Những quán café Hà Nội xưa bao giờ cũng chỉ có độc cái tên một âm tiết như café Giảng, café Lâm, café Nhân… Café Giảng, phiên bản gốc của café trứng có tiếng đầu tiên ở Hà Nội, thời văn minh thuộc địa 1946 còn thịnh hành, cái thời thiếu sữa tươi, sữa đặc nên trứng được thay thế! 

mui-cu7

Café sớm, trong ảnh là một khách tây với tách café trứng và một khách Á cũng đang chờ để “trải nghiệm” một cốc café-trứng “nồng nàn Hà Nội”!

Nơi tôi đến là cái địa chỉ mới của Café Giảng khuất sau con ngõ Nguyễn Hữu Huân, một chốn tấp nập khách vãng lai đổ về. Quán cũ thì ở số 7 Hàng Gai gần quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Với tôi có lẽ đã thưởng thức nhiều loại café trứng khác trước đó, Giảng lại không mang lại ấn tượng “hồn xưa thời thuộc địa” mà tôi mường tượng. Góc café cũ ở Hàng Gai xưa nồng mùi khói thuốc quện café, tường ẩm mốc, khung ảnh hoen ố trong không gian của một cái quán nhỏ chật chội. Khách thì mặc sức “vô tư” với cái thú miệng nhấp nháp café ngậm tẩu hay tay ve vẩy tàn thuốc xuống sàn nhà. Café Giảng mới-  tầng gác hai không cho phép khói thuốc. Khoảng hiên nhỏ với cái “giếng trời” thêm sinh khí cho ngôi nhà cổ, không gian bên trong nhạt điệu với những bức vẽ treo tường rời rạc, những cái chân bàn gỗ thấp lè tè. Tôi chọn góc bàn nơi hiên ngoài, cái máy hình loay hoay mãi vẫn chưa hài lòng với mấy góc cạnh nhạt nhẽo.

mui-cu6

Sát cầu thang cũ lên gác trên là nơi pha chế café. Điều mà khách lên/xuống mấy bậc thang mòn cũ khó thể không liếc mắt tò mò vào căn bếp tuềnh toàng. Hẳn nhiên, chẳng có gì hiển lộ rõ rệt nhiều hơn ngoài những bịch trứng to tướng la liệt dưới sàn gạch cũ. Ông Đạo, người “nối dõi” cho cái thương hiệu bao đời của cha mình, tẩn mẩn ghi chép vào một quyển sổ cũng cũ nhàu, chi chít những ký tự như ma trận.

“Café ngõ nhỏ, gác nhỏ”- những quán café lâu đời trong những con ngõ nhỏ chỉ một người đi lọt. Không xu thời, những chốn như café Giảng vẫn cứ mang một màu Hà Nội, tẩm ngẩm tầm ngầm mà chẳng buồn màng đến những biến đổi xung quanh. Cứ như một nốt nhạc trôi lặng lẽ trong thành phố của những ao hồ.

mui-cu5

Cái cốc nóng bé xíu đặt vừa lòng bàn tay giữ nhiệt để vị trứng khỏi tanh. Một lớp kem trứng và café đen. Café trứng, cacao trứng, đậu xanh trứng, quế trứng, matcha trứng… Aha, có cả rum trứng và bia trứng chắc hẳn dành cho mấy khách Tây. Menu khá đặc vị nhưng tách café trứng truyền thống của tôi ở Giảng Café, thực sự quá ngọt! Những biến thể hiện đại của Café trứng với Espresso và hỗn hợp trứng ngậy béo này thì cũng tùy gu thưởng thức.

Trứng và café, hình ảnh khó mà mạch lạc trong cùng một cốc. Nhưng khó thể nhầm lẫn với bất kỳ thứ café nào tôi đã thử.

mui-cu4

Cafe Mậu dịch, phiên bản gốc thời bao cấp của quán cafe “Mậu dịch Bốn mùa” ở bờ hồ Hoàn Kiếm. Chốn tụ tập trai thanh gái lịch của Hà Nội. Đàn bà tóc phi dê, áo phin nõn trắng, nhọn hoắt hai đầu cooc-xê như chóp nón. Đàn ông áo pô-pơ-lin xanh trứng sáo bỏ trong quần ka-ki đường li sắc đứt tay, Thăng Long bao bạc lấp ló túi áo ngực. Ngày ấy, cả cái thìa cafe cũng phải đục thủng để chống lấy trộm. Và dẫu khó khăn, chỉ với một chiếc TV trắng đen hay một chiếc radio cũ kỹ là dân thủ đô lại xúm đông để nghe tường thuật World cup bên kia bán cầu, món tinh thần hảo hạng bên cạnh những sáo mòn của báo giấy nội địa.

