ban-tho-phat-xuong-duong

Bàn thờ Phật xuống đường cản trở sự di chuyển của quân đội – nguồn Flickr.com

Kỳ 4

Ðầu tháng 6, Quân Trấn Hội-An mở một đợt hành quân hỗn hợp, bao vây và lục soát Long Tuyền Tự. Tôi tránh mặt bằng cách chui vào nằm trong cái rương dùng làm giường trong liêu tỳ kheo.

Buổi lục soát chấm dứt bằng vụ bắt bớ những người tình nghi phá rối trị an. Ba sư tăng lớn tuổi là Thích Như Sơn, Thích Như Quý và Thích Như Luận đã bị Cảnh Sát bắt về Quân Trấn để thanh lọc.

Lúc này trong chùa chỉ còn lại tôi, thầy Thích Chơn Phát, chú Thích Như Hạnh cùng hai chú tiểu bé con, đầu còn mang miếng vá, tôi không biết pháp danh, đó là chú Quýt và chú Chín.

Thấy tình hình không yên, sợ những người bị bắt sẽ khai tên tôi ra, nên mờ sáng hôm sau, tôi và sa di Như Hạnh ra đầu tỉnh đón xe đi Ðà-Nẵng lánh nạn.

Ít ngày sau, núp bên cửa sổ nhà người bạn, tôi xót xa chứng kiến hình ảnh anh Tôn Thất Trực, dưới bộ dạng của một nhà sư, áo lam, đầu trọc, bị trói ngoặt cánh khuỷu, đứng gục đầu trên xe Jeep mui trần, chạy chầm chậm trên đường Phan Chu Trinh Ðà-Nẵng. Người ta chở Tôn Thất Trực diễu quanh thành phố nhiều vòng để làm nhục anh. Tôi không rõ số phận Thích Như Huệ ra sao.

Như vậy, Thủy Quân Lục Chiến đã chiếm xong chùa Tỉnh Hội, Hội–An. Nếu tôi không thoát khỏi vụ lục soát ngày hôm trước, chắc số phận cũng không hơn gì anh Tôn Thất Trực.

Tuần sau, thấy tình hình đã tạm yên, tôi bèn rời Ðà-Nẵng, trở lại Hội-An. Về tới chùa tôi mới hay, ngay chiều ngày tôi và chú Hạnh đi Ðà-Nẵng, những chư tăng bị bắt ngày hôm trước đã được tha. Chú Phong về chùa không gặp tôi nên đã bỏ chùa đi mất rồi.

Tôi nghĩ bụng, gia đình chú Phong ở ngoài Quảng-Trị, nếu Phong về được với gia đình thì không còn điều gì phải lo lắng cả.

Thời gian dài sau đó, tôi quen với nếp sống tu hành đạm bạc. Tôi ngủ trong liêu tỳ kheo cùng thầy Thích Như Luận. Như Luận lớn hơn tôi vài tuổi và là đệ tử lớn nhất của Ðại đức Thích Chơn Phát.

Ngày qua ngày, tôi chuyên tâm đọc những sách nghiên cứu về triết lý Phật Giáo. Rồi tôi say mê cái triết lý thoát tục này lúc nào không hay. Tôi đã có ý định rũ bỏ nợ đời, theo đuổi đường tu cứu vớt chúng sinh. Thầy Chơn Phát đặc biệt theo dõi chuyện học tập của tôi. Qua nhiều lần đàm đạo, thầy nhận xét rằng,

– Chú Tùng có thiên tư hơn người. Nếu chuyên tâm, chỉ một thời gian rất ngắn, chú có thể trở thành một thiền sư đi thuyết giảng được rồi.

Vậy là, như người “thi băng, nhảy lớp” tôi mặc nhiên trở thành đệ tử thứ nhì của thầy trụ trì, chỉ đứng sau tỳ kheo Thích Như Luận.

Tôi vốn là người quen nhẫn nhục, siêng năng từ nhỏ, không từ nan bất cứ công việc nặng nhọc nào. Từ cuốc đất, tưới rau, bổ củi, tới quét sơn, quét vôi, rào vườn, đào mương…việc gì tôi cũng làm được cả. Tôi làm việc tất bật suốt ngày, nên quên cả thời gian, quên hết muộn phiền. Gặp lúc rảnh rỗi thì tôi và các chú sa di lại quây quần bên nhau xung quanh bàn cờ tướng hay cùng nhau ngâm nga những câu thơ Tản Ðà.

