Hồi xưa sáng sớm, chừng 4, 5 giờ, trời chưa sáng bửng, thầy thông (phán), thầy ký, mấy ông làm công chức hay ra tiệm nước (tiếng Quảng Ðông gọi là “chà thỏi”) đầu đường ngay ở ngã tư đông ông đi qua, bà đi lại để “dẩm chà” (tức uống trà). Uống trà còn có nghĩa là ăn điểm tâm trước khi đi làm việc. Tàu khoái uống trà; Tây khoái uống cà phê (café). Người Việt khoái cả hai. Uống cà phê trước; uống trà sau. Cà phê tốn tiền; trà miễn phí; nhứt là trà ‘Thái Ðức’ (xin bà con đừng nói lái nhe!)

Ra tiệm nước, tía tui ăn mặc bảnh tỏn lắm. Áo bỏ vô quần, mang giày. Tóc của tía quăn dợn tự nhiên, rẽ đường ngôi bảy ba, xức ‘bi-ăng-tin’ (brilliantine) bóng lưỡng con ruồi đậu còn phải chống gậy kẻo té.

Ăn thì có mì, hủ tiếu, bánh bao, há cảo, xíu mại…Uống thì một ly xây chừng, (cà phê đen nhỏ) hay tài chừng (cà phê đen lớn). Phé nại (cà phê sữa) hoặc ‘bạt xửu’, ‘bạt xỉu’, ‘bạt xẩy’, nhiều sữa ít cà phê.

o O o

Còn trọng tài đá banh ‘xây phé nại’ là trọng tài không công bằng; vì thằng chả có uống ‘xây phé nại’ của đội bên kia nên xử ép đội của mình.

Ngoài ra còn có tiếng lóng nữa. Sữa nước sôi thì ‘hoảnh sủi nại’, là ‘len chẩy’ (anh đẹp trai). Cà phê đen là ‘hắc quẩy’ hắc xịt (hắc là đen như trong chữ dầu hắc). Melbourne xứ lạnh không thấy, chớ Miền Nam xứ nhiệt đới, xứ nóng hay uống cà phê đá là: ‘hắc quẩy sún lường’, nghĩa là anh Chà Và (đen) đi tắm.

Tiệm nước pha cà phê bằng cách cho cà phê bột (không phải cà phê Ban Mê Thuột nguyên chất đâu mà còn có trộn với một ít bột bắp, giá rẻ hơn, rang hơi khét khét) vào cái vợt may bằng vải xe lửa trắng đặt trong cái siêu đất (sau này là chiếc bình nhôm hoặc ‘inox’ có vòi).

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

Gọi là vải xe lửa vì nó từng được dùng lót các ghế hoặc treo trên các khung cửa sổ của chiếc xe lửa ngày xưa. Do nó mỏng nhẹ, thông thoáng, nước dễ thấm nhưng bền chắc.

Rót nước sôi vào dùng đũa quậy đều. Cầm cái siêu nghiêng miệng vòi chế cà phê vào ly trên mức chệt đẻo (vạch giữa ly) một chút thôi; đừng rót đầy quá, đổ! Ðặt ly cà phê lên dĩa, cho phổ ky (chạy bàn) bưng ra cho khách. Phổ ky quen tay có thể một tay bưng tới hai ly cà phê đi vù vù mà không đổ.

Cà phê vợt – nguồn sài gòn tiếp thị 

Ly cà phê phải có dĩa. Không phải chỉ làm đẹp mà vì đôi khi khách thích rót cà phê ra dĩa cho bớt nóng, rồi bưng dĩa lên húp.

Chúa Nhựt nghỉ làm, nhưng tía tui theo thói quen mỗi ngày vẫn ra tiệm nước ăn điểm tâm nhưng lần nầy có dắt tui theo.

Tương tự cha dẫn con đi ăn sáng, ông Bình Nguyên Lộc có kể: “Người cha kêu cà phê đen cho mình, nhưng kêu bằng thổ ngữ Quảng Ðông là ‘xây chừng’, nên thằng bé không hay biết. Chừng phổ ky đem món uống lại, nó mới nói: “Ba ơi, con muốn uống cà-phê như ba!”  “Ê, trẻ con không nên uống cà-phê”. Người cha vừa nói, vừa xé cái bánh tiêu, nhét xíu mại vào để làm nhưn, rồi trao cho con.

