Thời hậu chiến, dân Châu Âu mới đầu mua một chiếc xe đạp có gắn động cơ kẹp trên sườn xe. Sau đó họ mua một chiếc ‘xì-cút- tơ’ (scooter). Rồi một chiếc xe mô tô. Rồi một chiếc xe hơi nhỏ và cứ thế. Nước Nhựt cũng không là ngoại lệ. Còn Miền Nam ta sau 75 thì cứ thế mà ngược lại!

Năm 1954, khi đến thăm Cộng Hoà Liên Bang Ðức (Tây Ðức), Soichiro Honda, phụ trách sản xuất, và Takeo Fujisawa, giám đốc tài chánh của công ty Honda Motor, đã bị chiếc xe gắn máy Kreidler K50 đời 1954 của Ðức Quốc hoàn toàn chinh phục.

Về nước, Takeo Fujisawa thúc đẩy Soichiro Honda nhắm vào thị trường nội địa của Nhựt, dựa trên kiểu xe của Ðức để chế ra một chiếc xe rẻ tiền hơn cho dễ bán. Vì thời buổi đó, người dân Nhựt đang nghèo mạt rệp. Nước Nhựt tan hoang vì hai trái bom nguyên tử rồi thua trận.

Fujisawa thấy chiếc xe máy của hãng Ðức chế cho người Ðức, vóc dáng cao to, xe cồng kềnh. Vóc dáng người Nhựt nhỏ con, xe phải nhỏ, gọn. Fujisawa muốn hãng Honda Motor chế ra một chiếc xe cỡ 50 cc, với một tấm bửng nhựa ‘polyethylene’ che động cơ và các dây bên trong để giảm trọng lượng xe. Tất nhiên giá thành hạ dễ bán.

Chiếc xe nầy có thể lái một tay. Tay kia có thể mang theo một khay mì. Mỗi cửa hàng bán mì sẽ muốn có một xe như thế để giao hàng. Mà khắp nước Nhựt có cả mấy chục ngàn tiệm mì. Vậy là Honda Juno, tay vặn ga đầu tiên của Honda Motor Co. Ltd. ra đời năm 1954.

Honda Juno 

Honda Juno gắn động cơ 4-thì chạy xăng, không cần pha nhớt, cạnh tranh quyết liệt với các xe Fuji Rabbit và Mitsubishi Silver Pigeon. Hãng Honda Motor thành công vang dội. Mỗi tháng, Fujisawa bán được 30,000 chiếc xe, chiếm phân nửa số xe 2 bánh trên thị trường Nhật Bản.

Xem thêm:   Hủ tiếu?

Thừa thắng xông lên, tiến ra hải ngoại, American Honda Motor Company được thành lập ở Hoa Kỳ vào năm 1959. Năm 1961 một mạng lưới bán hàng được thành lập ở Ðức. Sau đó tại Vương Quốc Bỉ và Vương quốc Anh vào năm 1962. Và ở Pháp vào năm 1964.

Honda Motor con của một người thợ rèn thành một công ty sản xuất xe gắn máy tầm cỡ toàn cầu. Thật là đáng kể và đáng nể.

Sau nầy khi qua Úc, tui thấy sáng nào chó trong nhà nhào ra sủa chú phát thơ, đòi xin tí huyết. Chú ta rồ ga vọt lẹ. Nói nào ngay, nghề phát thơ ở Úc phẻ. Hổng cần tiếng Anh, tiếng em gì ráo. Sáng vô Sở, lựa thơ rồi lái Honda ‘xì-cút-tơ’ đem đi phát. Phát xong, về nhà để tưởng thưởng một ngày lao động vinh quang, không để vợ con lang thang chết đói, nó kêu con vợ nó xào cho miếng thịt bò bít tết (beef steak) để nó uống bia (beer) chơi. Ngặt là có hai cái sợ, đôi khi tè ra ướt cả quần. Ðó là: đi phát thơ sợ chó! Về nhà sợ vợ!

Nhớ hồi chân ướt, chân ráo mới qua, một đứa qua trước dụ bán cho tui một chiếc xe Honda đời tám hoảnh giá 1000 đô. Sau nầy ở lâu, tui mới biết chiếc Honda nầy kêu cho, nó không lấy mà còn xịt chó cắn. Cái tình đồng hương của Mít mình chua như vậy đó bà con ơi.

