Kỳ trước: Có chừng 5 ngàn người là ít. Họ đến từ Móng-Cái, từ Tuyên-Quang, họ nói tiếng Nùng, tiếng Tày. Họ đến từ miền Trung, giọng Quảng, giọng Huế. Họ đến từ Cà-Mau, họ chuyện trò với nhau bằng tiếng Miên… 

3 Kỳ – Kỳ 2

Mặt trời hừng hực tháng Năm. Dòng nước đầu nguồn trôi xuôi, càng về cuối nguồn càng đục. Dòng nước thành màu cà phê sữa đặc.

Người ta lội tới mắt cá, bắp chân, đầu gối. Tay khiên chao nhanh, mắt không rời những hạt vàng óng ánh trong đáy khiên. Lượng cát óng ánh nhiều hay ít là niềm vui, là nỗi thất vọng.

Ðủ loại người tìm sống nơi chiến trường xưa, trên con suối đục ngầu đất đỏ. Những tiếng hát cất cao, ngây ngô, giọng Bắc, Trung, Nam chen lẫn nhau. Những giọt mồ hôi đọng trên trán, trên má những khuôn mặt cháy nắng sạm khô. Những tiếng cười vô tư bên những tiếng thở dài chán chường…
Tới cuối đồi, tôi ngừng bên những giếng vàng cũ. Dăm em bé gái trai, tuổi cỡ lên chín, lên mười, thân mình gầy guộc đang chuyền từng gàu đất xái chúng mót được lên mặt đất.

Tôi tò mò hỏi,

-Có khá không các em?

Một bé gái trả lời,

-Tụi con mót cả ngày không đủ ăn chú ơi! Họ ‘cạo’ láng quá! ‘bợn’ còn ít lắm chú à!

Tôi xoa đầu bé cảm thông. Thương cho bé, mới tí tuổi đầu đã vất vả vì đời.

Tôi theo cái thang dây xuống thám hiểm vùng đất thế giới của Diêm-Vương. Sâu hai, ba chục thước dưới lòng đất, ở tầng quặng mỏ, vách ngăn giữa các giếng được đánh thông để lấy xái. Lớp đất sét có quặng chỉ dày chừng ba, bốn thước.

Tôi đứng giữa một căn hầm rộng mênh mông. Mặt đất dưới chân tôi bị cạo sạch sành sanh. Trên trần là lớp đất sét trộn đá dăm, dưới nền cũng là đất sét pha đá dăm. Không khí dưới đáy giếng lạnh lẽo vô cùng. Ánh sáng mặt trời từ trên cao theo những lỗ giếng chiếu xuống đáy như những ngọn đèn pin trắng.

Ngửa mặt nhìn lên, chỉ thấy một khoanh trời xanh xa tít, lâu lâu bay qua vài sợi mây trắng.

Những em bé đang mót xái cách tôi không xa, vậy mà tôi không nghe được tiếng chúng nói chuyện. Xái dưới chân không còn. Chúng dùng xẻng đâm ngược lên tầng vách đất trên đầu, hy vọng tìm được những cục quặng vàng lẫn trong đất đá trên trần hầm.

Những bé con đang tìm miếng cơm dưới chân Thần Chết! Có lúc đất đá sụp từng khối trên đầu chúng khiến bọn nhỏ hoảng sợ chạy vội ra xa. Chờ vài giây, chúng trở lại bới vét đống đá tìm những cục xái còn sót, gom thành từng cụm rồi chuyển vận lên mặt đất.

Bảo Huân

Khi bọn nhỏ đi khỏi, căn hầm im lặng như tờ, không cả tiếng côn trùng. Tôi chợt nghĩ, chỉ cần một chấn động nhỏ trên mặt đất là cả khu rừng nặng hàng triệu tấn trên kia sẽ đổ sụp xuống, lấp kín căn phòng khổng lồ này trong giây phút.

Tôi đảo người quan sát một vòng, tôi có cảm tưởng như đang đứng dưới một bầu trời đầy mây đen kịt mênh mông.

