Lời Giới Thiệu:

HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.

Khi anh Tuấn bước vào quán cà phê, ba người bạn thân đã có mặt. Ðược tiếng là lão Ngoan Ðồng vui tính và luôn luôn đến sớm để chiếm được chiếc bàn góc quán là địa điểm hẹn hò của nhóm “ông Tám”, đây là lần đầu tiên anh đến trễ, vì phải đưa thằng cháu ngoại đi làm răng. Anh cười giả lả:

– Ủa! sao đổi ngày họp mặt? Có chuyện gì quan trọng hả?

– Ðúng! hôm nay là ngày 10 tháng 4, sinh nhật của tôi và tôi muốn nhận lời chúc mừng của những người bạn thân nhất trong quãng đời còn lại ngắn ngủi này.

– Nghe mủi lòng quá ông ơi?

Sau nụ cười móm sọm, anh Ba Gà nói tiếp:

– Câu này còn mủi lòng hơn… đó cũng là ngày tôi bị Việt cộng  bắt tại Phú Bổn.

– Vậy, trong ngày sinh nhật “oái oăm” này ông khóc hay cười?

– Anh không  nhớ câu thơ của Nguyễn Công Trứ “Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe. Trần có vui sao chẳng cười khì”. Trong đời tôi, đó là ngày tôi khóc thật sự. Tôi là Trung đội trưởng thuộc trung đoàn 44, sư đoàn 23 Bộ binh. Tôi dẫn trung đội tiền thám, lọt vào ổ phục kích, anh em hy sinh gần hết, tôi bị thương nằm lại và bị bắt. Hôm nay, rủ mấy ông ra đây để cùng chia sẻ kỷ niệm vui buồn của tháng Tư đã làm thành những vết thương còn sẹo sau 48 năm.

Hít một hơi thuốc dài, anh Sáu Quân góp ý:

– Tôi đề nghị, để làm món quà sinh nhật đặc biệt cho Ba Gà, mỗi người sẽ kể lại một kỷ niệm đau buồn hoặc một ấn tượng khó quên trong những ngày tù tội sau tháng Tư bảy mươi lăm.

– Ừ! ý kiến hay đó.

– Ba Gà là tù binh sớm nhất, kể trước đi. Sao bị bắt ở Vùng 2 mà anh lại vô tù tại trại Chi Lăng, Châu Ðốc?

– Khi Vùng 2 thất thủ, cuộc tháo chạy tán loạn của dân chúng là cơ hội cho cộng quân làm đà tiến công, nên chúng lơ là đám tù binh, nhờ vậy mà tôi trốn thoát. Cuối cùng, tôi gặp được thằng bạn cùng khóa ở Cần Thơ, tá túc nhà nó, rồi ngu ngơ đi trình diện, định sau khi “học tập” xong sẽ  đi tìm gia đình đang thất lạc đâu đó. Ai ngờ làm tù mồ côi, đói khát triền miên vì không có thân nhân thăm viếng, tiếp tế. Nhờ bài học tự lực cánh sinh trong rừng, nên cóc nhái hay con gì nhúc nhích đều là món ăn quý giá của tôi, kể cả cây cỏ hoang. Ba má, chị em tôi di tản về Sài Gòn, dò la khắp nơi mà vẫn không nhận được tin tức gì nên tưởng tôi đã chết. Khi được thả ra, tôi lê lết khắp nơi để tìm kiếm gia đình. Cuối cùng, nhờ ơn Trời tôi gặp lại người thân. Bước vào nhà, tôi thấy hình mình trên bàn thờ với nhang đèn nhấp nháy, với chén cơm trộn bo bo và tô canh lỏng bỏng chỉ có nước và rau. Cả nhà cùng khóc. Chỉ có khóc thôi chứ không ai nói được câu nào.

Xem thêm:   Anh Hai Nổ

Quay qua anh Sáu Quân, Ba Gà hỏi:

– Còn anh, chắc cũng có nhiều chuyện đáng nhớ phải không?