Xem thêm:   Để trả lời một câu hỏi

Ngoài ra, cỏ trước sân nhà phải cắt, kẻo cáo sồ (council) hội đồng thành phố, nó phạt. Tui phải móc xỉa ra tới 300 đô để mua một máy cắt cỏ hiệu Honda.

Soichiro Honda (trái) và Takeo Fujisawa

o O o

Trước khi Hiệp Ðịnh Genève 1954 chia đôi hai miền Nam Bắc, dân Sài Gòn xài xe gắn máy của Âu Châu như Mobylette-Motobécane, Vélo Solex của Pháp. Ischia, Follis, Rumi, Phénix, Vespa, Lambretta của Ý. Puch Ischia, Follis, Rumi, Phénix, gắn máy Sachs, của Ðức.

Ðến ngày 20, tháng Mười Hai, năm 1960, VC thành lập Mặt trận Giải phóng Miền Nam, CSBV theo đường 559 xâm nhập Miền Nam. Tổng thống Ngô Ðình Diệm bị giết. 1964 Mỹ đổ quân vào Ðà Nẵng. Tình hình chánh trị Miền Nam rối ren. Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ lên làm Chủ tịch Uỷ ban Hành pháp Trung ương (Thủ tướng). Chánh phủ của Tướng Kỳ tự xưng là chánh phủ của dân nghèo cho thi hành chánh sách ‘Hữu sản hoá’ người dân. Hũu sản hóa là làm cho người dân nghèo có tài sản. Như cho mua trả góp xe Lambro của Ý (dân Sài Gòn gọi tắt là xe Lam) để chở hành khách. Công chức và quân nhân được mua trả góp xe Honda dame màu đỏ, đời quân đội.

Xe Honda được nhập cảng và xuất hiện trên đường phố Sài Gòn từ độ ấy! “Dame” người phụ nữ còn trẻ. Honda dame là xe Honda dành cho quý cô.  Xe Honda dame màu đỏ hay xanh lá cây nhạt. Honda dame và Suzuki dame, Yamaha dame sang số chân không cần phải bóp ‘embrayage’ tay.

Nữ sinh Sài Gòn và xe Honda Dame

Honda SS dành cho quý ông anh, là chữ viết tắt của ‘Super Sport’, (siêu sì pọt), mà xi lanh chỉ có 50 cc xuất hiện vào năm 1966. Tay lái (guidon) ngắn. Cần đạp bên phải. Ðạp nhẹ là máy nổ. Hai bên có thanh ngang để chân. Bên phải là thắng chân. Bên trái là cần sang số. ‘Embrayage’ tay trái. Tay thắng trước bên tay phải. Bình xăng ở phía trước, có hai miếng cao su để đầu gối áp vào cho êm. Xe không có đèn ‘xi-nhan’ (signal). Hộp số có 4 số. Yên xe làm thấp để người Á Châu lùn dễ leo lên xe, chống xe dễ dàng hơn.

Xem thêm:   Kế Sách

Năm 1967, Honda có tay lái rộng hơn, hộp số có 5 số, có đèn xi-nhan, ống nhún trước có bọc cao su, tốc độ tối đa 80k/giờ. Mặc dù trên đồng hồ tốc độ chỉ tới 100 km. Xe đời 67 (SS50) máy mạnh nên được dùng để kéo xe lôi thay cho các hiệu xe Ðức. Honda SS50 màu đỏ, màu hồng quân, màu đen chỉ dành cho đàn ông chạy. Phụ nữ chạy coi không hay.

Chiếc xe Honda dame, thời đó, được chánh phủ giảm thuế khi bán cho quân nhân, công chức, giá chỉ 28,500 đồng. Chớ theo giá ngoài thị trường, chiếc Honda dame nầy tới 32,500 đồng. Honda SS 67 giá tới 36,500 đồng.

Nhớ xưa, năm 75, CSBV đổi tiền, 1 đồng của nó ăn tới 500 đồng tiền mình. Sau 47 năm, giờ muốn ăn một tô phở phải tốn tới 60 ngàn đồng. Vậy mà đất nước ta chưa bao giờ được như hôm nay? Giễu dở!

Tình cờ lên ‘Google Images’, thấy em xưa mặc quần ‘xì cớt’ (skirt) chạy Honda dame màu xanh lá trên đường phố Sài Gòn. Hình ảnh thân yêu đó gợi trong lòng người xa xứ chúng ta cả một trời kỷ niệm.

Honda SS 50

ĐXT