Ðất dưới chân tôi bốc hơi lành lạnh. Tôi thấy hai ống chân mình có vẻ như muốn mềm nhũn từ từ. Quanh tôi không có ai. Quanh tôi im lặng quá.Tôi chợt rùng mình. Tôi tìm sợi dây thang, vội vàng leo nhanh lên miệng giếng.

Mặt trời xế bóng, có ba người đàn ông đeo mỗi người một cái túi đựng đầy hàng hóa bên hông. Họ đang đứng trước lều của ông Bác sĩ An hỏi han điều gì đó.

Tôi thấy Bác sĩ An và họ nói chuyện với nhau bằng tay, miệng bốn người xí xô om sòm.

Khi tới gần tôi nhận ra ba người lạ là người Thái-Lan. Họ nói chuyện bằng Anh Ngữ, họ hỏi xem có ai biết tiếng Anh thì giúp việc cho họ bán những cái poncho line hoa hòe. Họ sẽ trả công mười lăm nghìn một ngày.

Thấy không có ai lãnh việc này, tôi tình nguyện làm việc với họ. Giao kèo chỉ có một ngày thôi vì ngày kia tôi đã bắt đầu một giếng mới không thể đi theo họ được.

Sáng hôm sau tôi nhận tiền thù lao trước, làm việc thông ngôn sau. Ngày hôm ấy chúng tôi đã đi qua hết cái diện tích của mỏ vàng Hiếu-Liêm, từ đầu dốc Cậu Linh cho tới triền đồi hướng Tây, nơi những cây nọc phân khu mới đóng ranh. Giấy phép khai thác khu đất này chưa được phổ biến.

Chúng tôi la cà từ giếng này sang giếng khác. Tôi thông dịch chuyện mua bán thì ít, mà thông dịch những câu hỏi về thời thế, gia cảnh của dân mõi xái thì nhiều.

Những người Thái có vẻ thích nghe chuyện lạ bốn phương hơn là việc mời chào khách hàng.

Người Thái-Lan lớn tuổi nhất cẩn thận ghi chép những điều ông ta nghe được vào quyển sổ tay dày.

Lâu lâu ông lại giở ba lô lấy cái máy ảnh nhỏ chụp hình hoạt cảnh đang diễn ra trên khu khai thác mỏ.

Ði từ sáng tới chiều chúng tôi chỉ bán được vài cái mền. Ban đêm ở đây cũng lạnh lắm, nhưng những kẻ đào vàng khốn khổ như chúng tôi thì đâu có thời giờ để ngủ mà cần tới mền?

Trước khi chia tay chiều hôm ấy, tôi chỉ dẫn cho những người Thái thương buôn con đường lên cao nguyên để bán chăn nylon. Họ có vẻ không thiết tha lắm với việc lên Ðà-Lạt rao hàng.
Hỏi ra, tôi được biết người cao niên nhất trong bọn họ là một cựu chiến binh thuộc Sư đoàn Mãng-Xà Vương của Quân đội Hoàng-Gia Thái-Lan, một đơn vị đồng minh đã có lần hiện diện ở Long-Thành thời chiến tranh.

Chuyến đi này của ông không có chủ đích buôn bán, mà chỉ mượn cớ về thăm nơi chiến trường xưa thời tuổi trẻ.

Ông ta đang trên đường tìm hứng để viết lại hồi ký đời ông. Ông ta hy vọng thiên hồi ký này có thể đem về một số tiền nhuận bút lớn lao, đủ cho ông sống dưỡng già.

Tôi không thiết tha lắm với đám người này, vì tôi vào lại chiến trường xưa chỉ với mục đích tìm gạo sống qua ngày, tôi không có gì hứng thú với việc trở về rừng tìm ý viết văn như họ. Chiều ấy chúng tôi chia tay.
Tôi về tới lều thì thằng Út kể cho tôi nghe chuyện chị bán nhang đèn bị cướp.

Chiều qua trên đường về nhà chị bị phục kích giữa rừng.

Lúc chiếc Honda hai bánh của chị đổ dốc thì kẻ gian đã giựt một sợi dây dù căng ngang con đường xe be vừa hẹp vừa rậm rạp. Chiếc xe bổ nhào.

