Bảo Huân

Bảo Huân

Con gà có trước hay quả trứng gà có trước? Một cậu đi xin việc. Phỏng vấn viên nói “Tôi cho anh chọn. Hoặc năm câu hỏi dễ hoặc một câu hỏi khó. Anh chọn cái nào?” “Tôi chọn một câu hỏi khó” “OK. Con gà có trước hay quả trứng có trước?” “Con gà có trước.” “Vì sao?” “Một câu hỏi khó, tôi đã trả lời rồi. Sao lại có câu hỏi thứ hai?” Rốt cuộc, chẳng ai biết con gà hay quả trứng có trước.

Nhưng hỏi con người thuần dưỡng (nuôi trong nhà) con gà từ khi nào, thì có thể trả lời được. Theo ông Edmund Saul Dixon, tác giả một quyển sách nói về gà thì người Đông Nam Á đã biết cách thuần dưỡng gà từ mười nghìn năm trước. Đến năm 3000 trước Tây lịch gà nuôi phát triển nhiều ở Đông Nam Á, Ấn Độ, Phi Luật Tân… và các hải đảo. Hô biết cách ấp trứng cho nở hàng loạt. Cách thông thường nhất là dùng hơi nóng của phân súc vật. Người ta đắp lò hình bát quái, đổ tro hay trấu dưới đáy rồi xếp trứng lên và đậy nắp lại, dưới lò thông với hầm phân súc vật để lấy hơi nóng khi phân phân hủy. Một cách rất lạ khác là người ta mướn một người mặc áo bông dày, xếp đầy trứng trước bụng và hai bên hông, cứ ngồi yên như thế hàng vài chục ngày sau thì trứng nở. Chỉ giới giàu sang, phú quý mới ăn thịt gà (người ấp) nầy để tăng cường khả năng sinh lý.

hinh-anh-con-ga-trong-tranh-dan-gian-viet-nam-1

Người Ai Cập nuôi gà rất sớm, từ thế kỷ 14 trước Tây lịch. Trong mộ để xác ướp các vua Ai Cập trong Kim tự tháp, người ta xây vách bằng gạch nung, hồ kết dính có trộn lòng trắng trứng. Người Ai Cập cũng biết cách ấp trứng. Người ta xếp trứng vào hộp gỗ rồi ủ trong đống phân súc vật, khi gà nở mới đem ra nuôi. Hiện nay, cách ấp trứng đó vẫn còn áp dụng. Họ xây những lò ấp dọc sông Nil, mỗi lần nở hàng trăm, hàng nghìn gà con. Có một điều rất lạ là, các báo trong nước vừa đăng tin (ngày 21 tháng 8 năm 2016) rằng “trứng gà Ai Cập?” bán 3,000 – 3,500 đồng VN mỗi trứng mà không ai mua vì chê là trứng gà công nghiệp, chỉ tìm mua trứng “gà ta” là gà nuôi thả rong với giá từ 5,000 – 6,000 đồng mỗi trứng. Khắp thế giới, người ta ăn thịt gà, trứng gà nuôi chuồng (gà công nghiệp). Các trại gà ở Tam Dương, Vĩnh Phú, bán ra mỗi ngày hàng trăm nghìn trứng gà nuôi chuồng. Ở Việt Nam còn có trứng gà Trung Quốc, làm bằng thạch rau câu và hóa chất, tròng đỏ bằng nhựa, ăn vào sẽ bị ung thư. Tôi có thấy trên “net” cách làm trứng nhựa rất tài tình của người Tàu. Chỉ với một máy li tâm, họ chế biến dễ dàng một trứng gà giả, từ vỏ trứng, tròng trắng đến tròng đỏ.

Người Pháp khoái thịt gà đến độ lấy hình tượng con gà trống làm quốc huy. Người Mỹ nuôi gà nhiều nhất, hàng năm có tổ chức thi gà đẹp rầm rộ, náo nhiệt. Nổi tiếng nhất là cuộc thi “Modern Game Bantams”

Biểu tượng Ủy Ban Olympic Pháp quốc.

Biểu tượng Ủy Ban Olympic Pháp quốc.

