Ngày 20, tháng 12, năm 1960, CS Bắc Việt Nam lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam (tức Việt Cộng). Mục đích của chúng là nhất quyết lật đổ chính quyền Miền Nam Việt Nam để dâng cho Cộng Sản Bắc Việt và quan thầy Nga Hoa.

Rồi cứ bốn năm một lần, CS Bắc Việt và tay sai mở ra những trận đánh lớn vào năm 1964, 1968, 1972. Nhưng suốt 15 năm, chiều dài cuộc chiến khốc liệt, thần chết hiếm khi chạm đến Sài Gòn. Ngoại trừ vài lần pháo kích, một số vụ đặt mìn khủng bố trên đường phố hoặc nhà hàng hay rạp hát…

Tuy nhiên cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân vào cố đô Huế và cuộc xâm nhập vào khuôn viên của Tòa Ðại sứ Mỹ ở Sài Gòn làm phong trào phản chiến ở Hoa Kỳ bùng lên,

Tổng thống Richard Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger, theo Hiệp định Hòa bình Paris năm 1973, đã đồng ý rút quân đội Hoa Kỳ. Nhưng ai cũng nghĩ nếu vẫn được Hoa Kỳ tận tình giúp đỡ, Miền Nam Việt Nam vẫn có thể sống sót, ngăn chặn được CS Miền Bắc xích hóa Miền Nam tự do.

Tuy nhiên “Ta hồ! Thời vận bất tề, mệnh đồ đa suyễn” (Than ôi! Thời vận chẳng đều nhau, đường đời nhiều ngang trái).

Năm 1973, về chính trị, Tổng thống Richard Nixon đang càng lúc càng lún sâu vào vụ bê bối ‘Watergate’. Về kinh tế, giá dầu thô tăng lên cộng với chi phí khổng lồ của cuộc chiến tranh làm lạm phát gia tăng. Hậu quả là: Quốc hội Mỹ cắt giảm quân viện mà Sài Gòn đã được hứa hẹn. Số đạn pháo, số phi vụ yễm trợ chiến trường đang sôi động bị giảm dần theo từng tháng. Cùng lúc với sự tận tình chi viện của đàn anh CS Nga Hoa, CS Bắc Việt vét hết tài nguyên, nhân vật lực cho một chiến dịch kéo dài dự trù hai năm, tới năm 1976. Nhưng cuộc chiến tranh đẫm máu đã kết thúc chóng vánh chỉ trong vòng hai tháng.

Quyết định của các cấp chỉ huy, rút quân khỏi Ban Mê Thuột, thủ phủ vùng Cao Nguyên, thuộc Quân Ðoàn 2, như một ván cờ ‘domino’, làm Huế, Ðà Nẵng thuộc Quân đoàn 1, sụp đổ theo sau.

Xem thêm:   Để trả lời một câu hỏi

Hình ảnh một người cha cõng trên vai một đứa con trai, một túi đựng đồ đạc rời bỏ làng quê của mình gần Trảng Bom trên Quốc lộ số 1 về phía tây bắc Sài Gòn, ngày 23 tháng 4 năm 1975 gây xúc động.

Cảnh loạn lạc khủng khiếp khắp nơi theo từng bước chân của đồng bào tị nạn về Nam trốn chạy CS, cho dù những người lính Việt Nam Cộng Hòa anh dũng hy sinh chiến đấu trong vô vọng.

o O o

Vào ngày 28, tháng 4, những tên CS nằm vùng bắt đầu lộ diện: như Phạm Xuân Ẩn, phóng viên báo Time, là điệp viên CS. Phi công phản loạn Nguyễn Thành Trung hướng dẫn Không quân CS Bắc Việt ném bom làm Phi trường Tân Sơn Nhứt bị bốc cháy.

Ngày 28, tháng 4, năm 1975, tại phòng Bầu Dục, Tòa Bạch Ốc, sau cuộc họp với Phó Tổng thống Nelson Rockefeller, Ngoại trưởng Henry Kissinger và Cố vấn An ninh Quốc gia Brent Scowcroft, Tổng thống Gerald Ford ra lịnh bắt đầu Chiến dịch ‘Frequent Wind’ (Gió thường xuyên)

Ðài phát thanh Quân đội Mỹ ở Sài Gòn phát đi mật khẩu: “Nhiệt độ ở Sài Gòn là 105 độ và đang tăng lên” và bài “White Christmas” do Bing Crosby hát. Trong đó có câu: “I’m Dreaming of a White Christmas” (Tôi đang mơ một mùa Giáng Sinh trắng). Ðó là một ám hiệu truyền tin báo cho người Mỹ biết là: ‘Hãy sẳn sàng chờ để được di tản khỏi Sài Gòn trong cơn hấp hối!”

Cùng lúc đó, tại nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, hai người con gái, còn rất trẻ, đứng trầm ngâm trước mộ của một người thân, một tử sỉ mới được chôn cất, chìm sâu dưới ba tấc đất gây ra bao dòng nước mắt.

Một người lính VNCH bị thương tập tễnh chiếc nạng, trên tay còn băng bó, rán cầm theo vài hộp thức ăn. Hình ảnh biểu tượng cho môt quân đội đã một thời chiến đấu rất kiêu hùng, giờ tàn tạ trong nỗi tuyệt vọng cô đơn gây ra bao niềm chua xót.

