Kỳ trước: Dù đã dạy cho tên cướp cạn một bài học, nhưng cảm giác u buồn lại dậy lên. Ông nhớ về trường Võ Bị Đà Lạt… Trận mưa đá dội xuống cánh rừng âm u  như dội xuống lòng người sĩ quan sa cơ thất thế trước vận nước đen tối.

3 Kỳ – Kỳ 3

Ôi thời gian qua như tên bay! Ðã có biết bao nhiêu lần mưa đá đi qua trong đời. Năm thằng tuổi trẻ chuyền tay điếu Orland ngày nào, thì một thằng thành phế binh, ba thằng đền nợ nước. Hai mươi bốn năm sau lần mưa đá ấy, còn lại mình tôi, một Kẻ Săn Vàng trên Chiến Khu D…

Trời gầm trên ngọn cây. Chớp giật liên hồi. Mưa như cầm chĩnh đổ. Cứ như vậy suốt đêm và kéo dài cho tới chiều hôm sau, mưa mới nhẹ hạt dần.

Nước đã tràn qua bờ be miệng giếng. Nước cuốn trôi xuống chân đồi những gì cản đường. Dòng suối hiền hòa hôm qua, nay trở thành con sông nhỏ chở đầy củi cành rác rến, nước đỏ ngầu.

Tôi cứ ngồi bó gối nhìn ra ngoài trời. Ðiếu thuốc này tiếp nối điếu thuốc khác trên môi, tôi ngồi nghĩ vẩn vơ toàn những chuyện ngày xưa.

Trời càng về chiều càng lạnh hơn. Ðêm đó tôi bị cảm lạnh. Trong lúc cơn sốt rét rừng hành hạ tôi, thì ngoài kia mưa vẫn rơi.

Nhưng rồi chuyện gì cũng qua. Mấy hôm sau vừng dương lại trở về soi những tia nắng ấm trên cuộc đời những kẻ bất hạnh nhất trần gian.

Những giọt mồ hôi lại đổ xuống mảnh đất chiến trường xưa.

Những gầu đất tiếp tục khơi sâu lòng giếng.

Từ quán cô Nghĩa vang vọng lại giọng hát ngọt ngào thuở nào, Khánh Ly:

“Trời ươm nắng cho mây hồng… Mây qua mau, em nghiêng sầu…Ngoài kia lá như vẫn xanh …”

Tôi chợt thấy một niềm vui nhỏ nhen nhúm trong lòng, nơi rừng thiêng nước độc này, chợt phút giây, tìm lại được cái gì đó gần gũi, ấm cúng ngày cũ.

Giếng đã cạn đá sỏi, bắt đầu vào lớp đá dăm, chúng tôi mừng vui vì sắp tới ngày “hy vọng vươn lên” của giếng vàng thứ nhì.

Ðã đến ngày chúng tôi bắt đầu công việc gom xái. Xái chuyển tới mặt đất thì được đóng thành bao, chất quanh lều. Sau đó chúng tôi mới từ từ chuyển xái xuống suối để đãi lấy tinh. Với dân đào vàng thì ngày này là ngày hạnh phúc nhất.

Tôi cầu mong đợt thu hoạch kỳ này sẽ khấm khá hơn lần trước. Giếng bên cạnh của hai cha con ông người Quảng mới trúng bảy cây. Giếng của chúng tôi sát nách giếng cha con nhà ấy, có rẻ cũng được năm cây!

Bảo Huân

Tôi nhẩm tính trong đầu, chi phí đâu đó xong xuôi, mỗi người chắc mẩm có cả cây bỏ bọc!

Tôi nghĩ đến đàn con đang ở Sài-Gòn chờ tin tôi, như những con chim non đang trông chờ con chim mẹ kiếm mồi…

Tôi mơ màng hình dung trước mắt, một mâm cơm gia đình có canh, có cá.

