Tokyo đang chuẩn bị cho Thế Vận Hội 2020 sẽ được tổ chức vào mùa Hè năm tới. Tại một số cao ốc khu trung tâm thành phố, các taxi chạy trên đường phố đã xuất hiện những bảng hiệu hay các logo quảng cáo về Olympic 2020, một sự kiện lớn cho nước Nhật khi đây sẽ là lần thứ nhì Nhật Bản được tổ chức từ sau hơn nửa thế kỷ, kể từ lần đầu vào năm 1964.

nguoi-nhat-nhin-tu-tokyo

Khách bộ hành chờ tín hiệu đèn đỏ tại một ngã tư – photo dinhyenthao/tre

Số lượng du khách đến Tokyo và nước Nhật nói chung vẫn liên tục gia tăng đến mức kỷ lục các năm qua và Nhật đang kỳ vọng sẽ tăng từ gần 30 triệu du khách hiện nay lên đến con số 40 triệu du khách trong năm 2020 nhờ vào Olympic này. Không phải bất cứ thành phố hay quốc gia nào có những yếu tố hấp dẫn về du lịch cũng sẽ thu hút được đông đảo du khách và để lại những ấn tượng đẹp cho họ nếu thiếu vắng yếu tố con người của xứ sở đó.

Phụ thuộc vị trí địa lý từng tiểu bang để cách biệt thêm bớt một đôi giờ bay, từ Dallas  bay thẳng sang Tokyo chỉ hơn 13 tiếng. Phi trường Narita có lẽ không xa lạ với một số người Việt tại Mỹ về Việt Nam qua đường bay của các hãng hàng không American Airlines hay Japan Airlines. Ðây là phi trường dành cho phần lớn các chuyến bay quốc tế đến Tokyo hay để quá cảnh về Việt Nam và các nước Châu Á khác qua những hãng nói trên. Cùng với phi trường Haneda gần trung tâm thành phố hơn, hệ thống hai phi trường Tokyo này thuộc hàng đón khách đông đảo nhất thế giới, chỉ theo sau các hệ thống phi trường tại London (gồm năm phi trường) và New York (ba phi trường).  Hành lý cồng kềnh, phi trường xa trung tâm thành phố, có thể đó là lý do đã không nghe nhiều người chọn thăm Tokyo một vài ngày trước khi về đến Việt Nam. Nhưng những ai nhân chuyến đi muốn ghé thăm Tokyo đôi ngày sẽ thấy rằng, quả có những lý do để du khách thế giới đổ sang đây. Một thành phố với không ít điều thú vị hay mang lại dăm kỷ niệm nho nhỏ nào đó về bộ mặt của một đất nước đã có những thành công ngoạn mục kể từ sau Ðệ Nhị Thế Chiến mà chúng tôi đã tường trình qua đôi kỳ phóng sự ảnh trên vài số báo trước. Ở đây chúng ta thử tìm hiểu đôi nét về con người Nhật, yếu tố quan trọng để phát triển một quốc gia hay kỹ nghệ du lịch nói riêng.

nguoi-nhat-nhin-tu-tokyo5

Taxi chở người tàn tật với logo Olympic 2020.

