ban-tho-phat-xuong-duong

Bàn thờ Phật xuống đường cản trở sự di chuyển của quân đội – nguồn Flickr.com

Kỳ 3

Trưa 18 tháng 5 một đơn vị Dù tiến chiếm đoạn đường từ Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn tới ngã ba Chu Văn An, Hoàng Diệu. Binh lính Dù bố trí sau những gốc cây keo hai bên đường. Từ lỗ châu mai, chúng tôi nhìn thấy họ rất rõ. Quân Dù bắc loa yêu cầu cấp chỉ huy Biệt Ðộng Quân ra tiếp xúc với cấp chỉ huy của họ. Thiếu úy Lê Trực được chỉ định làm đại diện Biệt Ðộng Quân.

Với khẩu P.38 giắt bên hông, Thiếu úy Trực cùng một cận vệ tiến ra giữa ngã ba để tiếp chuyện cùng một Ðại úy Nhảy Dù.  Dù và Biệt Ðộng Quân thỏa thuận với nhau rằng sẽ giữ nguyên tình trạng án binh bất động như hiện thời.

Chiều 19 tháng 5 tôi nhận lệnh phải về dự một phiên họp khẩn cấp. Tôi đem theo Hạ sĩ Nguyễn Hồng Phong cùng Hạ sĩ Trần Quy và một máy PRC 10, rồi men theo đường làng về Chùa Tỉnh Hội.

“Hội Ðồng Chính Phủ Cách Mạng” gồm năm, sáu vị đang đứng vây quanh một cái kệ thờ lập lòe hương khói. Dưới ánh nến chập chờn tôi chỉ nhận ra ông Bác sĩ Tâm, Tổng trưởng Xã Hội, và ông Phụ tá Tổng trưởng Quốc Phòng là Thiếu tá Tôn Thất Trai. Ông Thủ tướng không đứng như những vị bộ trưởng mà nằm bò dưới kệ thờ. Ông gọi:

– Anh Long tới rồi hả? Lại đây! Lại đây!

Tiến tới sát kệ thờ, tôi lên tiếng:

-Chào Bác sĩ, tôi có mặt.

Ông Mẫn nhoài người nắm ống quần tôi giựt vài cái:

– Cúi xuống đây, tôi có ý kiến này với anh.

Tôi khom mình cúi xuống.

Ông Thủ tướng nghiêm nghị nói:

– Với tình hình khẩn trương như hiện nay…

Vừa nghe được nửa chừng câu nói của Thủ tướng, tôi phải đứng bật dậy. Có lẽ từ hôm có tiếng súng đầu tiên nổ trên thành phố này, Thủ tướng đã chui vào núp dưới gầm kệ thờ, không rửa mặt, đánh răng, súc miệng cũng nên?

Thủ tướng hình như biết lý do tại sao tôi không chịu cúi người nghe ông nói nữa, nên ông đưa tay che miệng rồi nói tiếp,

– Tôi đề nghị Biệt Ðộng Quân hộ tống “Hội Ðồng Chính Phủ” di chuyển ra Huế, ngoài đó mình còn Sư Ðoàn 1.

Vài vị bộ trưởng cũng phụ họa theo:

– Có Biệt Ðộng Quân hộ tống thì chúng ta yên tâm rồi!

Tôi thở dài ngán ngẩm. Ðường từ Ðà-Nẵng ra Huế dài cả trăm cây số, bình thường đi bằng xe cũng mất cả nửa ngày. Một đơn vị quân đội tinh nhuệ muốn hoàn thành công tác di chuyển bằng chân cũng mất vài ngày. Nếu đi một mình, chắc tiểu đoàn tôi cũng rơi rớt dọc đường ít nhứt là một phần ba quân số. Những ông chính trị gia trói gà không chặt này theo chúng tôi giỏi lắm cũng chỉ được dăm cây số là cùng. Sau đó các ông phồng chân, lọi cẳng, bong gân, ai khiêng, ai vác các ông đi cho hết đoạn đường còn lại đây? Ðó là chưa kể tới vấn đề liên lạc, có đụng độ giao tranh, tản thương, tiếp tế lương thực, hay những rủi ro khác xảy ra dọc đường.

