3 kỳ – Kỳ 1

Một chiều đầu mùa Hè 1989, bên bờ hồ đập thủy điện Trị-An, gió nhẹ và mây quang, mặt hồ gợn sóng, tôi ngồi hàn huyên cùng một ông bạn già cựu hạ sĩ quan Lực Lượng Ðặc Biệt của Quân Lực Việt-Nam Cộng-Hòa.

Chúng tôi ngồi nhâm nhi đôi ba chung. Rượu vào lời ra, ông ta biết tôi đã từng đơn thương độc mã vào rừng đào vàng, đào thiếc kiếm cơm trên mỏ vàng Suối-Nho, Gia-Kiệm, mỏ vàng K3, Ðơn-Dương và mỏ thiếc Nắp-Bắc (Lap Bé Nord) Ðà-Lạt.

Thế là, tối hôm ấy thằng Hai Thanh, con trai lớn của ông bạn tôi, bái tôi làm thầy, nó đề nghị tôi quy tụ và chỉ huy một “mũi” (tổ làm việc) đi kiếm “xái” (quặng mỏ) trong rừng Hiếu-Liêm.

Tôi đang lúc thất nghiệp, nên nhận lời làm đầu lãnh một mũi gồm hai anh thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự là Thanh và Hòa,  bạn của Thanh, và một cậu bé mười lăm tuổi, là thằng Út, em của Thanh.

Vì tình trạng trộm cắp nơi mỏ vàng, với sự hiện diện của hàng trăm tay chơi anh chị tứ chiếng đủ loại, tôi phải gởi cái bóp giấy tờ tùy thân tại nhà ông bạn già.

Lý lịch của tôi được giấu. Trong chuyến đi này bọn bộ hạ gọi tôi là Bác Hai, đôi khi chúng gọi tôi là Bác Hai Bắc-Kỳ.

Thằng Ba Chiến, em của thằng Hai Thanh, đang chạy xe thồ và bạn thồ của nó sẽ lo việc chuyển vận chúng tôi vào vùng mỏ. Chúng tôi trang bị hai chỉ vàng rồi lên đường vào Hiếu- Liêm một sớm mai rực rỡ nắng Hè.

Trong những lần “ra quân” trước đây ở Suối-Nho, Ðơn-Dương, Nắp-Bắc, tôi thấy những khu vực khai mỏ đều được xem như “vùng oanh kích tự do” của dân kiếm xái. Chúng tôi đến, đi, chặt rừng, đào núi, lọc quặng, khai mương, ngăn suối, chẳng ai đòi hỏi giấy tờ khai báo phép tắc rườm rà.

Bảo huân

Lần này chúng tôi cũng được tự do đi về không ai cấm cản, duy có việc chặt rừng, phá núi phải cần một cái giấy phép khai thác rừng của Ủy Ban Nhân Dân xã Hiếu-Liêm, tỉnh Ðồng Nai.

Lệ phí chính thức cho một tờ giấy phép chỉ có năm ngàn. Nhưng phải chờ hai, ba tháng sau đơn xin mới được chấp thuận. Trong khi đó giấy phép tuôn ra bên cửa hông thì chỉ một buổi hay một ngày là có kết quả, giá “chui” hơi đắt một chút, hai phân vàng!

Tờ giấy phép của Ủy Ban Nhân Dân xã chỉ có mấy dòng:

“Cấp cho đương sự quyền khai thác diện tích 10 mét x 10 mét trong rừng Hiếu-Liêm trong thời hạn 30 ngày.” 

Mỏ vàng Hiếu-Liêm cách đập Trị-An, Biên-Hoà khoảng hai giờ xe thồ, nằm trong một khu rừng nhiệt đới đất đỏ, cây cao, tàn rộng. Nơi này ngày xưa là phần địa đầu Chiến khu D của Việt Cộng. Ðường lên dốc, xuống đồi quanh co.

