Kỳ trước: Người sĩ quan Biệt Động Quân ấy bị thương, nhập viện, xuất viện… rồi xin đi phép về thăm nhà vài hôm. Trên chuyến trực thăng HU1 D mà ông “quá giang” sẽ xảy ra những sự kiện hồi hộp hơn trong phim sẽ được đăng tiếp dưới đây.

Bài nhiều kỳ – Kỳ 3

Phi cơ bốc lên lấy cao độ rồi lao nhanh trong không trung. Lá cờ vàng ba sọc đỏ phủ trên chiếc quan tài cứ bật lên, bật xuống, từng cơn phần phật, như muốn thoát ly ra khỏi lòng con tàu để bay ra ngoài.

Chúng tôi đáp xuống Châu Sơn không khó khăn. Dưới sân nhà thờ đã có nhiều người đứng chờ, trong đó có trung đội chung sự của Tiểu Khu Daklac.

Tôi bàn giao chiếc quan tài của người đồng đội cho những người phụ trách công tác tiễn đưa tiếp theo, rồi lên tàu tiếp tục cuộc hành trình.

Rời Châu Sơn, chúng tôi nhắm hướng Ðức Lập. Có một công văn khẩn phải trao cho đơn vị Công Binh đang xây dựng căn cứ Bu Prang.

Sau việc này máy bay mới trở về Ban Mê Thuột, đi Nha Trang, ra Qui Nhơn, cuối cùng sẽ quay lại Pleiku.

Tôi sẽ chấm dứt chuyến quá giang này khi phi cơ xuống Ban Mê Thuột đổ xăng.

Chúng tôi chỉ ghé phi trường của Trại Ðức Lập một phút, trao tay cho ông Ðại úy Tỵ cái bì thư rồi đi ngay.

Trực thăng vừa rời Ðức Lập thì trời chuyển cơn giông, trần mây quá thấp, lại đen kịt đầy chớp giật ngay trên đầu.

Ông phi công vội vàng cho con tàu vọt lên cao tránh sét đánh. Gần tới cao độ bảy nghìn bộ tôi mới thấy trời quang đãng.

Phi cơ tiếp tục lên cao hơn, càng lên cao, nhiệt độ càng giảm. Dù hai anh cơ phi xạ thủ đã đóng kín hai cửa hông của máy bay rồi mà hai hàm răng của tôi còn đánh vào nhau “Cộp! Cộp!…”

Bay được khoảng nửa giờ thì trực thăng giảm độ cao.

Tôi ước tính nếu đi đúng đường thì dưới kia phải là thành phố Ban Mê Thuột. Nhưng ông phi công cứ bay vòng vòng hoài mà không tìm ra cái lỗ hổng nào để chui xuống. Dưới bụng con tàu là một biển mây trắng xóa.

Không ai biết độ dày của cái nệm mây dưới kia là bao nhiêu. Nếu mạo hiểm chui xuống, không may mà cánh quạt chặt phải cây cối hay cột đèn thì chết ngay.

Tôi thấy ông phi công chợt kéo cần cho con tàu đổi hướng sau một hồi đàm thoại với đài kiểm soát không lưu ở dưới đất.

Tôi đoán mò, chắc ông ta được lệnh bay tới một phi trường khác để hạ cánh chăng?

Thế là, chiếc trực thăng cứ “Bạch! Bạch! Bạch!…” vút đi, dưới bụng con tàu vẫn là mây trắng xóa.

Tôi bắt đầu chột bụng khi nhìn thấy, qua vai người lái, cái kim đồng hồ xăng đang tiến gần chữ “E” (E=Empty=Trống rỗng= Hết nhiên liệu).

Bên cạnh đồng hồ xăng là cái quả cầu đo thăng bằng của phi cơ. Phi cơ vẫn trong tình trạng bình phi, nghĩa là bay bình thường, nhưng không hiểu vì sao mà quả cầu của phi cơ lại liên tục lộn mèo, chao đảo, không yên. Cái kim la bàn dạ quang trên đồng hồ chỉ hướng của phi cơ cũng quay lung tung, chẳng biết máy bay đang đi theo hướng nào!