– Năm 1976, tôi ở trại Chi Lăng. Lúc ấy, mới có hai mươi ba tuổi mà tóc tai loe hoe, trống hoác. Trời nắng chang chang bị bắt đi làm cỏ, cái đầu nóng ran chịu không thấu. Có một bữa đào đất, lượm được một mớ bao cát còn mới nguyên, đem về nghiên cứu kiểu xếp giấy hồi nhỏ, phát minh ra cái nón bằng bao cát. Khi đội ra ngoài, đám bạn tù chạy đến nhìn, trầm trồ xin mẫu. Sau đó, cả trại lúi húi đào tìm bao cát.  Không bao lâu trong trại xuất hiện một đạo quân đội nón bao cát, trông rất buồn cười. Tôi thì mãn nguyện khi nghĩ mình là nhà phát minh đại tài.

Anh Tuấn xen vào:

– Còn tôi, hồi vô tù tụi nó bắt đi tháo các vỉ sắt lót làm sân bay dã chiến trực thăng, trong đó có thanh sắt vuông ngắn chừng 1f, thanh sắt nầy dùng nối các vỉ sắt khi lót liền nhau. Ðó là chiến lợi phẩm vô cùng lợi hại, dùng làm búa, rèn dao. Có anh chàng Trung úy Sư đoàn 21, gia đình sinh sống bằng nghề rèn nên có kinh nghiệm. Khi theo toán nhà bếp, tận dụng lửa than hừng hực anh đã chế được cưa và đục từ những thanh sắt vuông. Từ đó, dấy lên phong trào làm lược chải tóc bằng những cây cọc lều nhôm nhặt được. Tôi cũng làm được một cây lược và khắc lên đó câu hát lãng mạn “Tóc em từng sợi nhỏ, rớt xuống đời làm sóng lênh đênh” để làm quà tặng người yêu -người con gái thủy chung đi thăm người tình bại trận. Không thể tả hết nỗi xúc động và sung sướng khi nàng từ Sài Gòn lặn lội đến trại tù. Nhìn nàng mong manh như lá cỏ, tay cầm món quà, tay lau nước mắt tôi cảm thấy mình hạnh phúc lạ thường. Bốn mươi tám năm đã trôi qua, giờ nhắc lại khoảnh khắc ấy tôi vẫn còn bồi hồi.

Xem thêm:   Để trả lời một câu hỏi

Bảy Nghệ chồm tới:

– -Bà nhà anh còn giữ cái lược đó không và có bồi hồi giống anh mỗi khi nhắc đến?

– Còn chứ. Ðó là kỷ vật quý giá nên khi vượt biên tôi cũng mang theo. Nhà tôi vẫn hay nhắc chuyện xưa. Còn bồi hồi hay không thì tôi không biết, nhưng chắc chắn là có ấm ức.

– Ấm ức cái gì? Không lẽ ông làm thêm cái lược nữa để tặng nàng khác.

Anh Tuấn trợn mắt:

– Làm gì có chuyện đó. Ông có nhớ câu hát “Nhiều khi trong giấc mộng mồ hôi kêu tên em, kêu chỉ một tên” không?  Mới nghe có vẻ sến, nhưng ngẫm nghĩ  thì ý nghĩa của nó sâu xa hơn, khiến phái nữ dễ mềm lòng, cảm động vì nó diễn tả  lòng chung thủy của chàng đối với nàng. Và tôi là hình ảnh của người tình chung thủy đó.

Anh Ba Gà cướp lời:

– Ha!ha! chuyện khó tin mà không có thật. Nhưng tôi đang thắc mắc cái vụ ấm ức của bả nè.