Có mấy loại gà? Nhiều vô số! Trước 1975, ở miền Nam chúng ta có một loại gà mà chỉ trong trường bộ binh Thủ Đức mới có. Quân trường cũng nuôi gà? Sự thực, đó là mấy cậu “Tân cái rinh” (“tân khóa sinh”, mới vào quân trường, trong thời gian “huấn nhục” mấy tuần đầu). Mấy cậu chưa đến đôi mươi, vừa rời ghế nhà trường, quen lè phè, mới bước xuống xe ở Vũ Đình Trường đã bị đàn anh dàn chào, cho mấy vòng sân, chạy bở hơi tai, nhiều cậu té xỉu, ngóc đầu không lên còn bị đàn anh xài xể “Mấy anh là những con gà chết!”. Thêm mấy vòng nữa, thêm một số cậu nằm dài, bất tỉnh nhân sự, số còn lại “lê bước lang thang” chứ chạy sao nổi! Đàn anh lại quát “Mấy anh là những con gà mắc mưa!” Rồi lại quát “Mấy anh là những con gà rù! Chạy nhanh lên coi! Chạy vào hàng!” Trong khi đó đàn anh (sinh viên sĩ quan) chỉ chạy giật lùi suốt buổi, cả chục vòng, cho đàn em thấy. Chạy đủ mười vòng Vũ Đình Trường, cả trăm cậu lúc khởi hành mà tập họp lại chỉ còn mươi cậu, các cậu khác vẫn còn lang thang từ xa, đã đi không nổi lại còn dìu mấy cậu xỉu. Khi đầy đủ “quân số”, đàn anh lại quát “Mấy anh là những con gà nuốt cơ bẩm” Mấy cậu tân khóa sinh nầy ngớ ra “Gà nuốt dây thun” thì có thấy rồi, còn gà “nuốt cơ bẩm” là gà gì? Cơ bẩm là cái gì? Sau nầy mới biết cơ bẩm là bộ phận lên đạn, kích hỏa của khẩu súng. Thời đó còn xài súng trường “ga lăng, ôm mà mệt” (Garant M1), cái cơ bẩm gần cả ký lô, làm sao mà nuốt được?! Nhưng sau mấy tuần “huấn nhục”, cơ bản thao diễn, đi bãi, di hành… mấy cậu (đã là Sinh Viên Sĩ Quan) lột xác thành người chiến binh rắn chắc, chững chạc. Trông thì oai hùng nhưng buồn ngủ chịu hết nổi. Tập tành gian khổ, người rã rời. Di hành, tay ôm súng, vừa đi vừa ngủ như người mộng du. Ra bãi, vừa ngồi xuống là mắt díu lại, ngủ mê man, cán bộ nói gì chẳng biết, cứ thả hồn phiêu diêu nơi nào, chẳng ghi chép gì được! Nhiều cậu làm bộ đi tiểu rồi chui vào bụi cây ngủ, khi đại đội về, tập họp điểm quân số, thấy thiếu mới cho đi tìm. Cạnh quân trường Thủ Đức còn có trường Thiết Giáp, xe tăng chạy ngang dọc bãi tập nhưng thường tránh các bụi cây vì biết trong đó làm gì cũng có cậu sinh viên sĩ quan đang nằm ngủ. Huy hiệu của trường đính trên quân phục có hình lưỡi kiếm và bốn chữ “Cư An Tư Nguy” Mấy cậu đố nhau “Cư an tư nguy” là gì? Rồi cười với nhau “Cứ ăn, cứ ngủ ỳ” “Che giấu và ẩn núp” là gì? “Là làm sao cho địch thấy ta mà ta không thấy địch”! Sinh viên “đi bãi” (ra bãi tập) thường đi ngả sau quân trường, ở đó có cây cầu nhỏ gọi là “Cầu Bến Nọc”. Ra trường, đi năm non bảy núi, nghe ai vỗ ngực xưng “Dân chơi cầu Bến Nọc!” là biết “đồng môn”, xuất thân từ trường “Thủ Đức, thức đủ!”

Tân Khóa Sinh chào Huynh trưởng trong thời gian huấn nhục.

Tân Khóa Sinh chào Huynh trưởng trong thời gian huấn nhục.

Lễ gắn Alpha của Trường Bộ Binh Thủ Đức.

Lễ gắn Alpha của Trường Bộ Binh Thủ Đức.

Tết nhất phải kể chuyện vui để quý vị cười thoải mái, cho năm mới được hanh thông. Nhưng tôi xin nói chuyện nghiêm trang trước. Nói về con gà thì chẳng có gì lạ, vì hầu như ngày nào ai cũng ăn thịt gà. Gà mái, cũng giống như chị “vịt bầu” (của tôi) đang làm “bá chủ” trong nhà, từ “đô hộ phủ” (phòng ngủ) đến “phạn trù” (nhà bếp), mặt mũi nặng trịch, suốt ngày loay hoay như gà mắc đẻ, thấy phát nản. Đáng bàn luận ở đây là mấy cậu gà trống. Với bộ lông rực rỡ, mặt mũi vênh váo, nghênh ngang như Lữ Phụng Tiên (Lữ Bố), thấy em nào cũng nhào tới trổ mòi dê. Gặp hoa có chủ thì trở mặt vũ phu, nhào tới đánh đá đối phương. Hai cậu giành gái, cắn mổ nhau, “lỗ mũi ăn trầu, cái đầu chơm bơm”, cho đến khi một cậu chịu thua, bỏ người đẹp, chạy thoát thân. Còn kẻ chiến thắng? Cũng sứt tay, gãy gọng… nhưng được hãnh diện leo lên lưng người đẹp đang nằm chờ và… “làm như gà!” Thật chán hết sức! Nhưng ai chán? Chị gà chứ còn ai? Không chỉ riêng các chị gà mà chúng ta đã từng nghe tiếng (quý bà) thở dài trong đêm “Làm như gà!”

