Ðịnh cư ở nước Mỹ, nước Úc, nước Canada, bà con ‘Mít’ của mình đều có cái sướng là ăn cái gì cũng gấp hai lần. Tết cũng hai; Tết Tây rồi Tết ta. Ngày Từ mẫu cũng hai. Mother’s Day của Tây rồi Vu Lan của ta.

Ăn hoài hè; hèn chi mấy chị em mình phục phịch, ục ịch như cái hột mít. Còn phe ta cứ vác cái thùng nước lèo è ạch, lịch bịch như con vịt (bầu) đi xuống đi lên quán nhậu.

(Nhớ coi chừng mỡ máu! Già rồi mình hay sợ mỡ máu cao làm nghẹt tim, xí lắt léo bất tử! Nhưng bác sĩ sẽ vui hơn vì có thêm nhiều bệnh nhân đến khám. Nhiều bệnh nhân là ông, bà bác sĩ kéo ‘Medicare’, tính tiền bảo hiểm mệt nghỉ.

o O o

Mà bà con có để ý rằng ngày kỷ niệm hàng năm cho bất cứ ai là người đó sống một cuộc đời đầu tắt mặt tối, cực chết Mẹ.

Chẳng hạn kỷ niệm 30 tháng Tư, CS chiếm Sài Gòn bà còn mình ai cũng khóc. Rồi Anzac Day của Úc, 25 tháng Tư, tưởng nhớ những người đã ngã xuống hy sinh cho dân Úc nầy được sống tự do mà ăn với nhậu.

Tiểu bang Victoria nơi tui bèo dạt hoa trôi tới hàng năm có 13 ngày lễ chánh thức, do Quốc hội tiểu bang ấn định. Nếu nó rớt vào Thứ Bảy hoặc Chủ Nhựt thì công nhân được nghỉ bù thêm ngày thứ Hai, gọi là ‘long weekend’. Mấy anh mình được tháo ách, nghỉ cày tới 3 ngày liên tiếp, nhậu đã điếu luôn.

Ai buộc phải đi làm thì chủ cả phải trả gấp hai lần rưỡi ngày thường. Vậy cũng công bằng vì thiên hạ đi chơi mà mình lại phải đi cày, phải bù thêm cho tui một mớ chớ!

Ngoài ra Úc còn có những ngày lễ không chánh thức do đại ca Mỹ phát kiến rồi tiểu đệ Úc bắt chước theo đuôi. Dẫu có người càm ràm là: Valentine’ Day, Mother’s Day, Father’s Day… đã bị thương mại hóa, làm mất ý nghĩa sâu xa của nó hết trơn, hết trọi hè!

Ối nền kinh tế tư bản phải dựa vào sự tiêu thụ mà. Tự do bán và dụ khị mua. Mình hổng mua thì thôi; đâu ai ép uổng thì càm ràm cái giống gì hè?

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

Té ra thằng cha càm ràm đó là một chàng áo vũ cơ hàn, móc bọc, mậu lúi. Thằng chả túi hổng có một xu nên cà nanh với thiên hạ đó thôi.

o O o

Mother’s Day của Mỹ, của Úc theo thông lệ hằng năm vào ngày Chủ Nhựt thứ hai của tháng Năm. Năm nay nó rơi vào mùng 9, tháng 5, năm 2021.

Ngày Chủ Nhựt lúc sở sùng, trường học đều đóng cửa. Bà con mình rất huỡn nên nhà hàng, quán cà phê, siêu thị tưng bừng mở cửa phục vụ tận tình một năm một ngày tạ ơn Từ Mẫu!

Tiệm bán hoa cũng làm ăn khấm khá; khách hàng vô ra nườm nượp để mua hoa cẩm chướng (carnation) để dâng tặng Mẹ mình. Cái truyền thống tặng hoa cẩm chướng nầy là do Anna Jarvis khởi xướng vào ngày 10, tháng Năm, năm 1908, tại West Virginia Hoa Kỳ; vì hồi sanh tiền Mẹ cô rất yêu loài hoa ấy.

(Nhưng hổng biết bà con Mít mình có để ý là có lúc Tây nó chọn hoa màu đỏ; có lúc nó chọn hoa màu trắng?

Theo thiển ý của tui là: Màu đỏ của hoa hồng là màu máu của con tim, tim còn máu là còn đập, là mình còn sống. Còn sống tất còn yêu! Nhỏ thì yêu Ba, yêu Má; lớn lên thì yêu em.

Còn màu trắng là màu của nước mắt, khóc than cái gì mình dấu yêu đã mất. Như mất Mẹ mùa Vu Lan, tức Từ Mẫu của Mít mình, thì những đứa mồ côi cài bông hồng trắng.

Phải hiểu ý nghĩa của màu hoa như thế để giúp mình đi ‘dê’ con gái Úc bằng cử chỉ. Bởi vì dùng lời nói có khi mình bị ‘ọt rơ’.

Hồi mới qua Úc, tui khoái khoái một em Hồng Mao (lông màu hồng), Úc gốc Anh, hàng xóm sát bên nhà. Tỏ tình, tui mua tặng em một bông hồng đỏ thắm để em hửi. Một hộp ‘chocolate’ em ăn cho ngọt để em đừng sợ dính với tui thì đời em sẽ nhiều cay đắng.