Chúng tôi đến Narita khi buổi chiều còn đang đầy nắng.  Là phi trường khá xa trung tâm thành phố, mất gần tiếng rưỡi đồng hồ lái xe hay hơn nếu bị kẹt xe và  taxi về Tokyo có thể tốn hơn 200 đô la, nên hầu hết du khách hoặc chọn các tàu điện tốc hành hay xe bus với giá cả phải chăng hơn. Ngày còn sớm và chẳng vội vã gì, tôi chọn mua vé xe bus đi về Tokyo, tốn thêm mươi phút đồng hồ so với các tàu điện tốc hành. Nhiều năm trước, từng làm làm việc chung với những người Nhật – những người nổi tiếng về sự đúng giờ, chính xác như những chiếc đồng hồ điện tử họ từng giới thiệu ra thế giới, ít nhiều tôi hiểu được một chuẩn mực đã trở thành sự kỷ luật và thói quen mà chúng ta chưa bao giờ làm được và cũng khó lòng kỳ vọng sẽ sớm làm được là sự đúng giờ. Xe bus lăn bánh chính xác như đã ghi trên vé, không hơn không kém một phút nào. Lịch trình chính xác từng phút này quả đúng cho cả hệ thống di chuyển công cộng tại Tokyo, dù bằng tàu điện ngầm hay xe bus. Ðó là một trong những thói quen về những điều người ta khuyên không nên làm khi đến với nước Nhật như không trễ giờ, không ăn uống hút thuốc trên đường phố, không nói chuyện điện thoại hay ồn ào trên tàu điện, không khạc nhổ, hỉ mũi nơi công cộng, không cho tip…  Như mọi chuyện, chẳng thể kỳ vọng sự tuyệt đối, nhưng quả thật đó là những gì tôi thật sự chứng kiến trong những ngày tại Tokyo. Hoặc giả hiếm hoi có bắt gặp những người đang làm những điều “không” nói trên nơi công cộng,  nó bỗng gợi ngay trong đầu tôi rằng, ắt đó phải là những người mới sang sinh sống tại đất nước này hay là một du khách Á Châu nào đó. Hoặc một người Nhật cá biệt.

nguoi-nhat-nhin-tu-tokyo4

Các nhân viên Nhật đang nhận lịnh đầu ngày – photo dinhyenthao/tre

Tokyo sạch. Rất sạch. Ít khi tôi bắt gặp rác hay đầu thuốc lá vứt bừa bãi trên đường phố hoặc nơi công cộng dù luôn đông đúc người qua lại và những thùng rác công cộng cũng khá hiếm hoi.  Người Nhật thực hành đúng như điều chúng ta thỉnh thoảng bắt gặp tại các bờ biển đó đây: đến và đi, chỉ để lại những dấu chân trên cát. Họ giữ đúng thói quen không xả rác hay mang rác theo về nhà mình như tôi được nghe. Singapore,  nơi phần lớn dân chúng là người gốc Hoa, cũng nổi tiếng về sạch sẽ. Nhưng tôi ngờ rằng Singapore có được điều này bởi vì luật lệ gắt gao, mức phạt nặng nề dành cho những người vi phạm tại nước này hơn là vấn đề ý thức và tính kỷ luật đã trở thành thói quen và văn hóa như người Nhật. Nhiều người ắt không quên những tấm ảnh hay thước phim đã từng làm thế giới không tiếc lời ca ngợi và ngưỡng mộ người Nhật, về những cổ động viên Nhật vẫn ở lại lượm rác và dọn dẹp khán đài sau một trận đấu mà đội tuyển Nhật bị bại trận trước đội Bỉ trong một trận đấu nhiều kịch tính tại cuộc tranh tài World Cup hồi năm trước.

nguoi-nhat-nhin-tu-tokyo1

Tượng điêu khắc Thanh Bình tại trung tâm Tokyo – photo dinhyenthao/tre

Có lẽ đời sống nhanh, thói quen đúng giờ và thời gian biểu chính xác nên người Nhật vội vã, đi nhanh. Nhưng phong thái lại khá trầm tĩnh, lịch sự, chẳng hề chen lấn, xô đẩy hay cắt hàng. Sự trật tự có thể không chỉ do tính cách người Nhật mà một phần vì quy ước mặc nhiên hay ngấm ngầm nào đó mà họ luôn tuân thủ, cùng những sự sắp xếp đơn giản nhưng khá khoa học trong xã hội. Chỉ việc lên xuống cầu thang dẫn xuống các tầng xe điện ngầm cũng khác hơn dăm nơi tôi đã đi qua. Người lên một bên và người xuống một bên, thay vì lên xuống tự do, tùy ý gây nên cảnh hỗn loạn, chen lấn. Người đợi xe điện ngầm cũng vậy. Họ đứng chờ hai bên cửa xe cho đến khi người cuối cùng xuống ga mới bắt đầu bước vào trong xe, thay vì xe vừa mở cửa đã tranh nhau ào vào, chắn lối người ra. Nhật chạy xe bên trái và đi bộ cũng vậy nên đường phố đông đúc cũng ít cảnh phải chen lách, va vào nhau.

