Lần đầu đọc bài thơ thấy hay vì chúng ta cảm bằng trái tim. Lần thứ hai đọc lại vẫn thấy hay vì chúng ta hiểu bằng cái đầu (do biết về lịch sử, địa lý của bài thơ).

Bài “Ðôi Bờ”“Mắt Người Sơn Tây” của Quang Dũng theo thời gian phủ mờ năm tháng, tứ thơ đã cũ, nên đọc không còn cảm thấy hay, xúc động như mới đọc lần đầu. Ngược lại bản nhạc “Ðôi mắt người Sơn Tây” do Phạm Ðình Chương phỏng từ hai bài thơ nói trên lại không cũ theo năm tháng, nhứt là đối với những người mất nước, luôn “u uẩn chiều luân lạc, buồn viễn xứ khôn khuây” như chúng ta.

o O o

Pháp thất trận Ðiện Biên Phủ năm 1954, đất nước bị chia đôi. Miền Nam thuộc tự do, miền Bắc lại rơi vào tay độc tài cộng sản.

Khi nắm được quyền lực, nội bộ giành ăn, Cộng sản bắt đầu ăn thịt ngay chính những đứa con của mình. Hội Văn nghệ miền Bắc tương kế tựu kế, bắt chước chiến dịch “Trăm hoa đua nở” của quan thầy Mao Trạch Ðông bên Tàu. Chúng phát động việc phê bình lãnh đạo văn nghệ, nói là để chuẩn bị cho Ðại hội văn nghệ toàn quốc năm 1956. Thực chất hành vi đen tối đó là phỉnh gạt những người có tư tưởng chống độc tài trong lãnh vực văn hóa, văn nghệ xuất đầu lộ diện.

Xuân Diệu, Cù Huy Cận, Chế Lan Viên (nổi tiếng từ thời tiền chiến) muối mặt, quỳ gối nuốt nhục để kiếm miếng ăn, thề hứa tuân thủ đường lối văn nghệ một chiều, cúc cung ca tụng đảng.

Nhưng Phan Khôi, Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Nguyễn Hữu Ðang, Lê Ðạt… là các văn nghệ sĩ đã từng đi kháng chiến 9 năm, ngây thơ nghĩ mình có công với kháng chiến nên được quyền lên tiếng trong Nhân Văn Giai Phẩm. Quang Dũng viết “Mấy ý nghĩ về thơ”, đăng 3 kỳ trên tạp chí Văn nghệ vào tháng Chín, năm 1956.

Dưới trướng của Trường Chinh, đao thủ phủ về văn hóa, văn nghệ Tố Hữu, đố kỵ, nhỏ mọn. ganh ghét tài năng đã hờm sẵn, đập cho mấy ông một trận thừa sống thiếu chết. Ðúng như Nguyễn Du từng nói: “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Bọn bồi bút, bọn khuyển ưng, hùa với nhau, tố thơ Quang Dũng còn rơi rớt chất tiểu tư sản (tạch-tạch-sè) thời đầu kháng chiến!

Xem thêm:   Hủ tiếu?

Trong tuyển tập thơ Việt Nam (1945-1960), Xuân Diệu chủ trì và viết lời nói đầu đã không dám đưa bất cứ một bài thơ nào của Quang Dũng vào.

Tại sao Xuân Diệu lại hèn đến thế? Chẳng qua Tố Hữu đã đấu tố dữ dội các ông như thế nầy: “Lật bộ áo Nhân Văn – Giai Phẩm thối tha, người ta thấy ra cả một ổ phản động toàn những gián điệp, mật thám, lưu manh, Trốt-kít, địa chủ tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm…”.

Tất cả những cây bút tài hoa đã trót tham gia phong trào Nhân Văn Giai Phẩm đều bị chụp cho cái nón cối bự tổ bố là: phản động, chống đảng, phải đi chỉnh huấn (thực chất là đi ở tù).

Sau 1975, nghe một nhà phê bình văn học Marxist từ xứ Bắc mò vô Sài Gòn trở ra, báo: “Tây Tiến”, “Mắt người Sơn Tây”, “Ðôi bờ” được truyền bá rất rộng rãi trong Nam, Quang Dũng đã van là: “Thôi xin ông, đừng nói với ai nhé!”.

Tại sao Quang Dũng lo sợ đến bủn rủn chân tay như thế? Chẳng qua là Trường Chinh và Tố Hữu vẫn đang còn hét ra lửa, mửa ra khói.

o O o

Nhớ năm 1975, cộng sản điều giáo viên vào miền Nam làm Ban Giám hiệu (xưa mình gọi là Hiệu trưởng). Những tay nầy không dạy dỗ gì ráo, (biết gì mà dạy?), nhiệm vụ chánh của chúng là theo dõi những thầy, cô giáo được “lưu dung”. Với đầu óc hoang tưởng nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, chúng bận rộn, đánh hơi dò xét coi CIA có còn gài lại ai hay không? (He he, bộ tưởng làm CIA dễ lắm hay sao chớ!).

Tay thầy giáo “chi viện” nầy lè phè thấy ớn chè đậu! Hắn đầu đội nón cối của bộ đội cộng sản, mặc áo trắng cụt tay bỏ ngoài quần vải ka ki Nam Ðịnh, mang dép làm bằng mũ trắng. Chiều chiều xơi cơm canh rau muống luộc nặn chanh xong, vì nghiện rượu, hắn phải nốc sạch hết một cút (một xị) rượu trắng mới ngủ được.

