mau-than-huu-chien4

Cửa Hiển Nhơn trong trận chiến Tết Mậu Thân 1968

(tiếp theo)

Tôi vừa dứt lời, anh cán binh Việt-Cộng đã vội vàng nhanh miệng, lễ phép trả lời:

– Thưa thủ trưởng, em là người Hà Nam Ninh, em tên Lê Hữu Phòng, hăm nhăm, hàm thiếu úy, thủ trưởng xê một, hát mười lăm.

Không ngờ anh chàng này lại có vẻ liến thoắng và bạo dạn quá, tôi thắc mắc,

– Vậy chứ “xê” là gì? “Hát” là gì?

– Dạ xê (C) là đại đội, hát (H) là tiểu đoàn đấy ạ!

Chợt nhớ ra mẩu điện đàm nghe được đêm Hai Mươi Chín Tết, tôi vội hỏi,

– Có phải Sa-Thầy là H 15 không? Còn Hồng-Lĩnh là ai vậy?

– Dạ Sa-Thầy là phiên hiệu của Tiểu Ðoàn H 15, còn Hồng Lĩnh là phiên hiệu của Tỉnh Ðội Gia-Lai.

– H 15 có đại đội đi đầu bị lạc. Có phải C 1 bị lạc từ đêm Hai Mươi Chín Tết không?

Tên cán binh trố mắt:

– Thì ra thủ trưởng cũng biết chuyện đơn vị của em bị đi lạc ư?

Tôi gật gù,

– Biết chứ! Bây giờ anh phải khai cho rõ, C1 ở đây từ lúc nào? Thành phần còn lại của H 15 hiện nay ở đâu?

Nghe tôi hỏi, tên Việt-Cộng chợt ngẩn người ra có vẻ suy nghĩ, băn khoăn. Một phút sau, y chậm rãi kể, với bộ điệu rất thành thực,

– Ðêm Hăm Chín tụi em đi đầu theo anh giao liên dẫn đường. Vừa vượt qua xa lộ Vĩnh Lộc thì có một đoàn xe Mỹ chạy tới, đoàn quân bị cắt ngang, đại đội em đã vào tới Chợ Mới, nhưng toàn bộ đại đơn vị còn bị kẹt trong ruộng khoai mì và  đồng cỏ tranh. Chúng em bị mất liên lạc với tiểu đoàn từ đó. Anh giao liên dẫn tụi em tới điểm tập kết nơi lòng một con suối, rồi giao tụi em cho một cán bộ nằm vùng. Ông này dẫn tụi em vào căn nhà dưới dốc để ém quân chờ, căn dặn tụi em không được tự ý nổ súng, không được đi đâu, nếu ông ta chưa quay lại đón. Tụi em cứ chờ mãi cho tới sáng nay thì bị tập kích. Quân Cộng-Hòa bắn rát quá, không chừa một tấc đất nào. Tụi em không chống đỡ kịp. Tất cả quân số của C 1 là hai mươi ba người, chết hết, còn lại mình em thôi! Em nhờ có cái cối xay bằng đá che chở mà sống sót. Ðến lúc quân Cộng-Hòa vào lục soát, em chỉ còn cách giả chết để chờ cơ hội  thoát thân. Không dè bị buộc chân kéo lê trên gạch đá, đau quá em đành phải ngồi dậy tự thú!

Nghe xong lời khai của tên tù binh, tôi mới thấy mình quả là quá ơ hờ với cái vụ tìm hiểu trận liệt, biên chế của địch. Ðâu ngờ, mẩu điện đàm ngắn ngủi mà tôi tình cờ nghe được lại là cuộc đàm thoại của đơn vị chủ công địch nhắm vào thành phố Pleiku nhân dịp ngưng bắn đầu năm. Chắc không ai biết chuyện chuyển quân này của Việt-Cộng đâu! Mà dù có biết cũng chẳng ai thèm để ý đề phòng! Vì ai cũng tin Tết này sẽ hưu chiến, Tết này sẽ hòa bình. Ta không bắn địch, địch cũng không bắn ta. Có Ủy Hội Quốc Tế đứng ra bảo đảm, khỏi lo lắng gì.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Rồi tôi lại nghĩ, nếu tình báo của ta không quá ơ hờ, thượng cấp không quá ngây thơ tin tưởng vào những lời hứa cuội của kẻ thù, thì tôi đã không nhận được lệnh phải tập trung vũ khí của đại đội, bỏ vào kho, khóa cứng lại!