Ngày chúng tôi lên đường trời trong, gió nhẹ. Trên không có những cánh diều hâu bay lượn vòng vòng. Những con ve sầu đã bắt đầu rả rích bài ca mùa Hạ. Tiếng ve rên rỉ được giữ nhịp bằng tiếng “lốc cốc!” của chim gõ mõ từ trên thân cây bằng lăng mốc thếch. Ðàn sẻ rừng ríu rít trong đám cỏ non. Bọn chích choè, chèo bẻo đang xòe đuôi, chí choé chuyền cành đuổi nhau. Trong rừng sâu âm u, vẳng lại tiếng róc rách suối rừng ngọt ngào.

Tiết tháng Năm, hai bên đường hoa khoe sắc. Bướm đủ màu bay lượn chập chờn trên hoa. Ðường càng lên dốc càng hẹp dần, hương rừng càng ngất ngây. Chỉ cần đưa tay, tôi đã vớt được một cành hoa rực rỡ bên vách núi. Tôi cảm thấy mình đang lạc vào nơi thiên đường bừng bừng sức sống.

Ngồi sau lưng thằng Chiến trên yên xe thồ, lòng tôi phơi phới. Miền Nam đang trong mùa hoa nở. Quê hương yêu kiều rực rỡ.

Quê hương ta đẹp quá! Lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác về vẻ đẹp của quê hương. Tôi hát nho nhỏ một mình nghe, câu ca cũ: “Hoa vẫn nở trên đường quê hương. Ôi! quê hương ta đó!…”

Trước khi tới khu khai thác, chúng tôi phải xuống xe vượt bộ qua một cái dốc khá cao. Trời chợt đổ mưa, đường dốc, trơn trượt, phải mất cả nửa giờ chúng tôi mới lên tới đỉnh dốc.

Nơi đỉnh dốc, thằng Thanh chỉ cho tôi thấy một nấm đất to như cái lô cốt và gọi đó là mả cậu Linh. Có vài người đang thì thụp khấn vái trước mả ra chiều thành khẩn lắm. Hoa quả, vàng mã, chất đầy mặt đất, mà đèn nhang thì nghi ngút mịt mù.

Thanh giải thích rằng hiện tượng này mới có cách đây chừng một tháng thôi. Số là một hôm có cậu bé 16 tuổi “trúng mạch” được cả chục cây.

Bạn cùng mũi với cậu ra về ngay sau khi chia chác.

Cậu còn nấn ná đãi đằng bạn bè vài ngày sau mới dứt áo ra đi.

Giàu rồi, cậu không hẹn trở lại.

Cậu ôm vàng trước bụng và thuê riêng một chuyến thồ về Biên-Hòa vào buổi chiều mưa to gió lớn.

Mấy ngày sau, đội xe thồ không thấy anh bạn thồ trở lại. Trên đỉnh dốc có mùi thối bay xa. Người ta tìm thấy xác cậu bé chết rữa trong rừng, ruột gan bị heo rừng moi ra ăn lê lết trên mặt đất, mùi thịt thối nồng nặc cả một khu.

Cậu bé bị trấn lột, hạ sát, thủ phạm là anh bạn thồ.

Dân kiếm xái thương tình đồng nghiệp nên đã lấp lớp đất mỏng che tấm thân lạnh lẽo của cậu bé đào vàng vắn số.

Vài ngày sau mối đất ùn lên khiến cho mộ cậu bé thành một ụ đất khổng lồ trong rừng. Khách qua đường ghé thắp nén nhang cầu cho hương hồn cậu sớm phiêu diêu…

Người ta đồn với nhau rằng cậu linh thiêng lắm! Ai có thắp nhang, cúng quảy, khấn vái cậu, đều được cậu phù hộ mau trúng mạch, khấm khá ra về.

Rồi người ta gọi cậu là cậu Linh. Vì thế cái mả ấy có cái tên là “Mả Cậu Linh.”

