Đã có một chàng thanh niên Pháp bỏ 15 tháng trời, rong ruổi khắp Việt Nam để sưu tầm, tìm hiểu về âm nhạc Việt Nam, từ những làn điệu dân ca sang nhạc dân tộc vùng cao nguyên cho đến những dàn nhạc cổ điển phương Tây của các nghệ sĩ Việt Nam trình diễn. Đó là Francois Bibonne, một thanh niên Pháp 26 tuổi, có bà nội là một người gốc Việt tại Pháp, người muốn nối nhịp cầu âm nhạc Việt Nam ra thế giới.

FranCois quay phim tài liệu của mình. Ảnh: VnExpress 

Francois Bibonne chưa bao giờ nghĩ sẽ sang Việt Nam cho đến khi bà Nội của anh qua đời. Anh đã từng sang Việt Nam trong một chuyến du lịch ngắn ngày để biết về quê hương của bà Nội của anh một năm trước đó. Khi chọn lựa vài điểm đến như London, New York, Tokyo hay Seoul cho một dự án âm nhạc trong năm 2020, anh đã tự hỏi mình tại sao không là Việt Nam?

Ý nghĩ muốn biết nhiều hơn về đất nước Việt Nam, đã thôi thúc một thanh niên chơi nhạc từ nhỏ và tốt nghiệp song bằng Cao học về Lịch Sử đương đại tại đại học danh tiếng Sorbonne của Pháp và Cao học Âm Nhạc và Xã Hội Học tại đại học EHESS của Paris đã khiến Francois lên đường. Bởi cho đến khi sang Việt Nam, Francois cũng chưa từng biết rằng đất nước phương Ðông nhỏ bé từng là thuộc địa của Pháp cũng có những dàn nhạc cổ điển phương Tây với những nghệ sĩ tài ba. Anh không biết gì nhiều về Việt Nam.

Vậy là chỉ một cái va ly nhỏ và chiếc điện thoại iPhone, đầu năm 2020 Francois nhận tháng lương cuối cùng làm lộ phí cho chuyến đi dài ngày của mình, một hành trình mà chính anh cũng không nghĩ sẽ làm thay đổi cuộc đời anh.

Poster cho bộ phim tài liệu của Francois “Ngày xửa ngày xưa ở Việt Nam.” Ảnh: Francois Bibonne

Trong suốt 15 tháng trời với máy quay phim cá nhân cầm tay, Francois đã đến nhiều vùng của Việt Nam, ngồi nghe, trò chuyện, tìm hiểu về những làn điệu dân ca, các nhạc cụ cổ truyền, một nền âm nhạc độc đáo và riêng biệt của Việt Nam cho đến vào những nhà hát lớn với những dàn giao hưởng Phương Tây. Chàng thanh niên trẻ bỏ tiền túi dành dụm lẫn dạy thêm tiếng Pháp và tiếng Anh trong suốt thời gian thực hiện dự án công phu của mình tại Việt Nam. Kết quả là cuốn phim tài liệu “Once Upon a Bridge in Vietnam”, tạm dịch là “Xưa có một nhịp cầu Việt Nam” ra đời.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Francois gặp gỡ những người dân tộc, đến các lớp học nhạc của các em nhỏ Việt Nam, trò chuyện cùng người sửa kèn đồng, gặp gỡ những nhạc sĩ nhạc cổ điển trẻ của Việt Nam, nhiều người có thể trò chuyện được với anh hoặc tiếng Pháp hay tiếng Anh. Không chỉ âm nhạc cổ truyền mà cả âm nhạc cổ điển phương Tây tại Việt Nam cũng khác xa với loại âm nhạc cổ điển mà Francois đã được học, được biết. Trẻ trung, cởi mở và ít nhiều mang ý thức gắn bó với Việt Nam qua bà nội mình, Francois không còn thấy ranh giới giữa văn hóa, ngôn ngữ, con người… Có lẽ vì vậy mà anh đặt cả tình yêu của mình vào trong cuốn phim đầu tay này.

