Toan Ánh, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, tên thật là Nguyễn Văn Toán sinh tại Thị Cầu, Bắc Ninh năm 1916 và mất năm 2009 tại Sài Gòn, thọ 93 tuổi.

Toan Ánh bắt đầu viết văn từ năm 1934. Kể từ đó, ông gắn bó mật thiết với đề tài văn hóa truyền thống của Việt Nam từ nông thôn đến thành thị, từ Bắc vào Nam. Ông để lại cho đời khoảng 124 tác phẩm có giá trị học thuật.

Tóm lại ông Toan Ánh là một cây đa, cây đề trong giới biên khảo của người Bắc di cư vào Nam. Sau nầy cả hai, ba chục năm sau 75, ông Toan Ánh được giới văn nghệ CS Miền Bắc tâng bốc, ca tụng ông lên tới tận mây xanh.

Riêng tui thì tuân theo lời dạy ông bà mình: “Ðọc sách mà tin hoàn toàn vào sách thì đừng đọc!” Ðọc mà mù quáng, cứ tin những câu chữ của các nhà văn nổi tiếng viết ra như thánh phán, lúc nào cũng đúng 100% thì xét cho cùng có hại hơn là có lợi! Thế nên thái độ đọc sách đúng nhứt là bao giờ cũng mang theo câu hỏi tại sao, tại sao và tại sao? Cứ lý giải sự kiện theo sự suy nghĩ của riêng mình. Ðừng cho mình lúc nào cũng đúng; hoặc sợ nói ra sai thiên hạ sẽ cười mình.

Chính vì dám uống thuốc liều (mạng) như vậy nên tui làm gan cà khịa với ông Toan Ánh về một chuyện vầy nè:  Chẳng qua ca dao quê mình có câu:

“Tàu súp lê một! Còn trông còn đợi! Tàu súp lê hai! Còn đợi còn chờ!

Tàu súp lê ba! Tàu ra biển Bắc…Tay anh vịn song sắt, nước mắt chảy ròng ròng. Anh lấy khăn mu soa ra chặm. Cái điệu vợ chồng ngàn dặm không quên!

Ông Toan Ánh cắt nghĩa như vầy: “Thực dân Pháp chiếm Việt Nam, một mặt dân Việt Nam căm hờn, một mặt một số cô gái Việt Nam kém ý thức, vì hoàn cảnh đã sánh duyên với Pháp trở thành me Tây. Lính Pháp lấy me trong thời gian ở đất Việt, rồi anh lính trở về Pháp, cô me Tây ở lại nước Việt lại lấy chồng, một anh lính khác.

Cuộc tiễn đưa ắt phải xảy ra tại bến tàu Saigon, và có anh chàng Tây đã thút thít vì phải xa vợ, anh bảo rằng ngàn dặm không quên, có thật hay chăng anh ra cửa bể như rồng lên mây?

Sao có sự mâu thuẫn giữa hai câu thơ trên, hay ý tại ngôn ngoại, chỉ có sự mâu thuẫn trên hình thức, còn thực ra thì ngàn dặm có đời nào mà không quên đối với những lứa đôi dị chủng, nhất là trong cuộc chắp nối giang hồ.”(Trích tác phẩm “Hương Nước Hồn Quê”, tác giả Toan Ánh, NXB. Thanh Niên).

Xem thêm:   Kế Sách

Cuốn sách nầy của ông là do CS in lại. Và trước khi in, họ kiểm duyệt từng chữ, từng câu để loại ra những gì không theo đúng những điều đảng muốn. Rồi đôi khi cả gan thêm vào những câu nịnh bợ đảng (ta), chửi bới kẻ thù để kiên định lập trường theo ‘Ðề cương Văn hóa Việt Nam’ của Trùm CS Trường Chinh. Thế nên mấy bố phụ trách biên tập sợ nếu sơ suất làm xổng chuồng một câu nói dù chỉ ‘xỏ ngọt’ đảng ta, sẽ đưa đến một hậu quả đắng nghét là bể nồi cơm của bu nó!

Thú thiệt tui không biết chính xác 72 phần dầu là ông Toan Ánh có viết như vậy hay không? Tuy nhiên sách đề tên tác giả là Toan Ánh thì tui cứ tạm tin là ông Toan Ánh đã viết như vậy đi để có cái mà cãi cho vui cửa, vui nhà trong tháng Giêng ăn chơi rồi nói dóc.

Ông Toan Ánh viết như thế, tui không đồng ý! Tui cho rằng: Ðây ắt là lời của một anh chàng nông dân nghèo khổ, đang có con vợ mà lại bị bắt đi lính cho Tây trong Ðệ nhứt Thế chiến (1914-1918).

Ðể ủng hộ cho cái phản bác của mình, tui xin đọc cho bà con nghe một đoạn trong ‘Tuấn, Chàng Trai Nước Việt, chương 12, của ông Nguyễn Vỹ (1912-1971)

“Tờ ‘Trung Kỳ Bảo Hộ công báo’ là một tờ báo của Toà Khâm Sứ ở Huế gởi đi các tỉnh, tỉnh gởi về huyện, huyện gởi về các làng. Tuấn đọc to lên cho cả làng nghe tin Nhà nước Bảo hộ Phú-lang-sa đang đánh giặc với Ðức, tức là nước Phổ-lô-si (phiên âm chữ Prusse, Ðức phiên âm chữ Deutsch). Ðức là một nước ‘dã man, tàn bạo’, bị Phú-lang-sa đánh cho liểng-xiểng, binh lính Ðức chết vô số, có cả hàng ngàn, hàng vạn v.v.

