Bán trôn rồi lại bán cả mồ hôi

Mà đói rét vẫn quần cho sớm tối!

Nguyễn Chí Thiện

Tình phụ tử và mẫu tử của loài gà – nguồn internet

Đời về chiều bỗng trở nên rảnh rỗi. Đôi khi, rảnh muốn khóc luôn nên tôi đâm ra uống hơi đều và cũng hơi nhiều. Chắc sợ thằng em dám chết vì rượu luôn nên không ít anh chị hằng tâm (và hằng sản) đã nhờ tôi đi làm việc thiện, giúp những người Việt nghèo khó – sống rải rác và quanh quất – ở Biển Hồ.

Tháng này, chị Kim Bintliff – Houston TX – biểu tôi đến làng Kor K’ek, cách Kampong Luong Floating Village (thuộc tỉnh Pursat) chừng hai giờ ghe máy. Tôi đã đến đây đôi ba lần trước, vì chuyện làm trường học, và không hề bị phiền nhiễu gì ráo trọi. Lần này, trưởng ấp ngỏ lời xin thêm mấy phần gạo (cho chính gia đình và vài người nữa) khiến tôi hơi khó chịu. Tuy thế, ngay khi lên bước chân lên cái nhà nổi ọp ẹp và chật hẹp của ông ta thì thái độ của tôi thay đổi hẳn. Họ cũng cùng quẫn, không khác chi những đồng bào trôi sông lạc chợ của mình.

Anh chị Hồ Minh & Châu (Westminster, California) thì kêu tôi đến xã Phsar Chhnang, nằm cuối đuôi Biển Hồ. Địa phương này chỉ cách Phnom Penh chừng trăm cây số nên nếp sinh hoạt khả kham hơn thấy rõ. Giới chức địa phương không ai đòi hỏi gì mà có ý tán thưởng vì hội của chúng tôi (Vidan Foudation) luôn phát phiếu nhận quà cho mọi người thiếu thốn, không phân biệt Miên, Chàm hay Việt.

Xong xả, tôi mời qúi vị chức sắc trong làng dùng một bữa cơm trưa thanh đạm. Có lẽ vì cả cuộc đời bềnh bồng trên sông nên họ thích vào những quán ăn vườn, mỗi bàn được đặt trong một cái chòi riêng, có cây cao bóng mát, với chó mèo và vịt gà “thân mật” xung quanh.

Xem thêm:   Lê Xuân Thiết

Thực đơn thường rất khiêm tốn: gỏi lòng bò, canh gà (toàn là cổ cánh với xương xẩu) và cá nướng (tanh rình) nhưng ai cũng ăn uống rất nhiệt tình và nói cười rôm rả. Tui thì không vui vẻ mấy vì bất đồng ngôn ngữ (và khẩu vị) nên xoay ra chăm sóc cho một đàn gà đang quanh quẩn cạnh bàn.

Anh gà tre sặc sỡ trông chỉ bằng một con quạ lớn, chị gà ri lông trắng ngà ngà cũng thế, cũng bé bỏng đến thương, đàn con thì lút chút đủ mầu vui mắt. Điều lạ lùng là những thìa cơm mà tôi kín đáo rải xuống đất gà mẹ đều chỉ mổ qua loa lấy lệ rồi (“cúc cúc”) gọi con đến để chia phần. Gà trống thì tuyệt nhiên không màng chi đến chuyện gạo cơm. Chàng hoàn toàn đứng ngoài vòng tục lụy, chỉ nghiêm trang đưa mắt quan sát xung quanh và giám sát vợ con. Thật là đường bệ, tư cách và đàng hoàng thấy rõ.

Ảnh internet

Chăm chút con cái là bản năng được lưu truyền trong máu huyết của mọi sinh vật. Tuy biết thế nhưng lần đầu tiên được nhìn cảnh tận tụy nuôi con của một cặp gà (khác giống) vẫn khiến tôi cảm thấy vô cùng cảm động, và không khỏi có đôi chút băn khoăn, khi thốt nhớ đến một bài báo (“Pháp quyền đấu ‘Pháp tưởng’: câu chuyện không của riêng người Hong Kong”) của Tạp Chí Luật Khoa.

