Trong kho tàng văn chương Việt Nam mình, văn chương truyền khẩu, trong đó ca dao, phải nói là không có nhà thơ nào dẫu lừng danh đến đâu lại có thể qua mặt được.

Nhưng khổ nỗi ca dao là thơ khuyết danh, hổng biết tác giả là ai, để có gì không hiểu thì nhờ giải nghĩa dùm. Ðành phải tự mò mẫm như thằng mù sờ voi vậy.

Vì mình yêu cái đất Sài Gòn mà không biết yêu ca dao như: “Bắp non mà nướng lửa lò / Ðố ai ve được con đò Thủ Thiêm” hoặc: “Ðường Sài Gòn cong cong quẹo quẹo / Gái Sài Gòn khó ghẹo lắm anh ơi!” thì mình chỉ yêu Sài Gòn trên đầu môi chót lưỡi mà thôi!

o O o

Mới đây nè, tui lượm được câu “Thượng Thơ, Phó Soái, Thủ Ngữ treo cờ…

Bu-don (bouillon), ôm lết (omelette), bít tết (beef steak), xạc xây (sacré).

Mũ ni (menu) đánh đạo, bây giờ mày bỏ tao ơ!”

Vậy vốn khoe khoang là dân Sài Gòn, xà bông Cô Ba 72 phần dầu, mà bấy lâu tui đâu có biết Thượng Thơ là dinh Ðổng lý nội vụ (Direction de l’Intérieur) của Tây thực dân, cất năm 1864, giờ đã 160 tuổi.

Vì là chỗ làm việc của quan lớn nên bà con mình gọi là Dinh Thượng Thơ, từng xuất hiện trong phim Người Mỹ thầm lặng (năm 1958).

ton-nghi-mot-khuc-ca-dao

Bảo Huân

(Thời Pháp, Rue Catinat, thời mình, đường Tự Do. Sau 75, VC đổi tên thành đường Ðồng Khởi. “Ðồng khởi vùng lên mất Tự Do là vậy đó!

Thời Pháp, đường Lagrandìere, thời mình đường Gia Long. Sau 75, VC đổi là đường Lý Tự Trọng.)

Từ năm 1946, Dinh Thượng Thơ ở góc đường Tự Do và Gia Long nầy thành “Dinh Thủ hiến Nam Việt” rồi “Tòa Ðại biểu Nam Phần”, sau đó là “Bộ Kinh tế Việt Nam Cộng Hòa”.

Rồi hổm rày, nghe VC đòi đập bỏ dinh Thượng Thơ, dù nó còn ‘chiến’ lắm làm bà con mình la quá Trời! Nhưng VC ngoan cố nói không có trong danh sách bảo tồn nên được quyền đập, cất cái mới để có cái mà ăn chớ! Cái di tích nầy đâu có ích gì cho cái túi tiền của má nó.

o O o

Dinh Phó Soái nầy xây năm 1885, mới đầu tính làm Bảo tàng Thương mại để trưng bày sản phẩm Nam Kỳ. Nhưng Thống đốc Henri Eloi Danel (1889– 1892) thấy quá đẹp nên sung công làm dinh Phó Soái, (Gọi là dinh Phó Soái vì còn dưới một tay Thống Soái coi cả Ðông Dương gồm Việt, Miên, Lào).

Xem thêm:   Khăn choàng tắm?!

Năm 1954, ông Ngô Ðình Diệm về làm Thủ Tướng. Dinh được đặt cho tên mới là Dinh Gia Long.

Ngày 27, tháng 2, năm 1962, Dinh Ðộc Lập bị ném bom, Tổng thống Ngô Ðình Diệm lại dời về Dinh Gia Long cho đến ngày bị quân đảo chánh phản loạn giết hại vào ngày 2, tháng 11, năm 1963.

