ban-tho-phat-xuong-duong

Bàn thờ Phật xuống đường cản trở sự di chuyển của quân đội – nguồn Flickr.com

Hồi ký 7 kỳ – Kỳ 6

Một hôm đang lang thang trong sân nhà thờ Pleiku, tôi tình cờ gặp lại anh cựu Trưởng ban 5 Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân là Hồ Văn Hữu. Anh Hữu đã lên thiếu úy, và đang mang trên người bộ quần áo của Cảnh-Sát Dã-Chiến. Hữu ngỏ ý xin tôi một bộ đồ hoa. Tôi ngạc nhiên,

– Anh đã sang Cảnh-Sát rồi còn xin đồ rằn ri Biệt Ðộng làm gì?

– Mình xin ra khỏi Cảnh-Sát rồi.

– Lý do gì vậy?

– Không hợp với mình, nếu ở vào trường hợp mình, Long cũng làm như mình mà thôi.

Tôi về Biển-Hồ lấy một bộ đồ hoa, đem ra cho Hữu. Hữu đang tá túc trong nhà cô bạn gái tên là Trang. Cô Trang là ca ve của Hội Quán Phượng-Hoàng. Vài ngày sau, Hữu lên đường đáo nhậm đơn vị mới. Ðơn vị mới của anh là Biệt Khu 24 trú đóng trên Kontum. Năm 1974 anh Hữu đã thành một Thiếu tá tiểu đoàn trưởng của Trung Ðoàn 41 Sư Ðoàn 22 Bộ Binh.

Trước lúc ra đi, Hữu tâm sự với tôi,

– Ở Cảnh-Sát người ta nhìn mình với con mắt khinh khi. Thấy mình, họ cứ xầm xì với nhau rằng, tụi Biệt Ðộng Quân Tiểu Ðoàn 11 là bọn lừa thầy phản bạn, sớm đầu, tối đánh. Mình định xin về lại Tiểu Ðoàn 11, nhưng ngại anh em binh sĩ còn oán hận mình, vì ngày đó mình đi theo ông Dzu. Cuối cùng, mình đành chọn Biệt Khu 24.

Thời gian ở Pleiku tôi cũng phát hiện ra, ngoài những quân nhân của Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân, còn nhiều người trực thuộc những đơn vị khác của Vùng 1 cũng bị đổi lên Cao Nguyên như chúng tôi, với cùng tội trạng là đã tham gia phong trào ly khai chống chính phủ.

Trong khi hồ sơ quân bạ của tôi còn bay lang thang đâu đó thì cái giấy phạt thứ nhì đã tới Ban 1 của Chiến Ðoàn. Giấy phạt lần này là 60 ngày trọng cấm do Tướng Cao Văn Viên ký, tội trạng được sao lại nguyên văn từ giấy phạt của Tướng Hoàng Xuân Lãm: “Sĩ quan vô kỷ luật. Tự ý dẫn đơn vị tham gia Phong Trào Phản Loạn Miền Trung”

cao-van-vien-va-nguyen-bao-tri

Tướng Cao Văn Viên và Tư lệnh Sư đoàn 7 Nguyễn Bảo Trị. sites.google.com

Như vậy là cùng một tội trạng, tôi đã lãnh 90 ngày trọng cấm. Nhận cái giấy phạt dưới hình thức “gia tăng tối đa” của Trung tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa, lòng tôi không chút mảy may lo sợ hay buồn phiền gì cả; tôi như đứa bé chịu nhiều roi vọt quá, đã trở thành chai đá, lì đòn mất rồi!

Trung tá Ninh, trong các buổi họp tham mưu, đã nhiều lần áy náy cho tình trạng của tôi:

“Tội nghiệp thằng bé! Cấp chỉ huy đều trở giáo hết, nên tội lớn, tội nhỏ đều đổ lên đầu nó cả!”

Trước Noel 1966 Chiến Ðoàn 2 phải đi hành quân vùng Ðức-Cơ. Thiếu tá Phạm Văn Toán, Chiến Ðoàn Phó chỉ huy cuộc hành quân này. Tôi ở lại hậu cứ với Trung tá Nguyễn Ðức Ninh Chiến Ðoàn Trưởng.

