Rồi gần tháng nay, người con gái Ukraine phải di tản, trong khi người yêu ra mặt trận chống lại Putin, làm tui nhớ lại phận mình lúc chiến tranh. Nhớ em ‘yêu’ bên kia trời lận đận. “Ngày ngày em đứng em trông. Trông non, non ngất, trông sông, sông dài. Trông mây, mây kéo ngang trời. Trông trăng, trăng khuyết, trông người, người xa!”

Nói nào ngay, Tía tui làm công chức, một cục đất chọi chim còn không có. Nên về ruộng vườn rẫy bái, thấy dải đất quê mình có đồng, trảng, bàu, biền, bưng, đầm, hố, láng… tui bù trất hè.

May thay mấy cái nầy, vốn là dân sanh đẻ ở đồng bưng nên anh Hai Bưng rành sáu câu vọng cổ. Ảnh nói: Hồi xưa ông cố tổ của tụi mình từ ngoài Trung vô Nam đã từng: “Ðứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát. Ðứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng, cũng bát ngát mênh mông”.

Ðồng có thể toàn là ruộng, hoặc ruộng và những vùng hoang hóa rất rộng lớn. Từ Gia Ðịnh đi Thủ Ðức, qua khỏi ngã tư Bình Hòa, có Ðồng Ông Cộ. Ra khỏi Sài Gòn chừng 10 cây số, trên đường đi Lái Thiêu có Ðồng Chó Ngáp, là vùng đất phèn khó trồng lúa, nên rất vắng vẻ, buồn thỉu, buồn thiu như chó ngáp vậy. Ở Củ Chi có Ðồng Dù. Và mênh mông hơn rất nhiều là Ðồng Tháp Mười.

Hẹp hơn đồng là giồng, đất cao hơn ruộng. Trên đất giồng, mình trồng khoai lang. Tuy vậy một giồng có thể là một hay nhiều xã. Ở Bến Tre, Giồng Trôm là một quận. Qua khỏi ngã ba Trung Lương, Mỹ Tho chừng 7 cây số chưa tới cầu Long Ðịnh, bên phải quốc lộ 4 là Giồng Dứa. “Ai dìa Giồng Dứa qua truông.  Gió rung bông sậy, bỏ buồn cho em”

Dứa không phải là trái thơm hay trái khóm. Dứa lá có gai giống như lá cây thơm, khóm nhưng to hơn và dày hơn, màu xanh mướt. Lá này vắt ra một thứ nước màu xanh, có mùi thơm làm màu thực vật cho bánh da lợn.

Còn Láng là chỗ đất thấp khá rộng, sát bên dòng nước chảy tràn lên làm ngập nước quanh năm, có nhiều tôm cá. Vùng Khánh Hội, quận 4 Sài Gòn, xưa kia có những chỗ ngập do nước sông Sài Gòn tràn lên gọi là Láng Thọ. Người Pháp phát âm thành Lăng Tô. Giữa Long An và Sài Gòn, ở Ðức Hòa, có Láng Le, nơi chim le le đến kiếm ăn và đẻ trứng.

Xem thêm:   Để trả lời một câu hỏi

Ðồng bằng sông Cửu Long có nhiều láng như: Ba Láng, Láng Tròn, Láng Trâm, Láng Linh, Láng Thé…

Bàu là chỗ trũng ở ngoài đồng. Mùa mưa nước khá sâu nhưng mùa nắng chỉ là những vũng nước nhỏ hay cạn hẳn.  Khỏi Ngã Tư Bảy Hiền, Sài Gòn chừng 1 cây số về hướng Hóc Môn, phía bên trái có Bàu Cát. Ở Long Khánh có Bàu Cá, trồng nhiều chuối bơm. Rạch Giá có Bàu Cò. Cá trong bàu thịt ngon hơn cá đồng. “Tháng Năm tát cá dưới bàu. Nắng ơi là nắng; dãi dầu vì ai?”

Biền, từ tiếng Khmer (péang), vùng đất ruộng trũng, cặp theo sông hay rạch lớn. Thủy triều lên xuống thường xuyên. Nước đọng nhưng không sâu quá. Biền có những loại cây thấp như: đế, lác, năn, sậy… và nhiều tôm, cá.

Bưng, tiếng Khmer là “Bâng”, chỗ trũng giữa đồng, rộng hơn bàu, hơn biền rất nhiều. Mùa nắng không có nước đọng. Mùa mưa nước ngập khá sâu, nhiều cá đồng. Tỉnh Kiến Hòa, miệt Ba Tri có Bưng Trôm và Bưng Cốc. “Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng; về bưng ăn cá; về giồng ăn dưa.”

Vùng đất có cả bưng lẫn biền gọi là bưng biền. Bưng biền có nhiều cá, và có nhiều du kích chém vè khi lính quốc gia đi hành quân!

Ðầm là chỗ trũng có nước quanh năm, nơi tận cùng của một dòng nước đổ ra sông, ra rạch hoặc chỗ một con sông lở bờ nước tràn ra hai bên.

Ở quận 11, Sài Gòn có Ðầm Sen. “Trong đầm gì đẹp bằng sen. Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng. Nhị vàng bông trắng lá xanh. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Ở Cà Mau có (quận) Ðầm Dơi, Ðầm Cùn.

Bàu nước lúc đầy, lúc cạn tùy theo mùa mưa, nắng. Khác với bàu, đầm có nước quanh năm.

