Thống kê của Bưu chính Viễn thông Việt Nam cho biết tới hết năm 2022, VN có khoảng 159.83 triệu thuê bao điện thoại di động (ĐTDĐ), trong đó 94.25% là thuê bao smartphone. Cùng với việc ĐTDĐ đang trở thành vật dụng phổ biến của nhiều người dân, bọn xấu cũng hoành hành không kém khi liên tục bày ra nhiều trò lừa đảo với mục đích chiếm đoạt tài sản người khác. Công cụ chính để chúng thực hiện là những chiếc sim “rác”.

Những cuộc gọi lừa đảo ngày càng tràn lan ở VN     

Không phủ nhận từ khi xuất hiện ở VN, hình thức sim ÐTDÐ trả trước đã tạo ra sự đột phá về số lượng thuê bao do sự tiện lợi, nhanh gọn của nó. Trong đó sim “rác” là loại sim ÐTDÐ được nhập thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ trả trước và người mua có thể dùng ngay mà không cần mở đường dây thêm với nhà mạng. Ðến khi các nhà mạng bắt đầu cuộc đua khuyến mại tranh giành thị phần lẫn nhau dẫn đến việc nhiều khách hàng có thói quen thay sim liên tục hoặc mua sim “rác” sử dụng để hưởng các chính sách khuyến mại thay vì nạp thẻ cào. Tình hình này khiến sim “rác” trở nên tràn lan. Cũng từ thời điểm này (giữa năm 2016), nhiều người dân bị “khủng bố” bằng tin nhắn hoặc cuộc gọi từ sim “rác” đã xuất hiện. Ngành chức năng biết rõ điều này và cũng đưa ra vài giải pháp đối phó nhưng sim “rác” tới nay vẫn tồn tại thậm chí càng biến tướng, mang lại nhiều hệ quả xấu.

Sim “rác” bày bán khắp nơi

Từ đầu tháng 2/2023 tới nay, Sài Gòn (và một số tỉnh thành khác) đã xảy ra mấy chục vụ phụ huynh “sập bẫy” bọn xấu qua ÐTDÐ với tổng số tiền bị lừa lên đến hàng trăm triệu VNÐ. Thủ đoạn của chúng khá giống nhau như trường hợp anh Thành (ngụ quận 3) kể: “Lúc đó chừng 10 giờ sáng 21/3/2023, vợ chồng tôi đang ở nhà thì có người gọi điện đến báo rằng con tôi bị té cầu thang trong trường học, chấn thương sọ não đã đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy. Người này nói con tôi cần phải mổ cấp cứu gấp đồng thời yêu cầu tôi chuyển khoản nhanh 25 triệu đồng tạm ứng cho ca phẫu thuật. Người này còn xưng mình là giáo viên bộ môn lớp, nói rõ họ tên, lớp, trường của con tôi nên gia đình không chút nghi ngờ, bèn chuyển ngay số tiền để họ “lo giúp viện phí”. Tuy nhiên, khi đến bệnh viện thăm con, tôi mới biết mình bị lừa khi con tôi không hề bị tai nạn!”.

Xem thêm:   Lừa đảo online

Ngoài trò lừa bịp kể trên, kẻ gian còn nhiều hình thức khác: Giả mạo người của nhà nước gây sức ép khiến dân chúng hoang mang. Ví dụ như giả cảnh sát gọi điện thông báo phạt nguội, do lái xe gây tai nạn bỏ trốn… để khai thác thông tin cá nhân. Tiếp đó, chúng sẽ sử dụng các thông tin này làm giả các lệnh tạm giữ, quyết định khởi tố của công an nhằm đe dọa, sau đó yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để “nộp phạt” hoặc nhằm “phục vụ điều tra”; Giả cán bộ ngân hàng, yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ ATM “để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ”; gửi email/tin nhắn chứa đường link truy cập vào website các dịch vụ cho vay tiền online, sau đó đề nghị gửi yêu cầu xác nhận phê duyệt khoản vay và yêu cầu nộp các khoản tiền lệ phí…cho chúng nhằm chiếm đoạt; Giả nhân viên cửa hàng, doanh nghiệp, công ty… gọi điện hoặc nhắn tin cho nạn nhân đe dọa sim người dùng sắp bị khóa; Giả cán bộ tuyển dụng lao động với hình thức “việc nhẹ lương cao” hoặc có khi gọi điện tự giới thiệu là người nước ngoài, muốn liên lạc để tạo mối quan hệ với nạn nhân, tiếp đó kẻ gian thông báo muốn gửi tiền, quà từ nước ngoài về VN. Tuy nhiên người bị lừa đảo cần phải nộp trước các khoản tiền thuế, phí, cước vận chuyển… vào các tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp mới được giao tiền, quà về tận nhà!

Bọn lừa đảo luôn tạo ra vô số chiêu thức khiến người dùng sập bẫy

Trong khi ấy, thử lướt qua một số trang mạng xã hội như Zalo, Facebook… mọi người không khó tìm ra hàng loạt địa chỉ quảng cáo bán sim ÐTDÐ đủ loại, ship tận nơi với giá rẻ chỉ 60-160 nghìn VNÐ/chiếc. Hoặc cũng có thể mua cho mình cùng lúc… vài chục chiếc sim “không chính chủ” tại các cửa hàng ÐTDÐ, tiệm tạp hóa, quán cà phê…nhan nhản khắp nơi. Người bán không bao giờ thắc mắc người mua những chiếc sim này làm gì và dĩ nhiên trong số người mua có không ít kẻ dùng chúng để thực hiện hành vi lừa đảo người khác. Ghi nhận từ cổng Cảnh báo an toàn thông tin VN, riêng năm 2022 ghi nhận hơn 12,935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với 2 loại hình lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân (24.4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75.6%). Việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính. Vài năm qua, cảnh sát VN cũng đã bắt giữ gần 600 tên nằm trong những đường dây lừa đảo qua ÐTDÐ này (có nhiều tên là người nước ngoài).

Chỉ cần hơn 100 nghìn VNĐ có thể sở hữu số sim “rác” đẹp

Từ giữa năm 2017, nhà chức trách VN từng ban hành quy định với nhiều điểm ràng buộc trách nhiệm các nhà mạng đồng thời yêu cầu người sở hữu sim phải chứng thực thông tin, có ảnh chụp chân dung, chứng minh thư mới được dùng. Tuy vậy tới nay tình hình vẫn không thay đổi. Có ý kiến cho rằng phải chăng vì doanh thu quá cao qua việc bán sim, nguồn thu từ cuộc gọi và tin nhắn SMS nên các nhà mạng không dễ “dùng đá tự ghè chân mình” cũng như luôn nại ra 1001 lý do khó khăn và cứ để mặc sim “rác” hoành hành suốt những năm qua, trong đó phải kể tới vô số những cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo có mục đích và có tổ chức của kẻ xấu. Mới đây, ông đầu ngành Bộ “4T” VN đã đưa ra lời hứa “cam kết năm 2023 sẽ giải quyết triệt để nạn sim rác”. Người dân đang chờ đợi chính quyền và ngành chức năng sẽ giải quyết kiểu nào cũng như tự hỏi hay phải chăng rồi đây lại tái diễn tình huống “giơ cao đánh khẽ” hay chỉ “quyết liệt” thời gian đầu rồi buông lỏng về sau giống như thời gian qua?

Một số tên lừa đảo bị bắt (có nhiều người nước ngoài)

NS