Từ dạo ấy, con đường qua dốc đổi hướng, tạt sang bên trái đỉnh dốc vài chục mét để người qua đường tiện ghé thắp nhang vái cậu Linh xin phù hộ độ trì. Một chị bán quán ngoài xã, đã bỏ xã, bỏ quán, vào đây bán nhang đèn, hương hoa, ngay dưới dốc. Chẳng mấy chốc chị phất to, cổ có kiềng vàng, chuyền vàng, tay có nhẫn vàng, vòng vàng.

Ở cái mỏ vàng Hiếu-Liêm này mỗi ngày tôi khám phá thêm một điều mới lạ. Mới dẫn “quân” vào vùng được một vài giờ, ăn xong bữa cơm, uống xong bát nước chè tươi, tôi đã thấy ruột mình sôi lên “Rột!.. rột!…”  rồi thì bụng quặn đau, đi cầu. Ði cầu xong vừa về tới lều, bụng lại lâm râm, lâm râm đau.

Thằng cu Hòa dẫn tôi đi gặp ông Bác sĩ An để xin thuốc.

Ông bác sĩ đóng đô bên bờ suối, trong một chiếc chòi tranh.

Trước chòi treo một cái biển gỗ cỡ 20 x 40 cm, nền xanh, chữ trắng, “Phòng Mạch Bác Sĩ An”.

Cái chòi của Bác sĩ An có hai gian, gian ngoài là nơi hành nghề y khoa, vỏn vẹn chỉ có một cái chõng tre trên để một cái rương gỗ chứa thuốc men, bông, băng, alcohol, thuốc tím, thuốc đỏ.

Ngăn trong là tư thất của vợ chồng ông, với một cái giường tre, một cái bàn tre đặt cạnh cái bếp làm bằng ba cục đá suối xếp châu đầu thành ông Táo.

Bếp nhà Bác sĩ An lúc nào cũng khói lửa nghi ngút, nồi nước nấu kim chích sôi “O!…o!…o!…”  suốt ngày.

Tụi nhỏ truyền khẩu với nhau, nào là bác sĩ rất giỏi, bệnh gì ổng cũng rành, cũng trị được dứt nọc.

Thêm vào đó, nếu bệnh nhân là dân đào xái bị ngã bịnh trước khi chạm xái, bác sĩ cho nợ tiền công và tiền thuốc cho đến khi xái đã lọc xong thành vàng.

Bệnh nhân con nợ có thể trả công Bác sĩ An bằng vàng hay tiền cũng được.

Nếu anh nào “mo” thì ông chữa thuốc thí công, (mort= là chết, tiếng Pháp,có ý nói thất bại).

Ông An là người sinh ra ở quê hương của “Bác” nên giọng nói của ông nặng lắm.

Năm tôi có cơ duyên gặp ông nơi rừng thiêng nước độc này thì ông đã ở tuổi trên năm mươi. Bà vợ của bác sĩ lại là người miền Nam, còn rất trẻ và trông thật hiền hậu.

Sau vài câu xã giao, Bác sĩ An nhận ra tôi là người Bắc, ông liền vồn vã hỏi han huyên thuyên,

– Này đằng ý ơi! Nhìn cái phong thái của đằng ý, tớ đoán chắc rằng đằng ý không phải tay xoàng. Bộ “bảng đỏ” (bỏ Ðảng) hả? Vô Nam lâu chưa? Gia đình vợ con ra răng? Bởi lý do chi mà đằng ý phải đày đọa như ri? Tớ cũng là dân “bảng đỏ” đây! Anh hùng mấy khi gặp gỡ. Ngồi đây tâm sự với nhau chơi, đừng ngại!

Ông bác sĩ bỏ Ðảng đâu có biết rằng người đứng trước mặt ông lại là một cựu sĩ quan Tiểu đoàn trưởng Biệt Ðộng Quân của Quân Lực Việt-Nam Cộng-Hòa vừa mới được thả ra từ trại tù cải tạo!

