Trong bài báo có tựa là: ‘Những con đường học trò của Sài Gòn ngày xưa’ một bà nhà báo quốc doanh trong nước đề cập tới cái trường tui rành sáu câu, vì cách đây 60 năm, tui mài đũng quần thiếu điều muốn rách.

Xin chép một đoạn: “Có lẽ vì nó cõng trên lưng mình một cụm bốn ngôi trường liền kề nhau: Trung học Trương Vĩnh Ký, Ðại học Khoa học Sài Gòn, Ðại học Sư phạm Sài Gòn, Trung học Bác Ái (Cao đẳng Sư Phạm)…

Bà ấy viết Trương Vĩnh Ký, mà thiếu cái tên Thánh của ổng là vô lễ. Vì nhân dịp khánh thành tượng đồng của nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898), Thống đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse chính thức đặt tên trường là Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký. Pétrus có dấu sắc vì viết theo người Pháp. Từ năm 1953, không còn dấu sắc nữa. Vì Petrus viết theo chữ Latin giống như tên trên bia mộ nhà mồ của ông ở Chợ Quán.

Hai là trường Bác Ái không thể nào nằm trên phần đất của trường Petrus Trương Vĩnh Ký cho được; vì Bác Ái học viện là trường Tàu. Trường Tàu là của xì thẩu Tàu, là khách trú, của bang Phúc Kiến thành lập vào năm 1908. Còn trường Petrus thành lập năm 1927, gần 20 năm sau. Trường Petrus Trương Vĩnh Ký là trường công lập, cất trên đất công. Bác Ái học viện là tư thục cất trên đất tư. Công tư rạch ròi! Chớ lẫn lộn tùm lum để dễ dàng bốc lủm như thời CS. Tư thục là của tư sản mại bản để lấy trường của người ta.

Qua Melbourne, đi làm ‘security officer’ (nhân viên an ninh tư nhân) ngoài ‘city’, tui có quen em Trang, xẩm lai, đẹp não nùng. Tên Úc của em là Alice. Chân Trân trong phim Mùa Thu Lá Bay phóng tác truyện của Quỳnh Dao đẹp cỡ Alice là cùng. Sau nầy tui mới biết Alice là tên nữ, gốc từ tiếng Ðức, có nghĩa là ‘cao quý’. Như Alice trong xứ sở thần tiên (Wonderland) vậy.

Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký khi đang xây dựng, sau chia một phần làm Đại Học Khoa Học và Đại Học Sư Phạm – nguồn saigoneer.com 

Hồi mới quen, hương chưa gây mùi nhớ, em hỏi tui hồi trước 75: “Nị học trường nào?”. Tui nói: “Ngộ học Petrus Ký ở đầu bùng binh Ngã sáu Cộng Hoà!”

Xem thêm:   Để trả lời một câu hỏi

Nghe vậy, em gục gặc cái đầu. “Anh nói rành rọt như vậy thì em tin anh nói thiệt. Còn sau 75, mấy tay VC mặt giống heo làm bí thơ quận uỷ quận Năm khoe là cựu học sinh Petrus, em không tin. Vì phải giỏi lắm mới đậu được vô Petrus Ký. Mặt ngu như heo vì ăn cám sú mà khoe xạo là cựu học sinh Petrus Ký, là đỉa đòi đeo chân hạc, em không tin!”

Nghe em khen trường tui, cùng lúc xài xể tụi nó, tui lấy làm hả dạ hết sức. Tui đắm đuối nhìn cái mái tóc ‘à la garçon’ kiểu Thanh Mai của em. Tui nhớ: “Mai! Anh đã yêu em một ngày. Một tình yêu quá không may!”

Tóc mai của em loà xoà ôm lấy cái cổ dài như cái cổ cò trắng muốt, điểm vài sợi lông măng. Nhìn là muốn hun một cái dài hơi cho tới hụt hơi! He he!

