Tháng Tư, năm 75, Cộng sản Bắc Việt xua xe tăng T-54 của đàn anh Trung cộng tiến chiếm Miền Nam tự do! Cùng nỗi đau chung với cả nước, tui cũng có nỗi đau riêng là giã từ phấn bảng. Tui bị mất dạy, thầy giáo tháo giày đi cẳng không, chân đất!

Nước mất rồi nhưng mình vẫn phải sống vì vợ dại, con thơ! Hổng có tụi nó là tui tự vận rồi! Sống là phải ăn, phải kiếm tiền mà đong gạo! Nên tui đội cái xề, đi bán những bài ca vọng cổ, in bằng Ronéo ở Bến Ðò gần Ðèn Ba Ngọn, Bến Ninh Kiều, Cần Thơ.

Thấy bèo như vậy chớ một lời năm, lời mười đó nhe! Vốn mười xu, bán 5 cắc, tui lời gấp 4 tức 40 xu rồi. Nhưng cơm vẫn không đủ bỏ vào mồm; vì ngày bán được chừng hai, ba chục bài ca vọng cổ là hết mức.

Có hôm Trời đổ trận mưa to, tui che tấm ni long, ngồi co ro dưới hàng hiên đường Hai Bà Trưng gần Bến Ninh Kiều. Tui bùi ngùi nghĩ ngợi. 24 tuổi đầu mà tương lai mù mịt! Ðời tui còn đen hơn mõm chó cũng vì bọn Cộng Sản nầy đây!

Mưa tạt vô mặt lạnh quá, tui lấy miếng ni long che cái xề đựng mấy bài vọng cổ của mình cho khỏi ướt để tạnh mưa còn đi bán tiếp.

Tui bán đắt nhứt là bài: ‘Gánh nước đêm trăng’ hay ‘Tình anh bán chiếu’ của soạn giả Viễn Châu. Nhưng sáng nầy, thằng cha chủ máy Photocopy, chuyên in lậu, thậm thụt giao thêm cho tui vài bài ca mới. (Lúc chiếm chính quyền thì mấy tiệm Photocopy VC dẹp hết ráo, vì nó sợ mình in truyền đơn chống đối).

Những ngày giáp Tết, bà con mình từ dưới quê theo đò khách lên chợ Cần Thơ sắm Tết; nên trong xề, tui đội cũng có bài ‘Dệt chặng đường Xuân’ (của VC) cho có không khí Tết nhứt tới nơi. Nhưng hổng thấy ai mua! Bà con mình nói ca vọng cổ của mình hè!

Chiều 29 Tết năm ấy, tui chợt thấy bài ‘Vợ Tôi Nói Tiếng Tây’ của soạn giả Viễn Châu do Hề Văn Hường trình bày.

(Nói nào ngay, xưa giờ tui cứ nghĩ bài vọng cổ là phải buồn. Vì điệu hát ăn khách nầy vốn xuất phát từ ‘Vọng Cổ Hoài Lang’ của ông Sáu Lầu, ở Bạc Liêu: Ðêm khuya nhớ chồng thì vui cái con khỉ gì hè?)

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

Nên khi thấy bài ‘Vợ Tôi nói tiếng Tây’ có vẻ hài hước nầy, tò mò tui bèn lật nó ra xem. Thì thấy soạn giả Viễn Châu viết rằng: “Con vợ của ổng tên cúng cơm là ‘Nguyễn Thị Sình’. Nhưng em yêu đổi lại là “Ma-đờ-moaden Ma-ri!” (Mademoiselle Mary tức là cô Mary). Rồi ổng chọc quê luôn ông già vợ làm hương quản, na ná trưởng công an xã của VC sau nầy.