Tôi mở cái địa bàn ra, để trên đùi gióng hướng thì toát mồ hôi, trực thăng đang vùn vụt bay theo hướng Tây Bắc! Chẳng lẽ ông phi công này bay đi Tiêu Atar? Tiêu Atar ở giữa rừng, làm gì có xăng!

Bảo Huân

Tôi nhỏm người vỗ vai ông Mỹ,

-Where’re you going? Were you lost? (Anh đi đâu vậy? Anh lạc đường rồi à?)

Ông đại úy quay mặt, trợn mắt,

-Sit down! Shut your mouth! (Ngồi xuống! Câm miệng lại!)

Nghe ông phi công nẹt, tôi cũng chột dạ, nín thinh; tôi chỉ là hành khách, ông ta mới là người cầm vận mạng cái trực thăng này.

Anh cơ phi xạ thủ rời vị trí, leo lên chỗ tôi ngồi, ghé tai tôi nói nhỏ,

-Don’t make a mess! Let him going with instrument! (Ðừng quấy rối! Ðể cho ông ta bay theo phi cụ!)

Dứt lời, anh ta thân thiện vỗ vai tôi một cái rồi trở về vị trí cũ của anh.

Hình như ông đại úy này rất có uy, từ khi lên máy bay tới giờ, tôi thấy thuộc hạ của ông cứ răm rắp thi hành khẩu lệnh của ông mà chẳng dám có ý kiến gì.

Tôi là sĩ quan bộ binh, xía vào chuyện bay bổng, bị ông ta nẹt cũng là đáng đời.

Nhưng tôi vẫn cứ phập phồng lo. Nếu tiếp tục thế này thì chỉ vài chục phút nữa là trực thăng hết bay nổi, bình xăng trống rỗng thì làm sao mà bay?

Trong khi đó thì ông trưởng phi cơ tiếp tục công việc một cách rất tự tin. Ông ngồi với tư thế của một kỵ mã, tay phải nắm cần lái như nắm dây cương, lưng ông hơi chồm về đằng trước như đang ở trên yên ngựa. Tay trái ông liên tục vặn vặn, nhấn nhấn, hết nút này tới nút kia.

Qua khe hở của cánh cửa phi cơ khép chưa kín, tiếng nổ của ống phản lực trên nóc con tàu cứ đều đều, “Bùng! Bùng! Bùng! …

Thế rồi, khoảng chừng mười phút sau tôi thấy ông đại úy đột ngột giơ hai tay lên cao, vỗ mạnh mấy cái vào chiếc nón bay trên đầu mình, miệng lớn tiếng chửi thề,

“ F!…you! F! …you!…” (Mẹ kiếp! Mẹ kiếp!…)

Chắc ông ta đổ quạu sau khi thấy hệ thống phi cụ (flying instrument) của con tàu đã rối loạn, không thể điều chỉnh hay sửa chữa được nữa.

Rồi, bất thình lình, tôi cảm thấy như rớt cả tim, gan, phèo, phổi, vì con tàu đột ngột lao xuống, xuyên thẳng vào cái nệm mây trắng dày đặc dưới bụng.

Qua lớp mây dày là trần mây thấp. Tiếp đó, bên hông con tàu đã có những cụm mây màu xám đục bay ngang.

Rồi máy bay bồng bềnh trên biển sương trắng loãng; dưới bụng con tàu là một dải rừng bằng phẳng màu nâu trùng điệp.

Phi cơ từ từ giảm tốc độ, khi trước mắt tôi hiện ra, không xa lắm, một khoảng đất trống, giống như một mặt hồ cạn nước mùa khô.

Viên phi công ghìm cần lái; con tàu sà xuống; một cú đáp thật lành nghề!

Máy bay vừa chạm đất, cánh quạt còn vèo vèo cuốn gió, bốn ông Mỹ đã vọt lẹ.