Khẩu đội cối 60 ly của Trung sĩ Tánh vừa tới, còn đang loay hoay kiếm vị trí đặt súng. Binh nhứt Ngẫu, xạ thủ cối, hai tay ôm cái bàn tiếp hậu trước ngực chờ lệnh. Binh nhì Nguyễn Sang chậm chạp dang hai chân lấy thế, rồi từ từ hạ cái đòn gánh tám quả đạn 60 ly xuống trước mặt tôi.

Ngay lúc ấy tôi chợt thấy ánh mắt người tù binh như rực sáng. Rồi nhanh như cắt, anh ta bật người dậy, chồm lên, lao vào giựt khẩu Garant M1 trên vai Binh nhì Sang!

Tôi sững người, vài giây sau mới kịp rút khẩu Colt ra khỏi vỏ. Thật là khó can thiệp khi hai người này cứ liên tục di động! Tên Việt-Cộng và Binh nhì Sang ra sức giằng co, giành giựt khẩu súng. Giờ này thằng Việt-Cộng đã trở nên vô cùng hung hãn, nó nhe răng cắn lia lịa vào tay Sang, khiến anh này la lên “Oai oái!”

Bất ngờ, một tiếng “Rốp!” vang lên, cuộc vật lộn chấm dứt!

Sẵn trên tay cái bàn tiếp hậu, Binh nhứt Ngẫu, đã nhanh trí, thẳng cánh nện một phát ngay đỉnh đầu tên cán binh, cứu nguy cho Binh nhì Sang! Thuở đó cối 60 chưa có bàn tiếp hậu bằng nhôm. Bàn tiếp hậu cối 60 được đúc bằng sắt ròng nên rất nặng, mặt sau thì lồi lõm. Vì vậy, chỉ với một cú đập, tên Việt-Cộng đã vỡ óc, lìa đời.

Sự việc diễn biến nhanh tới mức không thể tưởng tượng được! Tôi bị bất ngờ đã đành, ông Donald còn sững người hơn tôi. Ông ta cứ đứng ngớ ra như vừa sực tỉnh một cơn mê lạ lùng.

Binh nhứt Trần Ty đưa cái ống liên hợp cho tôi. Có lệnh của ông liên đoàn trưởng:

“Rút quân gấp! Coi chừng bị đánh chặn ở cổng trại Ðịa Phương Quân!”

Tôi lấy làm ngạc nhiên vì, rõ ràng tôi vừa xuất phát từ căn nhà sập, ở ngay trước cổng cái trại Ðịa Phương Quân ấy để tràn xuống dưới này, nay lại nói trong doanh trại đó có địch? Chẳng lẽ cái trại ấy đã bị Việt-Cộng chiếm rồi?

Thế là chúng tôi lại men theo đường cống thoát nước trở lại khu nhà sập trên Ngã Tư Bưu Ðiện.

Ðại úy Dzếnh đang lấp ló sau một gốc cây, thấy tôi ông bèn ra dấu,

– Coi chừng! Trong đồn Bảo An có Việt-Cộng. Chúng nó vừa bắn ra làm hai anh Thiết Giáp bị thương.Trung tá liên đoàn trưởng đang chờ ông bên hàng hiên đàng kia!