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

Có lần hắn kêu tôi đến chén chú, chén anh. Rượu vô ắt lời ra, nhưng tôi đâu có ngu ngơ bàn chuyện “nhột nhột” khác. Khù khờ làm vậy coi chừng nó mật báo cho bọn công an huyện “tó” mình đưa đi cải tạo là bỏ bu.

Tôi hỏi nó có biết nhà thơ Quang Dũng cùng quê Sơn Tây với nó không? Nó đực mặt ngớ ra, rồi hỏi lại: “Nó là đồng chí nào?” Ha ha! Ngu thấy ớn hè mà cũng đòi dạy Văn! Vậy là tôi phải lên lớp cho hắn một bài địa lý về các địa danh trong bài “Mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng.

Sơn Tây còn gọi là Trấn Tây, Trấn Ðoài, Xứ Ðoài. (Ðoài nghĩa là Tây), cách Hà Nội khoảng 42 km về phía Tây Bắc, là cái nôi của nền văn minh lúa nước đồng bằng Trung du Bắc bộ. Sơn Tây có núi Ba Vì phía Tây Nam, có sông Ðáy, hữu ngạn hạ lưu sông Hồng, dài khoảng 240 km chảy suốt qua Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình và Nam Ðịnh. Còn thành Sơn (Tây), do Vua Minh Mạng cho xây vào năm 1822. Phủ Quốc (Oai), không phải là Phú Quốc đâu nha) thuộc tỉnh Sơn Tây (xã, huyện, phủ rồi mới tới tỉnh). Sài Sơn là xã thuộc phủ Quốc Oai. Dưới chân núi Sài Sơn là đồng Bương, Cấn.

Nó hỏi: “Cậu có tham gia vào cuộc tập kích giải cứu tù binh Mỹ ở Sơn Tây vào tháng Mười Một, năm 1970 không? Sao lại rành sáu câu vọng cổ về quê tớ đến thế?”

Tôi ốm nhom ốm nhách, trói gà không chặt thì cách chi đế quốc Mỹ tuyển tôi làm biệt kích cho nó được chớ? Tôi biết được Quang Dũng là do tạp chí Văn học năm 1971, tự do in lại những bài thơ nổi tiếng của Quang Dũng thời kháng chiến. Còn những người yêu nhạc thì biết được Quang Dũng là do nhạc của Phạm Ðình Chương.

Phạm Ðình Chương (1929-1991) từng đi kháng chiến (nhưng “khiến chán”) nên năm 1951, ông “dinh tê” (dinh tê là do hai chữ “renter,” có nghĩa là “trở về”, từ vùng do Việt Minh kiểm soát, khi biết phong trào kháng chiến đang trở thành công cụ của cộng sản).

Xem thêm:   Kế Sách

Năm 1953, Phạm Ðình Chương bỏ vào miền Nam tự do, lập Ban Hợp ca Thăng Long. Nghệ danh của Phạm Ðình Chương khi đi trình diễn là Hoài Bắc vì niềm thương nhớ quê mẹ Sơn Tây vẫn còn đeo đẳng hoài trong tâm khảm.

Bảo Huân

o O o

Bà con mình ai cũng biết nhạc sĩ đọc một bài thơ thấy trúng ý mình quá, bèn dùng lời thơ làm ca từ; ý thơ thì y chang như thế gọi là phổ thơ. Phạm Ðình Chương không phổ thơ mà là phỏng thơ. Tức là mượn vài đoạn thơ làm ca từ. Về ý, dù có nương theo chút đỉnh; nhưng cái ý chánh rất là khác.

Trong “Ðôi Bờ”, Quang Dũng viết:

“Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?

Sông xa từng lớp lớp mưa dài

Mắt kia em có sầu cô quạnh

Khi chớm thu về một sớm mai?”

Trong “Mắt Người Sơn Tây” là:

“Bao giờ tôi gặp em lần nữa

Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca!”

Ðó là tâm sự cùa một người lính chỉ mong hòa bình để về quê cũ gặp lại người xưa. Qua tay người nhạc sĩ tài hoa Phạm Ðình Chương thì muốn “Ðường hoa khô ráo lệ” để mình được trở về đất Sơn Tây.

“Tôi từ chinh chiến đã ra đi

Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

Sông Đáy chậm nguồn quanh Phủ Quốc

Non nước u hoài, non nước hao gầy, ngày chia tay…”.

Buồn thay, ước mơ đó suốt bao năm ly hương đã không trở thành hiện thực. Sau năm 1975, cộng sản Bắc Việt chiếm được miền Nam, Phạm Ðình Chương lại xuống thuyền vượt biển. Lần nầy, lại xa hơn, tới nửa địa cầu, làm lòng thương nhớ Sơn Tây quê nhà càng thêm tha thiết.

Phạm Ðình Chương đã ra đi vào ngày 22, tháng Tám, năm 1991, lúc còn rất trẻ, mới 62 tuổi, tại California Hoa Kỳ. Phạm Ðình Chương vẫn “u uẩn chiều luân lạc; buồn viễn xứ khôn khuây” cho tới chết.

ĐXT