Bài 3

Trước khi kể thêm về những nghề “lạ” ở miền Bắc thì tôi xin phép quý độc giả kể thêm cho “trọn bộ” những nghề “lạ” ở miền Nam thời nhà sản. Tôi sinh trưởng ở miền Nam nên tôi được tận mục sở thị các nghề này, tôi thích viết lại cho quý độc giả thưởng thức bằng cảm nhận của một đứa con nít đang ngơ ngác giữa những biến đổi hỗn độn lẫn sự háo hức tìm hiểu về nó chỉ nhằm mục đích đơn giản là… học lóm, chớ không phải chỉ nghe kể và góp nhặt khi viết về nghề “lạ” ở miền Bắc.

Thập niên 80, các loại đồ mủ dẻo màu sắc tươi sáng, trong vắt, trắng tinh (kêu là nhựa chính phẩm) xài hoài cũng hết, cũng hư nên người ta bắt đầu nấu lại đồ cũ để xài (kêu là nhựa thứ phẩm). Loại thứ phẩm này màu xạm đen hơn, đục hơn, giòn hơn, nhưng biết làm sao được, có xài còn hơn không. Từ đó mới sanh ra nghề móc bọc. “Ðồ nghề” là cây sắt tròn khoảng 5 ly, dài cỡ một thước, có lắp thêm cái cán cầm bằng tre như cán dao, đầu kia uốn hơi cong như hình câu liêm và mài nhọn đầu. Con nít, người lớn gì cũng có thể làm “nghề” móc bọc. Vai vác cái bao nilon loại 50 ký cũ xì, tay cầm cây móc, đầu đội nón lá rách, áo cũng rách, quần đùi, chân đất, người móc bọc đi đến các đống rác, miệng cống thúi hoắc, dùng cái móc sắt bới tung lên móc ra miếng mủ bể, chai lọ, bọc nilon trắng… (nói chung là tất cả những gì có thể bán cho vựa ve chai lông vịt) cho vô bao vác trên vai. Cuối ngày, họ đến bến sông, miệng cống có nước chảy ra để rửa, giặt cho sạch đất cát tất cả những gì thu lượm được trong ngày rồi vác bao đến bán cho vựa. Vì vậy, người ngợm của họ lúc nào cũng dơ bẩn, bốc mùi hôi thúi. Con nít mê chơi không chịu lo học, hồi trước ngoại tôi hay nói: “Không học lớn đi chăn trâu”, thời này người ta đổi thành: “Mày không lo học thì sau này chỉ có đi móc bọc”, nghe sợ quá là sợ luôn.

Năm tôi chín mười tuổi, đối diện nhà tôi có dì Hai làm nghề thợ may và bán thuốc lá lẻ. Thuốc lá đen hiệu Hoa Mai, Ðà Lạt bán phân phối tem phiếu mỗi gia đình 2 gói/tháng, ngoài ra không có loại nào khác, tất nhiên không thể đủ cho mấy ông ghiền thuốc lá. Tôi qua dì Hai chơi, thấy con Châu (con dì Hai) ngồi quấn thuốc lá. Nó ngồi trước cái “máy” quấn là cái hộp gỗ lớn cỡ hộp bánh biscuit, trong hộp có miếng nilon dày và hai cái trục bằng gỗ. Cạnh bên là một bọc nilon đựng giấy quyến đã cắt sẵn (bằng máy) miếng nhỏ bằng hai ngón tay, giấy này tôi thấy có bán từng cọc ngoài chợ. Trước tiên nó lấy hai miếng giấy quyến lót lên miếng nilon trong “máy”, lấy cây cọ chút xíu chấm vô hộp hồ dán trét một đường nhỏ lên một bên mép giấy, nhúm một ít sợi thuốc lá dàn đều trên miếng giấy, xong nó lăn cái trục để tấm nilon cuốn lại rồi tuôn ra hai điếu thuốc, nó lấy kéo cắt phần thuốc lá thừa ở hai đầu miếng giấy rồi bỏ điếu thuốc vô cái thau bên cạnh. Sau đó nó xếp 20 điếu thuốc vô một cái bịch nilon nhỏ, cho thêm vô bịch miếng giấy nhỏ in nhãn Salem, Capstan, Samit… rồi hơ miệng bịch nilon trên ngọn lửa đèn hột vịt cho dính lại là xong “sản phẩm”. Nó trưng bày những gói thuốc lá này vô cái tủ bán thuốc lá nhỏ xíu đặt trước nhà. Tôi hỏi nó “máy” quấn, sợi thuốc, giấy nhãn hiệu ở đâu mà có? Nó nói “máy” gởi người ta mua ở Sài Gòn, sợi thuốc, nhãn hiệu mua từng ký lô, má nó mua ở đâu thì nó không biết.