Alice nói: “Em nhớ dọc con đường Cộng Hòa (thời Tây là Rue de Nancy đó) trước cửa trường có trồng một loạt me tây mà em gọi là cây cồng. Em nhớ kỹ vì lúc đó em đi học trường Tàu Bác Ái học viện!” “Em mặc củn mà Tây kêu là cái ‘jupe soirée’; còn Úc kêu là cái ‘xì cớt’ (skirt) đó anh!” Trường em nằm gần trường anh. Tuy xa mà gần tuy gần mà xa.

Trời hỡi! Hai trường nằm gần nhau mà Alice và tui chẳng được gần nhau. Tui muốn lắm mà không dám liều mạng vì sợ chú ba chồng của em lấy dao chặt thịt heo quay chém tui đấy thôi. Ðành hẹn em kiếp sau ta tìm thấy nhau!

Xem thêm:   Kế Sách

Thực vậy, Bác Ái Học Viện, tiếng Pháp: Collège Fraternité), dạy mẫu giáo, tiểu học và trung học. Nó nằm tại số 4 đường Nguyễn Trãi, Quận 5 là vương quốc của Ba Tàu.

Còn trường anh, trung học  Petrus Trương Vĩnh Ký bao bọc bởi 4 con đường Cộng Hòa, Nguyễn Trãi, Trần Bình Trọng, Nguyễn Hoàng rộng hơn 8 mẫu tây.

Thập niên 1950, đất đai của trường Petrus Ký bị cắt xén, trưng dụng để cất trường Quốc gia Sư phạm, Trung tâm Học liệu của Bộ Giáo Dục, trường Trung tiểu học Trung Thu cho con em Cảnh sát; vì Bộ Tư lịnh CSQG thời VNCH nó nằm trong thành Ô Ma, phía bên kia đường Cộng Hoà, để con em mấy thầy đội đi học cho nó gần.

Bác Ái Học Viện trên đường Nguyễn Trãi – nguồn chuyenxua.net

Cơ ngơi cất hồi thời Tây dành cho học sinh nội trú; hết nội trú rồi là cắt, chia cho mỗi đứa một miếng. Ba dãy lầu lớn của trường Petrus Ký cho Ðại học Khoa học và Ðại học Sư phạm. Nhà thầy tổng giám thị làm Trung tâm Thính thị Anh ngữ. Một số khác làm nhà ở cho một số viên chức cao cấp của Bộ Giáo dục VNCH.

Rồi bả viết tiếp như vầy: “Con đường này thuở đó rộng và vắng, quanh năm phủ bóng những hàng me tây gốc to, tán rộng. Bên cạnh những hàng me tây chạy dọc phía trước, ngay cổng trường Trương Vĩnh Ký ngày đó còn có hai cây phượng, mỗi bận hè sang hoa nở đỏ rực cả một góc trời.” (Sic)

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

Là học trò Petrus Trương Vĩnh Ký từ năm 1963 tới năm 1966, đọc xong bài báo tui tức anh ách. Vì tui biết cái sân lót đá dăm từ cổng trước tới hành lang danh dự không có hai cây phượng mỗi bận hè sang, hoa phượng đỏ rực cả một góc trời?”

Viết như vậy là tán phét quá xá quà xa. Chỉ hai cây phượng thì làm sao mà trổ bông đỏ rực một góc trời cho được chớ?

Hai là có hai cây phượng thiệt nhưng nó không phải là phượng vĩ hoa màu đỏ; không phải màu hoa phượng thắm như máu con tim của ca sĩ Thanh Tuyền đâu! Hoa nó màu vàng nên gọi là Kim Phượng tức điệp tây. Trường Ðại học Khoa học sát bên, điệp tây rất nhiều. Không thơ mộng gì ráo! Mùa tựu trường tháng Chín, sáng sớm sâu đo thường nhả tơ trên cành xuống đất làm mấy em nữ sinh viên SPCN (Lý Hóa Vạn Vật) vô giảng đường vừa đi vừa né. Vì mấy em vốn sợ sâu!

Viết biên khảo có tài liệu lại làm biếng suy nghĩ tận tường, không phân tích cho hợp tình hợp lẽ. Phang đại lan truyền những cái sai ngớ ngẩn.Viết biên khảo giống như viết sách giáo khoa. Xin tác giả đừng tưởng tượng như tưởng voi được không nè?

ĐXT