Cách đây hơn 300 năm, người Minh Hương, vốn là bộ tướng của Dương Ngạn Ðịch phản Thanh phục Minh thất bại phải sang xin tá túc ở nước ta thời chúa Nguyễn Phúc Tần hợp lực cùng ông bà mình từ miền Trung vào, đã đổ biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, kể cả máu mới gầy dựng nên một Mỹ Tho đại phố phồn vinh.

Ðất đai Ðịnh Tường trù phú tất nhiên phải phòng chống Thủy quân Chân Lạp xâm phạm vào vùng biên cảnh nên Chúa Nguyễn cho đắp một chiến lũy dài từ xóm Thị Cai đến Bến Tranh (chỗ bán tranh lợp nhà).

Bên ngoài lũy, một hào sâu rộng nối liền rạch Vũng Gù thuộc Tân An chạy dài tới sông Mỹ Tho. Từ hào sâu nạo vét rộng hơn, sâu hơn nó thành một cái kinh. Sau một thời gian dài, nhiều khúc quanh co nhỏ hẹp, lâu dần bị bùn cỏ, lục bình gây cạn lấp, làm thuyền đến đây phải đợi nước lớn lên đầy mới đi được, nhất là đoạn giáp nước tại chợ Thang Trông (nơi có cái thang cao để trông chừng địch quân).

que-noi-thoi-tho-au

Bảo Huân

Nhà Nguyễn lại cho nạo vét con kinh nó thành con sông nhỏ, vừa dẫn nước, vừa tiện việc cho tàu bè qua lại.

Vua Gia Long đặt tên là sông Bảo Ðịnh, là một chi lưu của sông Vàm Cỏ Tây thuộc tỉnh Long An. Từ chợ Thang Trông hay Hốc Ðùn đến bến Mỹ Tho, chiều dài của con sông nầy khoảng 14km, bề ngang độ 6m và sâu khoảng 3.50m.

Nhờ con sông Bảo Ðịnh nầy từ xóm Thị Cai đến Bến Tranh thuộc thôn Lương Phú, đất đai màu mỡ, ruộng vườn liên tiếp.

Năm 1861, quân Pháp đưa tàu chiến từ Sài Gòn theo sông Soài Rạp đến sông Vàm Cỏ rồi xuôi theo con sông Bảo Ðịnh nầy để đánh chiếm tỉnh Ðịnh Tường.

Ðến năm 1866, thực dân Pháp, lần đầu tiên ở Lục tỉnh Nam Kỳ, đã cho xáng múc để lòng sông được sâu hơn.

o O o

Quê Nội của tui là làng Phú Kiết, nằm dọc sông Bảo Ðịnh thuộc quận Bến Tranh, tỉnh Ðịnh Tường.

Muốn về quê Nội bằng đường bộ thì từ Mỹ Tho theo quốc lộ 4 (tên gọi thời trước 75) lên Sài Gòn tới ngã ba Lương Phú quẹo trái chạy dọc dòng sông Bảo Ðịnh sẽ tới làng Phú Kiết.

Xem thêm:   Để trả lời một câu hỏi

Còn chạy quá lên, tới ngã ba Hòa Tịnh quẹo phải vô cũng đặng. Xong tới Tịnh Hà (thuộc xã Mỹ Tịnh An) rẽ phải chạy theo đường đất trải đá xanh cặp theo sông Bảo Ðịnh cũng về tới được.

Vật đổi sao dời đá mòn sông cạn nhưng ngã ba Hòa Tịnh nầy vẫn còn đó dãy hàng dương, làm tui hồ dễ gì quên kỷ niệm thuở thiếu thời cho tới tận ngày tui bỏ nước ra đi.