Cái đồn Bảo An này từ  lâu là nơi đồn trú của Ðại Ðội Yểm Trợ và Công Vụ Tiểu Khu Pleiku, sau này nó mang tên Trung Tâm Yểm Trợ và Tiếp Vận Tiểu-Khu cho tới ngày Pleiku bị di tản, tháng Ba năm 1975.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Trung tá Dõng và nhóm cố vấn Hoa-Kỳ đang đứng lố nhố sau mấy chiếc M113 đậu dọc lề đường Hoàng Diệu, trước rạp hát. Trong lúc tôi nói chuyện với Trung tá Dõng thì Ðại úy Donald cũng trao đổi đôi điều gì đó với nhóm cố vấn Mỹ.

Trung tá Dõng cho tôi biết, Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Pleiku vừa xác nhận rằng, doanh trại của Ðại Ðội Yểm Trợ  và Công Vụ Tiểu Khu Pleiku đã bị Việt-Cộng chiếm giữ từ Giao Thừa. Từ đây, chúng đã bắn B 40 ra đoạn đường Hoàng Diệu trước mặt Tòa Hòa Giải, làm cháy hai chiếc M 113 của ta. Ông ra lệnh cho tôi phải tái chiếm doanh trại này càng nhanh càng tốt.

Cơ  ngơi của trại lính Ðịa Phương Quân  này rất rộng, nó được bao quanh bằng hai lớp rào và một hệ thống công sự phòng thủ kiên cố. Phần đối diện với Ty Bưu Ðiện là văn phòng, cơ xưởng, kho tàng. Phần đối diện với Tòa Án Hòa Giải là cư xá sĩ quan và hội quán. Tôi đã có dịp ăn, nghỉ ít lâu ở nhà một người quen trong cư xá này nên rất thông thuộc đường đi nước bước trong khu doanh trại này.

Chỉ có một con đường duy nhất để tiến vào doanh trại là cổng chính. Hai bên cổng chính là hai pháo đài, hiện đang bỏ trống.

Tiểu đội của Trung sĩ Nguyễn Hữu Có vừa ào vào làm chủ cái lô cốt bên phải thì tiểu đội của Trung sĩ Ðoàn Văn Lụa cũng chiếm xong vọng gác bên trái, vọng gác này có một khẩu đại liên 30.

Tôi chỉ nhảy vài bước là đã tới cái ụ súng đại liên.

Thường ngày thì khẩu súng cộng đồng này hướng ra Ngã Tư Bưu Ðiện trên đường Hoàng Diệu. Giờ này tôi cho nòng súng quay ngược vào sân cờ. Ông Ðại úy Donald theo sát bên tôi. Ông đang lên cò khẩu AK 47. Lúc còn ở dưới dốc Lò Heo, tôi và ông Donald lựa cho mình mỗi người một khẩu AK chiến lợi phẩm, vì chúng tôi chỉ có súng ngắn. Tấn công mục tiêu mà có súng liên thanh thì vững tâm hơn nhiều. Lúc này thì sau lưng ông Donald có một hiệu thính viên Mỹ đi theo. Anh lính Mỹ trẻ này được trang bị một máy PRC 25 và một khẩu AR 15. Ði trận mà bộ dạng chàng ta lại rất thong dong, thảnh thơi như đang đi dạo phố.

Hiện thời tôi không biết địch nằm chỗ nào, cứ đi lớ ngớ trong sân, có khi chết oan. Tôi cho trung đội súng nặng và hai chiếc máy truyền tin nằm lại cổng chính vì sợ rằng kéo nhau “bầu đoàn thê tử”, cần câu, ăng ten, dềnh dàng thì chỉ tổ làm mồi cho B40! Vả lại, đánh nhau trong khu nhà cửa, doanh trại, cứ dùng thủ lệnh, khẩu lệnh, vừa nhanh lại vừa tiện. Thấy tôi làm thế, ông Donald cũng ra dấu cho anh hiệu thính viên Mỹ ôm cái máy PRC 25 ngồi lại trong vọng gác bên cổng chính.