Tuy nghĩ thế nhưng tôi vẫn bình tĩnh:

– Xin quý vị cho tôi biết, hiện giờ quý vị có cách nào liên lạc với Sư Ðoàn 1 không? Trước khi quyết định có nhận lời hộ tống quý vị ra Huế hay không, tôi yêu cầu quý vị phải để tôi đích thân nói chuyện với giới chức có thẩm quyền của Sư Ðoàn 1 cái đã.

Ông Thủ tướng liếc qua ông Thiếu tá Trai, ông Trai ấp úng:

– Trong chùa này chúng ta chỉ có một cái máy PRC 10 để liên lạc với Trung tướng Ðính. Hai ngày nay tôi gọi hoài mà không có ai bắt máy.

Tôi hiểu ra ngay rằng, Tướng Tôn Thất Ðính đã bị người Mỹ bỏ rơi, ông ta đã trở thành một con cờ bị loại rồi.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Trong vụ chính biến này, rõ ràng người Mỹ chơi trò hai mặt, mặt này đỡ lưng Tướng Thi, Tướng Chuân, rồi Tướng Ðính; mặt kia phù trợ Tướng Thiệu, Tướng Kỳ.

Tôi chỉ là một sĩ quan thừa hành, lúc nào cũng làm việc theo lệnh người chỉ huy trực tiếp của mình. Trong thời gian vừa rồi, tôi đã bị chuyền tay dưới quyền ông Dzu, ông Ðính rồi sang tay ông Mẫn, ông Trai. Giờ đây chính ông Mẫn ông Trai còn không biết làm gì để tự cứu mình; nếu tôi cứ tiếp tục đi theo các ông ấy thì không chết sớm cũng chết muộn.

Tôi là một quân nhân luôn luôn coi trọng kỷ luật, nhưng trong tình cảnh này, cứ khư khư ôm trách nhiệm một cách mù quáng thì tôi đúng là một thằng ngu. Tôi ngu, tôi chết đã đành, tôi còn làm cho cả trăm người phải chết theo.

Chỉ một phút sau, tôi đã có quyết định là, bằng mọi cách, tôi phải đưa đơn vị mình thoát ra khỏi cuộc đấu đá chính trị này càng nhanh càng tốt.

Tôi lùi lại hai bước, giơ tay quơ một vòng, điểm mặt từng chính khách:

– Thôi! Quý vị hãy tự lo liệu! Từ giờ này, Biệt Ðộng Quân không hợp tác với quý vị nữa!

Không đợi xem hội đồng chính phủ phản ứng ra sao, tôi khoát tay cho lệnh Hạ sĩ Phong và Hạ sĩ Quy quay lưng.

Ra tới sân, tôi khó khăn lắm mới thoát khỏi đám đông đồng bào Phật Tử bao vây, níu kéo, xúm xít hỏi han. Tội nghiệp cho đồng bào tôi, và tội nghiệp cho tôi! Tôi đau buồn cúi đầu bước đi.

Về tới ngã ba Hoàng Diệu, Chu Văn An tôi bị một nhóm quân Dù chận lại, không cho tiến vào khu vực Biệt Ðộng Quân chiếm cứ.

Ngay lúc đó, từ những lỗ châu mai trong nhà bên đường, nhiều họng súng của Biệt Ðộng Quân đồng loạt chĩa ra, cùng với tiếng lên cò “lách! cách!”

Tôi nói với anh sĩ quan Dù:

– Tôi là người chỉ huy Biệt Ðộng Quân. Tôi hứa với các anh rằng, ngày mai Biệt Ðộng Quân sẽ không còn hiện diện ở đây nữa.

Nghe tôi nói thế, lính Dù bèn kéo kẽm gai sang lề đường để cho tôi đi qua.

Tôi đã thức trắng đêm 19 tháng 5 để suy tính sẽ phải làm gì trong những ngày sắp tới. Với tình thế hiện thời, tôi chỉ còn ba con đường để chọn.

Thứ nhất là, đem quân ra Huế bắt tay với Sư Ðoàn 1: Ðường ra vào Ðà-Nẵng đều bị quân chính phủ chốt giữ, muốn vượt qua, khó tránh đụng độ. Nếu phải đánh nhau, quân lính đôi bên sẽ chết không biết bao nhiêu mà lường. Vả lại, không biết Sư Ðoàn 1 tọa lạc ở nơi đâu thì làm sao mà tìm?