Trên tàu còn lại mình tôi. Tôi sợ rằng nếu mình nhảy ra, lỡ con tàu nghiêng đổ làm cho cánh quạt chặt lung tung, có khi bị đứt đầu, đứt cổ.

Tôi cứ hai tay giữ chặt chân cái ghế ngồi, dựa lưng vào vách máy bay, mặc cho thân mình lắc lư theo con tàu.

Một lúc sau thì ông phi công chính cũng quay trở lại. Ông leo lên đưa tay vặn vặn, bấm bấm, mấy cái nút, vài giây sau thì động cơ ngừng quay.

Chui ra khỏi trực thăng, tôi leo lên một ụ đất quan sát địa hình mà chẳng biết mình đang ở tọa độ nào.

Hiện thời chúng tôi đang ở giữa một cánh đồng, cỏ cao ngập đầu người, xung quanh là rừng cây trống chân. Rừng thì bạt ngàn nhưng chỉ có một loại cây dầu rái lá đỏ. Loại cây này chỉ cao tối đa là hơn mười mét, thường mọc trên vùng đất pha đá tổ ong, thân và cành sần sùi, lá lốm đốm xanh, vàng, nâu, đỏ. Nhựa của loại cây này dùng pha sơn, hoặc quết lên phên làm vách nhà, hay trét cho ghe thuyền không bị nước tràn vào.

Theo tôi biết thì rừng loại này chỉ có ở khu vực Cheo Reo và vùng hướng Ðông tỉnh Lomphat của Cao Miên. Vùng Cheo Reo toàn đồi núi, nơi đây thì bằng phẳng hơn.

Trước khi hạ cánh, chúng tôi đã bay rất lâu theo hướng Tây Bắc, như vậy chắc chắn giờ phút này tôi đang đứng trên đất Cao Miên!

Tôi xách chiếc PRC 25 ra giữa bãi tranh, mở máy gọi đài tiếp vận Hàm Rồng. Không nghe tiếng trả lời.

Tôi chợt nghĩ tới toán tuần tra biên giới của Phòng 2 Quân Ðoàn. Nếu gọi được họ, chắc họ sẽ có cách cứu mình.

Khổ một nỗi, chiếc PRC 25 của tôi chỉ có ăngten lá lúa, chúng tôi lại đang ở vùng đất thấp, không thể liên lạc được những đài ở xa.

Trong lúc tôi loay hoay với cái máy PRC 25 thì ông đại úy cũng bận rộn với chiếc máy phát tín hiệu cầu cứu Beacon của ông. Hình như ông không gọi được đài nào, mặt ông ướt đẫm mồ hôi.

Chợt trong trí tôi loé lên một ý mới.Tôi tiến tới bên ông đại úy Mỹ, đề nghị với ông ta rằng, ông ta thử cố gắng bay lên cao, giữ lơ lửng trên không một vài phút phát tín hiệu cho đài Peacok hoặc cho chiếc máy bay OV 10 đang bay tuần tra biên giới để cầu cứu xem sao.

Chẳng biết kế sách của tôi có đúng sách vở hay không, mà vừa nghe xong, mắt ông ta sáng lên ngay. Ông ra dấu cho ba người còn lại tản ra xa, ôm súng canh gác rồi kéo tay tôi leo lên tàu. Ông vặn nút cho máy chạy. Cái cánh quạt chuyển động từ từ chầm chậm, rồi nhanh dần, nhanh dần…

Con tàu bốc lên cao. Lên tới độ cao khoảng hai trăm thước thì hết lên nổi.

Trong khi ông phi công Mỹ nói lia lịa, tôi cũng lớn tiếng phát thanh bổng, hy vọng có ai đó ở đài Hàm Rồng nghe được tiếng kêu cứu của mình,

– Cấp cứu! Trực thăng của tôi rơi trong vùng biên giới Miên! Yêu cầu tuần tra biên giới bay theo biên giới Miên và Pleiku tìm chúng tôi!

