Sống dưới một chế độ xấu xa, hủ bại mà không dám lên tiếng là có lỗi với con cháu.

Phạm Thành

Trong ký ức thơ ấu của tôi, Đà Lạt không phải là nơi có nhiều chim chóc. Ngoài những bầy sẻ ríu rít đón chào nắng sớm trên mái ngói, và những đàn én bay lượn khắp nơi vào lúc hoàng hôn – thỉnh thoảng – tôi mới nhìn thấy vài chú sáo lò cò giữa sân trường vắng, hay một con chàng làng lẻ loi (và trầm ngâm) trên cọc hàng rào.

Chào mào tuy hơi nhiều nhưng chỉ ồn ào tụ họp, giữa những cành lá rậm ri, khi đã vào hè và trái mai (anh đào) cũng đà chín mọng. Họa hoằn mới thấy được thấy đôi ba con chim lạ, đỏ/vàng rực rỡ (chả biết tên chi) xa tít trên những cành cây cao ngất, giữa đồi thông vi vút.

Ở California thì chim chóc nhiều hơn, và cũng dạn dĩ hơn. Tiếc vì vốn liếng tiếng Anh giới hạn (và cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên cũng thế) nên tôi chỉ gọi tên được dăm ba loại chim thôi: robin, blue bird, hummingbird, mockingbird, house sparrow – sẻ nhà. Nơi đâu có người là có chim se sẻ, tiếng kêu gần gũi thân quen của chúng vào lúc chiều tàn – ở bất cứ phương nao – cũng đều khiến cho tôi cảm thấy được an ủi (phần nào) trong suốt những tháng ngày lưu lạc.

Mãi cho đến những năm gần đây (khi không còn phải bận bịu với chuyện áo cơm) tôi mới có dịp tìm biết thêm ít/nhiều về thế giới của loài chim, qua những tập phim tài liệu, và qua ống kính của giới birder (hay con gọi là birdwathcher) chuyên nghiệp tự quê nhà.

Hôm đầu năm nay, người ngắm chim Huynh Ngoc Chenh mới trình làng một chú Sơn Ca (trông) rất bảnh.

Bên dưới bức ảnh là lời bình của FB Nghiem Vietanh:

“Sơn ca có nhiều tên gọi khác nhau, tuỳ theo địa phương, như chiền chiện ; Huế gọi là Cà lơi; Quảng Nam, Quảng Ngãi gọi là Chà chiện, ở bãi sông Hồng còn một loại nữa cũng giống sơn ca nhưng nhỏ hơn và không biết hót, à con sẻ mía. Con của ông Chênh, bắc cờ kêu chiền chiện, con này cũng hót nhưng chỉ hót khi chúng bay trên không trung, nuôi trong lồng chúng không hót …”

Xem thêm:   Mất mạng

Tôi nghe tên Sơn Ca từ khi còn thơ ấu nhưng mãi đến nay mới được thấy hình, và được biết thêm đôi điều lạ lẫm: “Bắc cờ kêu chiền chiện, con này cũng hót nhưng chỉ hót khi chúng bay trên không trung, nuôi trong lồng chúng không hót …”

Hay nhỉ?

Hoá ra có những con chim không hót trong lồng! Chi tiết thú vị này khiến tôi nhớ đến những dòng chữ của Huy Đức trong Bên Thắng Cuộc:

Ngày 14-12-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký “Sắc lệnh về chế độ báo chí”, buộc người dân ra báo phải xin phép, chấm dứt trên miền Bắc thời kỳ ai muốn làm báo chỉ cần đăng ký mà người dân An Nam được hưởng gần một thế kỷ dưới thời thực dân Pháp… Ngày 5-6-1958, dưới sự chủ trì của Tố Hữu, “800 văn nghệ sỹ” đã ký vào một nghị quyết “hoan nghênh kết quả thắng lợi của cuộc đấu tranh chống Nhân Văn Giai Phẩm”. Ngày 7-7-1958 Ban Chấp hành Hội Nhà văn ra thông báo “kỷ luật nhóm Nhân Văn” ….

Lê Đạt gọi thời kỳ “hậu Nhân Văn” là những ngày “khôn ngoan không dám làm người”. Phần lớn các nạn nhân, vốn là những văn nhân tài hoa, đều phải cúi đầu, tự mình viết bài xỉ vả mình. Họ được ở lại Hà Nội và sau một thời gian lao động phần lớn được trở lại hành nghề. Cũng có những nhà văn, nhà thơ bỏ về rừng như Hữu Loan, Nguyên Hồng. Nhưng, cái giá mà họ và gia đình họ phải trả là vô cùng đau đớn.

Tôi có đọc “Lời Tự Thuật Của Hữu Loan” nên cũng biết qua về “cái giá” mà nhà thơ và cả gia đình phải trả cho quyết định “về rừng” của ông. Kể thì “đau đớn” và khốn nạn thật nhưng vẫn chưa đến nỗi nào, nếu so với tình cảnh của nhiều người cầm cầm bút độc lập hiện nay. Xin ghi lại đôi ba trường hợp.

