Một ngày trên núi cao…

Hạ tuần tháng Giêng năm 1970, Ðại Ðội Trinh Sát Liên Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân  có nhiệm vụ hành quân thám sát vùng Tây của Ðèo Mang-Giang (Mang Yang), Pleiku, để  yểm trợ tin tức tình báo chiến thuật cho Tiểu Ðoàn 23 Biệt Ðộng Quân tiến vào Căn Cứ Ðịa 203 của Việt-Cộng.

Ba toán Viễn-Thám đã được tôi thả xuống thung lũng Plei Bon.

Tôi cùng hai cố vấn Mỹ và ba nhân viên truyền tin đóng quân trên đỉnh núi Ngô-Sơn.

Chúng tôi được một trung đội trinh sát bảo vệ.

Cuộc hành quân kéo dài một tuần lễ, hôm ấy đã được sáu ngày, chỉ một bữa nữa thôi, nhiệm vụ của chúng tôi sẽ chấm dứt.

Thời gian này đã là mùa khô Cao Nguyên, nên bầu trời trong vắt. Trong gió, lan rừng ngát hương. Cỏ cây thay lá. Tiếng côn trùng rên rỉ lớn hơn. Tiếng chim muông cũng rộn rã hơn.

Dưới nắng, tôi cũng chợt nhìn thấy những cánh hoa quen, mà tôi thường gọi là “hoa vấn vương”. Những cánh hoa mỏng như sương, đang vờn bay chập chờn trong không trung.

Tôi hay góp nhặt những bông hoa này bỏ vào bao nylon; để lâu lâu, lại lựa vài chùm, kèm với những dòng thư viết vội từ chiến địa, gửi về Ban-Mê-Thuột cho người tôi thương.

Cái tên “hoa vấn vương” là tôi đặt cho loài hoa ấy. Thực ra, hoa vấn vương, giản dị chỉ là những chùm bông gòn bay lênh đênh trong gió.

Cô Đinh Thị Loan năm 1969

Do tình cờ, có lần vào cuối mùa mưa, tôi nhìn thấy những quả bông gòn thấm nước, nổ tung. Những chùm bông trắng như tuyết vỡ, tan tác bay, rồi rơi rụng dần. Cứ thế, hoa theo gió phiêu du, cho tới khi chỉ còn là một chùm tơ trắng với cái cuống màu nâu nhỏ như đuôi kim, bay dật dờ, lãng đãng trong rừng.

Tôi đã yêu loài hoa này, vì tôi thấy loài hoa này rất chung tình. Khi cánh hoa đã ghim vào áo trận của tôi rồi, thì hoa sẽ dính trên áo tôi cho đến hết một cuộc hành quân. Những sợi tơ trắng mềm mại của chùm hoa cứ dính cứng trên vải áo rằn ri, gỡ hoài, gỡ mãi không ra.

Ngày này qua tháng khác, vào sinh, ra tử, chết chóc, gian lao, niềm vui của những người lính bạt mạng như tôi thật là giản dị: Chỉ mong lâu lâu được về hậu cứ Pleiku, có vài giờ quây quần bên nhau; ôm cây guitar nghêu ngao đôi khúc nhạc tình; rồi vào một quán quen, ngâm thơ, uống rượu. Qua một đêm vui là chúng tôi quên hết sự đời, hôm sau lại lên đường ra trận.

Ở hoài trong rừng, suốt tháng, quanh năm, mùa nào chúng tôi cũng thấy lạnh, mùa nào cũng thấy nhớ nhà.

Có lần đóng quân bên dòng Pơ-Kô, đang buồn, vừa mở radio lên, nghe Thái Thanh hát, lòng tôi càng buồn thêm:

“Tôi xa đô thành một đêm trăng mông mênh

Tuy ra đi rồi, mà vẫn nhớ vẫn thương.

Hình bóng ấy, người em thơ đang từng giờ đợi chờ…” 

(Hoàng Thi Thơ)

 Ða phần quân nhân Cao-Nguyên Vùng 2 đến từ nơi khác.

Nghe “Nhớ Thành Ðô” mỗi người tơ tưởng tới một thành phố yêu thương của riêng mình. Nhiều bạn tôi than:

“Lâu không về qua Sài-Gòn, nhớ Gia Long, Trưng Vương quá!”

Trước đây, đi hành quân, tôi thường nhớ Hội-An và Pleiku. Hội-An có mẹ tôi, Pleiku có hậu cứ đơn vị tôi.