Khi bắt được một tên trộm đạo ở trong làng, ổng ngồi dựa ngửa trên ghế trường kỷ giữa nhà rồi bật một hơi: “Ê, Biện, mầy “Răng-xanhnhơ-măng’ (Recensement,điều tra lấy lời khai) thằng này rồi làm “rắpbo” (Rapport, biên bản, tờ trình) để ngày mai tao giải nó lên “Ðề-lêghê” (Deleger, ông Cai tổng). để ổng cho nó nghỉ mát “sít-moa” (‘Six là 6; mois là tháng, 6 tháng) về cái tội “vô-lưa” (Voler, tội ăn trộm). nghe mậy. Ê! Tên kia, “mẹc-cơ-rơ-(đi) toa” (Merdere toi, cái thằng súc sinh, chết tiệt nầy.’).  Tại sao ở trong làng này mà “toa” (toi; mầy)  không nghe danh của “mỏa” (moi)?

Tui cho rằng làm rể mà chọc quê ông già vợ như vậy là rể đu đủ.

Ông Viễn Châu viết tiếp rằng:

“Một bữa nọ, tôi với nó xuống bến tàu hóng gió. Thấy một chị me Tây đang phe phẩy chiếc mùi soa. Tiễn anh lính Lê dương trở về nhà. Tàu sắp sửa kéo neo tách bến. Không biết vợ tôi có cảm hứng cách nào mà nó hò lên mấy câu nghe đứt gan đứt ruột, làm mấy anh lính Lê dương nước mắt chảy… ròng ròng.

“Hò ơ, ăng-tăng-đồng súp-lê sà-lúp’. (Entendre suffler salloupe, nghe tiếng còi tàu). ‘Tú sơ là xừ cúp mông cưa’. (Tout c’est la sieur couper mon coeur,  anh làm trái tim em muốn vỡ tan ra). ‘Xừ ơi lòng mỏa ‘đu-lưa’ (‘douleur’ đau lắm!) Xừ về Ma-rốc bao giờ mới gặp nhau..?”

Mấy em Me Tây ra Bến Tàu đưa chàng lính Lê Dương về mẫu quốc; trong lúc mấy ‘ẻm’ khóc thì tác giả lại cười. Thiệt là nhẫn tâm quá xá trong lúc đôi ta vì đời, vì thời cuộc phải rẽ thúy chia uyên!

Xem thêm:   Đầu dê; thịt chó?

Khách khứa tới nhà tôi lễ phép nói: “Thưa ông bà mạnh giỏi” thì vợ tôi: “A lô, bông-rua mông-xừ, ma-đàm, xa-vaden?”. (Alô! Bonjour monsieur,  madame ça va bien. Chào ông, chào bà! Tất cả đều ‘phẻ’ hết hả?)

Rồi nó day qua nói với tôi: “Ê, toa, pọt-tê moa đơ cà phê ô-lê, mẹc-xi toa hả?” (Poter mois deux cafe au lait. Mang cho em hai ly cà phê sữa)

Tôi không biết nó nói giống gì nên đứng làm thinh như ngỗng đực làm cho nó nổi xung la ó um trời. Vợ tôi nói: Ðàn ông gì mà không biết ‘pạt-lê phăng-x’e (Parler le français, nói tiếng Pháp), không biết xi-vi-lidê (Civillisé, văn minh), không biết ‘ga-lăng’ (Gallant, nịnh đầm), ‘em-bô-litết!” (Impolitesse, không lễ phép). Nó mắng tôi là: Mẹc-cờ rơ-đi! Phẹt-mê la-bót (fermer la porte, đóng cửa tao đạp mầy ra sân!)

Bảo Huân

o O o

Ôi! Sáng nắng bến Ninh Kiều, chiều bão rớt; bán bài ca vọng cổ ế đói meo râu. Buồn tình, ngồi học thêm chút tiếng Tây ba rọi dẫu hổng biết để làm cái khỉ gió gì vì đã chìm sâu trong quá vãng. Nào ngờ mới đây nè, tui có một đàn em ở Virginia, Hoa Kỳ học sau tui tới 4 năm. Chú nó học Petrus Trương Vĩnh Ký từ năm 1967 tới 1974, hỏi ngặt tui một câu tiếng Tây.