Xin ghi lại đôi ba đoạn ngắn:

Nói về những người biểu tình, bà Carrie Lam dùng một hình ảnh ẩn dụ.

“Tôi cũng là một người mẹ. Tôi có hai đứa con trai. Nếu mỗi khi con tôi đòi làm gì đó và tôi phải nhường theo ý nó, tôi chắc là vào lúc đó, quan hệ mẹ con sẽ rất hòa hợp vui vẻ. Nhưng khi bạn nhỏ này trưởng thành, hối hận về những việc làm nông nổi của mình, sẽ quay lại oán trách mẹ, sao lúc đó không nhắc nhở con?”

Ẩn dụ dễ hiểu này của người đứng đầu chính quyền thể hiện tất cả vấn đề của Hong Kong, hay chính xác hơn, vấn đề của những người cầm quyền ở đây.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên phó chủ tịch Ủy Ban Ðối Ngoại của Quốc Hội, cũng được cho là từng chia sẻ ý tưởng lớn này khi đề cập đến vấn đề nhân quyền, chủ quyền đất nước tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia ở Washington, Mỹ: 

“Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi.” 

Ý niệm “quan phụ mẫu” – quan là cha là mẹ của dân – không phải là sản phẩm riêng của văn hóa Á Đông. Nó là tác dụng phụ của quyền lực. Bất kỳ ai nắm giữ quyền lực đều dễ rơi vào ảo tưởng, cho rằng mình ở bậc cao hơn, có toàn quyền sinh sát đối với người khác.

Khi người Hy Lạp phát minh ra khái niệm và áp dụng hình thức “dân chủ” (democracy) từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, mô hình này sau đó lan rộng ra châu Âu và toàn thế giới. Nó được đa số mọi người tiếp nhận vì đảm bảo được sự công bằng, bình đẳng giữa tất cả (so với những thể chế khác).

Mọi người dần nhận ra “quyền lực” thực chất chỉ là một thứ được phân công, và “quan chức” chỉ là một công việc, được người khác trả công để làm thay việc của họ.

Tuy vậy, ở những nước tiếp nhận dân chủ rất muộn như Trung Quốc và Việt Nam, một bộ phận rất lớn những người nắm quyền vẫn còn sót lại thứ não trạng “phụ mẫu” của vài ngàn năm trước.

Ảnh internet

Nói cho khách quan thì “não trạng phụ mẫu” không hẳn đã luôn luôn tồi tệ. Lịch sử loài người ghi nhận không ít những vị minh quân, nhân đức. Còn với những tội ác diệt chủng tầy trời, giết hại vô số lương dân của đám người Cộng Sản Trung Hoa (và Cộng Sản Việt Nam) mà cả hai vẫn dám tự nhận cái vai trò phụ mẫu chi dân  thì rõ ràng là họ đã xúc phạm không chỉ đến tiền nhân mà còn ngay cả đến loài vật – như chó, gà, chim chóc…

Xem thêm:   Nị ăn cơm chưa?

Có thứ vua quan phụ mẫu nào mà ăn dân không từ một thứ gì?

Có thứ vua quan phụ mẫu nào mà cướp đất của dân trên mọi miền đất nước?

Có thứ vua quan phụ mẫu nào mà áp đặt 14 thứ thuế phí trên một quả trứng gà ?

Có thứ vua quan nào phụ mẫu nào mà để cho ngoại nhân khai thác tài nguyên đất nước một cách vô tội vạ, biến xứ sở thành một đống bùn nhầy nhụa hay một nơi  xả thải những hoá chất độc hại, huỷ hoại môi trường, giết hại mọi sinh vật xung quanh?

Có thứ vua quan phụ mẫu nào mà chỉ chăm chăm huy động tiền vàng của dân nhưng chỉ bám bờ để mặc cho dân bám biển?

Có thứ vua quan phụ mẫu nào có thể bán thân xác thịt con dân với giá mỗi ký còn rẻ hơn một cân thịt bò?

Gọi họ là bọn mặt người dạ thú sợ cũng không được đúng. Thú vật, xem ra, cũng đâu đến nỗi.

TNT