Ở nhà, bất ngờ tôi nhận được một trát đòi của Tòa Án Quân Sự Nha-Trang do Thượng sĩ Linh, Tiểu Ðội Trưởng Quân Cảnh Tư Pháp Pleiku chuyển tiếp. Lý do ra tòa của tôi là can tội:”Dùng vũ khí tấn công, gây thiệt hại nghiêm trọng về vật chất và nhân mạng cho lực lượng Ðồng Minh trú đóng trong phi trường Ðà-Nẵng”.

Trung tá Ninh thương tình, du di cho tôi thoải mái vài ngày, sau Tết Dương Lịch, ông mới cấp sự vụ lệnh cho tôi ra đi.

Tới Nha-Trang tôi được Quân-Cảnh Tư Pháp gửi tạm trú trong Ðơn Vị 2 Quản Trị Ðịa Phương chờ ngày ra tòa.

Cuối cùng, vì không nhận được đơn khởi tố của Không Quân Hoa-Kỳ ở Ðà-Nẵng, tòa không đủ yếu tố buộc tội, đành chuyển tôi sang cho Hội Ðồng Kỷ Luật xét xử. Chỉ sau vài chục phút hội họp, Hội Ðồng Kỷ Luật Nha-Trang do ông Ðại tá Cách chủ tọa đã ra quyết định:

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

“Nay giáng cấp Thiếu úy hiện dịch Vương Mộng Long xuống thành Trung sĩ hiện dịch Vương Mộng Long.”

Nhớ lại, đầu năm 1966 mới ra đơn vị được mười hai ngày, tôi đã lên chức đại đội trưởng, được đề nghị đặc cách trung úy. Tôi khấp khởi mừng vì thấy con đường binh nghiệp của mình thật quá xán lạn, quá hanh thông.

Không ngờ chỉ một năm sau, cũng đúng dịp Tết Âm Lịch (1967) tôi bị sao quả tạ chiếu tướng, từ thiếu úy thực thụ, bỗng chốc bị đặc cách lên… trung sĩ thực thụ!  Ðời tôi xuống dốc không phanh.

Xuống trung sĩ rồi, tôi còn bị nhốt thêm 60 ngày trong Quân Lao Nha-Trang để trả nợ cái án phạt của Trung tướng Cao Văn Viên.

Hết hạn phạt giam, tôi về trình diện Khối Thặng Số của Ðơn Vị 2 Quản-Trị Ðịa Phương chờ ra đơn vị mới. Trong gần bốn tháng đầu năm 1967, tôi làm việc dưới quyền ông Chuẩn úy Thành, một sĩ quan mới ra trường. Ông Thành này là cựu trung sĩ Biệt Ðộng Quân, thuộc cấp cũ của tôi. Tháng 2 năm 1966, tôi đã ký giấy cho phép Trung sĩ Thành theo học khóa Sĩ-Quan Ðặc-Biệt Thủ-Ðức.

Mỗi đêm, sau giờ giới nghiêm, tôi chỉ có việc leo lên xe ngồi bên Chuẩn úy Thành, đi một vòng, quanh Quân-Trấn Nha-Trang, kiểm tra một số yếu điểm rồi trở về doanh trại.

Ban ngày được nghỉ, tôi lang thang trong phố, mặt trời đứng bóng thì quay về Ga ăn cơm trưa. Cơm trưa xong, tôi leo lên lưng chừng ngọn núi đằng sau Trường Bồ-Ðề, chui vào cái cốc (chùa nhỏ) của một cư sĩ Phật Giáo để nghỉ trưa và đọc sách. Tới chiều, tôi tụt xuống phố, thả bộ tàng tàng trên bãi biển, hôm nào siêng thì nhào xuống nước, bơi lội một hồi rồi trở về Ga Nha Trang, ăn cơm chiều xong là trở về đồn, làm công tác tuần tra đêm.

Một buổi trưa có hai thanh niên leo lên núi gõ cửa hỏi ông cư sĩ rằng:

“Có ai là Thiếu úy Vương Mộng Long đang ở đây không?”