Phần thì đang bị đau bụng tháo dạ, phần thì e ngại buổi sơ giao, tôi chỉ ậm ừ cho qua câu chuyện.

Sau khi cặp nhiệt, Bác sĩ An hỏi tôi rất kỹ về dạng phân, triệu chứng. Ông nói rằng tôi là một trong số ít người có cơ thể nhạy cảm với đồ ăn thức uống có hàm lượng kiềm cao. Tại các mỏ vàng, nước giếng, nước suối có chứa hàm lượng kiềm rất cao (?) Nước suối ở đây uống hơi chát. Nếu pha trà thì nước trà cũng có màu xám xịt.

Nước uống chính là nguyên nhân gây ra cái bệnh đường ruột của tôi. Muốn tránh, tôi chỉ cần ngưng uống nước trong khu này thôi, không phải dùng thuốc thang gì cả bệnh sẽ tự nó chấm dứt.

Nghe theo lời chỉ dẫn của ông bác sĩ, đêm đó tôi uống nước ngọt loại chứa trong bình hai lít thay cho nước trà. Sáng hôm sau tôi hết bị Tào Tháo rượt.

Thế là, cứ vài ngày thằng Chiến lại thồ vào cho Bác Hai một bình nhựa 20 lít nước suối lấy từ ngoài xã.

Tuy xa thành phố, nhưng trong khu mỏ vàng Hiếu-Liêm này không thiếu thứ gì, từ nước ngọt, bia, rượu, thuốc lá, bánh kẹo, tới rau cỏ, thịt cá, kể cả dụng cụ đào vàng như xẻng, khiên, xà beng, cuốc chim, thuốc nổ C4 dùng phá đá, và thủy ngân để tách vàng khỏi các kim loại khác.

Có cả chục cái quán cóc cung ứng đủ mọi mặt hàng nhu yếu cho dân đào vàng. Thậm chí khi bạn trúng lớn, cần có vũ khí để áp tải số vàng kiếm được về nơi an toàn, bạn cần thuê vài khẩu K54, AK 47, bạn cứ hỏi quán cô Nghĩa là có ngay.

Bất cứ “mũi” nào có “bãi” đều có thể mở một trang trong sổ nợ của cô Nghĩa.

“Mũi” là một tổ làm việc, quân số tùy nghi. Có mũi quân số đông cả chục người, khai thác hai ba giếng. Có mũi chỉ có hai cha con của một gia đình.

“Bãi” là một khoảnh đất vuông mỗi chiều mười mét không hơn không kém. Muốn có bãi thì dân lùng xái phải “đăng ký” với xã. Thủ tục “đăng ký” thì như tôi đã tả ở phần trên: hai phân vàng. Thời buổi này cái gì cũng chi bằng phân, bằng chỉ.

Vào tới vùng hành sự, tôi mới phát giác ra rằng chẳng cần ghé văn phòng xã xin giấy đăng ký cho phí thời giờ, mua trao tay tại hiện trường một cái giấy phép với con mộc đỏ chói cũng chỉ ba, bốn phân là cao.

Ngay khi chúng tôi vừa hoàn tất công việc phát quang cái bãi mà tôi đã chọn thì một người đàn bà trung niên, giọng nói rặt Bắc-Kỳ 75 tới tìm tôi để ký giao kèo tiếp tế.

Từ gạo, thịt, mắm, muối, kem đánh răng, khăn mặt, xà bông cho tới cái lều vải tiểu đội cho bốn thầy trò tôi đều được thím Xuân cung cấp. Phí khoản đều ghi vào sổ nợ tên Bác Hai có đóng ngoặc (Bác Hai Bắc- Kỳ).

Thím Xuân đồng ý cho chúng tôi thanh toán sau khi cạn giếng, nghĩa là sau khi đã bán xong số vàng dưới lòng đất của cái diện tích mà tôi đang căng lều hạ trại.