– Thì bả đổ thừa, tại vì câu “tóc em từng sợi nhỏ, rớt xuống đời…” vận vào đời bả, nên mái tóc dài óng ả ngày xưa bây giờ chỉ còn là “tóc gió thôi bay”. Nghĩ mà thương, có lần bả hỏi tôi “Anh nhìn em có chán không, nói thiệt đi”. Mấy ông nghĩ coi, cả tuổi xuân người ta đã tặng hết cho mình để giữ tròn chung thủy. Ðiều này đâu phải ai cũng có được. Thương không hết làm sao có thể chán, phải không?

Bảy Nghệ thở dài, mặt mày buồn xo:

– Anh là người hạnh phúc nhất trên đời, còn tôi thì ngược lại.  Nàng của anh mới là bồ thôi mà chung thủy đợi chờ anh. Còn tôi, hai vợ chồng đã có với nhau một đứa con, nhưng nàng chỉ làm hòn vọng phu có một năm thì vội xuống núi đi theo tiếng gọi con chim.

– Chắc tại  hồi còn áo mão xênh xang, ông có “tam cung lục viện” làm bả đau khổ, nên khi có dịp rửa hận thì bả ra tay.

Xem thêm:   Khăn choàng tắm?!

– Sai! tôi là người chồng lý tưởng, hết lòng thương vợ, thương con, chăm lo gia đình, nhưng chắc tại tôi học hát vọng cổ trong tù nên bị thần núi Thất Sơn cho lãnh họa vào thân.

– Hừ! dựa vào đâu mà ông dám đổ thừa cho Thần thánh.

Bảy Nghệ nghiêm mặt phân bua:

– Khi ở tù hơn một năm, thỉnh thoảng buổi trưa có người ngồi ở góc nhà tập hát vọng cổ. Ðiều này hơi lạ, vì hầu hết anh em thường hát tân nhạc. Từ từ có thêm vài ba người ca vọng cổ. Sau một thời gian tìm hiểu lý do thì mọi người có cùng một kết luận, anh nào ca vọng cổ là anh đó đã bị vợ bỏ. Vọng cổ nghe cũng hay, nhất là khi có người làm được cây đàn guitar cổ nhạc bằng vật dụng tự chế. Nghe riết tôi đâm mê, thế là tôi tập hát vọng cổ. Bạn bè xung quanh hỏi “Ủa, hổng lẽ… vợ mày… sang sông”. Với lòng tự tin, tôi cười “Vợ tôi sẽ chung thủy chờ đợi tôi cho dù sau này có hóa đá như hòn vọng phu. Tôi thích nên tập hát chơi, biết đâu sau này về quê làm ruộng, gặp dịp may trở thành kép hát vườn”. Có người chọc quê tôi “Hát vọng cổ đi rồi sẽ có ngày “hòn vọng phu” của ông bước xuống núi, một đi không trở lại”. Tôi tin vợ nên hăng hái cá cược, nếu bị vợ bỏ trong thời gian ở tù, tôi sẽ chung cho anh ta một con gà mái dầu và một lít rượu đế Gò Ðen. Vậy mà chỉ ba tháng sau, trong đợt thăm nuôi lần thứ hai, tôi chỉ gặp mẹ và em gái, còn vợ thì bóng chim tăm cá. Từ dạo đó tôi thường tự hỏi, có phải là ông tổ vọng cổ muốn con cháu mình phải độc thân tại chỗ?

Ba Gà cúi đầu xuống thấp, ngó trước ngó sau rồi nhỏ giọng hỏi:

– Ông thường than bà xã thứ hai này dữ dằn quá, tính tình kỳ cục làm ông muốn nghẹt thở. Sao không đem chiêu vọng cổ ra xài cho đời bớt khổ?

– Ðời mà ông, có lúc nghẹt thở nhưng có lúc cũng chứa chan hạnh phúc. Chỉ có điều, ráng học thuộc chữ “nhẫn” để vợ chồng già còn hủ hỉ bên nhau lúc tuổi xế chiều sau bao mất mát, đau thương vì cuộc chiến tàn khốc mà mình là nạn nhân.

DHS