Tôi ra mặt, xưng tên, thì hai anh này đưa tay ra dấu cho tôi theo họ ra vườn sau. Họ vắn tắt cho tôi biết họ là Mật Vụ của Ðại tá Nguyễn Ngọc Loan. Ðại tá Loan phái họ ra để thâu nạp tôi về Cảnh-Sát. Họ nói Ðại tá hứa sẽ cho tôi lên trung úy do công lao thắng trận Kỳ-Lam, rồi cho tôi chỉ huy một đơn vị Cảnh-Sát Dã-Chiến dưới quyền trực tiếp của Ðại tá. Hai anh này cũng nói rằng sĩ quan của Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân có dính dáng tới vụ lộn xộn năm 1966 đều được ân xá. Ông Nguyễn Thừa Dzu được lên thiếu tá, các anh khác như Tôn Thất Trực, Nguyễn Văn Lẹ, Nguyễn Văn Vinh, Thái Văn Nghiệp, Lê Bá Ngọ, đều được Ðại tá trọng dụng, trao cho những chức vụ có quyền hành trong các cơ quan Bài Trừ Du Ðãng hay Cảnh-Sát Dã-Chiến.

Tôi chưa biết quyết định ra sao thì hai anh Mật Vụ móc túi chìa cho tôi xem Thẻ Hành Sự của họ để chứng minh họ không là thứ giả. Tôi trì hoãn bằng cách nói, để suy nghĩ lại, sau ba ngày tôi sẽ trả lời.

Hai ngày kế tiếp tôi không lên núi ngủ trưa. Tôi cứ ngồi ở đầu giường, suy nghĩ đắn đo, quên cả cơm trưa, cơm chiều. Nếu về với ông Loan, tôi sẽ bị đánh giá cá mè một lứa với bọn sớm đầu tối đánh, phản bạn phản thầy; mà không về với ông Loan thì đành ôm cái lon trung sĩ biết lúc nào mới ngóc đầu lên được?

Nhớ ngày lên đường vào Trường Võ-Bị, bạn tôi, ai ai cũng mang theo va li hoặc xách tay, tôi là người độc nhất không có hành lý. Trên tay tôi là hai quyển sách, quyển thứ nhất là “Tôn Ngô Binh Pháp” in từ năm 1952 bằng chữ Việt, quyển sách thứ hai có tên “L’Art de Commander” của Tướng De Lattre De Tassigny xuất bản năm 1960 bằng chữ Pháp.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Bây giờ muối mặt về với ông Loan, tôi sẽ thành một tên “hàng thần lơ láo” chịu ơn người ta, quỵ lụy người ta suốt đời. Với tình hình chính trị loạn xà ngầu như những năm qua, biết đâu về đầu quân cho ông Loan rồi, lại xảy ra chính biến, chỉnh lý, nhỡ ông Loan thua, chẳng lẽ tôi bỏ ông ấy hay sao?

Mặt khác, nếu không theo ông Loan thì với cái lon trung sĩ, tôi sẽ làm gì ích quốc lợi dân với cái bụng chứa đầy “Nghệ Thuật Chỉ Huy” của Tướng De Lattre De Tassigny cùng những”Binh Pháp” thần sầu, quỷ khốc của Tôn Tướng Quân và Ngô Tướng Quân?

Từ ngày còn rất nhỏ tôi đã đọc những truyện dã sử Tàu; lớn lên tôi cũng nghiền ngẫm những quyển sách chứa các giai thoại về sự nghiệp, công danh của các danh tướng cổ kim như: Tôn Võ Tử, Ngô Khởi, Gia Cát, Từ Thứ, Alexander Ðại Ðế, Napoleon Ðại Ðế, Quang Trung Ðại Ðế, Rommel, Patton…

Tôi mê cách hành binh xuất quỷ nhập thần của Rommel, tôi thích những lá thư tình của Napoleon gửi cho Joséphine.

Với tôi, không phải gương xưa nào cũng đáng noi theo đâu!  Ði lính rồi, tôi học và làm theo gương sống hòa đồng cùng thuộc cấp của Ngô Khởi, nhưng tôi chê cái cách tiến thân của vị danh tướng này; giết vợ cầu vinh, thay thầy, đổi chúa là điều đại kỵ đối với một đệ tử của Khổng, Mạnh. Cũng như truyện Câu Tiễn nếm phân mưu đồ phục quốc, truyện Hàn Tín luồn trôn để sau này thành đại tướng, chỉ là những cái gương xú uế lưu truyền trăm nghìn năm về sau mà thôi!