Tôi nghĩ tới tuần sau, khi tôi mang vàng về, các con tôi sẽ có tiền trả tiền học. Tôi sẽ mua thêm vài tấm tôle nhựa để che những lỗ dột trên lầu cho lũ con đỡ ướt lúc gió mưa. Tôi sẽ mua dự trữ một số chỉ thêu để con gái tôi có sẵn chỉ mà thêu hàng cho khách đặt hàng thêu. Tôi sẽ mua một cái máy thu thanh cho bọn nhỏ học Anh Văn. Vợ tôi sẽ mua để dự trữ sẵn trong nhà một tạ gạo, vài chai nước mắm, phòng đói cho con…

Trời hừng đông, người ta bàn tán với nhau rằng, ngày mười chín tháng năm, ngày sinh của “Bác”, Huyện đội sẽ cho cán bộ bất thần vào kiểm tra an ninh khu vực khai thác vàng này.

Tin tình báo nhân dân nhanh thật! Hèn nào mới gà gáy sáng, tôi thấy đã có mấy anh thanh niên hì hục chuyển hai thùng súng đạn từ cái quán của cô Nghĩa đem phân tán đi đâu đó không ai rõ.

Sáng sớm, thím Xuân đem lên một con gà trống đã luộc chín và một nồi xôi đậu xanh. Chúng tôi lần lượt thắp nhang khấn vái cám ơn Thổ Ðịa đã phù hộ.

Sau khi ăn sáng, chúng tôi chuẩn bị đánh dây đai những bao xái để dễ dàng chuyển vận.

Khoảng mười giờ sáng, nơi đầu dốc cậu Linh có tiếng súng bắn chỉ thiên, một cái loa cầm tay oang oang ra lệnh:

“A lô! A lô! Ai ở đâu ở tại chỗ! Có đoàn kiểm tra an ninh kinh tế của huyện thi hành nhiệm vụ thanh lọc. Yêu cầu bà con sẵn sàng xuất trình giấy phép khai thác củi cho nhân viên chính quyền. Ðây là công việc bảo vệ an ninh và quyền lợi cho bà con. Xin bà con cứ yên tâm sinh hoạt bình thường, đừng gây lộn xộn. Hãy tiếp tay với chính quyền củng cố an ninh huyện nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của Hồ Chủ-Tịch! A lô! A lô!”

Thằng Thanh ghé tai tôi nói nhỏ,

– Con với thằng Hòa phải tránh mặt, vì tụi con trốn nghĩa vụ. Bác Hai và thằng Út ở lại trông coi bãi xái. Hết động, tụi con trở lại.

Sau đó nó và thằng Hòa lủi vào rừng mất hút.

Tiếng loa oang oang tiến lại gần. Nhạc vàng vụt tắt.

Trên đồi, vài dân mõi vàng giấu vội những bao xái trong lùm bụi. Có người ném các bao xái xuống giếng rồi ném cành lá lên trên che đi.

Tôi chưa biết phải làm gì thì những cái nón cối xanh đã nhấp nhô đó đây.

Dẫn đầu đoàn bộ đội là một sĩ quan cấp lớn của Quân Ðội Nhân Dân. Ðầu hắn đội cái nón cối rất mới, sao vàng sáng chói, bên hông có K 54, tay có đổng (đồng hồ), vai có đài (radio), có cặp, mắt có kiếng râm. Miệng hắn toe toét cười khi đi ngang qua các quán lều. Cái quân hàm màu đỏ trên cổ áo hắn với một ngôi sao và hai gạch vàng (Thiếu tá) cho tôi biết lực lượng kiểm tra hiện diện trong vùng này cũng phải cỡ trên dưới một tiểu đoàn.

Như vậy là vòng ngoài, vòng trong đều có bộ đội, không rõ tụi thằng Hoà, thằng Thanh có lọt thoát không?

Hai hàng quân triển khai dọc hai bên bờ Nam Bắc của con suối. Những tên lính Cộng Sản, AK cầm tay, lưỡi lê đầu súng, mặt lạnh như tiền.

Chúng đóng trụ, từng tổ hai đứa. Tổ này cách tổ kia khoảng hai chục thước, trải dài theo con đường mòn bên bờ chờ lệnh.

Công việc kiểm tra bắt đầu với việc trình giấy phép khai thác rừng. Từng toán ba người đến mỗi bãi hỏi giấy phép.

Sau đó họ làm biên bản, bắt người trưởng mũi ký tên. Có vài người bị đưa đến tập trung hướng bên kia đồi, nơi cuối dốc, ở đó có một khoảng đất bằng phẳng với những súc gỗ cũ mục.

Mỗi toán kiểm tra gồm ba bộ đội thì có một tên là sĩ quan, từ một sao một gạch, tới bốn sao một gạch, tức là từ thiếu úy tới đại úy.