Tôi mới gào lên được một câu thì trực thăng hoàn toàn hết xăng. Con tàu rơi tự do.

“Ầm!”

bụng trực thăng chạm đất gây nên một tiếng động điếc tai. Bụi bay mù cả một vùng rộng lớn.

Tôi cứ lì lợm ôm chặt hai chân cái ghế ngồi. Cho tới lúc con tàu chao qua một bên, cánh quạt quật “Choảng! Choảng! Choảng!…”  vài nhát toé lửa trên mặt đá tổ ong, rồi nằm im, tôi mới buông tay ra. Con tàu không phát hỏa, hết xăng rồi, làm sao mà cháy được?

Vào lúc tôi vừa chui ra khỏi tàu thì vọng lại từ xa, hướng Tây có tiếng súng bắn “Bóc! Bóc! Bóc!…”

Hướng Tây thì làm gì có quân bạn? Chắc là Việt-Cộng rồi!

Bốn ông Mỹ này kể ra cũng là những tay có bản lãnh, vừa nghe tiếng súng, họ liền chạy ào lên chiếm lĩnh một mô đất cao, vào đội hình, hai phi công thủ súng ngắn, P38, hai cơ phi xạ thủ ôm súng dài, M16, dựa lưng vào nhau, chia hai hướng, sẵn sàng chiến đấu. Tôi cũng vội vàng chạy theo chân họ.

Tôi không mang theo súng ngắn, lại cũng chẳng có súng dài, chỉ có con dao găm giắt bên ống quần. Nếu phải đánh nhau thì không tử trận, cũng thành tù binh!

Nhìn quanh, thấy chỉ có cỏ tranh và cây khọt, không có hang động nào có thể chui vào để trốn lánh, không có gốc cổ thụ nào để ẩn núp, năm người ngồi chụm vào nhau giữa đồng trống thì không khác gì đang ngồi làm năm cái bia cố định cho những tên địch núp trong rừng nhắm bắn.

Sau vài giây do dự, tôi cắm đầu chạy về phía chiếc trực thăng, hy vọng trong lòng tàu có vật gì dùng làm vũ khí được không.

Chiếc trực thăng giờ này trông sống động lạ kỳ!  Cái đuôi máy bay bị gãy một khúc dài chừng một thước. Phía sau hai càng thì cắm xuống đất, phía trước hổng lên cao, nhìn như một con cá voi đang vượt cạn. Dưới bụng con cá voi là một vùng bầy hầy nhớt nhát dầu mỡ đen thui. Chiếc trực thăng đã đứt hết kinh mạch rồi, máu huyết của nó là dầu mỡ tuôn ra tung toé, ngập lụt một khu rộng lớn dưới bụng và xung quanh nó.

Tôi hét lên vui mừng khi nhìn thấy hai khẩu M 60 còn nguyên không hư hại,

– Có súng rồi! Tôi có súng rồi!

Leo lên tàu, một tay kéo cơ bẩm khẩu M 60, tay kia giơ lên vẫy bốn anh lính Mỹ, tôi la lớn,

-Come here! Come here! Hurry up! Hurry up! (Lại đây! Lại đây! Mau lên! Mau lên!)

Bốn ông lính Mỹ tỉnh ngộ ngay, liền chạy ào lên tàu. Ngay tức khắc, đạn lên nòng, hai khẩu đại liên trong tình trạng sẵn sàng.

Chúng tôi chờ đợi khá lâu mới nghe trên trời có tiếng động cơ “O!…O!… ! O!…” của máy bay trinh sát.Trong máy PRC 25 của tôi có người gọi:

“Ðây là alpha! Có ai nghe không?”

Tôi cầm máy lên,

– Tôi là người kêu cứu, alpha có nghe được tôi không?