Tôi ngồi ở đầu giường, bộ quần áo hoa của tôi treo trên cọc mùng nơi cuối giường. Nhìn bộ rằn ri, tôi chợt nhớ lại lời tâm sự của anh Hồ Văn Hữu lúc chia tay, rồi tôi quyết định sẽ chọn câu trả lời “Không”.

Ðúng ngày hẹn, hai ông Mật Vụ quay trở lại, tôi nói:

“Không!”

Hai vị này trợn mắt, ngạc nhiên rồi bùi ngùi,

– Thật đáng tiếc! Một ngày nào đó anh sẽ hối hận!

Tôi chưa kịp hối hận thì thêm hai vị khác từ Phủ Thủ Tướng tới tìm gặp. Hai vị này ngỏ ý muốn chiêu dụ tôi về phục vụ dưới trướng Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Lần này thì không cần suy nghĩ lâu la, tôi dứt khoát:

“Không!”

Thời gian chính biến Miền Trung 1966 xảy ra, Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Tướng Nguyễn Văn Thiệu, chỉ là những “Sứ Quân”, còn Tướng Nguyễn Chánh Thi, cũng chỉ là một “Sứ Quân”. Kẻ thắng làm vua, người thua là “Phản loạn”

nguyen-chanh-thi-va-cao-ky

Tướng Nguyễn Chánh Thi và Tướng Nguyễn Cao Kỳ

Trong một đất nước có quá nhiều “Sứ Quân”, biết ai sẽ là người chiến thắng sau cùng? Biết ai sẽ làm vua? Biết ai sẽ là “Minh Chúa” mà theo?

Thật tình mà nói, tôi chưa hề phù trợ cá nhân Tướng Nguyễn Chánh Thi. Tôi chỉ giáp mặt ông Tướng này chưa đầy năm phút trên chiến địa, khi ông ta đáp xuống thăm đại đội tôi sau khi trận Tháp Bằng An vừa kết thúc, làm sao tôi có dịp ở bên ông ta, biết ông ta là con người như thế nào mà phải sống chết theo ông ta?

Giả sử ngày đó ông ta được người Mỹ giúp đỡ, loại hết địch thủ, trở thành lãnh tụ, thì chắc gì ông ta còn nhớ tới tôi?

Tôi đã suy tính rất đắn đo khi quyết định không phò tá bất cứ ai, không suy tôn bất cứ ai, không nợ nần ai. Cho dù có bị giáng cấp như hiện thời, tôi vẫn thấy không mảy may xấu hổ hay hối hận vì những gì mình đã làm. Tôi làm, tôi chịu, tôi không than van, tôi không đổ lỗi cho ai. Việc tôi làm, dù đúng, dù sai, đã có trời cao chứng giám.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Thời gian sống ở Nha-Trang thật là quá an nhàn và vô vị. Thong dong suốt ngày mà tôi vẫn thấy như lúc nào cũng chồn cẳng, chồn chân.

Cũng may, nửa năm sau tôi có dịp gửi thư cho Ðại tá Trần Văn Hai, Chỉ Huy Trưởng Binh Chủng Biệt Ðộng Quân để xin về phục vụ đơn vị cũ.

Ngay sau khi nhận thư của tôi, Ðại tá Chỉ Huy Trưởng đã đích thân đọc hết bản cung từ mà tôi đã khai khi bị giam giữ ở Ty An –Ninh Quân- Ðội Quảng-Nam.

Bản cung từ này chỉ cần đọc qua một lần là đã thấy bao chuyện vô lý và khôi hài: tỷ như tôi đã bị kết tội, cùng một ngày, cùng một giờ, vừa chận đánh một đoàn xe chở quân của Sư Ðoàn 2 Bộ Binh ở Tam-Kỳ, vừa đặt súng ở chùa Phổ- Ðà, pháo kích vào phi trường Ðà-Nẵng, lại vừa bắn nhau với Thủy Quân Lục Chiến ở Ngã Ba Cây Lan! Cứ như thể là, tôi có phép phân thân, đằng vân, giá võ, thần thông quảng đại, giống con khỉ Tôn Ngộ Không!