Về quê Nội ăn Tết, đâu có xa xôi gì, chỉ khoảng 25 cây số mà ngày xưa đó đi mất cả buổi trời! Sáng 7 giờ lên xe đò Tân Mỹ ở Mỹ Tho, 9 giờ rưỡi mới tới ngã ba Hòa Tịnh. Ðói bụng rồi nhe; vậy là Ba Má dắt cả nhà tấp vô cái quán của một gia đình người Tàu ăn hủ tiếu, uống xá xị con cọp.

Dưới hàng dương ngã ba nầy, chiếc xe lôi chờ cho đủ 10 người bác tài mới chịu nổ máy kêu bình bịch, lôi cả nhà tui băng qua những cánh đồng đã gặt xong chỉ còn trơ gốc rạ. Nhiêu khê vậy mà vui quá xá! Về quê Nội ăn Tết có hết đâu mà gấp? Muốn tới nhà Nội bên sông là phải qua một chiếc cầu khỉ, tay vịn cheo leo, thằng nhỏ với tay không tới. Má bồng đứa nhỏ nhứt, Ba cõng đứa nầy qua rồi quay trở lại cõng đứa kế.

Nhà của Nội tui cất trên một miếng vườn chừng một chục công. Ðào mương dẫn nước, vét phù sa lên liếp trồng quýt đường, cam, bưởi, mận…trái oằn sai.

Cuộc sống rất đơn giản, chẳng đua tranh gì ráo, chỉ tự cung tự cấp! Làm ruộng để có lúa xay ăn, làm vườn để có tiền đi chợ.

Họa hoằn lắm, cả tháng mới đi chợ Phú Kiết một lần để mua giấy quyến, thuốc rê, đường, muối và dầu lửa về để thắp đèn.

Cái nền đất nhà nầy u lên u xuống làm tui đi cứ vấp hoài hè. Ðêm chỉ có một cây đèn cóc khói mù mịt, tối hù nên chừng 7 giờ tối là phải chui vô mùng ngủ vì muỗi nó bay vo ve như trấu ở bên ngoài.

Lúc tụi cháu về, ông Nội tui mới chơi sang đốt cái đèn măng xông cho sáng. Sáng đèn, bù mắt, thiêu thân nó bu vào gặp nóng rụng cánh chết queo.

Xem thêm:   Khăn choàng tắm?!

Cái khoảng vườn từ mé sông đâm vô chừng 5 trăm thước là tới ruộng. Hằng năm, cuối tháng Năm âm lịch, nước lũ trên thượng nguồn sông Vàm Cỏ đổ về đến tháng Bảy, nước nhảy tràn bờ sông, bờ rạch, leo lên đồng mang theo tôm cá còn non, nhỏ chút éc! Nào cá lóc, cá trê, cá chạch, cá chèn, cá rô, cá he, cá mè vinh, cá éc, cá mề hôi, cá linh, cua, ốc… đôi khi hên vớ được con tôm càng… bự chỉ bằng một trái me.

Tháng Chạp nước trên đồng rút xuống sông. Ðêm sáng trăng, nửa khuya nước bắt đầu ròng, tui theo ông Nội ra cái chòi nhỏ che tạm dưới hàng dừa nước để xem kéo vó.

Vó có cái lưới hình chữ nhựt khá rộng. Cần vó theo nguyên tắc đòn bẩy. Ðẩy nó bung lên cao là mặt vó chìm xuống mặt nước. Non tiếng đồng hồ, lại nắm sợi dây thừng kéo xuống, vó đầu kia chỏng lên khỏi mặt nước.

Cá linh, cá trạch, cá rô, tép nhẩy xoi xói… đôi khi có những con rắn trùn nhỏ bằng cọng đũa uốn éo trông thấy ghê, Chỉ cần lấy cái gàu bằng thau, cán bằng một thanh tre đánh vào mặt lưới là cá tôm nó ‘bờ lông rông’ vô gàu hết ráo, không sót một con.

Một đêm kéo vó như vậy cũng chẳng có gì nhiều. Cá tép đựng đầy chắc năm ba cái chén ăn cơm. Tuy vậy cũng đủ kho quẹt để cả nhà ăn với cơm nấu bằng gạo lúa mùa, đổ mồ hôi mẹ, mồ hôi con.