Hôm sau, tui thấy trong thùng rác nhà em cái bông hồng đỏ thắm tình tui nằm chình ình trong đó. Riêng ‘chocolate’ thì chỉ còn cái vỏ. Té ra em muốn gởi cho tui cái thông điệp là hổng cần tình anh Mít; đời em cũng đã ngọt lắm rồi nhờ hộp ‘chocolate’ của anh.

Xem thêm:   Hủ tiếu?

Hôm sau tui lại tặng cho em một cái bông màu trắng, màu nước mắt. Ý tui muốn nhắn với em rằng: “Em hổng chịu yêu tui là đời tui toàn nước mắt!”

Thấy tui cứ tấn công ráo riết, tỏ tình một cách văn nghệ, văn gừng cảm động dễ sợ đến thế, sợ cầm lòng không được nữa; em bèn dọn nhà đi chỗ khác!)

Bảo Huân

o O o

Tình mẫu tử Tây và Ta có nhiều điều rất khác. Văn hóa phong tục tập quán vân vân và vân vân… Tuy nhiên tình mẫu tử không có phân biệt chủng tộc màu da gì hết ráo, đứa nào như đứa nấy; ai cũng như nhau. Da trắng, đen, vàng, đỏ thì Mẹ cũng thương con như Biển Hồ lai láng, con thương Mẹ tính tháng tính ngày đó thôi.

Giống nhau cách suy nghĩ; nhưng cách biểu hiện giữa Tây và Ta nó có khác. Dưới mắt những người con Việt, Mẹ mình là một người phụ nữ yêu chồng, thương con, nên dầm mưa dãi nắng sớm hôm tần tảo:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông/Nuôi đủ năm con với một chồng/Lặn lội thân cò khi quãng vắng/Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

(Thơ Tú Xương)

(Nên nhớ bà Tú Xương buôn bán cực khổ nuôi  5 đứa con trước đã. Xong mới tính tới ông chồng Tú Xương; vì ổng tối ngày chỉ nhậu cho đã rồi làm thơ không hè!)

Chính vì sự hy sinh vô bờ bến của người Mẹ nên chúng ta mới có ngày Từ mẫu. Vì Mẹ mang nặng đẻ đau, 3 năm bú mớm. Con lớn sầm sầm cái đầu mà tối ngày Mẹ cứ theo hỏi: “Tèo con có đói bụng không để Mẹ đi nấu cơm?”

Rồi lớn lên, thằng Tèo cưới vợ. Vợ đẻ con, một bầy đông như quân Nguyên. Mỗi lần cái đám lốc cốc tử nầy thăm, bếp nhà Mẹ nghi ngút khói. Làm lối xóm cứ tưởng Mẹ mới mở nhà hàng!

Còn con Tây nhìn Mẹ mình hơi khác. Thấy tài năng của Mẹ không thua gì Bố; có khi còn giỏi hơn nữa kìa. Nhưng cái nhận xét về tài năng của con Tây đối người Mẹ biến thiên hoài, lên bổng xuống trầm theo đời người năm tháng.

  1. Lên 8 tuổi. Mẹ cái gì cũng làm được. Mẹ biết đủ thứ, biết thiệt nhiều. Biết ngay cả cái mật khẩu ‘facebook’ của Bố. Biết ngay chóc ngày Bố lãnh lương, được bao nhiêu tiền?
  2. Lên 12 tuổi. Té ra có vài điều Mẹ không có biết. Chẳng hạn như Bố hay ngóng qua hàng rào, nhìn cô hàng xóm đang tô hô nằm tắm nắng. Thiên hạ ai cũng biết mà Mẹ lại là người không biết?
  3. Lên 16 tuổi. Mẹ mình xưa quá! Mặc thời trang, quần ‘jeans’ xé rách vài miếng vậy mà Mẹ chê xấu hoắc, Mẹ lạc hậu mất rồi! Cứ bắt con ăn mặc y theo ý Mẹ mới được hè.
Xem thêm:   Để trả lời một câu hỏi

“Kìa nhìn đứa kia tóc ngắn, quần ‘jeans’ rách hai miếng ở đầu gối, vậy mà cũng gọi là thời trang! Chẳng cách chi phân biệt được là trai hay gái!?”

“Nó là con gái cưng của tui đó!”

“Xin lỗi ông! Tui không biết ông chính là cha của cô bé ấy!”

“Không phải cha đâu. Tui là Mẹ của nó!”

  1. Lên 25 tuổi. Con gái Tây hổng biết thằng bạn trai mình có phải dòng dõi Bùi Kiệm làm biếng học, thi rớt hoài. Hay là chàng Sở Khanh, chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao? Trước khi quyết định trao thân ngà ngọc về cho nó vọc… là phải hỏi ý Mẹ mình mới được. Cái nầy chắc Mẹ em cũng biết!
  2. Lên 45 tuổi. Muốn đập bể cây đàn, dứt gánh sang ngang vì thằng chồng tối ngày chỉ lo ăn nhậu. Sao cứ mãi ngần ngừ? Thôi nó rồi, biết có còn kiếm được ai khác hay không? Ruột rối như tơ vò! Phải hỏi ý Mẹ mình mới được.
  3. Lên 65 tuổi. Không còn Mẹ nữa. Tài sản quý nhứt cuộc đời đã lẳng lặng ra đi. Kể từ đây, vui chẳng dám cười mà buồn chẳng dám than! Ðâu có ai, kể cả con vợ của mình, nó chịu nghe đâu!

Kết luận: Mất Mẹ rồi ở tuổi nào đi chăng nữa mình vẫn là một đứa bé mồ côi. Hu hu!

ĐXT

Melbourne