Từ bìa rừng, hai người đàn ông bịt mặt bằng áo thun đen ào ra lôi chị và chiếc xe vào sâu trong bụi lau. Chúng trói chị lại, nhét giẻ vào miệng chị, lột hết nhẫn, vòng, kiềng, cà rá và cả đôi bông tai vàng của chị.

Chúng vứt chị nằm trên đám cỏ lác cho kiến tha, rồi leo lên xe Honda của chị nổ máy chạy đi mất tiêu.

Chị hì hục suốt đêm mới tự cởi trói được. Chị lết ra tới giữa đường nằm chờ người đến cứu.

Gần sáng, có mấy tay bảo tiêu có súng, sau khi chuyển xái về nhà thân chủ, trên đường trở lại rừng, họ thấy chị nằm giữa đường bèn cứu chị về bãi.

Chuyện chị nhang đèn bị cướp chắc cũng được truyền khẩu trong dân gian vùng mỏ này được vài ngày. Ngày sau, tuần sau người ta lại quên chuyện ấy thôi.

Ở đây, mỗi ngày xảy ra cả trăm vụ lộn xộn. Ðủ thứ chuyện tào lao.Tôi nghe tụi nhỏ kể lại, tôi cũng chỉ ậm ừ cho qua! Chẳng hứng thú tìm hiểu thêm làm gì.

Ðụng độ trong cái chợ trời này là chuyện thường ngày. Qua đường, vô ý chạm vai một yêng hùng, nếu không có lời xin lỗi kịp thời có thể gây nên cảnh sứt đầu lỗ trán. Vô tình ném cái tàn thuốc lá trước mặt một tay chơi cũng là hành động châm ngòi cho một cuộc chiến tranh. Ngoài ra, còn cả ngàn nguyên nhân gây ra ẩu đả. Ðánh nhau vì gái, vì cờ bạc, vì chia chác phần hùn, vì mõi xái lấn lằn ranh, và vì vân vân…

Cái khó bó cái khôn, cái khổ làm con người dễ dàng nổi khùng, rồi trút cái khùng ấy lên đầu đồng loại.

Một hôm, tôi vừa đổ gầu đất xuống bờ suối, quay lưng định trở về giếng làm chuyến kế tiếp thì nghe có tiếng đàn ông quát tháo:

“Mày không nộp hết túi vàng cục đó cho tao thì tao vặn họng mày!”

Tò mò, tôi dừng lại quan sát.

Bên bờ suối, một hảo hán to lớn đang kẹp cổ một cô gái cỡ mười bốn mười lăm tuổi. Tay anh ta lần mò trước ngực cô giành giựt cái gì đó.

Cô gái vừa cố ôm chặt cái túi áo vừa khóc lóc:

“Em lạy anh, vốn liếng đào đãi cả tháng nay, em chỉ có ba chỉ. Mẹ em đang bịnh nặng chờ ở nhà. Anh mà lấy hết thì em không còn tiền thuốc thang cho mẹ em. Mẹ em chết mất! Em lạy anh ngàn lạy. Em làm đứt dây lều của anh, em đã thay bằng dây dù loại xịn đền cho anh rồi. Anh tha cho em, anh ơi! Hu!..hu!…hu!…”

Người đàn ông nắm tóc cô gái mà quay, hắn nghiến răng:

“Tổ mẹ mày! Dây lều của tao, mày phải đền bằng thứ dây ‘gin’. Tao không chịu cái thứ dây dù đó. Ở đây cái gì cũng tính bằng vàng. Không đền tao giết!”

Vừa nói hắn vừa đấm đá túi bụi vào ngực, vào mình cô gái đáng thương

Cuối cùng, hắn chộp được cái túi nylon giấu trong áo ngực của cô gái. Người thanh niên bỏ bao vàng vào túi rồi buông cô bé ra.

Cô bé mặt mũi đầy máu, ôm lấy chân anh thanh niên, nắm chặt vạt áo hắn, cô cố gắng giựt lại cái túi nylon.