Thấy ông lớn nào vào ở đây, trước sau cũng bị bắt hay bị giết nên VC tin dị đoan, sợ xui, không đứa nào dám vô ở, bèn lấy Dinh Gia Long làm nhà Bảo Tàng.

o O o

So với Dinh Thượng Thơ và Dinh Phó Soái thì Thủ Ngữ tới 252 tuổi, già hơn rất là nhiều.

Ðiều nầy cũng dễ hiểu vì năm 1865, ngay sau khi chiếm được Sài Gòn, quân Pháp đã cho xây cột cờ Thủ Ngữ (Mât des Signaux) trên thương cảng Sài Gòn ở chân cầu Khánh Hội, góc đường Hàm Nghi hiện nay, (gồm ba tầng, phần dưới cùng là nền cao, phía trên xây một ngôi nhà bao quanh chân cột cờ, gian chính giữa cao hơn có phần mái hình bát giác) giúp tàu Tây từ mẫu quốc an toàn ra vô thương cảng Sài Gòn để tiếp tế súng ống đạn dược cho thực dân Pháp đi ăn cướp!

Theo học giả Vương Hồng Sển: “Trên chót vót ngọn cờ thường thấy treo ám ngữ, ban ngày là cờ vải, cờ màu, hoặc một quả bóng sơn đen. Ban đêm thì treo một ánh đèn, khi trắng khi đỏ, tức là ám hiệu báo tin cho tàu bè biết hiệu lịnh tránh lỗ rạn hiểm nguy, ghe thuyền qua lại, trong lúc vô ra sông Sài Gòn”.

o O o

Rồi Bu-don (bouillon), ôm lết (omelette), bít tết (beef steak), là tên các món ăn xạc xây (sacré) hầm bà lằng xắn cấu, của Tây.

Bouillon là súp các loại như nấm, cà chua, củ cải, ăn với bánh mì nướng.

‘Ôm lết’, hay ốp lết, (“Omelette”) là trứng, đánh cho tròng đỏ và tròng trắng lẫn vào với nhau rồi đổ vào chảo chiên chín. Rắc muối, tiêu, hành lá ăn nóng với bánh mì.

‘Bít tết’ là thịt bò chiên tái, chín vừa hay chín kỹ, ăn với khoai tây chiên và salad.

Xem thêm:   Để trả lời một câu hỏi

Nhưng câu cuối là: “Mũ ni (menu) đánh đạo (?!), bây giờ mày bỏ tao ơ!”.

Thú thiệt là tui không đủ sức hiểu, dù đã có nghe học giả Vương Hồng Sển giảng giải rằng:“Tiền nhựt, hồi trước có một cặp vợ chồng chắp nối, vợ là tay “dọn bàn” tứ chiếng làm cho Tây, chồng là tụi “nấu ăn” “ba rọi” của Pháp – hai người đụng nhau chung lưng làm nghề bán đồ lâm vố (do Pháp ngữ “rabiot” tức đồ dư!) (?!)

Ngày ngày đôi vợ chồng thay phiên nhau gánh gồng và đêm đêm mặc dầu mưa gió, anh và chị cũng phải quảy trên vai gánh “đồ Tây” bán như vậy từ đầu đường Tự Do ngang Dinh Thượng Thơ (Catinat) cho đến tận mé sông chỗ cột cờ Thủ Ngữ (Pointe des Blanguers) đợi khi nào nồi, soong sạch bách thức ăn mới đề huề cùng nhau gánh gánh không về nghỉ.

Dè đâu, cuộc làm ăn vừa khá thì anh chồng biến chứng sanh sứa chuyện nọ kia, mèo mỡ bê tha, bỏ gánh lại một mình chị vợ đảm đương, cui cút.

…Thân làm một mụ già trầu, một chị bếp dốt nát, ngờ đâu khi tâm hồn bị kích thích quá độ, lại sản xuất mấy câu bất hủ làm vầy, vừa lâm ly thống thiết, vừa tế nhị, bình dân. Không thể sửa chữa hoặc thêm bớt được chữ nào.