Chuyện mấy con gà trống đá nhau không phải là chuyện nhỏ, vì đã từng làm sạt nghiệp nhiều ông ham cá độ đá gà, cho nên tôi đã bỏ công lục lọi sách báo mà ghi ra đây cho quý vị giết thì giờ. Trước hết, tôi nói về ba cách đá gà.

Gà đòn. Người miền Trung thích đá gà đòn vì ít (tốn tiền) chung độ. Cặp gà (bịt cựa) đá nhau từ sáng đến chiều chưa xong. Trừ phi hai con đều chết mới xử huề, còn thì đá nhau cho đến khi một con bỏ chạy hoặc nằm  tại chỗ.

Gà cựa. Chuốt cho cựa thật nhọn. Chiến trường kết thúc trong vài “nước”.

Gà cựa dao. Cột lưỡi dao vào cựa gà. Con nào nhanh chân, chỉ đá một đòn là đối phương chết ngay. Loại gà nầy chỉ cần mua ở chợ cũng được, miễn nhanh nhẹn, khỏe và gọn. Hai gà thả ra, chỉ nghe “rẹt!” một tiếng là có con lảo đảo, “rẹt!” tiếng nữa là nằm giãy chết. Đem làm thịt, bên thua chung tiền, chịu chi phí bữa nhậu.

Tên gà thường đặt theo màu lông. Gà “Bướm”, sắc lốm đốm rất đẹp, như (cái) con “bướm!”. Gà “Nhạn” lông trắng tinh. Gà “Điều” lông đỏ đậm. Gà “Ô” lông đen. Cáp Tô Văn thần kê (Mặt xanh như gà mái ấp, lông bờm đỏ ngời như lửa). Tên gà còn được đặt theo cách đá, theo thành tích đạt được trong các trận chiến trước đó. Tiết Nhơn Quí, Tiểu La Thành (giả bộ bỏ chạy rồi bất ngờ quay lại đá một đòn chí tử). Triệu Tử Long (đá một đòn là thắng). Thần Ô, Điện Quang (đá nhanh như điện chớp, đối phương không kịp phản ứng, đành chịu chết).

Nhà văn Xuân Vũ viết tập truyện “Buồng Cau Trổ Ngược”, hấp dẫn vô cùng. Ông viết về những con gà đá, những độ gà với sự hiểu biết tỉ mỉ, uyên bác và kỳ bí như truyện “Phong Thần”. Chỉ xem tập truyện nầy thôi, khỏi cần nghiên cứu “Kinh Kê” hay “Kê Kinh” (sách dạy xem tướng gà đá) cũng dư kiến thức đến trường gà mà phét lác và… sạch túi. Xin mạn phép nhà văn Xuân Vũ, tóm tắt một đoạn văn về gà đá trong tập “Buồng Cau Trổ Ngược”.

Bảo Huân

Bảo Huân

“Có ba loại cựa: Cựa thép, cựa sáp và cựa vôi. Cựa thép có lõi rất cứng, chuốt rồi đá mấy nước cũng không tà. Cựa độc thì có loại “lục định lục giáp”. Phía trên có ba cựa nhỏ, dưới có hai cựa nhỏ nữa, vô địch. Cựa “hổ chảo”, hình móng cọp, đâm là chết. Ngoài ra còn có cựa “song đao”, cựa “vành nguyệt”. Cựa “nhật nguyệt” cái trắng cái đen, không bao giờ thua. Con gà nào có bộ cựa sần sùi và xoắn như đinh ốc. Đó là cựa “nguyệt lân” rất độc, bị đâm là chết không kịp chạy. Cựa gà mà lắc nhẹ, tưởng chừng sắp sút ra. Hay vô cùng. Có loại cựa “phản chủ”, đá đối phương gần chết lại đâm đầu chạy! Nhiều loại gà đá được mệnh danh là linh kê, thần kê… phải quan sát mới biết. Gà “tử mị” khi ngủ mà nằm như đã chết. Gà đang đá mà gáy. Gà rượt gà mái bay lên nóc nhà mới chịu đạp mái (giống tôi!). Gà luôn lắc mặt. Gà đang cáp độ mà nằm ngủ. Gà né lồng. Gà mà bồng trên tay nó kêu túc túc như túc mái là gà hay” (hết trích).