Xem thêm:   Triết Gia & Danh Ca

Trương Duy Nhất sinh năm 1964, bắt đầu viết báo từ năm1987. Đến năm 2011, ông đột nhiên tuyên bố “nghỉ báo viết blog để viết theo lẽ phải!” Nói cách khác, và nói theo cách riêng của TDN, là ông ngang nhiên ra khỏi cái “Hợp Tác Xã Tư Tưởng” của Đảng và Nhà Nước VN.

Tôi không hiểu –  vào thế kỷ trước, ở miền Bắc – khi một nông dân bỏ Hợp Tác Xã Nông Nghiệp thì sẽ bị trừng phạt ra sao nhưng thấy cái giá mà TDN phải trả hiện nay thì cay nghiệt quá, “một đòn thù chính trị đê hèn”: hai cái án tù, tổng cộng là 12 năm chẵn. Cả hai vụ án này – chắc chắn –  đã không xẩy ra, nếu bạn Nhất vẫn chịu hót… trong lồng!

Trường hợp chia tay với làng báo quốc doanh của Đoan Trang thì hơi khác, nhẹ nhàng và kín đáo hơn. Nhân vật này lặng lẽ rời bỏ cái Hợp Tác Xã Tư Tưởng VN không một lời tuyên bố hay tuyên ngôn gì ráo. Tuy thế, cái giá mà ĐT phải trả –  xem ra – cũng không rẻ lắm. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho RFA, vào hôm 5 tháng 3 năm 2020, cô cho biết:

“Từ khi tôi trở về nước vào năm 2015, về được 3 tháng thì tôi bị công an tấn công trong một cuộc tuần hành cây xanh, chấn thương 2 chân. Sau liveshow ca sĩ Nguyễn Tín năm 2018 thì tôi bị chấn thương ở tay. Sức khỏe của tôi gần như xuống dốc không phanh nên tôi không biết còn chịu được bao lâu.”

Nói tóm lại và nói cho chính xác là ĐT chỉ bị truy sát và truy lùng thôi chứ chưa mất mạng và cũng chưa bị túm. Phạm Chí Dũng, Chủ Tịch Hội Nhà Báo Độc Lập, không được “may mắn” thế.

Năm 2012 ông bị bắt khẩn cấp vì bị tình nghi biên soạn tài liệu “nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.” Qua năm 2019, ông lại bị khởi tố và bắt giam lần nữa với cáo buộc là đã “đăng 63 bài báo xuyên tạc sự thật, kích động các cá nhân trỗi dậy và lật đổ chính quyền nhân dân, kích động hận thù và cực đoan, đánh lừa mọi người về tình hình kinh tế xã hội nhằm mục đích gây lo lắng công cộng và bất ổn xã hội.”

Xem thêm:   Mối đe dọa từ Bắc Hàn

Tuy không rành rẽ về bói toán hay lý số, tôi vẫn có thể đoán (chắc) được rằng lòng bàn tay của ông Chủ Tịch Hội Nhà Báo Độc Lập có đường tù ngục vì đường này cũng có thể thấy ngay được qua cái chức vụ của ông. Cái gì chứ Độc Lập với Tự Do là “hai món” mà đám cầm quyền ở VN hiện nay tối kỵ (họ nuốt không trôi) nên PCD vướng vòng lao lý là chuyện tất nhiên.

Sau P.C.D đến lượt Phạm Thành, nguyên Tổng Thư Ký báo Thanh Niên. Ông bị “tó” vào ngày 21 tháng 5 năm 2020, với cáo buộc là đã phát tán thông tin, tài liệu chống NNCHXHCNVN, vi phạm Điều 117 Bộ Luật Hình Sự. Điều này có khoản ghi rõ như sau:

“Người phạm tội có hành vi làm ra, tạo ra, xác lập thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân … tạo ra hình ảnh méo mó, phản cảm, sai lệch về việc làm, hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị…”

Những tác phẩm gần đây nhất của Phạm Thành do tác giả tự xuất bản có những tên sau:

  • Nền Kinh Tế Thị Trường Định Hướng XHCN Xuống Hố Cả Lũ
  • Cò Hồn Xã Nghĩa
  • Nguyễn Phú Trọng: Thế Thiên Hành Đạo Hay Đại Nghịch Bất Đạo

Chỉ đọc qua mấy cái tựa sách thôi cũng đủ khiến cho lắm độc giả cảm thấy “rụng rời” rồi. Phen này Phạm Thành chắc chết, chết chắc, với Đảng và Nhà Tước ta chứ chả phải bỡn đâu!

Lê Đạt gọi thời kỳ “hậu Nhân Văn” là những ngày “khôn ngoan không dám làm người.” Xét ra thì thời kỳ “hậu đổi mới” còn ti tiện và tàn tệ hơn nhiều. Dân Việt, tuy vậy, vẫn chưa bao giờ thiếu vắng những người cầm bút vẫn nhất định làm người. Xin chân thành cảm ơn tất cả qúi vị.

TNT