Xem thêm:   Hủ tiếu?

Thình lình, Kỳ ngây người ra: Chàng vừa thấy người cha gọi cho đứa bé cái ‘bạt xẩy’ tức cà phê ít có sữa nhiều.”

Rồi cũng theo Bình Nguyên Lộc, thời tiền chiến, các phổ ky trong tiệm nước Ba Tàu có kiểu kêu vào bếp bằng tiếng Quảng Ðông:

– Bàn số 3, bên Ðông, bà lùn, xây bạc xỉu!

Bàn số 4, bên Ðông, hủ tiếu không giá!

Bàn số 1, bên Tây, thêm bánh bao ngọt thằng nhỏ!

Bàn số 2, bên Tây, ông già râu, cà phê đen ly lớn, xíu mại to!

Tại sao cần phải xác định tọa độ bàn khách ngồi để làm chi? Ðể người trong bếp vốn biết rõ sở thích của từng vị khách quen mà pha cà phê cho đúng ý khách.

Phổ ky có óc hài hước thường đặt cho mỗi ông khách một cái tên thuộc loại ‘hỗn danh’ mà ông khách không biết mình đang bị thằng nhỏ chọc quê.

Khi khách ăn xong, phổ ky đếm dĩa, tô tính tiền. Khách lại quầy trả tiền thì phổ ky rao những câu hóm hỉnh, có vần có điệu như hát bằng tiếng Quảng như:

– Ông đầu hói mang khăn rằn, một đồng hai cắc.

– Bà Hai mập, ba đồng sáu cắc.

– Ông chủ ốm nón nỉ, tám đồng tư, hai bánh bao mang về.

Quảng cáo sản phẩm hãng Foremost trên vỏ hộp quẹt

Hồi đó, tía tui hút thuốc Melia vàng, ghiền cà phê nặng nên uống cà phê đen ít đường. Còn tui, là con nít, nên khoái ít cà phê nhiều sữa.

Tui khoái ‘Con Chim’ sữa đặc có đường của hãng Nestlé (Thụy Sĩ) đến Việt Nam vào năm 1916. Trên nhãn có in hình con chim. Chớ không phải sữa của con chim.

Xem thêm:   Đầu dê; thịt chó?

Sữa Kim Cương vì nhãn có in hình viên kim cương. Nghĩa là sữa nầy quý lắm, quý như kim cương. Chớ nó không phải là sữa của kiều nữ Kim Cương, con bà Bảy Nam, làm địch vận cho VC đâu nha.

Sữa Ông Thọ, Longevity, hãng Foremost. Ý muốn quảng cáo uống sữa ông Thọ sẽ sống thọ. Kêu sữa ông Thọ; chớ ông Thọ làm sao mà có sữa?

Sữa nầy của con “cow”, tức con bò cái, cô đặc lại, bỏ thêm đường rồi đóng lon đem đi bán tứ xứ, từ thành thị tới tuốt chợ xã, làng quê.

Hồi xưa, má kêu ra ông Mười Tiệm mua một lon sữa bò về để má pha ly cà phê sữa cho ba uống trước khi đi làm, pha bình sữa cho em bú tí. Uống hết sữa, lon dùng để đong gạo nấu cơm. Nấu một nồi cơm hai, ba lon gạo. Hoặc đem lon không ra sân tráng xi măng (ciment) trong xóm, trong hẻm để tạt lon. Hoặc làm xe đẩy bằng ống chỉ, lon sữa bò có đốt đèn cầy khi quay cháy lập lòe để chơi tối Trung Thu.

Rồi ca dao có câu: “Con tui khát sữa bú tay. Ai cho bú thép ngày rày mang ơn”.

Hồi nhỏ, má vắng nhà, đói bụng khóc thiếu điều lòi rún, anh bồng tui qua bà Ba Tèo xin cho bú thép. Tui cứ lắc lắc cái đầu không chịu. Chắc tui chê núm vú đen thui thấy gớm. Lớn lên, vợ vắng nhà, con tui khóc, bú thép, mầy dễ chịu chút đi, của ai cũng được mà. Vì sữa nầy cũng ngọt và ấm 37 độ rưỡi; bình sữa cũng đẹp cực kỳ của cô em hàng xóm.

ĐXT