Đá gà, cờ bạc là một tệ nạn, một bịnh nghiện có từ thời xưa. Trong Hịch Tướng Sĩ, Đức Trần Hưng Đạo có câu “Giặc Nguyên trở lại đùng đùng, lấy gì chống đỡ hay cùng cam  tâm. Cựa gà sắc không đâm giáp giặc, mẹo bạc gian khó đoạt mưu quân”

Nhân đây, tôi xin tóm tắt những năm Dậu trong lịch sử Việt Nam, dân Việt đã từng dạy cho bọn giặc Tàu Phù phương Bắc những bài học đích đáng.

Năm Tân Dậu (541) Lý Bôn khởi nghĩa, đuổi giặc phương Bắc, giành độc lập cho Việt Nam, lên làm vua, xưng là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân.

Năm Ất Dậu (1285), ta đánh tan quân Nguyên Mông ở Hàm Tử, Chương Dương, đại thắng trận Tây Kết, trận Vạn Kiếp. Tháng sáu năm Ất Dậu, quân Nam đuổi 50 vạn quân Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi. Cương Mục chép “Khô cốt doanh khâu” (xương khô đầy gò) “Kinh quán như sơn” (mồ chôn xác giặc cao như núi).

Năm Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung đánh tan 20 vạn quân Thanh. Trong “Ngụy Tây Liệt Truyện” (Sách của nhà Nguyễn kể xấu kẻ thù Tây Sơn nhưng vẫn phải khen trận đánh năm Kỷ Dậu của vua Quang Trung Nguyễn Huệ) “Huệ cho quân đuổi theo đến cửa ải Lạng Sơn và lên tiếng sẽ giết sạch, không sót mạng nào để tìm tông tích Chiêu Thống. Người Thanh (Tàu) kinh sợ. Từ cửa ải trở về Bắc, già trẻ dắt dìu nhau trốn chạy. Hàng mấy trăm dặm tuyệt nhiên người và khói bếp lạnh tanh”. Gò Đống Đa ở Hà Nội là mồ chôn hàng nghìn, hàng vạn xác bọn giặc phương Bắc.

Tranh gà Đông Hồ, thường treo trong ngày Tết.

Tranh gà Đông Hồ, thường treo trong ngày Tết.

Một chuyện gà thời Pháp thuộc. Năm 1933, toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier rớt máy bay chết. Dân gian có câu “Nực cười hai bảy mười ba, trời làm trận gió, tám gà chết thiêu”. Mật thám Pháp tưởng là hiệu triệu khởi nghĩa, ra sức điều tra nhưng chẳng hiểu gì? Chánh sở mật thám Pháp là Sogny đích thân điều tra. Phải đến hỏi một vị lão nho. Được giải thích: “Nực cười hai bảy mười ba” là năm đó âm lịch nhuận hai tháng bảy thành mười ba tháng. “Trời làm một trận tám gà chết thiêu” Pasquier nói tiếng Việt là “bát kê” là “tám gà”. (Pasquier bị rớt máy bay, chết cháy).

Tôi xin kể một chuyện về gà của Việt Nam ta, để kết thúc chuyện gà, cũng rất lạ. Thời triều đình nhà Nguyễn, có ông Nguyễn Miên Tàng, hoàng tử thứ bốn mươi hai, con vua Minh Mạng, tước Hải Ninh Quận Công, là người hư hỏng, ham chơi bời, cờ bạc, hát bội, đá gà… đến nỗi khánh kiệt gia sản, phải ở nhờ trên một chiếc đò nuôi heo. Khoảng năm 1896 (?), ông đến coi một buổi đá gà. Thấy một con gà chọi dáng vẻ oai hùng, ông lớn tiếng reo hò, cổ võ. Không ngờ con gà đó bị đối phương đá thua chạy. Ông uất khí, hộc máu, ngã lăn ra chết tại chỗ, thọ 68 tuổi (có lẽ quá hồi hộp, thần kinh căng thẳng nên bị “đứt gân máu” stroke?). Vì chơi bời phung phí nên khi chết không một xu dính túi. Áo mão quận công cũng bán từ lâu rồi. Người ta phải lấy giấy màu xanh đỏ dán cho ông một cái mão quận công, dán thêm cho ông một bộ triều phục (quận công) để phủ lên người ông trước khi đem chôn. Hết.