Ðại tá Chỉ Huy Trưởng cho rằng tôi vì bị khảo đả đau quá, không chịu nổi, nên đã nhận bừa những tội danh mà mình không hề gây nên, do đó, ông đã đề nghị Nha Quân Pháp cho tôi phục hồi cấp bậc thiếu úy, chỉ bị phạt treo lon trung úy trong thời hạn hai năm mà thôi.

Sau này, lâu lâu nhớ lại chuyện xuống cấp, lên lon, tôi lại thầm cám ơn ông Công Ðại Việt. Chính nhờ ông gán ghép cho tôi toàn những tội danh tày đình trên bản cung từ mà tôi và ông ký tên bên nhau, nên tôi mới được Nha Quân Pháp bóc đi cái lon trung sĩ đã mang trên cánh tay áo gần nửa năm trời.

Tuổi hai mươi vào đời, tâm hồn tôi như tờ giấy trắng tinh. Vậy mà chỉ qua một năm thăng trầm, tôi đã nhận ra rằng, biển đời rộng mênh mông, không thiếu những gương sáng tiết liệt, trung kiên, nhưng cũng ngập tràn phản phúc, lọc lừa.

Giữa tháng 6 năm 1967 tôi trở về đơn vị cũ, cần cù bám đất Pleiku, làm lại từ đầu. Vàng ròng đâu sợ lửa? Rồi cũng có ngày đất nước cần tới bàn tay đóng góp của tôi.

Tôi đã ngoi lên từ từ, nhưng thật là vất vả.  Nhiều chiến công của tôi đã bị người ta cướp đi mất. Nhiều công lao, thành tích của tôi đã bị thượng cấp cố tình quên. Mãi bốn mươi năm sau, thượng cấp của tôi mới nói được lời hối lỗi, thì đã quá muộn màng!

Nhưng tôi vẫn là tôi, vẫn là một cây tùng lúc nào cũng đứng thẳng.

Tất cả những tấm huy chương trên ngực tôi đều đẫm máu, tất cả những bông mai vàng, mai bạc trên cổ áo tôi đều đẫm máu, máu của chính tôi và máu của những người lính dưới quyền tôi.

Thế rồi, cuối năm 1967 Miền Nam đã có tuyển cử.

Ông Kỳ đắng cay thoái lui, làm nhân vật số 2, đứng sau lưng ông Thiệu. Lúc ấy chỉ còn có một mình “Sứ Quân” Nguyễn Văn Thiệu tồn tại; ông Thiệu trở thành lãnh tụ, lên ngôi, lãnh đạo nền Ðệ Nhị Cộng-Hòa.

Nhìn lại thì, trong cuộc “Chính biến Miền Trung năm 1966” những người cầm đầu quân đội như Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tướng Nguyễn Văn Chuân, Tướng Tôn Thất Ðính, Tướng Huỳnh Văn Cao, Tướng Phan Xuân Nhuận, Ðại tá Ðàm Quang Yêu, cùng các vị cầm đầu Phật Giáo Ðà-Nẵng như Ðại Ðức Thích Minh Chiếu, Chánh Sở Tuyên úy Phật Giáo Vùng 1 Chiến Thuật, Ðại Ðức Thích Như Huệ, Tuyên úy Phật Giáo của Trung đoàn 51 Bộ Binh chỉ bị giải ngũ, chẳng có vị nào bị bắt bớ, giam hãm tù đày cả.

Hiến pháp của Việt-Nam Cộng-Hòa có quy định rõ ràng rằng: Ðặt Cộng- Sản ra ngoài vòng pháp luật! Nếu những người cầm đầu này là Việt-Cộng, thì họ đã bị bỏ tù rồi!

Trong khi đó thì những người đi theo họ, nghe lệnh họ, lại bị tù, bị theo dõi, bị trù ếm, bị coi là theo chân Cộng-Sản!

(còn tiếp)