Tôi nhủ thầm:  “Gớm! Sao mà Quân Ðội Nhân Dân có nhiều sĩ quan dữ vậy!”

Một thượng úy Cộng Sản và hai tên bộ đội tiến tới lều tôi. Mắt chúng sáng lên khi thấy hai dãy gần ba chục bao xái đã đóng bì gọn ghẽ.

Với giọng Miền Trung tên thượng úy trưởng toán hỏi tôi,

– Giấy phép khai thác rừng của anh mô? Ðưa tui coi!

Tôi trình cái giấy phép mới mua lại tại bãi tuần trước với cái giá ba phân vàng.

– Chứng minh nhân dân của anh mô?

Tôi nhỏ nhẹ,

– Vì ở đây không an toàn nên tôi để chứng minh nhân dân ở nhà.

Người sĩ quan Cộng-Sản nhăn mặt,

– Anh nói năng chi lạ rứa? Anh ở ngoài Bắc mới nhập phải không?

Tôi chống chế,

– Không, tôi ở trong Nam lâu rồi, nhà tôi ngoài bến phà mà!

Hắn không để ý gì tới lời tôi nói. Quay qua một tên tùy tùng, hắn ra lệnh,

Dẫn anh này ra bãi tập trung, giao cho đồng chí Quang.

Tôi quay qua định dặn dò thằng Út đôi điều thì thằng nhỏ đã trốn mất tự lúc nào!

Tôi đi trước, khẩu AK và cái lưỡi lê đi theo sau lưng.

Trên đoạn đường tới bãi, tôi còn gặp cả chục người cùng hoàn cảnh nên lòng cũng không lo lắng lắm.

Khoảng gần hai trăm người chúng tôi bị tập trung nơi bãi cây. Nơi đây có một cái lều vải dã chiến vừa được dựng lên vội vã. Có một cái bàn gỗ đặt trước cửa lều.

Một đại úy Cộng-Sản đang ngồi trên ghế nhâm nhi ly cà phê đen.

Tên bộ đội đẩy tôi về phía bàn giấy và ra lệnh,

– Anh trình diện Thủ trưởng Quang đi!

Tôi chưa kịp bước lên thì tên sĩ quan Cộng-Sản đã xua tay,

– Thoải mái! Thoải mái! Anh cứ thoải mái ra nghỉ ngoài kia, chờ chúng tôi nghiên cứu vấn đề rồi sẽ giải quyết sau. Nhớ đừng tìm cách thoát ly đó nhé!

Sau đó hắn to giọng để những người khác cùng nghe,

– Các anh chỉ được di chuyển trong vòng đai đánh mốc bằng dây thừng này thôi! Ai tìm cách thoát ly thì chúng tôi không chịu trách nhiệm bảo toàn tính mạng đấy nghe không!

Ðám người bị câu lưu nghe lời hăm dọa mà xanh mặt.

Những tên lính Cộng Sản canh gác bốn góc bãi thì vẻ mặt khó đăm đăm.

Những họng AK lúc nào cũng lăm lăm chĩa vào đám đông như sẵn sàng nhả đạn.

Gần hai trăm người chúng tôi ngồi trên cát, trên cỏ, nhịn đói, nhịn khát trong thời gian năm, sáu tiếng đồng hồ.

Tới xế chiều thì viên thiếu tá trưởng đoàn kiểm tra xuất hiện. Hắn vẫn toe toét cười,

– Thế nào? Bà con có khoẻ không? Chờ đợi lâu thế này chắc là bà con đói bụng rồi đấy! Thôi nhé! Mình tranh thủ làm nhanh nhanh công tác kiểm điểm để bà con về nghỉ mệt. Thì giờ là vàng ngọc mà! Hì! hì! hì!…

Mọi người thở ra nhẹ nhõm. Tình hình có vẻ không đến nỗi căng lắm! Vài người trong bọn tôi bạo gan giở thuốc lá ra hút trong khi chờ đợi viên thủ trưởng của đoàn kiểm tra giải quyết vấn đề.

Viên thiếu tá Cộng-Sản đưa từng xấp giấy có in sẵn mẫu cho bốn tên đàn em đem phân phát cho mỗi người chúng tôi một bản. Ðó là mẫu tự khai và kiểm điểm, trong đó chúng tôi phải ghi rõ họ tên, quê quán, nghề nghiệp, ngày sinh, tháng đẻ.

