Tình hình dịch cúm Tàu hiện nay tại Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng vẫn phức tạp. Không chỉ người dân lo âu, người mua bán e ngại, doanh nghiệp bất an mà chính quyền cũng đứng ngồi không yên.

Từ ngày các lãnh đạo Việt Nam tuyên bố “sẵn sàng sống chung với dịch” đến nay, số người nhiễm virus Vũ Hán tại nước này vẫn ở mức 8-10 ngàn ca/ngày. Riêng Sài Gòn thường xuyên dẫn đầu với trên dưới 1 ngàn ca/ngày. Các tỉnh lân cận cũng có số ca nhiễm đáng lo như Ðồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Long An, An Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu…

Có ý kiến cho rằng, mọi người không nên lo lắng quá về những con số và sắp tới dự báo số người nhiễm cúm Tàu có thể tăng hơn. Ðiều này cho thấy Việt Nam chưa khống chế và kiểm soát được dịch bệnh. Dễ hiểu khi chấp nhận “mở cửa” (từ 1-10-2021), phần lớn người dân vẫn chủ quan tụ tập, nhiều người gặp gỡ trò chuyện và tháo khẩu trang. Ai cũng có thể là F0 và ai cũng có thể là truyền bệnh cho người khác. Ðiều lo âu mà người dân chưa có thông tin rõ ràng là một số người dù tiêm đủ 2 mũi vắc-xin vẫn tử vong.

Nhiều người tiêm đủ 2 mũi văc-xin vẫn dính cúm Vũ Hán và tử vong. Ảnh: tác giả cung cấp

Ông Nguyễn Minh Triết, cựu nhà báo, ngụ quận 12, băn khoăn: “Tôi không nghe ngành y tế nói rõ những trường hợp chết người này đã tiêm loại vắc-xin nào? Pfizer, Moderna, AstraZeneca, thuốc Tàu hay Cuba? Việt Nam vốn mệnh danh là nước tiêm chích nhiều loại vắc-xin nhất thế giới với 9-10 loại, thậm chí dùng luôn những loại chưa được thế giới công nhận. Ða số vắc-xin đang sử dụng ở Việt Nam cũng thuộc dạng “ai-xin-cho”, được nước khác tặng “free” là chính. Việt Nam cũng là nước sử dụng que thử xét nghiệm nhiều chủng loại nhất với hơn 20 loại từ thứ rẻ tiền đến cao cấp. Không biết ai sao chứ tôi luôn cảm giác thuốc tiêm vắc-xin hình như chẳng mấy tác dụng. Tôi có nghe chuyện bà nghệ sĩ cải lương Hồng Nga từng tiêm đủ 2 mũi vắc-xin bên Mỹ. Khi về Việt Nam, lẩn thẩn sao đó lại đi tiêm thêm 2 mũi nữa nhưng bà vẫn chẳng làm sao! Rồi một ông ở Gò Vấp tiêm cùng lúc 2 mũi vắc-xin, một cô giáo Nghệ An cũng tình trạng tương tự ông Gò Vấp mà chẳng ai có phản ứng gì. Gần đây, báo chí đăng tin 18 đứa trẻ từ 1-12 tháng tuổi tiêm nhầm vắc-xin ở Hà Nội nhưng tới nay chẳng bé nào bị sao cả. Chuyện gì đã xảy ra khi tất cả các trường hợp trên vẫn bình an vô sự? Phải chăng mấy thứ vắc-xin chủng ngừa giống liều thuốc dùng trấn an hơn là chức năng ngừa bệnh? Lại thêm chuyện Sài Gòn tới nay đã đạt 100% người tiêm 1 mũi và hơn 96% tiêm đủ 2 mũi vắc-xin nhưng hàng ngày vẫn có hơn nghìn người dính bệnh và phần lớn những người này đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin”.

Xem thêm:   Cao tốc & thấp tốc?

Cũng từ 1-10-2021, chính quyền Sài Gòn cho phép tái lập nhiều hoạt động xã hội theo phương thức “bình thường mới”. Song 2 tháng qua, có thể thấy tình hình kinh tế vẫn chưa hồi phục. Nguyên nhân vì nhiều nhà máy thiếu lao động do công nhân bỏ về quê, lo ngại Sài Gòn đóng cửa thêm lần nữa nên chưa quay lên. Từ đó dẫn tới chuyện nhiều hợp đồng giao hàng không đúng thời hạn cũng là nỗi lo âu của một số doanh nghiệp, nhất là trong những tháng cuối năm.