Người đàn ông liên tiếp đấm đá cô gái. Hắn tìm đủ mọi cách thoát khỏi bàn tay cô gái. Cuối cùng hắn quật cô bé lăn quay ra đất rồi nhổm mình định chạy đi.

Cô gái vội nhào vào ôm chặt chân chàng hảo hán, miệng cô không ngớt gào la thống thiết:

“Bà con cô bác ơi! Cứu con! Người ta ăn cướp vàng của con. Ăn cướp! bà con ơi!”

Thấy tôi đứng nhìn, cô bé cầu cứu,

– Chú ơi! Cứu con với! Anh này cướp vàng của con chú ơi!

Tôi chưa biết tính sao, thì tay hảo hán đã hăm he,

– Này! Ðừng có dính vào nghe cha! Coi chừng lỗ mũi ăn trầu đó!

Tôi xua tay, nhẹ giọng,

Chuyện đâu còn đó. Anh cứ thủng thẳng mà giải quyết. Sao lại nặng tay với phụ nữ như thế, ngó sao được.

Nghe vậy, người thanh niên nộ khí xung thiên,

– Ð.M! Mày có phải ông nội tao không mà lên mặt dạy khôn tao? Tao uýnh chết mẹ mày bây giờ!

Ðúng là cái ách giữa đàng! Tôi phân bua với những người đồng cảnh đang đãi xái dưới suối,

-Bà con nghe có được không? Tôi thấy đàn ông ăn hiếp đàn bà thì tôi có ý kiến. Anh này hàm hồ, hỗn hào như vậy thì bà con tính sao?

Bà con chưa nói gì thì anh hảo hán đã dấn cho tôi một bạt tai khiến mắt tôi nổ đom đóm. Anh co cẳng bồi thêm một cái đạp ngay hông tôi; tôi té bò càng bên bờ suối. Tôi vừa lồm cồm bò dậy lại bị thêm một cái tát ngay má phải.

Thế là, tôi chẳng còn nghĩ hơn thiệt, phải trái gì nữa. Tai tôi đã ù, mắt tôi đã đổ lửa.

Tôi không kìm được tiếng rú man rợ thoát ra từ miệng mình:

“A! …A!…A!…!!!”

Tôi hất đôi quang gióng xuống đất. Cái đòn gánh trở thành cây côn. Cái đầu côn thốc lên một đòn rất nhuyễn và thuần thục.

Bài côn Bình-Ðịnh do một võ sư xuất thân từ quê quán của vua Quang-Trung truyền dạy cho tôi ở Pleiku thời 1966-67 đã bị bỏ quên nhiều năm, nay được đem ra thi thố giữa rừng xanh.

Mũi côn vừa thọc trúng hàm đối phương thì tôi tự động hạ người xuống thấp, tay tôi xoay cây côn một vòng trên đầu lấy đà…

“Vèo!”

Cây côn chúc xuống quét sát mặt đất, cắt ngang ống quyển tên thảo khấu.

Bị liên tiếp hai đòn chí tử, chàng hảo hán quỵ gối xuống.

Phát côn thứ ba, bổ xuống từ trên cao trúng vai anh ta, kết thúc bài học vỡ lòng “Tam Côn Khai Môn”

Ðó là bài đầu trong ba mươi sáu bài “Ðoạt Mệnh Côn” Bình-Ðịnh, bài nào cũng kết thúc bằng một thế sát thủ.

Theo đúng bài bản, thì phát bổ xuống phải nhắm ngay đỉnh đầu địch thủ, nhưng tôi chợt hồi tâm, nhích tay cho nó chệch sang bên, dù sao thì anh ta cũng không phải là một tên lính Mãn-Thanh!

Lúc này vị hung tinh rũ người xuống như cọng bún.

Tôi bước lên một bước, tay phải vặn ngược tay trái anh ta ra đàng sau. Anh đang cố gượng đứng lên, nhưng đành tự động quỳ xuống, khi tôi xoay tay anh một vòng chín chục độ theo chiều kim đồng hồ.

Mặt anh nhăn nhúm vì đau. Mồ hôi anh chảy ròng xuống má.

