Giữa dân Úc và bà con Nam kỳ Lục tỉnh của mình có nhiều điểm tương đồng – cùng bị áp bức, phải bỏ xứ ra đi đến vùng đất xa xăm. Ðất cũ đãi người mới, vừa làm vừa chơi cũng có ăn nên phè cánh nhạn.

Lạch bạch như con vịt trên đường, thất tha thất thểu. Nếu da trắng là Úc chánh tông; còn da vàng chắc chắn là bà con miền Lục tỉnh quê mình. Tánh giống nhau nên suy nghĩ cũng không khác mấy. Cả Úc lẫn Việt đều đồng ý là cần cảnh sát để giữ gìn an ninh cho mình (chớ hổng phải vô cái đồn công an rồi ra trên chiếc băng ca; rồi hòm gỗ cài hoa như ở quê ta bây giờ).

Tuy nhiên dân Úc rặt nó đâu có ngán cảnh sát. Bị ăn hiếp, nó đi thưa. Trái lại, bà con mình thì tránh voi chẳng xấu mặt nào. Trong sở làm bị thằng ‘boss’ ăn hiếp một cách vô lý cũng nín khe; vì đấu tranh thì sợ bị trâu đánh. Cứ tự an ủi: nó ăn hiếp mình như nó ăn hiếp thằng cha của nó vậy.

Thế hệ thứ hai, con cháu mình là hổng chịu cái vụ nhịn là nhục nầy. Hổng làm trật là hổng sợ ai hết ráo! Cảnh sát Úc cũng không được quyền ngồi xổm lên luật pháp bao giờ. Cái quyền công dân chánh đáng dân Úc cũng đấu tranh dữ lắm, chớ hổng có cái vụ trên trời rớt xuống, dưới đất chui lên. Phản kháng nhè nhẹ là dùng lời nói như câu chuyện dưới đây:

Vào sáng ngày Giáng Sinh, một tay ‘cớm’ Úc đang ngồi trên lưng ngựa cạnh một cột đèn giao thông, để chờ mấy đứa nào suốt tối hôm qua nhậu quá xá, say xỉn, liều mạng chạy qua là ghi giấy phạt, tước bằng lái cho nó tởn tới già, đừng đi nước mặn mà hà ăn chưn. Chờ hoài mà hổng có xe nào chạy qua mà phạm luật cả! Chẳng qua mấy thằng tài xế láu cá khác thấy cảnh sát đón đường đã nhá đèn báo động cho những tài xế đang ngược chiều né trước, dù hổng có bà con thân thích ruột thịt gì ráo.

Ngồi trên lưng ngựa huỡn quá, mà gió thổi hiu hiu buồn ngủ, nên thầy đội bắt chuyện với một thằng nhóc tì Úc đang chờ đèn chớp xanh để băng qua lộ.

Xem thêm:   Để trả lời một câu hỏi

“Ê nhóc! Chú mầy có chiếc xe đạp đẹp quá he! Có phải Santa Claus cho chú mầy hông vậy?” Thằng nhóc gật đầu: “Phải”

“Nè! Năm tới, chú mầy nhớ nhắc Santa gắn đèn sau cho chiếc xe đạp nhé!”

Xong thầy đội biên một giấy phạt 20 đô về lỗi vi phạm luật an toàn giao thông.

Thằng nhóc nhận giấy phạt xong, nói: “Con lừa nầy cà chớn quá!”.

Thầy đội vội ra vẻ ta đây “Ðây là con ngựa chớ hổng phải con lừa!”. Thằng nhóc nói: “Cháu đang nói chuyện với con ngựa mà!”

o O o

Chắc thằng nhóc tì nầy là Úc gốc Irish nên trong dòng máu của nó đã thừa hưởng từ Ned Kelly, tay anh chị lục lâm thảo khấu. Chuyện rằng: Năm 1861, dân số tiểu bang Victoria chỉ trong 10 năm đã tăng lên gấp 10, tới 540 ngàn; vì mỏ vàng được phát hiện ở Ballarat và Bendigo. Thiên hạ đổ xô tới đi tìm vàng. ‘Gold Rush!’

Sáng lui cui đi đào vàng, chiều về nhậu xỉn, giành gái, đánh lộn ì xèo. Số cảnh sát không đủ để giữ gìn an ninh trật tự. Tuyển thêm cảnh sát ngay tại chỗ hơi khó vì toàn là ‘convict’, (tội phạm) đi đày không hè. Vậy là phải về mẫu quốc, nhưng mấy tay cảnh sát tân tuyển từ bên Anh đa số theo đạo Tin Lành (Protestant) phân biệt đối xử với di dân Irish vốn theo đạo Thiên Chúa (Catholic).

Do chạy trốn nạn đói vì suy trầm kinh tế ở Ireland, nên qua đây đa số dân Irish nghèo. Ðất canh tác màu mỡ đã bị đám địa chủ hối lộ, cấu kết với bọn chánh trị gia và bọn cảnh sát bất lương chiếm hết. Bất công như vậy thì ắt có người đứng lên chống lại: đó là băng đảng của Ned Kelly.

Ned Kelly sanh năm 1854 tại Beveridge, một thị trấn nhỏ về hướng Bắc của Melbourne. Cha của Ned là John ‘Red’ Kelly bị đi đày qua Úc vì tội ăn trộm heo. Qua Úc, John ăn trộm ngựa. Ned Kelly mới 16 tuổi cũng bị ở tù 3 năm khổ sai về tội trộm ngựa. (Ðúng là con ơi nghe lấy lời cha. Một đêm trộm ngựa bằng ba năm làm).

