Ngày nay ít ai còn nhớ, chỉ hai tuần lễ sau Woodstock ở New York, tại Texas cũng đã có một đại nhạc hội lớn mang tên Texas International Pop Festival, tổ chức tại trường đua Texas International Speedway cạnh hồ Lake Lewisville phía Bắc Dallas.

Kèn sĩ James Pankow và keyboardist David Lamm (bìa phải) – hai thành viên gốc của ban nhạc Chicago, trong đêm diễn kỷ niệm 50 năm Texas Pop Festival tại Lewisville. photo: ianbui/trẻ    

Vào cái thuở xa xưa đó, đa số dân Texas còn rất là “ruộng”. Số thanh niên thiếu nữ theo phong trào hippie không nhiều. Khi mấy ông già bà cả nghe nói cả trăm ngàn hippies từ khắp nơi sẽ đến Lewisville, phản ứng đầu tiên của họ là yêu cầu thành phố xét lại và nếu được thì cấm luôn. Nhưng quá muộn, giấy phép đã cấp, mọi thứ đã chuẩn bị xong, danh sách ban nhạc đã được tung ra và vé đã được bán. Những tên tuổi như B.B. King, Janis Joplin, Led Zeppelin, Santana, Chicago, Nazz… đã ký hợp đồng.

Ban tổ chức đã làm việc sát cánh với Ralph Adams, cảnh sát trưởng thành phố. Gary Buckner kể lại: “Chúng tôi cho ông Adams biết chúng tôi cần gì. Thứ nhất là cảnh sát không được vào bên trong khu vực đại nhạc hội, vì họ sẽ làm người dự không thoải mái. Chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm mọi vấn đề an ninh bên trong; cảnh sát chỉ lo phần bên ngoài. Mọi yêu cầu của chúng tôi đều được thành phố chấp thuận. Họp bàn với họ xong thì coi như mọi việc cũng xong.”

Poster của Texas International Pop Festival năm 1969. nguồn: wikimedia

Angus Wynn III, trưởng ban tổ chức, nói ông Adams nắm rất vững tình hình và đã giúp rất nhiều cho sự thành công của đại nhạc hội. Trong ba ngày vui chơi ấy đã không xảy ra bất cứ vụ ẩu đả nào. Khán giả được nhà chức trách khen là vô cùng lịch sự, hoà nhã. Thị trưởng Lewisville còn nói nếu so với trận football Texas-OU thường niên thì khán giả đại nhạc hội  này không những đông hơn mà còn ít quậy hơn. Lên tiếng trên sân khấu trước hàng trăm ngàn thanh thiếu niên vào ngày cuối cùng của đại nhạc hội, ông nói họ đã làm cho những người lớn trong vùng nể phục vì họ đã làm được điều không tưởng – vui chơi nhưng không mất trật tự.

Xem thêm:   Chuyện nhân duyên

Báo chí, TV, radio trong vùng Dallas-Fort Worth dĩ nhiên đã bám sát để theo dõi mọi sinh hoạt của đám hippie tóc dài từ ngày đầu đến ngày cuối.

Cái phong trào gọi là counter-culture (phản văn hoá) cuối cùng cũng đến với xứ cao bồi. Nhiều thiếu niên nói dối cha mẹ, xin phép đi coi nhạc nhưng đến tối không về nhà mà ở lại luôn qua đêm. Với nhiều thanh niên Texas, đây là lần đầu tiên họ được tiếp xúc với các loại thảo dược. Tất cả mọi thứ đều được mọi người chuyền tay, san sẻ ngay trước mặt nhà chức trách mà không sợ bị bắt. Trường hợp nghiêm trọng nhất có lẽ là mấy cô mấy chú nai tơ bị đám cáo già dụ dỗ mua cần sa giả làm bằng … rau oregano!

Angus Wynn III, trưởng ban tổ chức, với chiếc “cell phone” hiện đại thời bấy giờ. nguồn: uta libraries

Nhưng rồi cũng huề cả làng. Ai nấy vui vẻ tham gia không khí lễ hội hippie và nghe nhạc sống. Ngoài những nhạc sĩ đã có chút tiếng tăm như Janis Joplin (gốc Corpus Christi nên dân Texas hầu hết đã nghe qua), B.B. King, Sly and Family Stone… còn có một số ban nhạc mới ra lò nhưng sau này rất thành công như Chicago Transit Authority (sau này đổi tên lại là Chicago), Grand Funk Railroad (mở màn chương trình trong ba ngày liền, về sau có bài “We’re An American Band” đứng số #1 Billboard), Santana (người Việt chắc ai cũng biết), Led Zeppelin (với màn kéo cò violon trên đàn guitar khiến khán giả phải há hốc mồm kinh ngạc…)

Ba ngày liền với hơn một trăm ngàn người trẻ tuổi như thế mà không xảy ra bất cứ điều gì tồi tệ, nghĩ cho cùng cũng là một phép lạ. Việc đồi bại duy nhất có lẽ là một số thanh thiếu niên – cả nam lẫn nữ, đã “cuổng trời” nhảy xuống bơi trong hồ Lewisville. Cái mốt khá “mát mẻ” này hình như được khởi đầu tại Woodstock hai tuần trước đó. Nhưng ở Texas thì khác. Dân chúng quanh hồ hầu như ai cũng có tàu thuyền. Thế là bà con trong vùng đồn nhau bu đến xem, “Bây ơi, ra coi hippie ở truồng nè!” Khiến ban tổ chức phải cho người xách loa đi lòng vòng kêu gọi, “Anh chị em nghe đây, nghe đây! Ai có nhu cầu lội nước cho nguội bớt thì cũng làm ơn … mặc cái quần vô giùm!!!”