Vừa kể chị vừa nhắc ngày thường chồng vợ nhỏ to thủ thỉ luận câu đạo đức, té ra mấy câu “đánh đạo khuyên đời”(?) này mới rõ dẫu chép ra ắt không đầy tờ giấy lộn ra món ăn (menu): khổ ơi là khổ!  Trời ơi là Trời!”

o O o

Em yêu của người viết là một người tích cực ủng hộ nữ quyền. Em tự xưng mình là ‘feminist’, mà em đọc là ‘phe mình ních’, nghĩa là có tranh chấp gì với cánh đàn ông là phe mình ních (xơi) hết ráo. Như ly dị, chia của, chia nhà, bà lấy trong nhà, còn ông ở ngoài sân!

Nhưng lần nầy em yêu lại ‘tồn nghi’, nghĩa là ‘lợn cợn’ vì không thông cách cắt nghĩa của học giả Vương Hồng Sển.

Em biện luận là: ‘Làm vợ mà có chồng theo vợ bé chăng đi nữa thì thở than buồn như một cọng nhang tàn thắp khuya…Có hờn ghen là xé xác ‘con ngựa bà’ kia! Chớ đối với chồng, không có cái chuyện “Mũ ni (me nu)(?) đánh đạo, bây giờ mầy bỏ tao” bao giờ?!

Xem thêm:   Hùm Xám Cai Lậy.

Phụ nữ Sài Gòn ngoan hiền vậy đó! Chớ nào phải là dân ‘đá cá chợ Trần Quốc Toản hay lăn dưa chợ Cầu Ông Lãnh’. Phận làm vợ cho dù có bị phụ phàng duyên kiếp ba sinh chăng đi nữa không bao giờ có chuyện ‘mầy tao’ với chồng mình bao giờ hè?

Nếu có, là phát từ miệng của ông chồng, chí thú làm ăn, vợ lại dứt gánh sang ngang theo thằng Tây hay bồi Tây nào khác, bỏ anh ở lại mồ côi một mình nên giận quá, tức quá, không em yêu gì ráo mà trở lại xưng tao gọi mầy… chẳng còn thương quá gần gì hết ráo!”

Nên em không đồng ý với giả thuyết của học giả Vương Hồng Sển!

o O o

“Em nói thiệt cho anh nghe nhen. Vợ chồng người Việt mình sống với nhau dẫu không còn cái tình cũng còn cái nghĩa. Chồng thôi vợ, vợ bỏ chồng là không có trong tự điển của đời em!

Nhứt là thời buổi bây giờ, em cực kỳ căm ghét ông chồng nào về Việt Nam cưới bồ nhí đem qua mà phụ rẫy con vợ già. Bạn nhậu của anh mà có dã tâm như vậy đừng có khù khờ vác mặt tới nhà mình để nhậu! Gặp thằng chả, em sẽ lấy giàn ná bắn cho u đầu về cái tội tham đó bỏ đăng!”

Nghe em hăm như vậy làm tui run đổ mồ hôi hột hết trơn hè. Nhưng cũng ráng phỏng vấn em thêm một câu. “Còn mấy bà vợ bỏ chồng Việt đi lấy Tây thì sao?

Em lại binh vực phe ta: “Làm gì có chuyện đó chớ! Nếu có cũng là số ít!”

Cái bà vợ trong ca dao nầy bỏ chồng Việt đi lấy Tây hay bồi Tây là đáng đem đi câu sấu!”

“Ối! Chuyện của người ta mà! Quyền tự do luyến ái mà em chõ mỏ vô phê bình cái giống gì? Còn hạnh phúc còn ở, hết hạnh phúc… thời thôi nhau… cho nó phẻ!”

Em yêu bèn quắc mắt nhìn tui: “Còn anh thì sao? Có còn hạnh phúc với em không?”

“Dà dù có học gồng tui cũng hổng dám trả lời không!”

đxt melbourne

Danh-sach-bai-1099