Thấy  câu hỏi coi bộ căng quá. Nên tui tính bán cái; rồi chuồn êm cho nó phẻ! “Tui nghĩ bạn hỏi trật người rồi! Hồi đi học, tui chỉ biết tiếng Anh chút đỉnh. Còn tiếng Pháp chỉ học 3 năm, là sinh ngữ hai, nên tui bù trất. Tuy nhiên lúc nào huỡn, tui có thể tìm câu trả lời giùm bạn. Nhưng không chắc là tui sẽ tìm được. Tình thân.

Mặc dầu rào trước đón sau để né; nhưng lòng tui cũng ấm ức lắm. Ðàn em nó nể mặt bầu cua cá cọp của mình mà mình chạy xịt coi sao đặng? Nên tui cũng ráng vò đầu; bứt tai và cuối cùng tui tìm được câu trả lời cho chú em như vậy nè:

Câu ca dao đã được nghiêm túc dịch ra chữ ngoại quốc, với âm điệu lời ca” “Xòa xòa , loa dô cà na sẵng tê xòa, Păng xê á mị nớp xòa cựa man”.  Câu nguyên thủy của nó từ đâu ra?”

Xem thêm:   Kế Sách

Tui cắt nghĩa là: “Xòa xòa: là Soir Soir: Chiều! Chiều. ‘Loadô’: L’Oiseau: Chim. ‘Cà na’, Cana,  Con Vịt. ‘Sẵng tê’, Chanter: ca hát, kêu. Còn ‘Păng xê’, ‘Penser’ là nghĩ tới, nhớ tới! ‘Á mị’, ‘Ami’ là bạn. ‘Nớp’, Neuf là số chín. Như vậy ‘Nớp xòa’ Neuf Soir là chín chiều . ‘Cưa’, ‘Cœur’ là trái tim. Và Man, ‘Mal’ là đau!

Như vậy câu “Soir Soir L’oiseau cana chanter soir!” là từ câu “Chiều chiều Chim Vịt kêu chiều!”. Còn ‘Penser ami neuf soir cœur mal’! Là từ câu: “Bâng khuâng nhớ bạn chín chiều ruột đau!”

Tui cho rằng ông bạn già nầy đã về hưu, ở không nên hổng biết làm gì? Huỡn quá, ổng bèn bày đặt ra câu đố móc họng mấy thằng em lúc mình vào học Petrus Ký nó còn chưa có đẻ?

Nhưng dịch như vậy là dịch vật! Vì Chim Vịt không thể nào ráp con chim (L’Oiseau) với con Vịt (Cana) thành ‘L’Oiseau Cana’ cho được? Chim Vịt, tên khoa học là: Cuckoo, (Cuculidae). Nhớ bạn không phải là bạn mà là nhớ người yêu. Rồi chín chiều không phải là chín buổi chiều. Mà là chín đoạn ruột. Vì ông bà ta đã từng nói: “Ðau đớn đến đứt từng đoạn ruột!”.

Tui cho rằng tác giả muốn giỡn chơi, muốn ‘chọc quê’ những người tiếng Pháp ‘ba rọi’, nửa nạc, nửa mỡ mà hay khoe hay chăng?

Nhưng ý tui là chọc quê như vậy là trật! Trật ở chỗ ngoại ngữ chỉ là một phương tiện giao tiếp mình bắt buộc phải dùng khi ở nước ngoài. Vì thế cho nên nếu ở bên Tây bà con cứ phang đại tiếng Pháp. Nếu bà con ở bên Hoa Kỳ cứ phang đại tiếng Mỹ. Còn ở nước Úc như tui đây thì cứ phang đại tiếng Anh. Cứ phang tưới hột sen đi bà con ơi! Phang trật hoài nhưng cứ chịu khó phang thì ắt có ngày sẽ trúng!

Biết tiếng Tây, tiếng Anh dù là tiếng bồi đi chăng nữa, đủ để đi làm ‘cu li’ kiếm sống, nuôi vợ con thì tự ái gì mà phải cữ chớ? Tiếng Mẹ đẻ của mình mình còn nói trật huống hồ gì tiếng Mẹ đẻ của nó? He he!

DXT