Thời điểm này đường Hợp tác xã bán theo tem phiếu cho dân chỉ độc một thứ đường như cục bột nhão màu vàng nâu xỉn (kêu là đường chảy, đường thùng) có mùi hôi hôi. Mẹ tôi làm sữa đậu nành bán, tất nhiên không thể vít miếng đường chảy cho vô ly sữa bán cho khách được, do đó, tôi có nhiệm vụ xách gói đường qua nhà ông hàng xóm hành nghề quay ly tâm đường để quay thành đường cát trắng. Ổng làm cách nào ở nhà sau tôi không biết, cứ đưa gói đường chảy cho ổng rồi ngồi phía trước nhà ổng chờ khoảng một tiếng đồng hồ ổng đưa lại cho tôi gói đường cát màu vàng ngà ngà, đường quay xong tất nhiên ít hơn lượng đường ban đầu. Tôi trả tiền công cho ổng là xong.

xep-hang-mua-gao

Xếp hàng, chờ đợi để mua gạo thời bao cấp. nguồn: tuannyriver.com

Nghề “chạy mánh” là mua lại (giá rẻ) tem phiếu hàng bách hóa  bán cho dân theo tiêu chuẩn năm, tháng, sau đó ai cần thì họ bán lại giá cao. Ðặc điểm “nghề nghiệp” là kẻ mua người bán đều thậm thụt, lén lút như cùng nhau đi ăn trộm. Những mặt hàng Hợp tác xã bán cho dân đồng loạt giống nhau, chỉ bán thứ họ đang có chớ không bao giờ bán thứ dân cần. Cha tôi không hút thuốc, thuốc lá mua về tôi có “nghĩa vụ quan trọng” kiếm mấy người “chạy mánh” bán lại kiếm chút tiền chênh lệch đem về cho mẹ tôi đi chợ. Người lớn không dám đem bán, sợ bị bắt vô tù, sai con nít đi có bị bắt cũng không sao. Hoặc nhà nào hết gạo, đem bán tiêu chuẩn tem mua vải, thịt heo, trà, xoong nồi, đường… cho “ông mánh”, “bà mánh” kiếm tiền mua gạo, ăn cơm với muối còn hơn là không có cơm. Nghề này có ở ngoài Bắc sau năm 1954, gọi là “con phe”, nhờ “ơn đảng ơn bác” nó “phát triển rực rỡ” ở miền Nam sau năm 1975. Sau này, khi học đến Bộ Luật Hình Sự (1985) tôi mới biết “phe phẩy”, “mánh mung” bị xếp vô nhiều tội hình sự mà tội danh đọc lên nghe hết hồn luôn: Tội đầu cơ (Ðiều 165), Tội kinh doanh trái phép (Ðiều 168), Tội chiếm đoạt tem, phiếu, tội làm hoặc lưu hành tem, phiếu, giấy tờ giả dùng vào việc phân phối (Ðiều 172).

Dân Sài Gòn có nghề lau gạo, nghề xay bột trẻ em. Lúc nhỏ, nhà tôi ăn gạo theo tem phiếu, chỉ mua được các loại gạo mốc, ẩm, đầy sạn, cát và thóc. Mỗi lần mua gạo về, mẹ tôi lôi ra cái nia và cái sàng bằng tre để sàng, sảy gạo cho hết cát. Tôi và đứa em kế ngồi cong lưng lượm thóc, sạn ra khỏi gạo. Mỗi lần nấu cơm thì vo gạo với muối nhiều lần để khi nấu cơm bớt mùi hôi. Năm 1986 tôi lên Sài Gòn học, thấy nhà dân hai bên đường thường có những tấm bảng nhỏ viết chữ “LAU GẠO”, “XAY BỘT TRẺ EM” treo trước nhà. Dân Sài Gòn cũng đem gạo tem phiếu tới những nơi này nhờ “lau” sạch hết cát bụi, sạn, thóc, mốc… bằng máy, nhờ vậy gạo lau xong trắng sạch hơn.

Với tiêu chuẩn bốn hộp sữa đặc có đường hiệu Ông Thọ cho trẻ dưới hai tuổi thì không khác nào đem muối bỏ biển, nhưng Hợp tác xã cứ chơi kiểu “Tao có quyền thì thích bán như vậy đó, không chịu tụi bây làm gì cứ việc làm đi”. Ai chạy vạy được cái giấy chứng nhận của bác sĩ là bị mất sữa hoàn toàn mới được mua tám hộp. Dân Sài Gòn còn có dịch vụ “xay bột trẻ em” chớ mấy đứa em tôi ở quê toàn uống nước cháo tán nhuyễn với đường, đường phân phối tem phiếu không đủ thì cho thêm muối. Người nào muốn xay bột thì gom gạo, bo bo, khoai mì, khoai lang khô, rau củ quả khô… đem tới cơ sở xay bột. Cối xay này không phải loại cối đá xay bột gạo thông thường, nó gần giống với cái máy xay sinh tố hiện nay nhưng nhìn thô thiển hơn nhiều, được cái hay là thứ gì cứng mềm dai nó đều xay nhuyễn. Người ta cho tất cả mọi thứ khách đem tới vô cối xay, cắm điện cho cối xay ra thành bột mịn hết, khách trả công xay cho chủ cối. Ðem bột về mỗi lần cho trẻ bú, ăn giặm thì lấy ra một ít bắc lên bếp khuấy chín, cho thêm đường hoặc muối.

TPT