Người trên tàu ra lệnh,

– Giới chức đưa máy cho ông “mũi lõ” ngay đi! (Ông mũi lõ: có ý nói là người Mỹ)

Tôi biết, hàng ngày quân đoàn đều biệt phái một sĩ quan Việt-Nam theo phi hành đoàn Mỹ bay trên trinh sát cơ OV10 nhiều giờ để theo dõi hoạt động địch trên biên giới Lào, Miên và Việt Nam.

Trong một lần ghé Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II, tôi có gặp một Trung úy tên là Anh. Ông Anh là dân không ảnh và không thám của Phòng 2. Không biết người xưng danh là alpha trong chiếc OV10 trên kia có phải là ông Trung úy Anh không?

Tôi chuyền cái ống nghe cho ông đại úy Mỹ. Lập tức ông và người sĩ quan Hoa-Kỳ đang lái chiếc OV 10 trên kia hối hả lớn tiếng trao đổi với nhau những câu, tôi nghe mà không hiểu gì cả, có thể là họ dùng mật khẩu để xác nhận xem người đang nói chuyện có phải là bạn không?

Rồi ông đại úy rút khẩu súng phóng hỏa châu trong túi áo bay dệt bằng lưới của ông ra. Khẩu súng bắn hỏa châu có hình thù một điếu xì gà, nhỏ và gọn như đồ chơi trẻ con. Ông phóng một viên hỏa châu lên trời.

Sau khi nổ một tiếng “Bóc!” trái hỏa châu toả sáng như ngọn pháo bông trong khoảng thời gian chừng nửa phút.

Anh trung úy phi công phụ cũng bắn tiếp một hỏa châu nữa ngay sau khi viên hỏa châu đầu vừa tắt.

Tôi là “tay tổ” viễn thám, nào có lạ gì những dụng cụ thoát hiểm này. Trừ cái máy Beacon ra, tôi cũng được trang bị đầy đủ, nào là, một địa bàn, một gương chiếu, một súng hoả châu, một tấm banner sơn màu da cam óng ánh để chỉ điểm cho phi cơ, cùng với băng cầm máu, thuốc lọc nước, thuốc chống muỗi…vân vân.

Có điều, tôi chỉ mang những thứ này khi đi hành quân hay khi đi nhảy toán.

Lần này tôi quá giang trực thăng là để về thăm “bồ”, nên tôi không hề nghĩ tới chuyện vác theo mấy thứ đồ nghề lỉnh kỉnh này.

Trong khi hai ông phi công bận bịu liên lạc với quân bạn thì tôi và hai anh xạ thủ vẫn không dời mắt quan sát khu rừng hướng Tây.

Bất chợt, tôi giật nẩy mình khi thấy trong rừng tranh cao cỡ đầu người thấp thoáng có hai cái nón cối di động từ từ về hướng chúng tôi.

Tôi định giơ tay chỉ cho anh cơ phi xạ thủ biết vị trí hai tên địch đang đi tới, thì khẩu M60 đã nổ, “Ðùng!… Ðùng!…Ðùng!…”

Chớp mắt, mấy trăm viên đạn đại liên đã cày nát một khoảng đất rộng. Cỏ te tua rạp xuống, lộ rõ hai cái xác bộ đội chính quy Bắc Việt đẫm máu, nằm sõng soài trên nền đá tổ ong, bên cạnh là hai khẩu AK.

Lúc này trời đã quang đãng trở lại. Chiếc OV 10 tiếp tục bay vòng vòng trên cao.

Chừng nửa giờ sau, tôi nghe vọng lại, từ hướng Ðông, những tiếng “Bạch! Bạch! Bạch!…” của trực thăng. Có lẽ cũng vài ba chiếc đang trên đường bay tới.

Khi thấy trên trời có hai chiếc Cobra vừa lộ diện, tôi và anh phi công phụ vội tụt xuống đất nắm tay nhau, nhảy cẫng lên reo mừng.

Ông phi công chính cũng ra khỏi tàu, đứng bên tôi. Ông ta rút chốt và ném một quả lựu đạn khói tím ngay trước mặt.

Khói chưa lên tới đọt cây, Cobra đã bay vòng vòng trên bãi tranh.