Thứ hai là, đầu hàng quân chính phủ: Nếu làm điều này thì, vừa mở miệng ra lệnh, chắc chắn tôi sẽ bị giết chết ngay bởi những thuộc hạ thân thiết nhất của mình. Mà cho dù binh sĩ trong tiểu đoàn không nỡ giết tôi, chắc chắn tôi cũng sẽ bị ông Dzu làm nhục để trả thù.

Thứ ba là, vứt bỏ vũ khí, giải tán tiểu đoàn: Cách này giữ được an toàn sinh mạng cho anh em, giữ được sĩ diện cho đơn vị, thuộc cấp sẽ không oán trách tôi là người đã bỏ rơi anh em.

Cuối cùng, tôi chọn con đường thứ ba.

Mờ sáng ngày 20 tháng 5 tôi đi vào từng nhà báo cho anh em biết rằng cấp chỉ huy đã bỏ chúng ta rồi. Nếu chúng ta tiếp tục ở đây, chúng ta không biết sẽ theo lệnh ai. Lính Dù không phải là kẻ thù. Nếu có nổ súng, chúng ta và lính Dù đều chết; chết như thế thì thực là vô ích. Vì thế, tôi cho lệnh giải tán tiểu đoàn, anh em nên trở về với gia đình là tốt hơn cả.

Anh em nghe lệnh này buồn bã lắm, nhưng biết làm sao bây giờ?

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Lúc này trong vườn nhà số 5 Chu Văn An chợt có tiếng người bàn tán, ồn ào. Thấy lạ, tôi lách qua hàng rào, bước sang xem có gì xảy ra không?

Nhà số 5 rất rộng, có sân vườn, giếng nước, củi đóm dồi dào. Chủ nhà cũng rất hiếu khách. Hình như chủ nhà có bà con với ông Nguyễn Tấn Ðời, chủ nhân của Tín-Nghĩa Ngân-Hàng (?) Vài gia đình binh sĩ đi theo đơn vị đã được tôi gửi gắm trong nhà này. Tôi lên tiếng:

– Có chuyện gì vậy?

Một người lính nói:

– Dạ trình thẩm quyền, vợ anh Sửu chuyển bụng đẻ. Anh em không biết tìm đâu ra Bà Mụ cho chị ấy.

Trong lúc túng thế, tôi đành nói với mấy chị vợ lính:

-Các chị đỡ bà đẻ này ra ngã ba Chu Văn An, Hoàng Diệu, nhờ Nhảy Dù cho xe cứu thương chở đi bệnh viện, chắc họ sẽ không từ chối đâu.

Quả đúng như tôi nghĩ, Quân Y Nhảy Dù đã sốt sắng thi hành công tác nhân đạo này ngay.

Giải quyết xong vụ sinh đẻ của bà vợ lính, tôi chỉ chỗ cho anh em xếp súng ống, đạn dược thành một đống trước sân chùa.

Sau đó, anh em chia tay nhau, túa ra đường Phan Châu Trinh, hướng này không có quân của chính phủ trung ương.

Hạ sĩ Phong tìm được hai bộ quần áo dân sự cho thầy trò tôi. Tôi xin được cái mũ phớt đội lên đầu để tránh người quen nhận diện. Hai người theo con đường vòng đai hướng Ðông của Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn I hướng về Cầu Ðỏ.

Tới Cầu Ðỏ chúng tôi chạm phải một trạm kiểm soát an ninh do Biệt Ðộng Quân phụ trách. Ðơn vị Biệt Ðộng Quân này mới được điều động từ trong Nam ra.

Hai bên cầu dành cho bộ hành có hai người kiểm soát. Bên trái là một sĩ quan dáng cao cao, giọng nói Miền Nam. Tôi kéo vành nón quan sát, thì nhận ra anh ta là Thiếu úy Châu Văn Út, bạn cùng Khóa 20, cùng Ðại Ðội B Sinh Viên Sĩ Quan Võ-Bị của tôi. Anh là bạn rất thân của tôi, nhưng để anh nhận ra tôi trong tình thế này thì kẹt quá! Nhân lúc anh Út đang bận hỏi han người thanh niên đi trước, tôi lanh tay đẩy chú Phong về phía anh ta. Tôi lẻn sang bên phải đứng nối đuôi một người đi trước; một thượng sĩ kiểm tra phía bên này. Tôi nghe Út hỏi Phong:

– Anh là lính phải không?