Trước đây, dù đã có hai lần ghé Ban Mê Thuột, nhưng tôi chẳng mảy may để ý gì tới thành phố này. Tôi đã từng nghe nhiều người than rằng xứ Thượng Ban Mê Thuột là nơi buồn quanh năm, chẳng thế mà mấy anh bạn cùng Khóa 20 Võ Bị của tôi đang phục vụ ở Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 23 Bộ Binh cứ gọi thành phố ấy bằng cái tên “Buồn Muôn Thuở”.

Nhưng từ sau lần đi họp Hội-Ðồng Kỷ-Luật tại Bộ Tư Lệnh Sư-Ðoàn 23 Bộ Binh hồi đầu tháng 5 năm 1969, tôi có dịp ghé nhà một người bạn, được gặp mặt em gái anh ta, thì Ban-Mê-Thuột đã trở thành một nơi, đi đâu tôi cũng nhớ, ở đâu tôi cũng muốn về.

Từ đó tôi cũng ít khi về Hội-An. Vì mẹ tôi cũng đã thương cô ấy, và thương cái gia đình “cũng là người Bắc Di Cư như nhà mình ấy mà!”

Những lần mẹ tôi vào thăm vợ chồng Bác Võ, thân sinh của Loan, thế nào tôi cũng nài nỉ Trung Tá Sâm cho tôi rời đơn vị vài ngày để gặp mẹ tôi và gặp Loan.

Bất cứ lần nghỉ dưỡng quân nào, dù chỉ hai, ba hôm, ông Thượng Sĩ Woodell, cố vấn của tôi, cũng phải tìm cho tôi một chỗ ngồi trên những chuyến bay con thoi đưa thư hàng ngày của Mỹ, nối liền Pleiku, Ban-Mê-Thuột, Quảng-Ðức, Ðà-Lạt, Nha-Trang, Qui-Nhơn.

Cứ về Ban-Mê-Thuột thì tôi đương nhiên trở thành người lái xe đưa đón Loan và các em cô ấy từ nhà tới trường. Vì thế con đường rợp bóng phượng vĩ từ khu Cư-Xá Ðộc-Lập, qua Bưu-Ðiện, tới nhà thờ Vinh-Sơn, rồi rẽ sang trường Trung Học Tổng Hợp Ban-Mê-Thuột đã trở thành quen.

Tôi cũng không còn thấy xa lạ với những cái tên Y Jut, Ama Trang Long, Ciné Lodo, Chùa Dược-Sư, Kem Chi-Cao, Lâm-Tuyền Cốc, …

Tôi rất thích cái không khí ấm cúng của quán cà phê học trò Mây Hồng gần trường. Những lần lái xe tới sớm, tôi thường vào đây ngồi nhâm nhi ly cà phê đen chờ giờ tan học. Nói cho cùng, tôi thương nhớ Ban-Mê-Thuột cũng chỉ vì nơi đó có nàng.

Ba toán Viễn-Thám đã được thu hồi bằng phương tiện bộ chiều hôm qua.

Hôm nay tôi có trọn một ngày bình yên, không lo lắng.

Tôi có thói quen viết miên man, mỗi khi ngồi buồn một mình. Có bài thơ ghi vội vàng trên chiến địa, rồi bỏ lại trên chiến địa. Có bài thơ ướt đẫm máu hồng từ những vết thương, bạn bè tôi tiếc rẻ, nên chép lại, gửi về Sài-Gòn cho người ta đăng báo.

Trước ngày tôi gặp người nữ sinh Trung Học Ban-Mê-Thuột đó thì thơ tôi viết chẳng để tặng cho riêng ai. Nhưng từ khi tôi quen cô ấy, rồi yêu thương cô ấy, thì những bài tôi viết đều có ghi thêm câu “Gửi người tình nhỏ ở Ban-Mê-Thuột”.

Sáng hôm đó, trên núi cao, sau một giờ bình yên, tôi đã có sẵn một bài thơ ngắn để gửi về cho người mình yêu dấu. Ít lâu sau, ông Hàng Vĩnh Xuân cũng đưa bài thơ này lên trang thơ của “Nguyệt San Biệt Ðộng Quân”. Ông Xuân và tôi vốn có chút giao tình; Ðại úy Hàng Vĩnh Xuân là Chủ Bút Nguyệt San Biệt Ðộng Quân Quân Lực Việt-Nam Cộng-Hòa.