Vào ngày tảo mộ cuối năm, để ăn Tết, ông Nội tui cùng lối xóm vần công dỡ chà, tát mương bắt tôm, cá, tui cũng lội xuống bắt hôi.

o O o

Mấy năm sau, Tết về, lúc 13, 14 tuổi, tui quen với chú Bảy Cu, bà con xa, đại bác bắn nhiều lần mới tới, chừng 16, 17 tuổi. ‘Già’ khoái tui lắm! Chèo xuồng đi chợ là rủ tui theo cho có thằng để nghe ‘già’ tán dóc.

“Khi tao bỏ mái dầm xuống sông, cá giật mình phóng lên trên mặt nước rớt vào xuồng. Xui lắm mầy ơi. Chim sa cá lụy mà. Nên tao bắt nó bỏ xuống nước trở lại!”

“Cá nhảy vô xuồng là nó muốn nhảy vô nồi. Ðem về nấu canh chua với bông súng, ăn hết xẩy mà sao chú Bảy khờ quá lại thả nó đi he?”

Chú Bảy ‘Cu’ (tên xấu háy cho không bị ông bà bắt đi đó mà) dụ khị: “Mai tao dắt mầy ra ruộng để đặt lọp theo đường nước, cá thiếu gì, mặc sức mà ăn cho lòi bản họng? Còn chuột đồng đào bờ mẫu, bắt về lột da nấu canh chua hoặc khìa chấm muối tiêu quá đã. Mầy ghê hả thì để tao ăn!”

Nhỏ lớn ở thành nên nhà quê là một thế giới khác vừa gần gũi thân thương, nhưng vừa xa lạ vì mình cũng hổng biết gì nhiều nên nghe rủ là tui khoái chí tử.

Xem thêm:   Hùm Xám Cai Lậy.

Mùa hè năm 1965, tui rủ thằng anh bạn dì từ Mỹ Tho thay nhau đạp xe về thăm quê Nội. Qua khỏi cầu sắt Lương Hòa Lạc, chạy thêm một đỗi nữa, đụng cái mô, cây lá bùm sùm chặn ngang đường như người ta chất chà dưới sông vậy.

Hai đứa tính vác chiếc xe đạp trèo qua đi tiếp. Bất ngờ trong lùm có một thằng cha mặt nám da nhăn, đầu bù xù, lù lù bước ra hỏi: “Ê hai thằng bây tính về đâu vậy? Ðừng bường ẩu vô mô coi chừng lựu đạn!” “Tụi tui về thăm ông Sáu Hợi là ông Nội của tui. Với chú Bảy Cu…”

“À ông Sáu Hợi với thằng Bảy Cu hả?  Ông Nội với chú Bảy Cu của mầy giờ tản cư lên giồng Tân Hiệp rồi… Bữa nào êm êm mới về. Vùng nầy giờ là vùng oanh kích tự do, tui bây còn nhỏ ở xa, không biết coi chừng có ngày mà tán mạng nhe. Thôi về nhà đi chừng nào ‘giải phóng’ rồi về chơi nhe!”

Nghe cái chữ ‘giải phóng’ nầy tui mới lờ mờ hiểu ra là cái thằng cha nầy là du kích VC, nên hai đứa tui ‘buồm’ cho thiệt lẹ.

Năm sau, năm 66, ông Nội tui, chú Bảy Cu cùng 3 người nữa chèo xuồng trên sông Bảo Ðịnh về thăm nhà thì bị vướng trái mìn bằng trái 105 ly lép VC gài trên một cái đập chắn ngang sông. Mìn nổ giết chết ông Nội tui và chú Bảy Cu rồi.

Cái niềm vui tuổi thơ của tui đành chôn theo quê Nội thời thơ ấu, dở dang từ độ ấy!

đxt melbourne, úc