Dịch cúm Tàu ở Sài Gòn vẫn chưa được kiểm soát chặt. Ảnh: tác giả cung cấp

Tương tự, sau một thời gian dài giãn cách, phong toả, kinh tế của người dân cũng kiệt quệ. Sức mua, sức tiêu thụ giảm sút khiến bộ mặt và sinh hoạt của Sài Gòn chưa thể khởi sắc. Ðã có nhiều dịch vụ ăn uống mở cửa phục vụ tại chỗ, quán xá được phép bán rượu bia nhưng giá cả gây choáng cho khách. Lý do bởi trên thị trường hiện nay, hầu hết các mặt hàng đều tăng giá, từ ổ bánh mì, tô bún bò tới thùng mì gói, chai bia. Người ta quay ra đổ thừa giá xăng dầu, giá gaz, giá vận chuyển đang tăng vô tội vạ. Giá tăng cao mà tiền trong túi mọi người càng lúc càng cạn dần. Chợ búa, quán xá mở cửa nhưng không đông người mua sắm, ăn uống, chơi bời như trước.

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

Bà Nguyệt, bán thịt tại chợ Thủ Ðức kể, quầy của bà có ngày dọn từ sáng sớm đến chiều tối bán ra không hơn 30 kg thịt các loại, chưa bằng 40% lúc trước. Có hôm, bà dọn chỉ 10 kg thịt bò, đến hết ngày chỉ bán được gần 5 kg. Bà Nguyệt nói: “Chợ ế quá! Bao mối lái cũ nay không thấy, do họ ngán ngại cúm Tàu chưa chịu mở cửa bán lại. Càng buôn bán càng lỗ sặc gạch.”.

Chợ búa ế ẩm do sức mua, sức tiêu dùng của phần lớn người dân đang lúc kiệt quệ. Ảnh: tác giả cung cấp

Cũng ở Sài Gòn có 3 chợ đầu mối lớn là Hóc Môn, Bình Ðiền và Thủ Ðức. Tới nay, chợ Bình Ðiền và Hóc Môn đã hoạt động lại, riêng chợ Thủ Ðức vẫn tiếp tục duy trì việc trung chuyển hàng hóa. Tại 3 chợ này, tổng lượng hàng hóa đưa về cung cấp cho thị trường thành phố và một số tỉnh lân cận hiện chưa tới 3 ngàn tấn hàng/đêm; trong khi trước kia tới gần 20 ngàn tấn/đêm là bình thường. Cũng ở chợ đầu mối Thủ Ðức, hiện chỉ có chừng 25-30 thương nhân hoạt động mua bán, trong khi trước đó có lúc lên đến trên 1,000 thương nhân. Lý do cũng không gì khác là người ta lo ngại dịch bệnh tái bùng phát.

Mới đây, chính quyền Sài Gòn cho phép một số dịch vụ “nhạy cảm” như vũ trường, karaoke, quán bar, massage, spa… được hoạt động lại. Chủ nhân các dịch vụ này đang đôn đáo sửa sang, trang trí tiệm, kêu gọi nhân viên quay lại làm việc, vội vàng cho nhập rau quả, bánh trái, rượu bia… Tuy nhiên chưa được 2 ngày sau, chính quyền lại ra lệnh yêu cầu tiếp tục tạm dừng khiến ai nấy chưng hửng, chỉ biết kêu trời. Lúc này mọi người mới nhớ trước đó, ông “sếp” chính quyền Sài Gòn từng buông câu thòng: “Thành phố đã chuẩn bị sẵn các kịch bản, kể cả xấu nhất. Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp khó kiểm soát thì thành phố buộc phải siết, thậm chí quay lại biện pháp giãn cách xã hội như trước…”.

Xem thêm:   Họa sĩ... "Vandal"

Cửa tuy đã mở nhưng đường đi tới xem ra vẫn còn khá mịt mờ!

Vũ trường, massage, spa… ở Sài Gòn vừa cho mở cửa lại phải nhận lệnh tiếp tục đóng cửa. Ảnh: tác giả cung cấp

NS