Thập niên 90, cũng giống như nhiều người Việt quốc nội thời mới được Nguyễn Văn Linh nới lỏng cái thòng lọng (của Tổng Bí rau- muống- bằng- thịt- bò Lê Duẩn) đang siết cổ dân đến nghẹt thở về mọi mặt, tôi cũng háo hức tìm kiếm coi phim video (lậu) “Sinh ngày 4 Tháng 7” (“Born on the Fourth of July”, kịch bản: Stone và Kovic, đạo diễn Oliver Stone) được báo chí trong nước PR, khen ngợi tận mây xanh xem phim hay tới cỡ nào. Coi xong mới biết nội dung đề cập trong phim là đề cao vụ phản chiến ở Việt Nam. Càng không hiểu tại sao nhà làm phim lấy tựa đề phim là “Sinh ngày 4 Tháng 7”? Lại phải mất nhiều thời gian tra cứu tài liệu (lúc đó Việt Nam chưa có internet) mới biết hóa ra đó là ngày lễ Ðộc Lập của nước Mỹ. Và gắn cái tên “Sinh ngày 4 Tháng 7” vô phim phản chiến Việt Nam như một lời chế nhạo việc Mỹ đưa quân đội vào miền Nam Việt Nam. Hèn chi “đảng ta” cho truyền thông ca ngợi cũng phải thôi, chớ nhân vật chính sinh ngày nào cũng không quyết định cuộc đời, hành vi của nhân vật chính trong phim, vì từ ngày 4/7/1776 tới cuộc chiến tranh Việt Nam là một khoảng thời gian quá dài so với một đời người.

Ngày 4/7/1776, Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ tuyên bố rằng “Mười ba thuộc địa trong tình trạng chiến tranh với Vương quốc Liên hiệp Anh sẽ coi mình là mười ba quốc gia độc lập có chủ quyền, không còn dưới sự cai trị của Anh.” Từ đó về sau, trong ngày này, các chính khách Mỹ thường có những cuộc thuyết trình ca ngợi nước Mỹ và người dân Mỹ. Các gia đình Mỹ treo cờ Mỹ trước nhà, tổ chức vui chơi, ăn uống ngoài trời, họp mặt bạn bè thân hữu, đi du lịch xa (do được nghỉ nhiều ngày liên tục). Chính phủ thì tổ chức diễn hành, bắn pháo hoa rầm rộ cho công chúng thưởng lãm để mừng nước Mỹ.

Tôi đến Mỹ hơn ba năm nay, nghe người Việt gọi “The 4th of July” là ngày Ðộc Lập chớ không nghe họ dùng từ “Quốc Khánh”. Mặc dù gọi “The 4th of July” là ngày Ðộc Lập cũng đúng, mà gọi là ngày Quốc Khánh cũng đúng. Từ “Quốc Khánh” được hiểu là ngày lễ lớn trang trọng, vui mừng nhất của một quốc gia, mỗi quốc gia có một ngày Quốc Khánh duy nhất, không một ngày trọng đại nào khác vượt qua được ngày Quốc Khánh. Cá nhân tôi vẫn thích dùng từ “Quốc Khánh” hơn, bởi vì trong chữ “Quốc Khánh” hàm chứa niềm vui, sự hạnh phúc của cả nước Mỹ, chớ không phải chỉ là hai chữ “Ðộc Lập” trong giấy tờ theo kiểu Việt Nam.

Trông người mà nghĩ đến ta, tự dưng nhắc tới “độc lập”, “Việt Nam” lại thấy buồn cho số kiếp dân tộc Việt Nam. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam luôn luôn nhồi sọ học sinh, sinh viên Việt Nam rằng “Bản tuyên ngôn độc lập” do Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Ðình là thành tích “Khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” (tôi thuộc bài kỹ, viết lại nguyên văn sách giáo khoa Lịch sử lớp 9). Phải hơn 15 năm sau, tôi mới hiểu ra từ năm 1945 đến nay, Việt Nam dưới sự thống trị của đảng cộng sản chưa bao giờ độc lập thật sự, mà hai chữ “độc lập” chỉ là để nhà cầm quyền cộng sản bắt buộc dân trang trí trên tất cả công văn, giấy tờ, đơn từ, thủ tục hành chánh khi dân có công có việc cần tới cơ quan công quyền.