Từ ngày quân chính phủ trung ương chiếm cứ chùa Tỉnh Hội thì người đi lễ Phật dồn về Long Tuyền Tự ngày càng đông. Các chú sa di cứ phải luân phiên leo lên cây chay sau cổng chính hái những chùm chay chín đỏ xuống cho các cô nữ sinh thăm viếng chùa.

Trong số bốn, năm chú tiểu thường leo cây hái chay tặng khách có một anh chàng leo nhanh như khỉ, lúc nào cũng nhe răng cười, nhưng không hề mở miệng nói chuyện với ai. Các cô tưởng nhà sư trẻ tuổi, mặt mày sáng rỡ này bị câm, nên ánh mắt nhìn chàng ta có chứa chất chút gì áy náy xót thương. Các cô đâu có biết chàng ta không mở miệng được chỉ vì chàng không “thông thạo” tiếng Quảng (Nam), chàng là người Hải-Dương. Các cô cũng chẳng ngờ được rằng dưới bộ quần áo tu hành màu lam, cái cốt giấu bên trong của chàng lại là cốt lính.

Thời gian như thoi đưa. Ngày nào cũng thế, buổi sáng, mặt trời dịu dàng, e dè, khép nép, chầm chậm ngoi lên từ cồn cát hướng Ðông; buổi chiều, mặt trời sưng vù, đỏ lừ lừ như mặt anh chàng say rượu, vội vàng lủi xuống núp sau lưng hàng phi lao nơi cồn cát hướng Tây. Hàng sầu đông vườn sau vẫn còn tiếng chim cu xanh gáy “gù! gù! gù!” để dụ dỗ nhau, nhưng tiếng ve sầu thì mỗi ngày một thưa đi, nhỏ dần… chắc tụi ve sầu mải mê ca hát quên ăn quên uống, nên bị cái nắng cháy da của mùa Hè thiêu chết dần mòn hết rồi! Chồng sách nghiên cứu và chỉ dẫn con đường về xứ Phật trên đầu giường của tôi mỗi ngày mỗi cao hơn.

Một hôm có hai người khách lạ tới vãn cảnh chùa. Họ đi loanh quanh dò xét khắp nơi, dáng điệu thật đáng nghi. Khuya hôm đó có tiếng chó sủa vang từ ngoài cồn cát về tới xóm lá bên đường sát Long Tuyền Tự. Rồi có tiếng người đập cửa ầm ầm,

– Mở cổng! Mở cổng ra mau!

Thì ra đó là một toán du kích Việt-Cộng địa phương.Trước đây họ vẫn lâu lâu ghé về thu thuế một lần. Nhưng từ thời có sự hiện diện của Quân-Ðội Ðồng-Minh thì họ không dám bén mảng gần vùng này nữa.

Thầy Như Luận khuyên tôi ẩn mình trong rương để đề phòng bất trắc.

Cái rương đa năng này tháng trước là nơi tôi ẩn núp trốn lánh một cú bố ráp của người Quốc-Gia, hôm nay tôi lại chui vào rương để trốn tránh người Cộng-Sản.

Tôi nghe tiếng cánh cổng chùa kêu ken két, rồi có tiếng người ra lệnh,

– Mời tất cả sư sãi trong chùa này ra tập trung trước sân cho tôi kiểm tra. Mau lên!

Sau đó là tiếng lên cò súng “lách! cách!” cùng tiếng dép guốc “lộc cộc!” rộn rịp của chư tăng.

Tên chỉ huy Việt-Cộng ra lệnh,

– Tất cả ngồi xuống đây! Không ai được đi đứng lộn xộn! Sư trụ trì nghe tôi hỏi đây: Chùa đang chứa chấp một tên chỉ huy Biệt Ðộng Ngụy có đánh trận Kỳ-Lam hồi tháng 2, mau giao nó ra đây!

Thầy Chơn Phát trả lời,

– Tất cả mọi người trong chùa này đều có mặt ở đây. Toàn là sư sãi cả, làm gì có lính Ngụy mà giao? Các ông muốn bắt ai thì bắt đi!

Bọn du kích chia nhau đi lùng sục khắp nơi. Từ điện thờ tới nhà bếp, gác chuông, bể nước, nơi nào cũng bị ánh đèn pin rà xét kỹ càng. Chúng không ngờ hai cái giường trong liêu tỳ kheo, có chiếu trải ở trên, bên dưới lại là hai cái rương có thể chứa người nằm duỗi chân thoải mái.