Trong sớm mai

Buổi sáng thức dậy

Thấy mình nằm trong rừng

Núi rừng từ nghìn xưa đã buồn…

Buổi sáng thức dậy

Thấy lòng nhớ thành phố

Thành phố bây giờ xa vô cùng…

Buổi sáng thức dậy

Lật tìm manh bản đồ

Những dấu mực xanh, những đường gạch đỏ

Mục tiêu nào gần, mục tiêu nào xa?

Một ngày trong đời rồi cũng đi qua.

Và một đời người rồi sẽ trôi qua…

Sáng nay thức dậy

con chim nhỏ trên cành ngái ngủ

nhìn mái poncho đôi mắt thờ ơ

Người lính vừa thay phiên gác

trở về lều xếp gọn chiếc ba lô

Bếp lửa ngại ngùng, đợi chờ những viên trái phá

Tôi ngồi một mình, đợi chờ giờ lên đường

Nhớ nhung hoài, cũng thành thói quen!

Em biết không?

Giờ này tôi đang nghĩ về em…

Và sáng nay thức dậy

Chợt thấy mặt trời hồng

Nhớ người Ban-Mê-Thuột vô cùng…

(Vương Mộng Long- 1970)

(Gửi người tình nhỏ ở Ban-Mê-Thuột)

o O o

Xế trưa, một chiếc trực thăng đáp xuống đài tiếp vận để trao cho tôi cái phóng đồ vùng hành quân mới. Hậu cứ cũng chuyển cho tôi một bì thư của Loan gửi từ Ban-Mê-Thuột. Phong thư hơi dày, trong đó chứa một lá thư viết bằng giấy học trò và ba cái bảng tên mới thêu.

Tôi đã biết cô ấy là người vẽ rất đẹp. Nay mới thấy cái tài thêu thùa của cô ấy. Những đường chỉ ngụy trang vắt chéo nhau một cách tỉ mỉ và khéo léo, vừa chắc chắn, lại vừa mịn màng.

Trên nền vải rằn ri, chữ “LONG” thoáng nhìn, thấy sắc nét như vẽ bằng bút lông trên tranh.

Cầm trên tay ba cái bảng tên mới, tôi nhủ thầm:

“Thêu kỹ thế này thì năm, sáu năm sau chưa chắc đã sút chỉ!”

Trước đây ít năm, tôi đã có vài cái bảng tên do các cô nữ sinh Trung Học Pleiku thêu giùm. Tiếc rằng chỉ sau đôi lần đưa áo cho thợ giặt, thì những cái bảng tên ấy đã rách bươm.

Thượng sĩ Goodell mời tôi một điếu xì gà vừa tiếp tế.

Anh đưa cho tôi xem cái ảnh vợ con anh vừa từ Mỹ gửi qua. Trong ảnh, thằng bé trai cười toét miệng. Miệng nó sún mất hai cái răng cửa. Hóa ra nó đang thay răng!

Nhìn cái ảnh, tôi không thể nhịn cười. Vì  thằng Goodell con trông giống thằng Goodell bố như in. Thằng Goodell bố cũng vừa bị gãy hai cái răng cửa hôm tuần trước.

Hôm đó, sau chầu rượu đón chào anh Thiếu úy Ðinh Quang Biện từ Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân vừa đáo nhậm đơn vị, nhận chức Ðại Ðội Trưởng, Ðại Ðội Trinh-Sát Liên Ðoàn 2 thì ông Trung sĩ Triêm lái xe đâm xuống ruộng. Thiếu úy Biện lọi giò, Thượng sĩ Goodell gãy hai cái răng. Goodell chưa kịp làm răng mới, chúng tôi đã có lệnh vào vùng.

Thấy hình ảnh gia đình anh cố vấn Mỹ, tôi mơ ước thầm:

“Biết tới bao giờ tôi và Loan mới có thằng Long con dễ thương như thằng con anh bạn?”

Nhớ có lần tôi đưa Loan đi chợ. Thấy cửa hàng bán sách vở và đồ chơi trẻ con, tôi nói,

-Anh muốn mua một quyển sách “Tập Ðánh Vần” để dành cho con chúng mình. Em nghĩ sao?

Nghe tôi nói đùa, Loan đỏ mặt, cười mắc cỡ, không trả lời…

Chiều nắng xế, hoa bay chập chờn trong núi, tôi ngồi dựa lưng vách đá, thả hồn về phương Nam. Có lẽ bây giờ ở Ban-Mê-Thuột đang là giờ tan học.

Tôi hình dung ra cảnh người tôi yêu đang vén vạt áo dài xanh, rụt rè bước ngang qua sợi dây xích nối giữa hai cột trụ xi măng cổng trường để ra đường chờ xe. Ước gì lúc này tôi có mặt nơi đó nhỉ?