Mười bốn năm sau chiến tranh, tôi đã sống như một tay săn vàng chuyên nghiệp trong những phim Cao-Bồi Viễn-Tây của Mỹ. Ðây là chuyến trở về chiến trường xưa lần thứ tư của tôi. Oái oăm là chuyến đi nào cũng có chuyện buồn, chuyện vui để nhớ.

Quả thực, chuyện đào vàng chẳng có gì nên thơ, mơ mộng. Ngoài nỗi khổ vì muỗi mòng, lo sợ sập hầm, lo “xái rỗng” (quặng chứa ít vàng quá) không thu hoạch được chút bụi vàng nào, phí công. Ngoài ra còn cái nguy cơ bị sang đoạt bởi những tay hảo hán thương phế binh Việt-Cộng có vũ khí.

Khác với đất Ðà-Lạt và Ðơn-Dương, những nơi tôi đã kinh qua trong các lần đi khai mỏ trước đây. Cấu trúc các tầng đất ở Hiếu-Liêm làm cho dân đào vàng đổ mồ hôi, sôi nước mắt, vất vả hơn nhiều so với đất vùng cao.

Sau bốn, năm thước đất mùn đen thì tới đất đỏ pha đá cuội, đá tổ ong. Hết đá cuội và đá tổ ong lại tới đất pha đá dăm. Xuống sâu gần hai chục thước mới thấy đất chuyển sang màu trắng nhờ nhờ. Lúc này cũng là lúc “hy vọng vươn lên.”  Ðất sét màu xám pha lẫn từng cục quặng sắt rỉ là dấu hiệu phần vỏ của lớp đất trộn quặng vàng.

Ðoạn đường từ miệng giếng tới lớp đất xám là đoạn đường đứt ruột, rã rời hai tay. Tôi là trưởng mũi nên không phải thay phiên “mõi” đất (đào sâu xuống lòng đất, chuyền đất lên miệng giếng). Tôi chỉ phải tản số đất đã moi lên cho gọn ghẽ. Công việc này cũng không nhẹ nhàng mà rất tốn sức, tốn công.

Lớp đất đào lên trong những ngày đầu phải gánh ra đổ nơi bờ suối, cách lều cả trăm mét dưới dốc. Những ngày cận xái thì tôi chỉ việc đổ đất mới moi lên ngay nơi chúng tôi ăn ngủ.

Chúng tôi làm việc gần như suốt đêm ngày. Chỉ nghỉ, ngủ vài giờ rồi lại tiếp tục công việc. Tôi phải bấm giờ để ba đứa nhỏ thay nhau mõi cho công bằng. Hai thằng đào dưới giếng, một thằng ngồi trên miệng giếng kéo gầu đất xái.

Cứ hai tiếng đồng hồ chúng lại nghỉ giải lao. Thằng Thanh làm một điếu 555 thì hai đứa kia cũng gắng rít mỗi đứa một điếu. Thằng Hòa chơi một chai bia Chương Dương thì hai đứa kia cũng chơi theo ngay, mỗi đứa một chai. Chẳng đứa nào chịu phần thua lỗ cả. Tóm lại tinh thần đồng đội của dân đào vàng rất cao. Tinh thần tranh đấu cũng rất cao. Bắt tay vào việc là ăn hút cái đã! Ăn hút đồng đều, không ai ganh tị. Chỉ có cô Nghĩa và thím Xuân là lời thôi!

Tôi nghĩ thầm không biết tới ngày cân lọc xong xuôi, số vàng thu được có đủ để thanh toán tiền ăn hút cho bốn người chúng tôi hay không? Công việc đãi xái cũng rất là vất vả. Người đãi phải cúi khom lưng cả buổi trên dòng suối, tay lắc cái khiên chao qua chao lại, giữ làm sao cho nước mới vào khiên thay nước cũ, nhả đất xuống dòng mà đừng để bột quặng trôi đi. Tụi nhỏ gọi công việc này là “múa nước”. Tôi thì tuyệt đối không có đủ cái khéo tay để làm công việc này. Tôi đành làm nghề chuyển vận và bốc xái trong bao đổ vào khiên để đồng bạn làm công việc còn lại.