Chừng nửa giờ sau bọn du kích rút đi.

Chờ cho tiếng chó sủa xa dần rồi im bặt, thầy Như Luận mới về phòng kêu tôi chui ra khỏi chỗ trú ẩn. Tình trạng an ninh của tôi thời gian này đúng là đang nằm trong thế trên đe, dưới búa. Ban ngày thì sợ quân Quốc-Gia, ban đêm lại sợ quân Cộng-Sản, lúc nào cũng nơm nớp, bồn chồn.

Không rõ ai đã tiết lộ tin Việt-Cộng nửa đêm đột nhập Long Tuyền Tự tìm bắt một sĩ quan Biệt Ðộng Quân, mà hai ngày sau ông Ðại úy trưởng đồn Quân-Cảnh đã đích thân lái xe ra hạch hỏi thầy trụ trì rằng có sĩ quan “phản loạn” nào còn đang trốn trong chùa không?

Thấy tình hình có vẻ không yên, thầy Chơn Phát tính chuyện cho tôi rời chùa đi tá túc nhà bạn bè một thời gian, sau đó tìm đường vào Sài-Gòn đổi tên họ rồi vào chùa tu luôn.

sinh-vien-phat-tu-hue

Sinh viên Phật tử Huế của Nguyễn Đắc Xuân biểu tình xé cờ Mỹ, đốt Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ trên đường Đống Đa

Hai ngày sau tôi từ giã thầy tôi rồi khăn gói lên đường.

Lựa lúc mặt trời đứng bóng, trạm gác Cảnh-Sát trước quán tạp hóa của nhà cô Hòa không có ai, tôi vội băng qua bãi cát nóng cháy lẩn vào khu xóm nhà bên Bến Xe Hội-An, Ðà-Nẵng.

Còn cách bến xe chừng vài nhà, tôi đụng đầu Ðỗ Khế, một anh bạn bảy năm cùng lớp Trung Học Trần Quý Cáp. Khế đang nghỉ Hè. Nó không đi lính như tôi mà thi vào Sư Phạm Toán. Nó dúi cho tôi ít tiền và khuyên tôi xuống nhà thằng bạn Huỳnh Ngọc Thành ở ngoại ô mà trốn.

Tôi nghĩ, nhà thằng Thành nằm trên đường đi Cửa Ðại, xa trung tâm Hội-An, nhưng lại sát rào nhà thằng bạn Ngô Rân, mà bố thằng Ngô Rân lại làm Cảnh-Sát. Trốn trong nhà thằng Thành chắc cũng không ổn.

Cuối cùng, tôi tính chuyện đi bộ ra Lai Nghi, rồi quá giang xe lên Vĩnh-Ðiện vào nhà thằng bạn Ðặng Xuân Nghĩa tá túc ít lâu. Nhà thằng Nghĩa nằm trên Quốc lộ 1, ngày nào cũng có xe tốc hành Sài-Gòn chạy qua.

Ra khỏi thành phố, tôi thủng thỉnh theo lề quốc lộ mà đi. Bất chợt, một chiếc xe tuần cảnh từ trong khu đóng quân của Thiết Giáp chạy ra quẹo về thành phố. Tôi đi bên lề trái đường nên tôi và chiếc xe chỉ cách nhau chừng hai thước khi gặp mặt. Xe tuần cảnh chạy được vài chục thước đột nhiên quay ngược lại dừng sau lưng tôi. Một người ngồi trên xe lên tiếng gọi,

-Cậu Long! Cậu Long ơi!

Thế là tôi bị bắt!

Trung sĩ Quân Cảnh Lê Danh Ba nhảy xuống xe cười hì hì,

– Ðã có kế hoạch sáng sớm mai đột nhập chùa Long Tuyền để bắt cậu rồi, không ngờ lại gặp mặt cậu ở đây! Thôi! Cậu lên xe về Quân Trấn đi!

Trung sĩ Lê Danh Ba gốc Bảo An Ðoàn là dân Bắc-Kỳ Di Cư. Những gia đình Bắc-Kỳ Di Cư ở Hội-An đều quen biết nhau hết. Với một số gia đình, tôi được coi là cái gương tốt cho lớp đàn em, con cái của họ noi theo.