Nhưng trận giặc còn lâu dài, cho nên “dân An Nam nhờ nước Phú-lang-sa bảo hộ, phải quyên tiền và đem binh lính sang Pháp để đánh lũ giặc Ðức mọi rợ v.v. Dân làng, bất luận giàu, nghèo, đều phải góp tiền để mua Phiếu Quốc Trái. Hơn nữa, làng phải mộ dân tình nguyện đi lính sang Pháp để ‘đánh đuổi giặc Ðức’.

Sự thật, không có dân nào tình nguyện cả. Sau cùng làng xã phải bắt ép thanh niên khoẻ mạnh, gọi là tráng đinh đi lính. Hầu hết lớp “lính tình nguyện” nầy ở khắp xứ Trung Kỳ , Bắc Kỳ cũng như ở Nam Kỳ đều là thanh niên nho học từ 21, 22 đến 24, 25 tuổi.

Phong trào mộ thanh niên đi tùng chinh sang ‘Mẫu Quốc’ là một dịp cho các quan An Nam từ quan tỉnh xuống quan huyện, cho đến các ông hương, ông xã trong làng đòi ăn hối lộ. Một số đông các ông này chơi ác, cứ nhè bắt bọn thanh niên trai tráng con nhà giàu, đi tùng chinh. Thế là các bậc cha mẹ phú hộ phải đem của tiền lo lót, cho con khỏi đi. Phải lo lót xã một phần, lên lo lót huyện một phần, rồi lo lót các cụ lớn trên tỉnh nữa. Hối lộ gần như công khai. Nhà giàu đua nhau nhờ cậy chỗ này chỗ nọ, chạy chọt ông này ông kia, bán cả ruộng đất, nhất là con trai trưởng trong gia đình, khỏi bị bắt “tình nguyện” đi lính sang Pháp.

…Vì lớp thanh niên nhà giàu, hoặc nhà khá giả, hoặc con trai các vị hương chức đều nhờ hối lộ, và nhờ có quyền thế, đã được miễn tùng chinh. Sót lại chỉ có con nhà nghèo không có miếng đất cắm dùi, cho nên phải đi lính ‘tình nguyện’ qua ‘mẫu quốc’ đánh giặc ‘Phổ-Lô-Si’.

Nói là qua ‘mẫu quốc’ đánh giặc, nhưng sự thật thì qua bên đó nhập vào một đơn vị gọi là ‘đoàn quân thuộc địa’ chỉ dùng riêng vào việc vận tải lương thực ở hậu tuyến mà thôi. Một số bị bắt ra mặt trận, nhưng cũng chỉ là khiêng vác các khẩu súng lớn, đẩy các cổ đại bác và đào hầm trú ẩn. Chẳng có một người ‘lính thuộc địa’ nào, nhất là lính ‘Tirailleurs Annamites’ (Lính khố đỏ Nam Kỳ) được cầm súng bắn giặc cả.

Tất cả thanh niên tùng chinh đều được lịnh đến trình diện tại đồn lính Khố xanh ở các tỉnh, rồi từ tỉnh họ được chở đi tập trung lại, đợi tầu sang Pháp.”

Chính vì bị bắt đi lính do mình nghèo, phải xa vợ, xa con, xuống tàu đứng sau song sắt như bị ở tù, hổng khóc sao được ? Xúc cảm như vậy mới làm được bài thơ não lòng, bi thiết! Rồi bài thơ đó trải qua biết bao thử thách của thời gian mới được trở thành ca dao, thành tiếng hát ru cho thân phận những người cùng khốn. Chứ không phải là lời của thằng Tây nào với em Me Tây nào ráo trọi như ông Toan Ánh nói đâu?

Bảo Huân

o O o

Thưa quý độc giả thân mến! Ðối với những nhà văn tiền bối như: Hồ Biểu Chánh, Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Nguyễn Vỹ, Toan Ánh thì người viết đều kính phục cả, xin ngả nón cúi đầu; nhưng ca dao, hát ru là tiếng quê hương, là của chung của tụi mình. Xa quê, viễn xứ, vẫn nhớ về quê cũ, lại nhớ tới ca dao. Em yêu sai: ‘Ru con ngủ cho em đi chợ, mà thằng nhỏ cứ khóc hoài? Ru tới ru lui chỉ có hai bài làm thằng nhỏ chắc sẽ thuộc lòng như cháo. Rồi lớn lên, lỡ cắc cớ nó hỏi: “Tía ơi! Nghĩa nó là gì vậy?” Làm tía mà hổng biết trả lời sao thì mất mặt ‘bầu cua’ lắm lắm! Cho nên mới có bài viết nầy thưa quý độc giả thân mến!

Xem thêm:   Hủ tiếu?

ĐXT