Trưa nay tôi đã nhận cái phóng đồ hành quân mới. Ngày mai sẽ có tiếp tế trước khi chuyển vùng. Có lẽ còn lâu chúng tôi mới được về nghỉ dưỡng quân. Có lẽ còn lâu tôi mới được thấy lại Ban-Mê-Thuột.

Bên cạnh tôi, người bạn Mỹ cũng đang ngồi dựa lưng vào một gốc cây. Mắt Goodell mang kiếng đen. Tôi không biết anh ta đang ngủ gật hay đang nhớ nhung một cái trang trại nhỏ nơi miền quê Texas, bên kia đại dương.

Trời chiều không có mây. Một cặp chim hồng hoàng vừa sóng đôi bay qua đỉnh núi. Bốn cánh chim khổng lồ nhịp nhàng quạt gió. Vài phút sau, hai bóng chim chập vào nhau thành một chấm đen cuối trời…

Trung Úy Vương Mộng Long-1968

o O o

Nghĩa, tình, và nhiệm vụ…

Chúng tôi được tiếp tế mười ngày lương khô rồi chuyển vùng.

Hơn nửa năm sau trận Dak Tô 1969 tôi mới quay lại Bắc Kontum.

Trực thăng vừa bay qua cầu Diên Bình, trước mắt tôi đã thấp thoáng những mái tôn chói nắng từ Tân Cảnh.

Bên trái tôi, xa xa là Phi trường Phượng Hoàng, rồi tới Ngok Ring Rua, và Ben Het.

Cảnh cũ vẫn chưa thay đổi, nhưng người anh cả của chiến trường đã không còn nữa. Vào vùng, tôi chạnh lòng nhớ tới “Thẩm Quyền 5”.

“Thẩm Quyền 5” là danh xưng truyền tin của Ðại tá Nguyễn Bá Liên, Tư lệnh Biệt Khu 24.

Thẩm Quyền 5 đã không ngừng theo dõi bước chân đại đội tôi suốt một tuần lễ dài của trận đánh đẫm máu nhất năm 1969 của Vùng 2.

Ngày đó bất cứ lúc nào tôi lên máy cũng nghe tiếng Thẩm Quyền 5:

“Thái Sơn! Ðây là Thẩm Quyền 5! Cố gắng lên em! Em giỏi lắm! Cố gắng lên em!”

Ngay khi chiến dịch kết thúc, dù đang bận rộn, Thẩm Quyền 5 cũng cố gắng bay về Quân Y Viện Pleiku thăm hỏi tôi một lần. Trận này tôi bị thương nặng, vỡ xương vai.

Ðầu tháng 12 năm 1969 trực thăng của Thẩm Quyền 5 đã bị địch bắn cháy ngay khi vừa cất cánh rời Căn cứ Hỏa Lực số 6 Ngok Ring Rua. Tôi được tin đau lòng này trong khi đang tham dự chiến dịch giải vây cho Trại Lực Lượng Ðặc Biệt Bu Prang, Quảng Ðức.

Nay tôi đem quân trở lại chiến trường xưa, thì người chỉ huy vừa can trường vừa đức độ của tôi đã không còn! Thêm vào đó, vùng hành quân này cũng đã mất tên, danh hiệu quân sự “Biệt Khu 24” chỉ còn trong dĩ vãng.

Chúng tôi vỏn vẹn chỉ có trên dưới sáu chục mạng, chứa không đầy tám chiếc HU1D (thường được gọi là UH1D) nên việc đổ quân xuống sân của hậu cứ Trung Ðoàn 42 Bộ Binh cũng thật là dễ dàng.

Tôi để lại trên đỉnh Ngok Long một anh y tá, một toán sáu trinh sát viên, ba anh truyền  tin cùng với hai máy PRC 25 và cây angten 292, rồi bay về Tân Cảnh ở với Ðại đội 2 Trinh Sát của Thiếu úy Ðinh Quang Biện.

Chúng tôi tá túc trong căn nhà tôn sát nách câu lạc bộ. Còn hai anh cố vấn Mỹ của tôi thì ngủ nhờ trong căn nhà vòm chứa ban Cố Vấn Hoa Kỳ của trung đoàn.

Tôi vào Trung Tâm Hành Quân để họp bàn với ông trung tá trung đoàn trưởng. Ông trung đoàn trưởng là một sĩ quan đã luống tuổi, phong cách rất từ tốn và hiền hòa.