Trung sĩ Lê Danh Ba là người bạn lâu đời của gia đình tôi. Ông chứng kiến tôi lớn lên từ tuổi mười bốn cho tới khi tôi trưởng thành. Năm mười tám tuổi, trong một lần tập quay xà ngang, tôi bị ngã dập ngực, ông đã bỏ ra nửa tháng trời vất vả, ngày ngày tới nhà tôi đắp thuốc cho tôi lành bệnh. Cuối năm 1963, ông cũng ra tận sân ga Ðà-Nẵng để tiễn tôi lên đường tòng quân.

Trung sĩ Ba nhường ghế trưởng xa cho tôi rồi nhảy sang thay chỗ cho tài xế. Ông nói,

– Hồi tháng trước, chúng tôi vây chùa, bắt được thằng cận vệ của cậu, nhưng tôi đã lén thả nó ra. Những tưởng cậu đã đi đâu mất rồi, không ngờ cậu vẫn còn loanh quanh ở Hội-An.

Tôi chán nản,

– Quốc, Cộng đều truy nã tôi, tôi biết đi đâu bây giờ?

– Cậu có còn nhớ chuyện Việt-Cộng nó treo giá cái đầu của cậu một vạn đồng sau trận Tháp Bằng-An, Kỳ-Lam không? Nay cậu bị Quốc-Gia bắt còn may mắn trăm lần hơn là bị Cộng-Sản bắt.

Xe chạy tới ngã ba, một đường về Chùa Cầu, một đường về tiểu khu. Thời gian này, nhà tôi ở cách Chùa Cầu hơn trăm thước. Trung sĩ Ba dừng xe, rồi nói,

– Hay tôi thả cậu về nhà, tắm rửa, nghỉ ngơi, mai tôi tới đón cậu vào tiểu khu trình diện. Tôi tin chắc rằng cậu sẽ không trốn đi, làm cho tôi bị liên lụy.

Tôi cảm động,

– Chắc chắn tôi không làm bác bị vạ lây đâu! Cám ơn bác nhiều.

Trung sĩ Ba thả tôi xuống trước cửa nhà rồi lái xe đi.

Mẹ tôi thấy con mình bình an trở về, mừng quá khóc òa.

Tám giờ sáng hôm sau xe tuần cảnh tới đón tôi vào tiểu khu. Trung sĩ Ba giao tôi cho Ban Thẩm Vấn của Ty An-Ninh Quân-Ðội Quảng-Nam. Ông Thiếu úy Cao Xuân Hương, dân Quảng-Bình, là trưởng ban thẩm vấn, phụ tá cho ông là hai hạ sĩ quan và một đảng viên Ðại-Việt tên là Công người Quảng-Nam.

Trong thời gian bị giam giữ trong Ty An-Ninh Quân-Ðội Quảng-Nam tôi chỉ giáp mặt Thiếu úy Cao Xuân Hương ba lần. Lần đầu là ngày Trung sĩ Lê Danh Ba giao tôi cho ông ta. Lần thứ nhì là ngày hồ sơ của tôi hoàn tất. Lần thứ ba là ngày tôi từ giã ông ta để lên đường trình diện Sở 1 An-Ninh Quân-Ðội ngoài Ðà-Nẵng. Hai lần đầu ông Hương còn đeo lon thiếu úy, lần thứ ba, cuối tháng 8 năm 1966, tôi gặp ông để chào từ giã thì ông đã lên trung úy. Mãi mười sáu năm sau (1982) tôi mới gặp lại ông ở Trại Cải Tạo Z30C Hàm -Tân. Tôi và ông Hương bị giam trong cùng một nhà, nhưng khác đội sản xuất. Tôi làm công việc cuốc đất trồng rau. Còn ông Hương làm công tác đổ thùng. Ông Hương được Việt-Cộng tha ra khỏi trại cải tạo trước tôi năm năm.

Ban thẩm vấn chiếm hai dãy nhà trong tiểu khu để giam giữ những quân nhân phạm tội tham gia lực lượng ly khai. Tôi bị đưa vào căn nhà chứa sĩ quan và hạ sĩ quan. Căn nhà này có nhiều phòng, cứ hai người ở một phòng. Có khoảng mười sĩ quan và hạ sĩ quan đang bị giam. Tôi ở chung phòng với ông Trung úy Cư, Sĩ quan Hành Chánh Quân Y của tiểu khu. Trừ Trung sĩ 1 Lê Văn Ru ra, tôi chỉ biết mặt anh Thiếu úy Nồng của Chi Khu Hiếu-Nhơn; anh này học ngang lớp với tôi và đi lính trước tôi vài năm.