Tôi nghe anh ta rên “Ư! ư! ư!…”  trong họng.

Bà con tụ tập kín xung quanh la ó như cái chợ:

“Ðánh chết mẹ nó đi! Ðồ ăn cướp!”

Tôi móc túi anh lấy cái túi nylon đựng mấy cục vàng ròng đưa cho cô bé.

Cô bé vội vã bỏ vàng vào túi, miệng lúng búng,

– Cám ơn chú!

Rồi cô ta cắm đầu vụt chạy về hướng dốc cậu Linh khuất bóng.

Ðợi cho cô bé chạy đã xa, tôi mới buông tay anh thanh niên ra.

Tôi đẩy nhẹ, anh ta ngã chúi về phía trước.

Tôi chống một đầu đòn gánh sát mũi chân phải. Bàn chân phải sẵn sàng hất cái đòn gánh lên cao phòng hờ một đòn phản ứng cấp thời.

Nhưng anh thanh niên không còn hung hăng nữa. Anh lết mình trên cát như con chó đánh hơi thấy mùi cọp. Anh ta gắng lết cho xa đầu ngọn côn. Anh ngước nhìn tôi, đôi mắt đã mất hết thần sắc. Anh quơ tay, lượm vội đôi dép râu Trường-Sơn rồi ù té chạy về phía con dốc hướng Tây, nơi đầu nguồn con suối.

Tôi đứng nhìn theo bóng anh ta, lòng chùng xuống, man mác buồn. Tôi tự cảm thương cho cái thân tôi! Cạn ao, bèo xuống đất, tôi đang tranh sống trong một thế giới không luật pháp, không cả tình người. Ðâu có ngờ, cuộc đời tôi lại có ngày bị đẩy đưa đến cái khúc quanh thê thảm này!

Năm 1988 ra khỏi cái nhà tù con, tôi lại cùng những người khốn khổ nhất của đất nước này tranh sống trong một nhà tù lớn.

Ðấy! Cuộc sống của dân “Gold-seeker” (người đi tìm vàng) miền Nam vào thời 88-90 đại để là như thế đấy! Muốn nghĩ rằng nó nên thơ, thì nó nên thơ. Nếu cho rằng nó thảm sầu, thì quả thực nó quá thảm sầu. Thời gian thì cứ trôi. Mặt trời lặn rồi lại mọc. Ngày nào cũng là quá dài, đối với những kiếp người sống đọa đày trầm luân trong tăm tối, không tương lai.

Tôi nghĩ đến thân phận mình và đồng bào mình. Chỉ vì cái ngày Ba Mươi tháng Tư năm ấy, chúng tôi đã đánh mất đất nước, mà cả đất nước tôi thành một trại tù khổng lồ.

Chúng tôi khởi công đào giếng vàng thứ nhì vào một buổi sáng trời u ám lất phất mưa rơi. Mặt trời bị mây che kín mà rừng già thì tối om.

Tôi gắng chuyền nhanh từng gầu đất, nặng như những gầu bùn khi đi tát ruộng đào ao thời còn lao động khổ sai trong trại cải tạo Nam-Hà A, Z30C, hay Z30D.

Mồ hôi che mờ con mắt. Mồ hôi chảy ròng ròng xuống má, qua cằm, xuống ngực. Mồ hôi làm nóng lớp da bụng. Mồ hôi chảy xuống ướt cả cạp quần.

Ðúng Ngọ, gió chợt ngừng, tôi nghe như có ai đó vãi từng đợt đá sỏi trên tàn cây cao. Mưa đá! Những cục nước đá nhỏ bằng hạt ngô nhảy tưng tưng từ đọt lá này xuống đọt lá khác, rơi vãi trên nền đất mới. Thoáng chốc, mặt đất đã trắng xóa vì mưa đá. Hạt mưa đá lớn dần, bằng hạt đậu, bằng trứng cút, rồi bằng trứng gà.