Trên trời, hai anh phi công Mỹ đưa tay vẫy chào. Chúng tôi cũng quơ tay vẫy lại.

Khi vạt rừng lá đỏ hướng Tây bắt đầu hứng một trận mưa đạn đại liên và 40 ly của hai chiếc Cobra, thì một HU 1D ào xuống.

Chiếc máy bay cứu cấp không đáp trên đất mà chỉ lơ lửng chờ.

Gió của cánh quạt máy bay làm cho cỏ tranh rạp sát đất, lá đỏ thì bay tung lên như bươm bướm trong khói tím.

Chiếc tàu ở ngay trên đầu tôi, cao cỡ một đầu, một với.

Tôi nhún chân, lấy đà nhảy lên. Hai tay tôi níu được cái càng trực thăng.

Trên máy bay, anh xạ thủ làm như không nhìn thấy tôi, mắt anh ta cứ chăm chú nhìn về hướng bìa rừng, hai tay anh ta ghìm chắc khẩu đại liên M60 trong tư thế sẵn sàng siết cò.

Tôi chưa kịp đu mình đưa tay chụp cái chân ghế của xạ thủ đại liên thì đã bị rớt xuống trở lại.

Tôi vừa rớt xuống đất, thì ông đại úy và anh cơ phi đã nhanh nhẹn kê vai, xốc nách, nâng tôi lên cao, đẩy tôi vào lòng tàu. Rồi chỉ chớp mắt sau, họ đã leo lên ngồi bên cạnh tôi. Bên cái cửa đối diện, hai anh Mỹ kia cũng đã có mặt lúc nào tôi không hay.

Sau này, nhớ lại tình trạng nguy khốn ngày ấy, tôi vẫn còn sởn tóc gáy! Vì vào giây phút mười chết, một sống đó thì mạnh ai, nấy chạy, nếu hai anh bạn Ðồng Minh chỉ lo mạng sống của chính họ, nhắm mắt phóng lên tàu, bỏ mặc tôi dưới đất, thì cũng chẳng ai kết tội họ cả.

Chúng tôi đã an toàn ngồi trên tàu, nhưng cái máy PRC 25 của tôi và súng ống của phi hành đoàn đều bị bỏ lại.

Chiếc máy bay cứu cấp cất cánh gần như thẳng đứng. Hai khẩu đại liên M 60 bắt đầu “Cành! Cành! Cành!…” nhả đạn.

Lúc này thì từ rừng lá đỏ dưới chân tôi, đủ loại súng của Việt-Cộng bắt đầu đua nhau bắn lên trời.

Nhiều tiếng súng “Choang choác! “ xen lẫn nhau của RPK, AK.

Có vài viên B 40, B 41 đã nổ “Ùng! Oàng!…”  trên bãi cỏ tranh, chỗ chiếc trực thăng nằm bất động.

Ngay khi đó từ hướng Ðông đã hiện ra hai chiếc phản lực cơ F 5 của Hoa Kỳ. Anh trung úy phi công phụ nói rằng hai chiếc F 5 này sẽ làm nhiệm vụ phá hủy cái trực thăng xấu số.

Trên đường về Pleiku, ông đại úy trưởng phi cơ đã nắm chặt tay tôi rồi nghẹn ngào:

“I’m so sorry!” (Tôi rất ân hận!)

Tôi cũng dang hai tay, ôm ông ta,

– You’re a real brave warrior! (Ông thực sự là một chiến binh can đảm!)

Anh cơ phi xạ thủ cũng cho tôi biết, ông đại úy vốn là dân “Kỵ Binh Bay” kỳ cựu. Ông ta từng một thời bay trực thăng “Cán gáo” OH 6, gan dạ có một không hai của Ðại đội Trực Thăng Thám Sát trực thuộc Sư Ðoàn 4 Hoa Kỳ.

Ðầu năm 1969 tôi đã có dịp làm việc cả tháng trời với đại đội trực thăng thám sát này ở căn cứ Oasis, Thanh An, Pleiku.