Thấy tôi có vẻ băn khoăn trước bức tường sừng sững, ghép bằng những tấm bản đồ tỷ lệ 1/100,000 trước mặt, trên đó, nơi tôi dự trù sẽ đổ quân lại nằm trong vùng oanh kích tự do, ông vội nói,

– Trung úy yên tâm! Quân đoàn đã thông báo rằng, ranh giới oanh kích tự do sẽ bị đẩy xa về hướng Ðông thêm 6 cây số nữa trong suốt thời gian Biệt Ðộng Quân hiện diện.

Ông tỏ ra rất vui khi biết tôi xuất thân Khóa 20 Võ Bị. Ông cho tôi hay đại đội phòng vệ hậu cứ của ông hiện giờ cũng do Trung úy Tuân, bạn cùng khóa của tôi chỉ huy.

Ông cho chúng tôi mượn một chiếc xe Dodge 4×4 để sử dụng cho việc chợ búa và tiếp tế nước dùng hàng ngày.

Lần hành quân này tôi được chỉ thị rõ ràng là chỉ làm công tác trinh sát thuần túy. Do đó, tôi không dự trù bất cứ hành động nào nhằm sử dụng pháo yểm hay không yểm cho các cánh quân.

Tiêu lệnh đề ra cho ba toán Viễn Thám bắt buộc phải tuân theo:

“Nếu bị bại lộ thì tự vệ, rồi chạy!”

Trước khi bay lên Tân Cảnh, tôi có ghé Phòng 2 Quân Ðoàn vài phút, tôi đã trực tiếp nghe Trung tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 Quân Khu 2 nhắc nhở:

– Trung tướng (Lữ Lan) muốn cậu vào vùng là để tìm mục tiêu cho Ðại úy Ngọc! Tránh giao tranh, càng ít càng tốt!

Ðại úy Ngọc là Trung Tâm Trưởng, Trung Tâm Mục Tiêu của Phòng 2 Quân Khu 2. Trung tâm này là nơi tổng kết tin tức địch toàn Vùng 2 Chiến Thuật rồi thiết lập các sơ đồ oanh kích B 52 để Tư lệnh Quân Khu chuyển giao cho Mỹ thi hành.

Nhiệm vụ của tôi là theo dấu Tiểu Ðoàn 37 Ðặc Công của Mặt Trận B3 Cộng-Sản. Ðơn vị Việt-Cộng này lâu nay thường quấy rối, đánh mìn, phục kích đoạn Quốc lộ 14 gần Tân Cảnh và quận lỵ Dak Tô.

Trung tá Tiếu cho tôi hay, trước đây, Tiểu Ðoàn 37 Ðặc Công hoạt động trong vùng Bắc Dak Mot tức là hướng chính Bắc của Phi Trường Phượng Hoàng. Nhưng gần đây, các đơn vị Dân Sự Chiến Ðấu của hai trại Dak Séang và Ben Het liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân liên ranh hướng Tây Quốc lộ 14, nên đơn vị này phải chạy về ẩn náu trong khu vực núi non hướng Ðông thị trấn Tân Cảnh.

Theo tôi suy đoán thì khu vực rừng rậm quanh chân hai ngọn núi Ngok Wan và Ngok Sie là vùng đáng nghi ngờ nhứt để Tiểu Ðoàn 37 Ðặc Công Cộng-Sản trú ẩn.

Hôm sau, ba toán Viễn Thám được thả; toán An Giang xuống làng Bon Du bốn cây số Ðông Bắc Quận lỵ Dak Tô; toán Bắc Bình xuống làng Dak Men cách Tân Cảnh năm cây số về hướng Ðông Bắc; còn toán Cam Ranh thì nhảy xuống ngọn đồi tranh chỉ cách đài tiếp vận Ngok Long chừng hai cây số về hướng Tây; toán này vừa giữ nhiệm vụ tiếp cứu hai toán đầu, vừa kiểm soát con đường xe be từ làng Dak Long 1 tới Quận lỵ Dak Tô.

Hai ngày trôi qua bình yên.

Ngày thứ ba toán An Giang của Thiếu úy Minh báo cáo rằng, trên bờ suối Dak Rơnu có nhiều dấu chân voi thồ vượt cạn theo hướng Ðông, Tây. Ước tính đoàn voi vận chuyển này cũng cỡ năm, bảy con voi thồ, cùng hàng chục người đi theo bảo vệ.