mui-cu3

Những khu “văn hóa tự phát”, chẳng có quy hoạch gì mà thành đóng vai trò quan trọng hình thành “cái gu Hà Nội”. Café Bát Sứ hay Đường Thành là những con phố café rất cũ, nơi mà những thị dân ở phố Cổ ghé qua sau bữa sáng ở với bún mọc, miến ngan hay phở Bát Đàn… Quán chật hẹp, tranh ảnh cũ, bàn ghế thấp, gợi nhớ không khí của một Hà Nội thiếu thốn. Cái quạt treo tường cũ cáu bẩn, bên trong những khung hình Hà Nội từ Chợ Đồng Xuân, Hồ Gươm, con phố Thuốc Bắc và Lò Rèn từ thuở vua Hùng dựng nước.

Một không gian café cũ và cũ đúng nghĩa có từ thời bao cấp. Nó chẳng phải retro theo cách của những chuỗi café Cộng băng chuyền hay café Mậu dịch, mà đấy là cái góc trầm ngâm để thị dân khắp chốn đến nhâm nhi café từ tảng sáng.

mui-cu2

Những cánh cửa xếp đã vài chục năm không được sơn lại, mảnh tường loang lổ những dấu ấn của những tay sơn trộm đầy những số điện thoại quảng cáo của “Kh C B Tong – khoan cắt bê tông”. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường kéo theo vết lem quảng cáo xấu xí được dùng tràn lan nơi công cộng, những mảng tường dày đặc những số phone, hệt như những mẫu tự chữ viết trong cải tiến độc đáo của phong cách Art décor được áp dụng đến mức cực đoan ở Hà Nội.

Người Hà Nội, chọn Cafe theo gu uống và dễ “chung tình” ở những quán hợp khẩu vị. Người uống lâu năm chuộng cafe đặc sánh, kẻ chọn quán cafe loãng phù hợp với “tình hình huyết áp”. Nhưng đã là cafe bình dân thì độ đặc trăm quán như một.

mui-cu1

Không có khái niệm cà phê cóc ở ngoài Bắc, cũng chẳng hẳn là cà phê vỉa hè như ở Sài Gòn, đó sẽ là những quán nước trà ở Hà Nội. Đây là những quán cà phê mọc ngay từ những ô cửa mặt tiền của những kẻ chợ thị dân nhoài mình ra lề đường chật hẹp. Giá một ly nâu đá từ 20 tới 25 nghìn đồng, chỉ vậy thôi là đủ cho khách mài đít trên cái ghế con con hàng giờ, dù là chơi game, tán chuyện hay đọc báo.

Ảnh một ngày buôn bán của bác chủ quán cafe Bát Sứ trong cái không gian ná thở, họ cười đùa, gác chân, vỗ đùi, ăn sáng, ăn trưa, xỉa răng mà vẫn cười duyên mời chào khách.

mui-cu

Với đất Hà Nội, dù tôi có pha tiếng gọi là “nâu đá” thay vì “cà phê sữa đá”, ngổ thay cho ngò om, ngan thay cho vịt xiêm… thì cũng chẳng sao cả! Đôi khi sự thoải mái trong phong cách ăn mặc của tôi có thể làm người khác tò mò, việc chụp hình trong không gian chật hẹp có thể làm người khác ái ngại. Có lẽ vậy mà người Hà Nội biến cái hành vi ngượng ngập đấy thành những “mỹ từ ý nhị” như nhẫn nhịn, kín kẽ. Phóng khoáng sẽ là cái từ nằm ngoài từ điển.

Dù nội đô hay ngoại thành, quá khứ của Hà Nội vẫn là cái “mùi cũ” của tù túng và nhếch nhác, phảng phất nỗi buồn phong lưu của một Hà Nội rất cũ. Len lỏi và trải nghiệm đủ các góc café lặng thinh này, có lẽ, tôi vẫn chưa hội đủ năm tháng để yêu để nhớ Hà Nội mà xổ ra những áng thi ca lênh láng.

Trưa nực với ly café vỉa hè, một thứ cảm giác bức bối, hệt như nồi áp suất cần được xả van!