Ðơn vị này được tổ chức từng hợp đoàn gồm một trực thăng “Cán gáo” loại OH 6 hai chỗ ngồi, hai trực thăng võ trang Cobra, một trực thăng HU 1D để tìm cứu và một trực thăng chỉ huy C&C.

Họ hành động nhịp nhàng và ăn khớp với nhau như những bộ phận của một cỗ máy.

Chiếc OH 6 cứ bay là là sát “da đầu” mục tiêu, gió từ cánh quạt trực thăng thổi tung từng tàn lá, mái tranh, lùm tre. Khi phát giác địch thì phi công phụ nhanh tay thả một quả lựu đạn khói trên mục tiêu, phi công chính lập tức kéo cần cho máy bay vút chạy ra xa, tránh đường cho Cobra chúc đầu xuống bắn phá.

Hai Cobra đánh phá vừa xong thì một hợp đoàn khác cũng có hai Cobra hộ tống, cõng một đại đội Biệt Ðộng Quân vào vùng để khai thác mục tiêu.

Qua một thời gian tiếp xúc, tôi biết rằng, đơn vị này quy tụ những tay phi công lỳ lợm nhứt của Lục Quân Hoa-Kỳ.

Những ông phi công này nốc Whiskey như uống nước lạnh. Nhứt là những tay lái “Cán gáo” thực sự là dân “gan cùng mình” và lỳ đòn, bạt mạng. Mỗi lần họ leo lên OH 6, ví như một lần Kinh Kha ôm kiếm qua sông.

Như vậy, chắc chắn năm ngoái, tôi và ông đại úy này đã có lần cùng nhau tham chiến đâu đó trong vùng Plei De Chi, Lệ Thanh, Ðức Cơ, Ia Drang và Chu Prong.

Chúng tôi chia tay nhau ở sân bay Holloway. Bốn ông Mỹ lên xe cứu thương để đi khám sức khoẻ, còn tôi thì lên xe đưa đón nhân viên của Camp Holloway để về Biển Hồ.

Chuyến đi này của tôi đã không tới được Ban Mê Thuột mà còn bị “vượt biên” bất đắc dĩ, suýt chết.

o O o

Tình yêu thời chiến

Tôi và Thiếu úy Duyên tá túc trong nhà Trung tá Bé, nhưng lại ăn cơm tháng tại nhà tài xế Thuộc.

Nhà Hạ sĩ Thuộc nằm bên kia đường, đối diện với cư xá Trần Quý Cáp. Trong nhà  Thuộc, ngoài vợ chồng Thuộc và hai đứa con nhỏ ra, còn một người em họ của Thuộc là cô Ba. Cô Ba mặt mày hiền hậu, dễ thương. Cô Ba và vợ Thuộc đi làm sở Mỹ.

Trung sĩ Lê Sanh Ma trưởng toán viễn thám dưới quyền tôi lại là người cùng xứ Bình Ðịnh của gia đình chú Thuộc.

Thuộc và Ma thân nhau như anh em. Những ngày không hành quân, không trực gác, Ma đều về ở chơi trong nhà Thuộc.

Dự trù giữa năm 1970 thì Trung sĩ Ma và cô Ba sẽ về quê Qui Nhơn làm đám cưới.

Tháng Tư năm 1970 Trưởng toán viễn thám Lê Sanh Ma vướng mìn khi nhảy xuống Căn cứ Hỏa lực Tango.

Sau ba tháng nằm Quân Y Viện, Lê Sanh Ma thành một phế binh, hai chân bị cưa quá đầu gối. Anh phải đi trên đôi nạng và hai chân giả.

Xuất viện trở về, anh Ma bỗng đổi tánh, hung dữ lạ kỳ, suốt ngày càm ràm, oán trời, trách đất.

Anh thường la mắng cô Ba rất nặng lời, dù cô chẳng làm điều gì phật ý anh.

(còn tiếp)