Bên nhà giam thứ hai thì nhốt những quân nhân ly khai hàng binh sĩ. Anh lính được phân công đi nhặt rác trong sân ngày hôm đó là một Binh nhì Biệt Ðộng Quân. Vừa thấy mặt tôi, anh ta đã nhào tới, ôm tôi, rồi khóc rưng rức,

– Trời ơi! Thẩm quyền cũng bị bắt vào đây ư? Ðại úy Trực đã bị họ còng tay dẫn đi mất tiêu từ lâu rồi! Còn em và anh Pha nằm ấp ở đây mấy tháng nay, ngày nào cũng bị đánh. Khổ lắm! Thẩm quyền ơi!

Tôi chẳng biết nói gì để an ủi người đàn em này. Nó chỉ là một binh nhì nấu cơm cho Ðại úy Tôn Thất Trực; thầy nó hết thời, nó cũng bị vạ lây. Tôi bèn an ủi thằng em,

– Chú đừng lo! Chú là binh nhì, quá lắm người ta nhốt chú ít lâu, rồi cho chú giải ngũ, càng sướng.

Nghe tôi nói có lý, thằng em cũng bớt buồn phiền. Nó chỉ cho tôi một người đang bị quỳ gối trước sân, hai tay cố giữ một tảng đá khá nặng đặt trên đầu, rồi nói,

– Hạ sĩ Pha đó thẩm quyền! Ngày nào anh Pha cũng bị phạt đội đá hai tiếng đồng hồ, tội nghiệp lắm thẩm quyền ơi!

Người đang quỳ gối, đầu đội đá đã nhìn thấy tôi, anh ta hơi nghiêng đầu, chớp chớp hai mắt để chào tôi.

Tôi gật đầu chào lại và giơ tay vẫy vẫy vài cái an ủi anh ta. Hạ sĩ Pha là tài xế của Ðại úy Tôn Thất Trực. Pha ra dấu cho tôi tới gần, nó thì thào,

– Thầy ơi! Thầy có biết số phận thầy Trực của em bây giờ ra sao không? Em lo lắng quá! Em sợ người ta xử tử thầy em! Tội nghiệp thầy em!

Nghe chú Pha hỏi, tôi chợt nhìn ra cái giá trị cao vời trong con người của một anh tài xế đang quỳ gối giữa sân kia! Trong hoàn cảnh khốn cùng như hiện nay mà người lính ấy còn lo lắng tới sự an nguy của thầy mình; đây quả là một tấm gương hiếm thấy, đáng cho tôi cảm phục.

Tôi trấn an Pha,

– Em yên tâm, anh Trực không sao cả, anh Trực còn sống.

Tôi thấy mắt Hạ sĩ Pha chợt đỏ, hai hàng lệ từ từ lăn trên má nó.

Ðầu tháng 8 tôi bị gọi lên văn phòng gặp ông đảng viên Ðại-Việt tên Công để thụ lý tội trạng.

Ngay phút đầu tiên ông tra tấn viên lành nghề này đã áp đảo tinh thần đối phương bằng cách la lối ồn ào, đập bàn, quát tháo, hăm he,

– Anh phải khai thật rõ ràng, thật chi tiết tội trạng của anh, nếu không, đừng trách tôi nặng tay!

Chờ ông ta dứt lời, tôi tỉnh bơ,

– Chắc chắn anh đã biết, tôi lớn lên ở thành phố này, là một sĩ quan Võ-Bị, một đại đội trưởng Biệt Ðộng Quân. Chỉ cần anh không kết tội tôi là Việt-Cộng, còn bất cứ tội gì, tôi cũng nhận hết, khỏi dài dòng mất công.

Miệng nói, mắt tôi nhìn chằm chặp vào mặt ông ta. Ông ta quay mặt sang hướng khác.

Kể ra thì cái ông Công này cũng biết điều, hay là ông ta thuộc loại cáo già, nên nghe tôi thẳng thừng ra điều kiện, ông ta không thèm lớn tiếng dọa nạt nữa, mà chỉ đưa ra một đống câu hỏi trên giấy, bắt tôi đọc, rồi viết trả lời. Trả lời xong, phải ký tên. Ðúng là “giấy trắng mực đen”, sau này tôi hết đường phản cung.

(còn tiếp)