Tôi ra lệnh cho toán này men theo con đường thồ leo lên đỉnh ngọn núi nằm giữa Dak Rơnu và Dak Sing, rồi kiếm một vị trí thuận lợi giăng mìn phục kích địch để kiếm tài liệu.

Qua ngày thứ tư, Thiếu úy Nhờ trưởng toán Bắc Bình cũng báo, toán của anh vừa phát giác một khu doanh trại bằng tre nứa có nhiều hầm hào phòng thủ trong khu rừng già, bên cạnh một bãi ngô. Nơi này nằm trên con đường xe be cũ cách Dak Men khoảng một cây số về hướng Bắc. Lực lượng địch ở đây ước chừng một đại đội chính quy, người Bắc

Tôi thấy con đường từ Dak Men vào tới khu trú quân của địch là độc đạo, bên trái là đồng cỏ tranh, bên phải là vách núi, nếu bị địch phát giác chặn nút hai đầu thì toán của ông Nhờ khó thoát.

Tôi bèn ra lệnh cho Bắc Bình leo ngay lên đỉnh ngọn núi hướng chính Ðông con lộ. Sau đó toán sẽ men theo triền núi tiến về hướng Ngok Sie. Từ trên cao họ có thể nhìn thấy những ngọn khói bốc lên trong thung lũng dưới chân núi. Những cụm khói này cho ta biết khái quát vị trí nghi ngờ có địch.

Xế chiều, khi bản tin trong ngày của tôi vừa được mã hóa chuyển đi thì ông hạ sĩ quan trực hành quân của bộ binh tìm gặp tôi và báo rằng Trung tá Liên Ðoàn Phó Liên Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân cần gặp tôi gấp trên hệ thống máy PRC 74. Trên hệ thống truyền tin này chúng tôi có thể đàm thoại với nhau bằng bạch văn.

Ðầu dây bên kia, Trung tá Trịnh Văn Bé, Liên Ðoàn Phó Liên Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân nói,

– Này Long! Có thằng đồ đệ của cậu từ Hội An vào. Nó ở nhà mình cả tuần lễ rồi. Nó đang chờ gặp Long! Có về được không thì cho nó hay? Nghe nói nó còn phải đi Vũng Tàu học truyền tin. Nếu phải chờ lâu, chắc nó bị lỡ ngày khai giảng.

Nghe hỏi, tôi ngớ người ra,

– Tôi không có thằng đồ đệ nào đang ở Hội An cả! Chắc là ai đó lầm người!

– Nó xưng tên là Nguyễn Hồng Phong, lính của Long từ ngày Long mới ra trường, khi Tiểu Ðoàn 11 còn ở ngoài Ðà- Nẵng.

Thế là tôi nhớ ra ngay,

– Nếu nó xưng tên là Nguyễn Hồng Phong thì nó là thằng đồ đệ ruột của tôi ngày xưa đó! Bình Minh cho nó tá túc ít ngày, chờ tôi về!

“Bình Minh” là danh hiệu truyền tin của Trung tá Trịnh Văn Bé. Ông Bé có căn nhà trong cư xá Trần Quý Cáp, vợ con ông còn ở Sài-Gòn, nên ông cho tôi và Thiếu úy Ðặng Hữu Duyên, sĩ quan tiếp liệu của liên đoàn ở nhờ một phòng.

Trong nhà còn có hai người đàn em của tôi là Trung sĩ Nguyễn Lác và Hạ sĩ Nguyễn Tiến, tài xế. Có lẽ chú Phong đang tá túc trong nhà Trung tá Bé, nên ông Bé mới nói,

“Nó ở nhà mình cả tuần lễ rồi.”

Ngay lúc ấy, Trung sĩ Nguyễn Lác cũng xen vào,

– Trình Thái Sơn, năm 1966 em là binh nhì, tân binh ở Ðại đội 1, anh Phong đã là hạ sĩ ở Ðại đội 3. Anh Phong là người nấu cơm cho Thái Sơn. Anh Phong bây giờ là trung sĩ đang ở Sư Ðoàn 1 Bộ Binh, nhân chuyến đi học truyền tin, anh ấy ghé thăm Thái Sơn. Ảnh có đem theo mười con cua Cửa Ðại. Cua là do má của Thái Sơn gửi vào, nhưng chờ lâu quá, cua chết hết rồi! Ðể em đưa máy cho anh Phong nói chuyện với Thái Sơn nhé!

Hình như chỉ chờ có thế, đầu dây bên kia đã có tiếng người nghẹn ngào,

(còn tiếp)