Khi công tác múa nước hoàn tất, thì bọn nhỏ vác bao bột quặng đi tới chòi ông Lâm Thầu người Tàu Chợ-Lớn nơi cuối dốc để mua thủy ngân và làm công tác lọc tinh vàng. Tôi lo thu dẹp rửa ráy đồ nghề, khiên, chảo, bao bì, cuốc xẻng rồi chuyển vận chúng về lều.

May thay, sau khi thanh toán sòng phẳng sổ nợ cho cô Nghĩa và thím Xuân, giếng vàng đầu tiên cũng đem lại cho chúng tôi đủ số vốn hai chỉ lúc đầu tới bãi.

Hôm sau tôi cho quân nghỉ mệt ba ngày trước khi khởi công một giếng mới. Trong ba ngày nghỉ dưỡng quân này, thằng Hòa và thằng Út thay nhau nấu cơm. Ăn sáng xong, đứa thì đi phụ đãi ngoài suối lấy công, đứa thì đi nhập sòng. Cờ bạc ở đây chỉ có món xóc dĩa. Những con bạc đặt cược bằng tiền, vàng, đồng hồ, dụng cụ khai thác mỏ. Thẻ Chứng Minh Nhân Dân đôi khi cũng có thể dùng làm vật cầm cố.

Có vài ổ bán dâm dọc bên bờ suối. Trong những cái lều che bằng vải nhựa, những người con gái trẻ bán dâm trên những cái chiếu trải dưới đất. Những cô gái hành nghề ở đây không phấn son lòe loẹt. Họ cũng là những người đào xái một thời, đã “mo” nên không thèm đào nữa, đành đem thân xác cho đàn ông “đào” để kiếm cơm sống qua ngày. Họ đi la cà các bãi. Móc ngoặc được khách thì dẫn về lều. Tiền trả trước, trôn trao sau. Ra khỏi lều, người bán dâm và kẻ mua dâm lại trở thành đôi người không quen.

Buổi trưa, tôi thả bộ lang thang dọc bờ con suối đục ngầu đất đãi xái. Dân đãi vàng làm việc cần cù, bất kể đêm, ngày. Ban ngày chúng tôi đãi xái dưới đèn mặt trời. Ban đêm, dọc hai bên bờ suối có hàng chục ngọn măng sông và đèn khí đá. Ðôi khi, đêm vui hơn ngày.

Nhạc từ những cái máy thu băng oang oang, bốn hướng tám phương. Nhạc vàng, nhạc kháng chiến, nhạc disco, bi kịck, hài kịch, vọng cổ xen lẫn nhau. Cùng lúc người nghe có thể thưởng thức cả giọng ca nữ đang lên Cẩm Vân, cùng giọng ca nam đang xuống Quốc Hương, xen lẫn điệu ngân xàng xê bất hủ của Thành Ðược và Bạch Tuyết. Lúc này khúc Lambada Nam-Mỹ đang thịnh hành. Khúc ca này đã lần mò vào tới tận rừng xanh.

Mỏ Hiếu-Liêm đang ở vào thời kỳ đông đảo nhất. Lều trại đó đây, ước lượng dân số đào vàng nơi này cũng cỡ bốn, năm nghìn người là ít. Họ đến từ Phát-Diệm, họ gọi con trâu trắng là “con tâu tắng”. Họ đến từ Móng-Cái, từ Tuyên-Quang, họ nói tiếng Nùng, tiếng Tày. Họ đến từ miền Trung, giọng Quảng, giọng Huế. Họ đến từ Cà-Mau, họ chuyện trò với nhau bằng tiếng Miên…

(còn tiếp)