Về mục kiểm điểm thì tùy từng người; người không có chứng minh nhân dân thì hứa lần sau sẽ đem theo giấy tờ theo mình khi đi xa nhà; người không có giấy khai thác củi thì hứa lần sau sẽ xin giấy phép trước khi vào rừng.

Nhiều ông trưởng mũi không biết đọc, biết viết, phải nhờ người khác giúp đỡ.

Tôi khai tên mình là Nguyễn văn Hai, sinh quán Hà-Ðông, nghề nghiệp thợ mộc.

Tôi nộp tờ tự kiểm của anh chàng Nguyễn văn Hai, Hà-Ðông, thợ mộc trên bàn rồi lui ra đứng lẫn vào đám đông.

Những tên bộ đội canh gác an ninh lúc đó đang tháo gỡ căn lều dã chiến. Chúng nó chuẩn bị thu quân.

Sau khi dồn đống giấy kiểm điểm của chúng tôi vào ba lô, tên đại úy phụ tá xách cái ba lô đó đi về hướng dốc Cậu Linh. Hắn vừa nhún nhảy đi, vừa huýt sáo miệng điệu nhạc Lambada Nam-Mỹ.

Viên thiếu tá Cộng-Sản trưởng đoàn trịnh trọng hắng giọng lấy hơi rồi tuyên bố,

– Nhân danh trưởng đoàn kiểm tra nhân dân, tôi khen ngợi các anh đã thành khẩn nhận lỗi và hối lỗi. Nhân ngày kỷ niệm sinh nhật của Bác Hồ, tôi châm chước cho các anh ra về. Nhớ lần sau chấp hành nghiêm chỉnh mọi quy định khai thác rừng của huyện và không được vi phạm nữa nghe không!

Mọi người vỗ tay cảm động. Ðôi người còn đến mời thuốc lá và xin bắt tay tên sĩ quan trưởng đoàn. Tôi cũng thở phào nhẹ nhõm.

Tôi nói với một người đồng cảnh trên đường trở về bãi,

– Chắc lệnh trên ban xuống, bắt tụi nó kiểm tra, thì tụi nó cũng làm cho có lệ vậy thôi, chứ ăn cái giải gì mà khó dễ tụi khố rách áo ôm như mình!

Ông đồng cảnh của tôi cười khẩy,

– Chắc tụi nó có nhận trà nước chia chác của xã, nên mới dễ dãi với mình. Lần trước tụi nó dọn sạch cả đồ nghề, khiên, bao, xẻng, cuốc, chẳng còn gì. Ðể về bãi mới biết kết quả ra sao anh ơi! 

Tôi về tới bãi cũng là lúc tụi thằng Thanh chạy bát nháo đi tìm tôi.

Thằng Thanh và thằng Hòa cùng vài trăm người không giấy tờ khác trốn trong khu hầm mỏ cũ suốt bốn, năm tiếng đồng hồ. Chẳng có ma nào thèm tìm đến vây bắt bọn họ.

Khi bộ đội đã rút đi, có người thông báo, tụi nó mới về lều.

Nghe thằng Út nói Bác Hai bị điệu ra bãi tập trung thì tụi nó lo lắng cuống quýt chạy đi tìm.

Thằng Út nói lúc bộ đội gí súng bắt tôi đi thì nó chạy sang lều bác sĩ An, giả đò đau bụng để theo dõi diễn tiến ra sao.

Chờ yên việc nó mới dám mon men về lều. Rồi nó mếu máo,

– Bác Hai ơi! Xái của mình bị tịch thu hết rồi! Bộ đội đã khiêng đi hết rồi!

Tôi nhớ lại, khi lên nộp tờ kiểm điểm trên bàn của tên Thiếu tá Cộng sản trưởng đoàn, tôi tình cờ nghe y dặn dò tên Ðại úy phụ tá,

– Ðồng chí nhớ cho người khẩn trương đãi xái ngay tối nay, bên huyện ủy chia cho cánh mình một nửa số thu hoạch kỳ này đó!

Thì ra cuộc càn quét này, mục đích của huyện là lấy vàng.