Phim thu hình xong nhưng kỹ thuật hậu kỳ là điều rất quan trọng để có thể trình làng ra công chúng. Bộ phim là công sức của Francois cùng rất nhiều người thiện nguyện mà không hề có chi phí thực hiện. Francois lập ra một studio mang tên bà nội mình là Studio Thi Koan để quảng bá bộ phim và vận động gây quỹ là 12,000 Euro, tức chưa đến 14,000 đô la để thuê mướn studio chuyên nghiệp của Pháp thực hiện việc biên tập, cũng như các chi phí phiên dịch, quảng bá, cầu chứng bản quyền và gởi dự thi liên hoan quốc tế… Mức gây quỹ khá khiêm cung nhưng anh còn trích lại 10% để tặng lại việc trồng tre cho một khu rừng tại Yên Bái.

Francois khám phá văn hóa truyền thống trong hành trình 15 tháng ở VIetnam. Ảnh: VnExpress

Công sức và sự đam mê âm nhạc lẫn lịch sử cùng tài năng của Francois đã được đáp trả. “Once Upon a Bridge in Vietnam” vừa được Hiệp Hội Phim Ảnh tại Los Angeles (LAFA) , kinh thành của phim Hollywood vừa trao giải thưởng phim tài liệu ngắn hay nhất trong tháng Hai này cho cuốn phim tài liệu đầu tay của anh.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

LAFA là liên hoan phim dành cho các nhà làm phim và biên kịch phim khắp thế giới vừa bước vào nghề nhằm quảng bá phim và các đạo diễn nhằm giúp họ nhận được sự chú ý từ giới làm phim chuyên nghiệp và đi xa hơn trong sự nghiệp của mình. Cũng nói thêm rằng, giải thưởng liên hoan phim LAFA trong tháng Hai này còn có một nhà làm phim gốc Việt tại Úc là Minhy (Minh) Huỳnh với cuốn phim âm nhạc Dead of the Night đã giành giải video ca nhạc hay nhất.

Giải thưởng LAFA là khích lệ lớn cho cuốn phim đầu tay của Francois, dù anh cho biết là “Once Upon a Bridge in Vietnam” chỉ là khởi đầu cho một dự án nghiên cứu và giới thiệu âm nhạc truyền thống lâu dài hơn mà anh đã mang  ý định sẽ tiếp tục thực hiện.

Francois với Ca Trù ở Hà Nội. nguồn indiegogo

Trả lời qua email, Francois cho biết anh rất vui khi cuốn phim đầu tay của anh được đánh giá như một phim chuyên nghiệp và nhận được giải thưởng quốc tế, nhất là vươn đến nước Mỹ. Anh thậm chí đã phải biên tập lại lần thứ nhì sau một vài góp ý chuyên nghiệp và muốn cuốn phim được hoàn hảo hơn. Tức thời gian cho cuốn phim đã kéo dài hơn hai năm trời nhưng xứng đáng và là điểm khởi đầu để anh tiếp tục dự án của mình. Cuốn phim thứ nhì có thể sẽ được bắt đầu trong năm 2022 này.

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Hình ảnh trung tâm trong phim của Francois Bibonne là những chiếc cầu, một phép ẩn dụ về cầu nối giữa Việt Nam và thế giới thông qua âm nhạc. Bibonne bảo rằng, thế giới biết khá rõ về âm nhạc truyền thống của Nhật Bản, Trung Hoa hay thậm chí là Ðại Hàn nhưng với Việt Nam thì chưa đủ”. Những làn điệu dân ca, những tiếng đàn bầu, đàn sáo dân tộc hay nhị, những bộ gõ cao nguyên hay cung đình Huế mang những nét rất riêng của Việt Nam, Francois sẽ là một trong những người giới thiệu nó ra thế giới.

Có một số người Việt Nam, dường như việc cách tân, muốn phá bỏ những truyền thống trở thành một suy nghĩ và xu hướng thời thượng. Và đã có một chàng trai Pháp, người lặn lội từ phương xa để nghiên cứu, tìm hiểu trong mục đích giới thiệu nét độc đáo, riêng biệt của nền văn hóa Việt Nam ra thế giới.  Âu đó cũng là một điều đáng suy nghĩ.

DYT