nguoi-nhat-nhin-tu-tokyo3

Giá cả niêm yết tại khu chợ địa phương – photo dinhyenthao/tre

Người Nhật nghiêm trang hay trầm tính, thu mình nên ít cười, lại không biết hay không nói nhiều tiếng Anh nên giao tiếp cũng có đôi phần trở ngại. Tuy nhiên họ lại ân cần, tận tình giúp đỡ du khách một khi được ngỏ lời. Tôi không nhớ nhân viên khách sạn đã có nở nụ cười nào với chúng tôi trong một tuần ngụ nơi đây nhưng bất cứ nhân viên nào cũng tận tình trả lời hay giúp đỡ khi tôi có yêu cầu hoặc cần hỏi dăm điều gì đó. Hệ thống xe điện ngầm khá tiện lợi, nhưng tôi sử dụng cả taxi trong di chuyển khi cần thiết, chỉ đến ngày về mới bắt gặp một tài xế lớn tuổi nói tiếng Anh lưu loát và cười nói thân thiện, rất vui khi chúng tôi bảo rằng mình rất thích Tokyo và mong có dịp quay lại. Ðiều tôi nói rất thật lòng. Tôi nghĩ liệu sẽ có du khách nào muốn quay lại một xứ sở, dù có là tuyệt đẹp với nhiều thắng tích, nếu người dân bản địa nhếch nhác, thiếu ý thức lại hay bắt chẹt, thiếu thân thiện và trấn lột du khách? Còn với Tokyo, có những dịch vụ họ chỉ giảm giá riêng cho du khách, như vé tàu điện tốc hành từ phi trường Narita hay vé metro ngắn hạn (metro pass) khi đưa ra sổ thông hành và tôi cũng chẳng hề phải trả thêm bất cứ thứ gì cao giá hơn những bảng giá đã niêm cho người dân địa phương. Dù sống và làm việc cùng người Mỹ vài ba chục năm nay, tôi cũng không tin rằng mình đã hiểu về người Mỹ nên tất nhiên những nhận xét về tính cách người Nhật nói trên cũng chỉ là sự ghi nhận, quan sát của riêng mình qua thái độ, hành xử bên ngoài của họ mà thôi. Nhưng tôi tin rằng ngần ấy điều cũng cho thấy những phẩm cách tích cực và đầy giá trị của người Nhật để những sắc dân khác học hỏi.

nguoi-nhat-nhin-tu-tokyo2

Quầy bánh ngọt nơi công viên cuối tuần – photo dinhyenthao/tre

Khi kể dăm điều về nước Nhật và người Nhật, một anh bạn tôi dẫn lời các chuyên gia phát triển quốc tế của Liên Hiệp Quốc rằng, “Sự phát triển một quốc gia không tùy thuộc vào yếu tố khả năng mà chính yếu là tùy thuộc vào tâm lý tập thể của người dân trong quốc gia đó”. Anh bảo đó là một nhận xét hoàn toàn chính xác và tôi cũng rất đồng ý. Tôi không chắc lắm rằng, người Nhật là một sắc dân “siêu đẳng”, thông minh vượt bậc hơn người. Nhưng cái yếu tố tâm lý số đông của người Nhật khi đặt tinh thần dân tộc và tập thể lên trên hết, đã giúp nước Nhật trở nên hùng cường và có được sự kính nể của thế giới như ngày nay.

ĐYT

Dallas, TX