Năm 2005, tôi học lớp Cao cấp lý luận chính trị Mác-Lê tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chi nhánh thành phố HCM. Học viên ngồi dưới giảng đường đều là cán bộ nhà nước các tỉnh phía Nam gom lại. Ông thầy (tôi không nhớ tên gì) đã công khai nói (đại ý) rằng: Việt Nam ta chưa bao giờ có độc lập thật sự. Thời Liên Xô còn hùng mạnh thì lệ thuộc Liên Xô. Ðảng cộng sản Việt Nam muốn tổ chức đại hội đảng phải chờ đảng bên Liên Xô đại hội xong qua xin văn kiện đại hội đảng bên đó về dịch ra tiếng Việt, sửa chữa lại đôi chút cho phù hợp với tình hình Việt Nam, kèm theo danh sách bổ nhiệm nhân sự vô chức này chức nọ đem qua Liên Xô xin ý kiến chỉ đạo. Bên đó đồng ý ký duyệt mới về tổ chức đại hội, nếu họ không đồng ý chỗ này, chỗ nọ, không đồng ý người này, người nọ thì phải đem về sửa lại, rồi tiếp tục đem qua báo cáo cho tới khi Liên Xô đồng ý hoàn toàn mới về tổ chức đại hội đảng ở Việt Nam.

Cho nên nói Tổng Bí thư Liên Xô bổ nhiệm Tổng Bí thư Việt Nam cũng đúng luôn. Hết thời Liên Xô tới thời lệ thuộc Trung Quốc cũng làm y chang như vậy. Việt Nam lúc nào cũng lệ thuộc nước ngoài, Việt Nam chưa bao giờ được độc lập thật sự.

Minh họa Can

Ông thầy chính trị làm tôi ngạc nhiên quá! Tôi chợt nhớ khi học môn Luật Hình sự ở trường Ðại học Pháp Lý (nay là Ðại học Luật), cô giáo dạy môn Hình sự cũng nói một cách hãnh diện rằng: “Bộ Luật Hình Sự Việt Nam là Bộ Luật Hình Sự Liên Xô được dịch ra tiếng Việt”. Tôi nhận xét cô giáo cổ “hãnh diện” vì rõ ràng ý cổ muốn phô trương Bộ Luật Hình Sự Việt Nam đang được giảng dạy cũng tiến (cmn) bộ do được lấy nguyên mẫu từ “hình thái nhà nước văn minh nhất thế giới” là Liên Xô, chớ chẳng phải do “các cụ” Việt cộng “sáng tác” ra. Thành ra, tôi công nhận ông thầy chính trị nói đúng.

Là một cán bộ đảng viên trường Chính trị đã ngoài 30 tuổi, khác với đứa trẻ trâu “sợ” thầy cô giáo thời đại học Luật, tôi luôn tìm cách hỏi ngược lại, bắt bí thầy cô giáo để “giải trí”. Ở trường Chính trị, thầy cô giáo “sợ” ngược lại học viên, nhất là đối với các “cụ” học viên có chức vụ lãnh đạo, vừa có nhiều tiền, vừa có nhiều quyền, có thể chi phối cả cấp trên ông thầy. Lúc đó, nghe thầy nói vụ “độc lập” xong, tôi bèn hỏi lại: Tại sao thầy biết vụ này? Thầy trả lời: Tôi nghe thầy giáo dạy chính trị của tôi kể lại. Tôi hỏi tiếp: Trong khi nhà nước ta luôn luôn công khai khẳng định Việt Nam có độc lập mà thầy lại nói “không có độc lập thật sự”, thầy nói như vậy có đi ngược lại đường lối của đảng không? Ông thầy trả lời: Chuyện đó có thật mà. Vì tôi muốn Việt Nam có độc lập thật sự chớ không phải chỉ độc lập trên giấy tờ. Tôi hy vọng các đồng chí còn trẻ hơn tôi có thể thay tôi làm việc đó. Chị còn thắc mắc gì nữa không? Tôi trả lời: Không, em biết thầy nói đúng. Chỉ là em học Luật, làm nghề pháp luật, nên có thói quen bất kỳ việc gì cũng phải truy tới tận gốc vấn đề, tìm hiểu nguyên nhân mới đưa ra nhận định thôi.

Nếu như The 4th of July là ngày hội của nước Mỹ, làm cho người dân Mỹ tự hào với các quốc gia khác; thì ngược lại, ở Việt Nam ngày được coi là “Quốc Khánh 2 Tháng Chín” đánh dấu mốc thời gian dân tộc Việt Nam bước vào thời kỳ tăm tối, đẫm máu với cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn” suốt mấy chục năm, làm cho hàng triệu người chết oan nhằm mục đích “chủ nghĩa cộng sản toàn thế giới” (đúng bài trong sách triết học Mác-Lê nha)!

Nhiều người Việt quốc nội viết trên mạng xã hội rằng: Nếu ngày ấy không có “thằng rửa bát” đem cái chủ nghĩa cộng sản về, thì Việt Nam vẫn là thuộc địa Pháp, có phải Việt Nam cũng giàu có, văn minh như người Hồng Kông hay không?

Lịch sử không có chữ “nếu”, không cho phép chúng ta sửa lại quá khứ, nhưng chúng ta có quyền “sửa lại” tương lai ngay bây giờ, không đùn đẩy trách nhiệm cho thế hệ sau.

TPT

Little Sài Gòn, Ca.