Còn ở Miền Ðông Nam Phần, dải đất quê mình có hố và trảng. Hố là một chỗ đất trũng. Mùa nắng khô ráo nhưng mùa mưa nước lấp xấp. Củ Chi có Hố Bò, vì bò nuôi trong vùng đến đó ăn cỏ. Biên Hòa có Hố Nai sầm uất, của đồng bào Công Giáo Bắc di cư năm 54.

Xem thêm:   Hùm Xám Cai Lậy.

Trảng là vùng đất trống trải, ở giữa một khu rừng. Tây Ninh có Trảng Bàng, ven Ðồng Tháp Mười có nhiều cỏ bàng để đan đệm, nóp, nón, cỏ bàng dùng để lợp nhà.  Ở Biên Hòa có Trảng Bom, Trảng Táo.

Bảo Huân

o O o

Về Lục tỉnh Nam Kỳ, ba tỉnh Miền Ðông, ba tỉnh Miền Tây, dải đất quê mình, anh Hai Bưng hay hơn tui nhiều. Nhưng Miền Trung, quê hương em nghèo lắm anh ơi. Mùa Ðông thiếu áo; Hè thời thiếu ăn, ảnh thua tui là cái chắc. Vì hồi xưa ảnh trốn lính. Còn tui đi quân dịch, lội ra tới tận Vùng Một. Nên dải đất Miền Trung, chưa mưa đã lụt, tui cũng biết kha khá. Tui biết truông là vùng đất hoang như rừng. Truông có nhiều cây cỏ, có lối mòn nhưng hai bên và phía trên đầu người đều có thân cây và cành lá bao phủ. Như truông nhà Hồ, Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, còn gọi là Hồ Xá Lâm. Ðịa hình trắc trở, đạo tặc ẩn núp để cướp bóc nên ít người dám qua lại. “Thương em anh cũng muốn vô. Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.”

Còn Phá là vùng nước mặn rộng lớn có một cái dải đất, cát chặn ở trước, thông ra biển bởi một cái lạch, nơi dòng nước hẹp xoáy và chảy xiết, sóng nhiều gây nguy hiểm cho thuyền bè.

Phía bắc của phá Tam Giang là sông Ô Lâu đổ ra biển, phía nam là sông Hương đổ ra cửa Thuận An, Thừa Thiên. Thơ Tô Thùy Yên: “Phá Tam Giang, phá Tam Giang. Bờ bãi hỗn mang, dòng bát ngát. Chiều trên phá Tam Giang rộn ràng tiếng chiến trận. Trời nước mông mênh, thân nhỏ nhoi!”

o O o

Hôm qua, cuối tuần, đang ngồi nhậu, anh Hai Bưng hỏi tui có đọc truyện ngắn ‘Cô Út Về Rừng’ của Sơn Nam chưa? Tui trả lời chưa: Kể thử nghe chơi!

Cạn ly Jack Daniel’s, anh Hai Bưng mới rỉ rả, rề rà tóm gọn như vầy: Ðâu khoảng 1940, ông bà Cả ở rạch Bình Thủy, làng Long Tuyền, tỉnh Cần Thơ, gả cô Út về rừng U Minh Hạ. Cái xứ Cạnh Ðền. Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh như bánh canh.”

Xem thêm:   Anh Hai Nổ

“Gả chi xa vậy cha nội? Tui hỏi! “Chớ con gái tới tuổi cập kê, thường thường nó có bồ trong xóm, trong làng không hè. Nên mới có cái vụ kỳ kèo: “Má ơi! Ðừng gả con xa. Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu?”

Phần Má cũng mong gả thiếp về vườn. Ăn bông bí rợ, dưa hường nấu canh”. Chớ gả con về rừng cực ăn lắm, khổ lắm. Phần Tía thì sợ gả con xa thì:

“Một mai ai đứng bên kinh? Ai phò giá triệu, ai rinh quan tài? Bên kinh đã có con trai. Giá triệu con gái, quan tài nàng dâu” Gả con gái đi xa quá, chết ngỏm củ tỉ, con gái về không kip ai phò giá triệu cho ông già?

Nhưng phải gả vì hai đứa đi Sài Gòn học rồi quen nhau ở trển mà!” Rồi chuyến đầu, đôi vợ chồng về thăm ông bà Cả, đèo theo một đứa con gái nhỏ sổ sữa dễ thương. Chuyến sau về, lại thêm một đứa gái, và một đứa thứ ba nữa đang nằm trong bụng mẹ.

Rồi sau đó không thấy về thăm ba má nữa? Tại sao vậy? Vì nhờ trời, cô Út được tới sáu đứa con.  “Úy! Bộ con Út đẻ năm một sao? Con nhỏ đó thiệt giỏi! Sao vậy cà? Sao vậy cà? Ở dưới cỡ này ra sao mà thiên hạ đẻ nhiều quá vậy?”

“Dạ ở miệt dưới muỗi dữ lắm. Chạng vạng là cả nhà, vợ chồng rút vô mùng… nói chuyện. Ít ai đi đâu. Nên “muỗi kêu như sáo thổi” ở Cạnh Ðền nó gắn bó mối tình chồng vợ hơn ở xứ không có muỗi. Quá đã! He he!

Sau đó, anh Hai Bưng kết luận một câu cực kỳ hữu lý! Vợ chồng Úc nó ít con, rồi hay thôi nhau vì bên Úc nầy không có muỗi.

Tui ước Úc nầy có muỗi để chạng vạng nào tui và em yêu cũng chui vô mùng mà đàm đạo mà không được. Nằm cheo queo, tui nhớ cái dải đất quê mình quá đỗi bậu ơi!

DXT