Úc Châu, một hòn đảo khổng lồ xa cách; nên mẫu quốc Anh hồi thế kỷ 18, đã từng lợi dụng vùng đất cô lập nầy để lưu đày chính con dân cùng đinh của mình vì những tội lặt vặt như ăn cắp, móc túi, lừa đảo…

(Thực dân Pháp cũng vậy đó thôi; đã dùng Côn Ðảo để lưu đày, cô lập, tách rời những người phạm trọng án hình sự hay những người tù chánh trị chống đối thực dân).

Chớ thoạt kỳ thủy, cách nay tới 4, 5 chục ngàn năm, đất Úc còn đầy vẻ hoang dã nầy là của hàng trăm bộ tộc thổ dân, nói nhiều thứ tiếng khác nhau, sinh sống bằng cách săn bắn và hái lượm.

Ðất mênh mông, trồng trọt chi cho nó mất công? Cứ du canh, du cư lòng vòng là sống cả đời một cách phẻ re như con bò kéo xe vậy.

Rồi người Anh đến tuyên bố đất nầy là của mình. Thổ dân nào chống lại là bị tiêu diệt. Vì vũ khí thô sơ của thổ dân như boomerang (thường có hình chữ V, khi phóng đi, nếu không trúng đích nó sẽ quay trở lại chân người ném); không thể đọ với súng trường của thực dân Anh cho được.

Tuy nhiên, nếu là con người không phân biệt chủng tộc thì phần số đã bị đưa đẩy (dù không ai muốn) tới cái đất nước phúc địa, ‘lucky country’ nầy thì mình cũng nên sống hòa thuận, vui vẻ làm ăn, nhậu nhẹt với nhau đi nha!

ben-dong-maribyrnong

Bảo Huân

Bà con Việt Nam mình đang ở Úc cũng do đời biển dâu, nên anh cũng dạt quê người… Chớ trước 75, bà con mình đâu có ai muốn bỏ nước ra đi? Ði du học xong, ai cũng muốn trở về hết ráo. Còn bây giờ, thoát được chế độ CS đi được là đi luôn…

Ðến đây thì ở lại đây! Thảng hoặc có thằng Úc kỳ thị đòi đuổi tui về nước Việt, tui chỉ cười hè hè nói: “Ðứa nào cũng là thuyền nhân hết ráo, đứa trước đứa sau, ỷ tới trước ăn hiếp đứa tới sau coi bộ kỳ quá nha!”

Mới đầu thì cũng có cái vụ vài thằng Úc ‘cà chớn’ với người Việt mình, chân ướt chân ráo; nhưng sau thấy bà con cần cù chăm chỉ làm ăn, biến những vùng đất đìu hiu trở thành những thị trấn phồn vinh sầm uất thì Úc đổi thái độ từ coi thường sang nể phục; từ ghét sang khoái… Người Việt cũng chịu làm và chịu chơi quá cỡ thợ mộc đi chớ!

Xem thêm:   Khăn choàng tắm?!

o O o

Foots là hạ lưu, Cray là sông Cray bên nước Anh. Như vậy Footscray là Hạ lưu sông Cray, tên một thị tứ thuộc thành phố Maribyrnong, nằm về ngoài rìa phía Tây, cách nội ô thủ phủ Melbourne, tiểu bang Victoria, Úc Châu chừng 5 cây số.

Footscray thuộc thành phố Maribyrnong, có con sông cùng tên, bắt nguồn từ Macedon Ranges, Great Dividing Range dài chỉ hơn 40 cây số, cuối dòng, hợp lưu với sông Yarra tại Yarraville rồi đổ ra Port Phillip.

Những cư dân da trắng đầu tiên đến đây đặt tên là ‘Sông Nước Mặn’, Saltwater River; vì khi thủy triều lên nước mặn từ Port Phillip xâm nhập vào hạ lưu. Nhưng thổ dân thì gọi là sông Maribyrnong có nghĩa là: “Ta có thể nghe tiếng con sóc nhỏ!”

Lưu vực sông Maribyrnong là vùng đất của người Wurundjeri cách đây tới 40 ngàn năm. Xương người được tìm thấy dọc theo sông, có niên đại cách đây 15 ngàn năm.

Mãi tới tháng Hai, năm 1803, Charles Grimes là người Âu Châu lần đầu tiên đặt chân đến đây, du thám dọc theo dòng sông. Tên của ông được đặt cho một công viên ở vùng Footscray.

Ngày nay dân Footscray khoảng 16 ngàn, mật độ khoảng 3 ngàn trên một cây số vuông, sống chen chúc nhau trên một diện tích 5 cây số vuông. Chỉ có 41.1% sanh đẻ tại nước Úc. Phần còn lại đến từ 135 nước khác nhau trên thế giới, đa số là người tỵ nạn, chạy trốn tàn phá của chiến tranh Thế giới lần thứ hai là Hy Lạp, Ý, Nam Tư…

Rồi làn sóng thuyền nhân Việt Nam, di dân Trung quốc, Bangladesh, Sri Lanka và Myanmar, Ấn Ðộ, Sudan, Ethiopia, Somalia… Tuổi trung bình cư dân Footscray là 33, còn trẻ chán. Trẻ là ham chơi hè! Nên Footscray tự hào là thị tứ sống động hạng thứ 37 của nước Úc.