Thanh niên Texas chưa được hippie-hóa nên tóc ngắn còn nhiều. nguồn: dallas morning news

Cảnh sát trưởng Ralph Adams cho biết, sau ba ngày đêm chỉ có vài người bị cảnh sát bắt – tất cả đều là dân quanh vùng tò mò đến xem xong kiếm chuyện gây sự với đám hippie. Cũng may thời đó chưa có thú nổi hứng xả súng bất tử như bây giờ, nếu không còn mệt nữa. Texas mà lị! Nhưng dù vậy hội đồng thành phố cho hay họ thề sẽ không bao giờ tổ chức đại nhạc hội tại Lewisville nữa vì gây nhiều phiền toái cho cộng đồng địa phương. Vài ngày sau, Ralph Adams từ chức. Còn trường đua từ đó chỉ được dùng để đua xe, cho đến ngày đóng cửa năm 1973. Texas Woodstock dần rơi vào quên lãng… Cho đến năm nay.

Xem thêm:   Hàng rào gỗ nào tốt nhất

Dù đã thề thốt rất mực hăng máu, nhưng nửa thế kỷ là một thời gian khá dài; Lewisville giờ đây đã đổi thay nhiều. Lake Lewisville – nay gọi là Lake Park, giờ đã có thêm sân golf, nơi cuối tuần Lễ Lao Ðộng vừa qua thành phố đã tổ chức một đại nhạc hội hai ngày để kỷ niệm 50 năm Texas Pop Festival. Tuy không lớn bằng 1969, nhưng nhờ thành phần ban nhạc khá hùng hậu, giá vé lại rẻ ($30/ngày; $50/hai ngày) nên số lượng người tham dự cũng khá đông. Ngoài hai ban nhạc chủ lực là ZZ Top và Chicago, kỳ này BTC còn mời được Grand Funk Railroad,  nhưng rất tiếc giờ chót Grand Funk không bay sang được vì bị bão Dorian giữ chân ở Florida.

Một góc phòng triển lãm kỷ niệm 50 năm Texas Pop Festival tại thành phố Lewisville. photo: ianbui/trẻ

Mọi chuyện đều được tổ chức hết sức chu đáo, đúng theo phong cách của thế hệ internet. Từ việc mua vé online đến bản đồ GPS hướng dẫn chỗ đậu xe; từ các tuyến xe shuttle bus đưa đi đón về, đến các xe food truck bán đồ ăn đủ kiểu đủ loại. Rượu bia thì nhiều khỏi nói. Ðặc biệt khác so với 1969 là sự hiện diện của cảnh sát chìm nổi khắp nơi, kể cả các đội SWAT chống khủng bố. Một đoàn quân khuyển cũng được sử dụng, có lẽ để đánh hơi bom mìn hoặc cần sa. Chống bom mìn nghe còn có lý, nhất là sau vụ xả súng tại lễ hội nhạc country ở Las Vegas, chứ còn cần sa thì thú thật không cách chi cảnh sát có thể theo dõi cho xuể. Vả lại, ngày nay tại nhiều tiểu bang cần sa đã được hợp pháp hoá nên cũng không còn bị xem là hàng quốc cấm.

Xem thêm:   Allen PAC

Ngoài ra, thành phố Lewisville còn tổ chức một cuộc triển lãm trưng bày một số hiện vật và hình ảnh từ đại nhạc hội 50 năm trước, tại Grand Theater ở old downtown. Bà con ai muốn biết thêm về sự kiện lịch sử khá độc đáo này có thể ghé xem cho biết; triển lãm mở cửa 10am-5pm thứ Ba đến thứ Bảy. Trên Youtube cũng có đăng lại cuốn phim dài 80 phút kể lại câu chuyện của Texas International Pop Festival. Phim tuy cũ, hình ảnh và âm thanh không đạt lắm, nhưng qua đó ta có thể cảm nhận được không khí Texas thuở ấy – với  hình ảnh dân Texas ngồi trên tàu dùng ống dòm ngắm thiếu nữ tắm truồng, cảnh sát đội nón cao-bồi cỡi ngựa đi tuần v.v.

Trong đêm diễn cuối cùng hôm Lễ Lao Ðộng vừa rồi, Chicago đã trở lại Lewisville với ba thành viên nòng cốt từng chơi tại đây nửa thế kỷ trước. Bản “I’m A Man” lần này được trình diễn bạo liệt hơn, với màn trống và percussion solo ở khúc giữa kéo dài gần 10 phút làm thiên hạ khoái quá, reo hò ầm ĩ. Lần này đa số khán giả đã lớn tuổi, ai cũng mang theo ghế xếp, ngồi xem rất lịch sự. Nhưng cũng khá ngạc nhiên là vô cùng đông thanh niên trẻ. Rất nhiều người chụp hình và quay phim bằng smartphone. Không biết 50 năm sau những thước video này sẽ xuất hiện nơi đâu.

IB

Dallas