Tôi phân nhiệm vụ cho Trung Ðội 3 vừa là thành phần trừ bị, vừa trấn giữ con đường xuống dốc Lao Xá Pleiku. Trung Ðội 1 và 2 sẽ là lực lượng chủ công.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

mau-than-huu-chien5

Ðất được chia cho hai cánh quân, theo trục tiến Bắc Nam, lấy trụ cờ làm ranh. Trung úy Rạng đi cùng Trung sĩ  nhứt  Khôi của Trung Ðội 2, chỉ huy cánh bên phải chiếm các văn phòng, hội trường và những lô cốt sát rào bên Hoàng Diệu. Tôi và ông Donald đi theo cánh bên trái của Trung sĩ nhứt Ngọ tiến chiếm khu kho chứa hàng, và khu cơ xưởng bảo trì quân xa.

Mặt trời đã lên cao, nhưng toàn cảnh của doanh trại như còn chìm trong một giấc ngủ sâu. Im lặng tới lạnh gáy, rợn người.

Sau mỗi ô cửa, sau mỗi lỗ châu mai có thể là một họng RPD hay AK47 sẵn sàng nhả đạn.  Chúng tôi nhướng mắt, dỏng tai, thận trọng từng bước, đi tìm Thần Chết.

Bất ngờ, “Oạch!” Binh nhì Ngô Sanh vì cứ phải liên tục ngỏng cổ canh chừng những ô cửa, những lỗ châu mai, đã vô tình đạp nhằm một cục đá nên ngã bổ nhoài về phía trước, chúi đầu vào bức vách tôn  gây nên một tiếng “Ầm!”

Sanh không mang nón sắt, mà đội nón đi rừng, nên cú té đập đầu đã làm anh ta đau ngất ngư!

Trung sĩ nhứt Ngọ vừa đưa tay đỡ Ngô Sanh, vừa càm ràm,

“Tổ cha mày! Cái thằng ăn hại!”

Ngô Sanh vừa xuýt xoa “Á! Á! Ðau!”  vừa lồm cồm đứng lên, giơ tay phủi bụi dính áo quần. Rồi lớ quớ làm sao, ngón tay của chàng ta lại móc ngay vào cò khẩu Thompson đang đeo trước ngực!

Thế là “Pằng! Pằng! Pằng!…” đạn nổ liên thanh! Thompson là thứ súng nhạy cò nhứt, nhiều khi chỉ cần nện mạnh báng súng trên nền đất là cơ bẩm đã thụt xuống, đạn tuôn ra cả tràng. Cũng may, mười mấy viên Thompson của Ngô Sanh đã bay hết vào tường mà không trúng ai!

Ông Ngọ chưa kịp la hét, đá đít anh lính bất cẩn thì bất thình lình, súng đạn nổ ran tứ phía!

“Bùm! Bùm! Ðùng! Ðùng! Oành! Oành! Chíu! Chíu!…”

Ðủ mọi thứ tiếng nổ! Ðại liên, trung liên, AK, thủ pháo, chớp nhóa, chói lòa, bụi khói khét lẹt, chỗ nào cũng có địch!

Ðâu ngờ tràng đạn cướp cò của Binh nhì Ngô Sanh đã vô tình trở thành hiệu lệnh cho địch khai hỏa!

May mắn là chúng tôi mới xuất phát, chưa lún sâu trong vùng địch kiểm soát nên thiệt hại chưa có gì đáng kể.

Vì địch đã lộ diện, nên tôi quyết định cho quân mình khoanh vùng, tiến chiếm từng phần của mục tiêu, thay vì ào lên một lượt.  Hai cánh quân của ông Ngọ và ông Khôi giữ hàng ngang, rồi thận trọng tiến chiếm từng nhà, từng ụ súng.

Hướng Ðông với nhiều lô cốt có mái che nên việc tiến quân rất vất vả và nguy hiểm. Vừa chiếm xong cái lô cốt đầu tiên, Trung Ðội 1 đã bị chận lại bởi một khẩu thượng liên đặt trên vọng gác Tây Nam của doanh trại; ít nhứt cũng năm, sáu Biệt Ðộng Quân đã bị cây súng liên thanh này đốn ngã.

(còn tiếp)