Nói nào ngay, tui mới quen ông bạn văn có bút hiệu là Người Trà Vinh. Ổng có làm một cái ‘audio’ bài: “Ba tôi người đánh máy mướn” của tui rồi bắn lên ‘YouTube’.

Bài nầy một em bên Quận Cam, Orange County, Little Sài Gòn, tức Sài Gòn nhỏ, có đọc. Em lớn lên ở Mỹ, nên chữ ‘job’ em đọc đúng ngay chóc. Nhưng chữ ‘ronéo’, chữ ‘stencil’ em đọc trật lất. Vì nó là tiếng Tây nên em bù trất! Tui không chấp nhứt vì em rất đẹp! Mà tui lại có máu dê, máu ‘galant’, nịnh đầm.

Nhưng ông người Trà Vinh cũng là đực rựa như tui, nên tui cằn nhằn, cửi nhửi quá xá!

Trong cái ‘video clip’, thay vì hình nhà thờ Tân Ðịnh thì ông lại chiếu hình nhà thờ Ðức Bà!

Thủ phủ Melbourne, tiểu bang Victoria, ổng lại chơi vô cái hình nhà hát Con Sò của thủ phủ Sydney, tiểu bang New South Wales. Vì Melbourne cách Sydney tới 713 cây số lận!

Trật chìa hết ráo!

Nhưng cái đoạn quan trọng nhứt trong bài viết của tui là đem CS ra mà “bụp” cho bỏ ghét thì ổng lại tự ý cắt đi! Ổng làm bài viết của tui mất hết 50% ý nghĩa.

Tuy nhiên, tui cũng quan niệm rằng: một tác phẩm không bao giờ toàn bích. Nó hổng trật chỗ nầy; thì sai chỗ kia. Chỉ ra cái trật, chỉ ra cái sai đó là điều nên làm. Còn áo thụng vái nhau thiết nghĩ mình nên đợi lúc đi cúng đình!

Sửa lưng ổng thì ông phải đau. Ổng phải cự tui chớ! Nhưng lạ thay, khác với đám dư luận viên, ổng không giận tui!

Ông không giận là phải! Vì cái tình của tui với cái đất Trà Vinh của ổng cũng nặng lắm nhe! Năm 1971, lúc mới 20 tuổi, tui đã từng yêu mê mệt, yêu muốn xỉu luôn một em ở Cầu Mới, Trà Vinh!

Tui xin cám ơn ông bạn văn Người Trà Vinh đã bỏ công làm ‘audio’ bài của tui mà còn bị tui chê.

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

Dân Miền Tây mà! Hổng chơi thì thôi! Chơi là chơi tới cùng! Gọi là chịu chơi! Hổng bạn thì thôi! Nhưng là bạn rồi thì chơi xả láng sáng về sớm nhe ông Người Trà Vinh!

Chùa Hang Trà Vinh – nguồn thamhiemmekong.com 

o O o

Thưa Trà Vinh, thời mình gọi là Vĩnh Bình, nằm bên bờ sông Tiền, cách Sài Gòn khoảng 202 km và cách Cần Thơ  khoảng 100 km, cách Biển Ðông khoảng 40 km.

Ðất Trà Vinh chia cắt bởi sông rạch chằng chịt. Trên đất liền là gò, là giồng, lan ra tới cửa biển. Có nơi độ cao, so với mực nước biển, chưa tới một mét, nên năm mười hai tháng, Trà Vinh ngập mặn tới nửa mét trong vòng từ 3 tới 5 tháng.

Hồi xưa đất Kampuchia gồm Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp, (tức cái đồng bằng sông Cửu Long mình bây giờ). Vua Chân Lạp, Chey Chetra II (1618 – 1628) là con rể của Chúa Nguyễn Phước Nguyên, là chồng của Công chúa Ngọc Vạn. Vua nước nào cũng có nhiều vợ: Miên, Lào, Việt nên nhiều dòng con, mạnh ông nào cũng muốn giành lên ngôi báu, nên giết nhau, hổng anh em gì ráo.

Một hoàng tử yếu thế hơn, trên bước đường bôn tẩu để tồn sanh, thuyền bị chìm nhưng nhờ Phật độ nên thoát chết. Sau lên ngôi, bèn lập chùa tạ ơn. Có chùa là phải có tượng Phật linh thiêng! Và truyền thuyết ra đời rằng: Préah Trapéan (tiếng Khmer), Trà Vinh (âm tiếng Việt), có nghĩa tìm được tượng Phật đá trong ao mùa nước lụt năm đó, dân rước tượng Phật về Chùa thờ phượng!

Sau nầy cứ mỗi lần ông nầy lên ông kia xuống, thay tên đổi họ vùng đất nầy hoài, nhưng người dân vẫn gọi đất Trà Vinh.