Trong thời gian chúng tôi bị giữ ngoài bãi súc sau đồi thì lực lượng vũ trang huyện đã lùng sục khắp các bãi. Tất cả xái đã khai quật đều bị tịch thu đóng bao khiêng đi hết. Có cả chục cái xe tải chờ sẵn ngoài dốc cậu Linh để chở đi những tấn hàng béo bở.

Cán bộ giải thích với dân đào vàng rằng, huyện cho giấy phép “khai thác rừng” chứ không phải để khai thác quặng mỏ. Quặng mỏ là tài sản của nhân dân, đào vàng là xâm phạm tài sản của nhân dân. Những người trưởng mũi đều bị gán tội xâm phạm tài sản nhân dân. Họ bị làm biên bản và phải làm tờ tự kiểm điểm. Tất cả xái vàng họ đã khai thác được đều bị tịch thu giao nộp về văn phòng huyện.

Mẹ kiếp! Cái giấy phép, giá chính thức là hai phân, giá chui là ba, bốn phân. Trên thực tế, khai thác một diện tích vuông, mỗi chiều mười mét, cho dù là rừng cẩm lai cũng không được một phân! Thêm tiền công, tiền di chuyển xe cộ, ăn uống, thuốc men.

Lại một trò “chơi chữ”! Cái đồ ăn cướp cạn!

Tôi chợt bật cười, nhớ lại cái thông cáo tháng Năm 1975 của Ủy Ban Quân Quản Sài-Gòn Chợ-Lớn ra lệnh cho Quân Cán Chính của chế độ Sài-Gòn phải “đem theo 30 ngày tiền ăn khi trình diện học tập cải tạo”

Rồi một tháng sau, “Nhà nước ra lệnh cho các anh mang theo 30 ngày tiền ăn, chứ nhà nước có hứa sẽ thả các anh về sau một tháng đâu?”
Thế rồi từng tờ lịch lật qua, theo nhau, mười ba tập lịch được bóc đi, tôi về.

Tôi về, vợ tôi đã sắp đuối, bốn đứa con tôi còn nhỏ dại.

Tôi bắt đầu lại cuộc đời với hai bàn tay trắng.

Mới đó mà đã mười bốn năm trôi qua. Thời gian trôi, nhưng chính sách của Ðảng và nhà nước thì lúc nào cũng tàn ác, dã man, “trước sau như một”

Tôi tự trách, “Mình đúng là thằng tối dạ! Kinh nghiệm đau thương mười mấy năm rồi mà chưa sáng mắt ra!”

Thế là công cốc! Cái lều của thày trò tôi vẫn còn nguyên, nhưng những bao xái vàng chất xung quanh lều đã biến mất. Giờ này xái trong những bao bì ấy đã được những “đầy tớ trung thành của nhân dân” đem đi đãi, vàng sẽ được chia cho những người có công chỉ huy công tác “bảo vệ an ninh và quyền lợi cho bà con” trong cuộc hành quân kiểm tra sáng nay.

Ðúng như tên Thiếu tá Cộng-Sản đã tuyên bố, “bộ đội không tơ hào đến tài sản của nhân dân!”

Chứng cớ là bao, bì, khiên, cuốc, xẻng, đòn, đồ nghề khai mỏ vẫn nằm yên chỗ cũ, có ai đụng tới đâu? Chúng chỉ hớt tay trên miếng ăn của những kẻ đói khổ nhất trần đời. Trong rừng chiều, tôi nghe đây đó vang vọng tiếng khóc than, tiếng nguyền rủa của những nạn nhân vừa bị cướp.

Chiều đầu mùa Hạ 1989, nắng vàng lóng lánh trên những đọt lá giữa rừng già. Trời quang và mây tạnh, nhưng trong lòng tôi cảm thấy lạnh lẽo vô cùng, lạnh hơn là khi trời đang mưa đá trên miếu Thần Hổ, Ðà-Lạt ngày nào.

Quán cô Nghĩa lại vang lên một bài ca xưa, nhưng giọng ca rất lạ, cuộn cassette được lén gởi về từ bên kia nửa vòng trái đất:

“Một ngày tàn chinh chiến ấy,

chim đã xa bầy…

Một ngày tả tơi hoa lá,

ngóng trông về xa,

nhớ thương hình bóng qua…”

VML-k20

Seattle, WA.