City tổ chức một cuộc diễn hành (parade) quy mô với gần 20,000 người tham gia. Ðây là liên đoàn lớn nhất thời bấy giờ, quy tụ công nhân từ nhiều ngành nghề khác nhau. Dân New York đổ xô ra đường đi xem – ngày nay sự kiện này được xem là cuộc diễn hành đầu tiên của Labor Day.

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Suốt thập niên 1880, các cuộc biểu tình và đình công ngày càng gia tăng. Phong trào lao động do các liên đoàn công nhân điều phối liên tiếp gây áp lực, đòi hỏi cải thiện môi trường làm việc trong các hãng xưởng, hầm mỏ v.v. nhất là hạn chế ngày làm xuống 8 tiếng đồng hồ. Thêm vào đó còn có sự tham gia ngấm ngầm của các nhóm thiên tả cực đoan theo chủ nghĩa cộng sản, đa số đến từ Âu Châu (nhất là Ðức), sẵn sàng sử dụng mọi thủ đoạn kể cả bạo lực.

Tháng 5, 1886, trong một cuộc xuống đường tại khu Haymarket Square ở Chicago để phản đối việc cảnh sát đàn áp người lao động biểu tình ngày hôm trước, một người lạ mặt đã ném bom xăng vào cảnh sát. Cảnh sát nổ súng trả đũa; rối loạn xảy ra. Rốt cuộc có 7 nhân viên cảnh sát và 1 thường dân bị thiệt mạng. Tám người bị bắt, và 4 người trong số họ bị xử tử hình mặc dù không có chứng cứ rõ rệt họ là sát nhân. Sau vụ này các công đoàn ở Mỹ và trên thế giới quyết định dùng ngày 1 tháng 5 làm ngày Lễ Công Nhân quốc tế, nhưng ngày lễ này không được chính quyền Mỹ công nhận (dĩ nhiên).

Các toa xe lửa bị đốt phá trong cuộc biểu tình phản đối hãng Pullman, 1894. nguồn: wikimedia

Nhiều thành phố bắt chước New York, tổ chức diễn hành công nhân vào đầu tháng 9. Năm 1887, Oregon là tiểu bang đầu tiên chọn ngày thứ Hai đầu tháng 9 làm Lễ Lao Ðộng. Tính đến năm 1894, 22 tiểu bang đã ban hành những nghị quyết tương tự. Cũng vào năm 1894, tại Chicago đã xảy ra một vụ đình công lớn ở hãng Pullman, chuyên chế tạo toa xe lửa có giường nằm.

Xem thêm:   Allen PAC

Lúc ấy kinh tế nước Mỹ đang trải qua cơn suy thoái (recession). Chủ công ty là George Pullman cho sa thải 30% nhân viên và giảm lương những người còn lại. Tháng 5, nhân viên Pullman đồng loạt bãi công. Một tháng sau Liên Ðoàn Hỏa Xa Hoa Kỳ (American Railway Union), do Eugene Debs cầm đầu, tổ chức tẩy chay tất cả các tuyến xe lửa có dùng toa xe Pullman. Hệ thống hỏa xa trên 27 tiểu bang bị tê liệt ngay tức khắc – từ Chicago dài sang California, gây thất thoát nặng nề cho các cơ sở kinh doanh đủ loại.

Nhóm General Managers of America, đại diện cho các công ty vận chuyển ở Chicago, bèn cầu cứu với chính quyền liên bang. Tháng 6, 1894, tại một buổi diễn thuyết của ông Eugene Debs, vài người đã nổi lửa đốt một số building đồng thời lật đổ một toa xe lửa chở thư của Nha Bưu Chánh. Viện cớ này Bộ trưởng Bộ Tư Pháp xin phép cấm cuộc đình công – và được Toà Án Liên Bang chấp thuận vào ngày 2 tháng 7. Ngay hôm sau Tổng thống Grover Cleveland điều động quân đội liên bang đến Illinois để khống chế tình hình. Eugene Debs và liên đoàn ARU bị luật pháp trói tay, không thể làm gì để chống lại.

Bé gái làm việc trong xưởng cotton năm 1938. nguồn: wikimedia

Thống đốc tiểu bang Illinois, ông John Atgeld, một người ủng hộ Liên Ðoàn, đã nổi giận và tố cáo hành động của chính quyền liên bang là vi hiến. Sự xuất hiện của quân đội làm cho tình hình tại Pullman càng thêm rối ren. Bạo loạn diễn ra. Hàng trăm toa xe lửa bị người đình công đập phá. Lính Mỹ chĩa súng bắn vào dân Mỹ. Khoảng 30 người đã thiệt mạng cùng một số khác bị thương, chỉ trong vòng hai ngày 6-7 tháng 7, 1894.

Xem thêm:   Hàng rào gỗ nào tốt nhất

Ðiều trớ trêu là ngay khi cuộc đình công ở Pullman đang xảy ra thì Quốc Hội Hoa Kỳ cũng vừa thông qua một sắc luật vào tháng 6, 1894, công nhận Lễ Lao Ðộng toàn quốc là ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 9 hàng năm. Và chính Tổng thống Cleveland là người đã ký tên ban hành sắc luật này, chỉ vài ngày trước khi ông ra lệnh đưa quân đến Chicago!

Sau một thời gian giằng co thì cuối cùng quân đội cũng rút ra khỏi Illinois vào ngày 20/7. Eugene Debs bị bỏ tù 6 tháng vì tội “biểu tình trái phép”. Sau khi ra tù ông trở thành gương mặt nổi bật của phong trào đòi quyền lợi cho người lao động, và đại diện cho đảng Xã Hội ra tranh cử tổng thống cả thảy 5 lần nhưng không thành công.

Eugene Debs đang diễn thuyết trong một cuộc tranh cử. nguồn: chicago tribune

Dù gì chăng nữa, những cuộc xuống đường vào thế kỷ 19-20 do các liên đoàn công nhân dẫn đầu đã đóng góp rất nhiều vào việc cải thiện đời sống cho người dân Mỹ, dẫn đến nhiều thay đổi cần thiết mà ngày nay ai cũng cho là lẽ đương nhiên – như cấm lao động trẻ em chẳng hạn. Tuy vậy, tại nhiều nước chưa hoặc đang phát triển – như Việt Nam, tình trạng bóc lột công nhân vẫn còn rất phổ biến.

Thành thử nếu bạn đã có một cuối tuần Labor Day tuyệt vời với gia đình bè bạn quanh lò bar-b-que để ăn nhậu, hay túm tụm trước TV để coi đá banh, thì bạn cũng nên thầm cảm ơn những người đã nằm xuống lót đường trải thảm cho mình. Hãy thầm cầu nguyện cho các nhà đấu tranh trong nước có thêm nghị lực để tiếp tục cuộc hành trình gian nan đưa Việt Nam ra khỏi cái bóng đè của đám quan thầy tư bản đỏ giả danh xã hội chủ nghĩa. Và hãy dũng cảm lên tiếng bảo vệ những thành tựu xã hội đã đạt được trong cuộc chiến muôn thuở giữa các nhóm lợi ích đầy quyền lực và người dân thấp cổ bé miệng.

IB

Dallas