Ðất Trà Vinh là một đất đa sắc tộc. Cứ mười người là có bảy người Việt, hai người Khmer và một người Tàu. Rồi yêu nhau ‘sa cạ’! (Khoái là yêu hè! Không phân biệt chủng tộc gì hết ráo)

Xem thêm:   Hủ tiếu?

Rồi sanh con đẻ cái, nên Trà Vinh có đầu gà đít vịt, Tiều lai Miên (!), hoặc Miên lai Việt…

Nên con lai, nhứt là con gái, thừa hưởng nên em nó đẹp não nùng cỡ Ngọc Trinh.

Ðẹp đến nỗi mấy anh xứ Nẩu quê mình, tuốt tự Quảng Nam, phiêu bạt vào sông quê nước chảy đôi bờ. Rồi đời bể dâu nên anh cũng dạt quê người. Nghĩa là ổng vượt biên đó!

Nhưng “Ngọn gió reo buồn trong nhánh mù u” là tui hổng chịu rồi. Reo là vui rồi kêu lên! Buồn mà reo cái gì? Viết là lay buồn hay ru buồn mới đúng!

Ðất Trà Vinh cũng tự mình sản sinh ra một nhạc sĩ nổi tiếng. Ðằng sau đôi mắt kiếng cận thị dày cui, nặng độ, Trúc Phương rất tài hoa với điệu Bolero. Và tui khoái nhứt là bài “Bông cỏ may”. “Những ngày chưa nhập ngũ, anh hay dắt em về, vùng ngoại ô có cỏ bông may”. Rồi lúc đi lính thì: “Ngủ trên cỏ may, thường khi vào tối, nhớ hương may, nhớ cả người”

Ðêm nay, tui lại nhớ cửa Trà Vinh. Nhớ Ba Ðộng, ngày xưa, đêm vượt biển! Nhớ gần Tết năm 1989, khi các nước vùng Ðông Nam Á hăm he sẽ đóng cửa trại tị nạn. Theo lời xúi biểu của thằng em đang ở Adelaide, bên Úc tui liều mình xuống thuyền, dông ra biển.

Bảo Huân

Chiều 28 Âm lịch nè, 34 năm về trước, bãi đáp ở Lò đường, Kinh Ngang, Mỏ Cày, Bến Tre, cái máy Ray 6  ù ù ra biển. Tài công sợ chạy gần bờ, du kích bắn sảng, nên cứ giữa dòng mà bường tới. Nước ròng, sát cửa biển có cái cồn cát, lé đé mặt nước. Trời tối hù ai thấy, thuyền lủi vô cái ịch, mắc kẹt sình, hết nhúc nhích, phải chờ nước lớn. Tui ló cái bản mặt của mình lên khoang, vừa nhìn mấy đứa nhỏ dân địa phương, trần truồng, mặt mày lấm lem bùn đất, đi bắt sò, bắt hến trên cồn, vừa hút thuốc nhìn trời hiu quạnh. Chắc xuân nầy anh hông về! Thôi phần số tới đâu hay tới đó. Cá chui vô rọ, chỉ biết chờ chiếc vỏ lãi của bọn công an biên phòng ra xúc về, nhốt Khám Lớn Vĩnh Bình.

Xem thêm:   Để trả lời một câu hỏi

Nhưng may thay cha con nó mắc bận nhậu Tết nên hổng có đứa nào rảnh mà đi ruồng bắt đám vượt biên. Mười hai tiếng sau, chiều tàn, đêm bủa lưới, bóng tối lan tỏa mặt sông đầy, nước lên, thuyền ra hàng đáy ngoài cửa biển, trái giờ, ngược gió. Sóng nó đánh đùng đùng. Thôi chạy trở vô!

Chín giờ đêm, tui nhảy cái tùm xuống bến sông, xã Mỹ Long, Cầu Ngang bì bõm, nước ngang cần cổ, chòi chòi leo lên bờ, rượt theo một em vợ xuân thì của thằng tài công về nhà em là quán cà phê trong xã trốn. Quần áo ướt nhẹp, em giấu tui trong cái mùng của em, sao mà ấm quá trời! Be he!

Rạng sáng sớm hôm sau, em đưa tui bằng xe Honda ôm ra bờ rẫy, đất giồng, cách bến xe chừng hai, ba cây số, để tui đón xe về Sài Gòn. Sau khi gom cả trăm ngàn đồng tiền dằn túi, tui đền ơn em.

Em cười hí hí, mà rằng: “Ði chuyến sau, xuống tìm em để em lo! Ðừng có thối chí nhe anh Hai! Có người đi tới chục lần mới được. Anh Hai mới có năm, ba lần mà nhằm nhò gì, Lần tới lại đi với em nhe! Em chờ!”

34 năm! Giờ người xưa của tui chắc đã thành bà Ngoại. Xin hẹn Ngoại Trà Vinh kiếp sau nhe!

DXT