Tại Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ trên Ðại lộ Thống Nhứt, đám đông kêu gào xin được vào. Lính Thủy quân lục chiến Mỹ kéo những người có giấy tờ chứng nhận vào; một mặt chặn những người còn lại.

Xem thêm:   Kế Sách

Bức ảnh đen trắng của phóng viên người Hà Lan Hugh Van Es đã trở thành một hình ảnh mang tính biểu tượng, tượng trưng cho việc Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam.

(Vị trí của cuộc di tản này thường được xác định là sân thượng của Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ, nhưng thực tế không phải vậy. Những người trong ảnh đang ở trên tầng thượng của một chúng cư dành cho các quan chức CIA và gia đình.)

Ngoài khơi gần bờ biển Việt Nam, các nhân viên Hải quân Hoa Kỳ trên tàu USS Blue Ridge đẩy một chiếc trực thăng xuống  biển để dành chỗ cho nhiều chuyến bay khác di tản từ Sài Gòn.

Hình ảnh của các hãng thông tấn quốc tế đầy xúc động ghi lại: Một người mẹ Miền Nam và ba đứa con cúi mình trên trên một boong tàu chiến nhấp nhô ở Biển Ðông.

Tại Sài Gòn, hai chiếc trực thăng Sikorsky CH-53 đang trong một bãi đáp vốn là một bãi đậu xe! Thủy quân lục chiến Mỹ, quân phục ngụy trang chìm trong màu cây xanh vùng nhiệt đới. Chỉ có những nòng súng M 16 là thò ra từ dưới một bụi cây. Hai xạ thủ tay nắm chặt tay cây M16 và chiếc trực thăng chất đầy người Mỹ và người Việt cất cánh bay lên.

Lúc 7 giờ 53 phút, sáng ngày định mệnh 30 tháng 4, chiếc trực thăng cuối cùng cất cánh từ nóc Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn và hướng ra biển. Trong mười chín tiếng đồng hồ, 81 chiếc máy bay trực thăng chở khoảng 7,000 người ra hàng không mẫu hạm ở ngoài khơi.

o O o

Sài Gòn đã sống trong mộng mị trong suốt nhiều tuần lễ. Hầu như không ai biết mình phải làm gì? Có đi làm hay không? Có mua gì ở chợ hay không? Xăng có hay không?

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, nắng sớm chói chang chiếu trên những con đường vắng vẻ của Sài Gòn. Những con đường thông thường vào giờ đó thường đã bắt đầu ồn ào, náo nhiệt. Nỗi sợ bị Cộng sản tàn sát như Tết Mậu Thân ở Huế vào năm 1968 đã làm cho người dân Sài Gòn bị quẩn trí. Sài Gòn rùng mình! Quân Bắc Việt đã chuẩn bị sẵn sàng để bắn phá thành phố bằng pháo hạng nặng và tiến vào từng dãy nhà, nếu hệ thống phòng thủ mà chúng gặp phải vững chắc hơn.

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

Tại số 4, Ðại lộ Thống Nhứt, góc đường Mạc Ðĩnh Chi, gần Dinh Ðộc Lập. Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ, 6 tầng lầu trông giống như một pháo đài, không còn người Mỹ nào trong đó. Không có quan chức nào trong Tòa Ðô Chánh, số 86 đường Lê Thánh Tôn. Không có dân biểu nào trong Quốc Hội ở Công trường Lam Sơn. Trong Dinh Ðộc Lập, không có tổng thống; chỉ còn Tổng thống hai ngày Dương Văn Minh.

Nhà văn đoạt giải Nobel về văn chương John Steinbeck (1902-1968), người quyết liệt chống lại việc Hoa Kỳ vội vã rút quân đã chết!

Trong nhạc kịch ‘Miss Sài Gòn’ có lời thoại: “Những chiếc trực thăng đang trên đường bay tới. Ông Ðại sứ sẽ không rời đi. Sẽ đủ chỗ dành cho tất cả các bạn!”

Có một khoảng lặng trong thành phố. Có một nỗi buồn ập xuống với cơn mưa. Hoa Kỳ không còn ở Việt Nam nữa! Sài Gòn đã bị chiếm đóng! Sài Gòn tự do không còn nữa. Giờ nó là của Cộng Sản Viêt Nam!

o O o

Trong “The California’s Tale” (Câu chuyện về người California”), một truyện ngắn bi ai, Mark Twain đã kể rằng: vợ của Henry trên đường trở về thăm mẹ đã bị thổ dân da đỏ bắt cóc. Dẫu 19 năm trôi qua, cứ tới ngày em hẹn sẽ về, Henry vẫn đợi. Henry không chấp nhận sự thật đau lòng là người vợ yêu quý của mình đã chết.

Mới đầu, tôi không tin câu chuyện mà Mark Twain đã viết.  Nhưng sau biến cố mất Miền Nam năm 75, thì tôi tin Mark Twain.  Dẫu cách nay 46 năm ròng rã, niềm đau đớn như mới xảy ra vào tối hôm qua. Tôi cũng tin nhà thơ Thanh Nam (1931 – 1985) nữa!

“Một năm người có mười hai tháng

Ta trọn năm dài một Tháng Tư”

DXT