Xem thêm:   Để trả lời một câu hỏi

Mấy năm gần đây, Footscray phát triển không ngừng. Dưới đất chật chội thì người ta vươn lên, cần trục xây dựng chĩa lên tua tủa cả trời xanh.

Ðâu cũng vậy! Bên dưới có sông là bên trên có chợ. Do dân Á Châu đổ xô về vùng nầy sinh sống nhiều nên một chợ tương đối bề thế là Little Saigon, chủ là người Việt, khai trương năm 1992, rất sầm uất và náo nhiệt bán trái cây, sản vật vùng nhiệt đới Á Châu.

Nhưng một trận cháy lớn do chập điện đã xảy ra vào ngày 13, tháng Chạp, năm 2016 làm thiệt hại tới 12 triệu đô Úc. Trong hoang tàn, người mình lại đứng lên lập kế hoạch xây dựng lại chợ, trị giá lên tới 70 triệu đô Úc, sẽ tiếp tục tiến hành.

o O o

Bỏ nước ra đi với hai bàn tay trắng! Tui cũng như bà con mình bước đầu ở nhà mướn! Chạy vòng vòng từ Coburg lên Fawkner hướng Bắc, qua St Alban về hướng Tây rồi trôi dạt tới Footscray cũng đã mười mấy năm nay.

Chiều cuối năm đất khách, lòng nhớ quê ai mà tránh khỏi. Nhờ viết báo nên có độc giả thích người hay tán láo mời đến nhà để ‘dục tửu phá thành sầu’!

Rượu vô lời ra! Ðược nói; được nghe! Là niềm hạnh phúc của người say!

Dẫu ngỡi nhân giữa mấy thằng bạn nhậu với nhau nó mỏng dánh như cánh con chuồn chuồn, nhậu vui còn nhậu; nhậu buồn nó bay… đi kiếm chỗ khác đứa khác nhậu vui hơn!

o O o

Tui là cái thằng cứng đầu, em yêu dạy dỗ biết bao lần, tui đều bỏ ngoài tai!

Em yêu từng nêu thí dụ là: “Chủ quán rượu thích người nghiện rượu nhưng không muốn anh ta làm rể nhà mình!”

Tui bèn cười hè hè đáp lại là: “Nhưng Tía em đâu phải là ông chủ quán!”

Em yêu tức quá, đế thêm câu nữa là: “Khuyên giải kẻ ghiền rượu chẳng khác nào nói với người vắng mặt.”
Tui đâu có ghiền rượu, chỉ ghiền bạn mà thôi, nên biện hộ: “Anh là dân văn nghệ, viết văn viết báo phải có chút cay cay mới sáng tạo được em ơi!”

Thì em bác bỏ ngay lời ngụy biện của tui là: “Rượu chả sáng tạo ra cái gì cả, nó chỉ làm ra kẻ nói nhiều!”

Thằng bạn nhậu của tui năm chỉ nhậu có hai lần. Một là vào ngày sinh nhựt của nó. Hai là vào những ngày không phải là sinh nhựt của nó mà bà xã của thằng chả đâu có càm ràm dai như giẻ rách như em yêu của tui đâu?

Xem thêm:   Anh Hai Nổ

Tuy nhiên trong đám bạn bè tui cũng có người không thèm nếm một giọt rượu; vì nó mãi lo ‘tu’!

Nó từng ‘thuyết pháp’ cho tui nghe là: “Trên đời có ba thứ nguy hiểm nhất: Rượu ngon làm ta mất trí, tiền bạc nhiều làm ta bất chính, vợ đẹp làm ta đau khổ nhiều. Vì rượu ngon khiến ta thích uống; tiền nhiều thường làm mờ át lương tri; vợ đẹp thường hay phản bội. Vì thế tốt nhất là nên mất cả ba.”

Thế nên tới giờ phút nầy đây anh bạn hiền ‘tu hú’ của tui thui thủi sống cu ky, một thân một mình trong bốn bức tường trơ trọi!

o O o

Chiều cuối năm bạn hiền (kiêm độc giả), mời tui đến. Nhà bạn có cái ban công ở tầng ba nhìn ra phía dòng sông Maribyrnong đang lặng lờ xuôi chảy. Sông Maribyrnong nầy bề ngang chỉ chừng ba chục thước; chỉ là đường thoát nước của những con suối gom về để trôi ra biển… Mà cũng gọi là sông?!

Hai bên bờ không có dừa nước chỉ có cây cọ, không có cá thòi lòi nhảy xoi xói, nhảy tới nhảy lui gì hết ráo hè. Chỉ có bê tông, bê tông và bê tông!

Tui muốn quên mà vẫn nhớ nhánh sông quê bên kia biển mà vì thời cuộc tôi xa nó dễ chừng đã hơn hăm mấy năm qua!

Tui cảm thán với ba chiến hữu chung bàn là: “Ðêm cuối năm quê người buồn quá bạn hiền ơi!”

Sau đó cầm một ly ‘vodka’, trong như mắt mèo, tui quất nghe cái ót! Hậu quả là: sáng nay tỉnh dậy, tui nói tiếng Việt với em yêu bằng giọng của người Nga!”

DXT – melbourne