Trời tối thui, và nhiệt độ hạ rất nhanh. Da bàn tay tôi săn lại vì lạnh. Những vết vân tay nổi rõ lên màu bạc nhợt nhạt. Tôi thấy gai ốc nổi cùng người. Tôi cảm như bầu trời là một tảng băng khổng lồ đen kịt đang phà khí lạnh xuống những tàn cây trên đầu. Ôi! Sao trời lạnh thế! Giữa trưa, tháng Năm…

Trên đồi, những dòng nước bắt đầu len lách quanh gốc cây. Những dòng nước đỏ ngầu tìm đường xuống dốc. Nước bắt đầu đổ ào ào vào miệng giếng đang đào.

Tôi cho quân tạm nghỉ. Chúng tôi dùng một tấm vải nhựa che trên miệng giếng.

Khi ba đứa nhỏ đã leo lên khỏi miệng giếng chui vào lều, tôi mới theo chân chúng ngồi bó gối nơi cửa ra vô. Tôi mồi một điếu thuốc Cửu-Long, nhìn những hạt mưa đá lăn trên mặt đất, nghĩ ngợi mông lung…

Nhớ chuyện cũ, ở chân núi hướng Ðông của ngọn Lap Bé Nord, Ðà-Lạt, một ngày đầu Hạ năm 1965, cũng có trận mưa đá bất chợt như hôm nay. Những viên nước đá to như quả trứng gà vãi trên tàn thông năm lá, rồi lăn tưng tưng trên nền cỏ, bên miếu Thần-Hổ, trời lạnh quá, giữa trưa, tháng Năm…

Một thằng bạn sinh viên sĩ quan cùng đại đội còn điếu Oakland cuối cùng, chuyền tay nhau năm đứa. Khói thuốc ngọt như mật. Ðiếu thuốc được chuyền nhanh qua những ngón tay ướt và trắng bệch vì lạnh. Hình như hôm ấy không một sợi khói nào kịp bay thoát trong không trung. Khói thuốc chui vào buồng phổi tuổi trẻ. Những lá phổi còn trẻ khỏe đầy sức sống. Những lá phổi hút từng ngụm khói thuốc gọn gàng dứt khoát, như tấm giấy thấm loại thượng hạng ép trên giọt mực tím rơi trên giấy trắng học trò ngày thơ ngây tiểu học.

Ðiếu Oakland qua tay năm chàng tuổi trẻ, Sinh viên Sĩ quan Khóa 20 Ðà-Lạt. Trời lạnh quá! Khói thuốc chưa kịp bay thì điếu thuốc đã tàn…

Ngày ấy, sau cơn mưa, chúng tôi tiếp tục bài chiến thuật “Tiểu Ðoàn Phản Phục Kích” trên đoạn cua chữ “U” bên đồi 1441 đất đỏ, thông xanh. Con đường uốn khúc quanh co. Những anh lính “Kà” giả địch giấu mình dưới bụi sim hoa tím, lúc nào cũng chuẩn bị câu:

“Tôi đầu hàng rồi ! Ðừng bắn nữa ông Thiếu úy ơi !”

Khi chúng tôi oai dũng tiến về phía họ ẩn nấp, sau một pha xung phong phản phục kích tuyệt vời qua màn khói đỏ, khói vàng, khói trắng, khói tím, khói xanh, và khói… đạn mã tử!

Rồi Ðại úy Mỹ phê bình trận đánh một cách tổng quát. Rồi Trung úy Ðức rút ưu khuyết điểm. Cứ thế, hai năm dài, lặp đi, lặp lại. Những bài lý thuyết với những trường hợp xử trí, những câu giải đáp a, b, c khoanh. Những buổi thực hành trên đồi thông Ðà-Lạt, đương đầu với địch giả, trong màn khói đạn mã tử. Những buổi dạ hành, xuyên đêm. Những chuyến di chuyển địa hình tìm cọc mốc dưới trăng. Những phiên gác đêm Ðông sương mù lạnh lẽo trên đồi Bắc.

Tất cả những kinh nghiệm tự tin đó đã gom góp lại làm vốn liếng hành trang cho những người trẻ tuổi lớn dần, rồi trưởng thành, vững tâm đi vào chiến trường.

(còn tiếp)