Ra tù, Ned và em là Dan Kelly cùng hai bạn tù là Joseph Byrne and Steve Hart lập ra băng đảng Kelly. Ngày 15 tháng Tư, năm 1878, cảnh sát viên Fitzpatrick đến nhà Kelly để bắt Dan cũng về tội trộm ngựa. Ned chống lại, bắn Fitzpatrick trúng cổ tay rồi cả bốn trốn vào rừng. Cảnh sát bèn bắt mẹ của Ned là Ellen Kelly nhốt ba năm về tội giúp đỡ con mình. Thấy mẹ mình bị cảnh sát đối xử tàn tệ nên anh em nhà Kelly rất lấy làm căm hận.

Xem thêm:   Kế Sách

Ngày 26 tháng Mười, 1878, thượng sĩ Kennedy và ba cảnh sát viên là McIntyre, Lonigan and Scanlon được phái đi truy lùng Ned và đồng bọn. Kết quả địch chẳng sướt một miếng da; phe ta ba đứa chầu tiên tổ. Chỉ còn tay cớm McIntyre sống sót.

Cảnh sát Victoria ra lịnh cho băng Kelly nộp mình. (Giết ba cảnh sát thì ngu sao mà đầu thú).

Thế là băng Kelly bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, gặp là ‘phơ’ ngay tại chỗ. Bắt sống xử tử ngay; khỏi đưa ra Tòa chi cho nó lâu lắc. Còn ai bắt được (dù sống hay chết) giao nạp cho cảnh sát sẽ được trọng thưởng.

Ðêm 26 tháng Sáu, năm 1880, Joe Byrne and Dan Kelly bắn chết Aaron Sherritt, một đồng đảng cũ giờ là mật báo viên cho cảnh sát. Cảnh sát từ Melbourne lên vây chặt lấy lữ quán Glenrowan, nơi băng đảng Kelly đang ẩn náu.

Joe Byrne bị bắn chết. Lữ quán bị cảnh sát đốt, Dan Kelly và Steve Hart bị chết cháy. Ned Kelly mang giáp chống đạn chống trả quyết liệt nhưng bị bắn vào chân và bị bắt. Ngày 11 tháng Mười Một, năm 1880, lúc 10 giờ sáng, Ned Kelly bị treo cổ tại khám lớn Melbourne.

Tên đầu lĩnh lục lâm thảo khấu cầm đầu băng đảng chuyên ăn trộm ngựa, cướp nhà băng, giết cảnh sát lại được dân Úc xưa giờ ca tụng là một anh hùng trong cõi nhân gian — vì dám chống lại sự áp bức, bất công của bọn cầm quyền.

luc-lam-thao-khau

Bảo Huân

o O o

Còn ở Lục tỉnh Nam kỳ nước ta, cũng có một băng đảng lục lâm thảo khấu, chuyên ăn cướp của người giàu chia cho người nghèo vào đầu thế kỷ 20. Ðầu lĩnh là Lê Văn Tín, quê gốc Cao Lãnh. Nhỏ ham luyện võ nghệ, lớn lên làm ăn cướp. Biệt danh là Ðơn Hùng Tín (sống cuối nhà Tùy bên Tàu hay giao du cùng bọn thảo khấu như Tần Thúc Bảo cũng chuyên đi ăn trộm ngựa).

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

Giới giàu có sợ Tín, giới giang hồ đều nể mặt, vì tin là Tín có bùa. Nhà văn Sơn Nam giải nghĩa: Bùa ‘Thiên Thư bí quyết’ là sách dạy ảo thuật của một đồng bọn với Ðơn Hùng Tín, là Giáo Phép. Ðầu đạn bắn ra làm bằng sáp, còn đầu đạn trong miệng Ðơn Hùng Tín nhả ra đã được ngậm từ trước. Thì làm sao mà chết? (Té ra Ðơn Hùng Tín vừa có tài ăn cướp vừa có ảo thuật.) Một giai thoại Ðơn Hùng Tín đi ăn cướp như vầy:

Hôm ấy thầy Cai (tổng) làm lễ vu quy cho con. Quan chức hội tề, điền chủ các làng tới chung vui. “Con ơi, tháng Chạp tới đây là ngày con được ghi vào sổ nhân duyên, trên cung đàn nhấn phím tơ loan đàn bản cầm sắt cho duyên hai con bền chắc… ”

Một chiếc ghe hầu cập bến. “Xin thầy Cai nhận cặp rượu sâm banh với hai gói trà Ô Long Kỳ Chưởng gọi là chút quà mọn”.

Chàng rể và cô dâu ra chào bà con hai họ và thân bằng quyến thuộc, để khách tặng bao thơ giúp vốn cho cặp vợ chồng trẻ ra riêng. Ðúng vào lúc đó, Ðơn Hùng Tín móc súng ra, tất cả các bà đều riu ríu nộp hết cà rá, dây chuyền đang đeo đỏ tay và tiền đi đám cưới. Ung dung từ biệt hai họ, Tín sai đàn em nhổ sào chống ghe hầu đi mất!

Cuối cùng bị đàn em phản bội, chỉ điểm, Ðơn Hùng Tín bị Tây bắn chết trên sông Tiền, đoạn giữa Mỹ Tho và cù lao Rồng (cồn Tân Long bây giờ). Học giả Vương Hồng Sển, theo lịnh Tây thuở đó, bán đấu giá chiếc ghe lườn của Ðơn Hùng Tín. Nhưng bán hớ! Vì người trúng thầu biết Ðơn Hùng Tín đã giấu vàng lá trong ghe. Thiệt là cốc mò cò xơi!

Nguyên nhân Miệt Dưới – Miệt Vườn đều có bọn lục lâm thảo khấu là vì luật pháp không công bằng, xã hội loạn lạc, trộm cướp ắt nổi lên như rươi. Xưa giờ cũng vậy!

ĐXT

Melbourne