– Dạ phải! Trình Thiếu úy em là lính của tiểu khu, đi phép về thăm nhà nên bị kẹt, hôm nay mới ra khỏi nhà tìm về đơn vị.

– Ðược rồi! Anh đi đi!

Bên này, ông thượng sĩ cũng hỏi câu như trên, tôi cũng trả lời như chú Phong.

Qua khỏi Cầu Ðỏ thì không còn trạm gác nào nữa.

Tới Thanh Quýt, thầy trò tôi ghé quán bên đường ăn mỗi người một tô mì Quảng, rồi lại tiếp tục đi.

Nơi đầu bến xe Hội-An cũng có một trạm kiểm soát hỗn hợp của Quân-Cảnh và Cảnh-Sát. Quân-Cảnh và Cảnh-Sát ở đây thì chẳng lạ mặt tôi tí nào, đành phải tránh thôi.

Vùng đất này của Hội-An thì tôi thuộc từng li, từng tấc. Tôi dự trù cứ ra chùa Long Tuyền xin tá túc ít lâu rồi sẽ tính.

Sau một hồi đi vòng vo, tôi dẫn Phong băng qua vạt ruộng sát vòng rào sân bay Hội-An để leo lên con lộ đất dẫn về Long Tuyền Tự.

long-tuyen-tu

Long Tuyền tự, Hội An

Cổng chùa mở rộng. Một chú tiểu đang ngồi chẻ củi trước sân, thấy chúng tôi, chú ngừng tay, ngẩng mặt lên quan sát. Tôi đến bên chú tiểu nói nhỏ:

– Hai đứa tôi là lính của Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân. Ðà-Nẵng bị quân Thiệu Kỳ chiếm rồi, chúng tôi chạy về đây. Nhờ chú trình với thầy trụ trì cho chúng tôi tá túc ít lâu.

Chú tiểu đảo mắt, nhìn trước, nhìn sau, rồi kéo tay tôi dẫn vào trai phòng. Nơi đây đã có một nhà sư lớn tuổi với đôi mắt kiếng cận dày cộm đang ngồi đọc sách trên một cái ghế dựa.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Chú tiểu chỉ tay về phía chúng tôi rồi ghé tai vị sư già nói nhỏ một câu. Vị sư già nhổm khỏi ghế rồi tiến lại phía tôi vồn vã:

– Lính của Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân hả?  Ðà-Nẵng ra sao rồi?  Sao lại phải chạy về đây?

Tôi tóm lược chuyện xảy ra tại Ðà-Nẵng cho vị sư già nghe. Nghe xong, vị sư già từ tốn:

– Cửa từ bi lúc nào cũng rộng mở. Hai anh có thể nương nhờ ở đây không có gì trở ngại cả. Nhưng từ xưa tới nay chùa không có lệ chứa đệ tử tục gia. Muốn cho người ngoài không nghi ngờ chắc hai anh phải xuống tóc đóng vai tăng, hai anh nghĩ thế nào?
Tôi gật đầu. Thầy chỉ cho tôi bể nước mưa ở giữa sân.  Hai chúng tôi ra đó gội đầu.Thầy ra lệnh cho anh sa di đang đứng hầu bên cạnh:

– Chú Quý xuống tóc cho hai anh này đi!

Chú tiểu có tên là Quý vội tất tả đi vào phòng trong, lúc trở ra, trên tay chú có con dao cạo râu của thợ hớt tóc.

Lưỡi dao cạo sắc như nước, rà sát da đầu, từ từ đi từ trán tới đỉnh đầu.  Nhìn những chùm tóc lả tả rơi trên nền gạch sân chùa, lòng tôi chợt lâng lâng một cảm giác buồn buồn khôn tả. Ngày đầu bước chân vào Trường Võ-Bị Quốc-Gia Việt-Nam tôi đã được ông thợ hớt tóc của trường húi cho một cái đầu “cua” tóc ngắn,  để biến tôi từ một thư sinh dân chính với mái tóc bồng bềnh, thành một người lính nhà nghề. Vậy mà chưa tới ba năm sau, sóng đời xô đẩy, tôi đành ngậm ngùi giã từ mái tóc nhà binh để trở thành một nam tăng.

Vài phút sau, khi hai Biệt Ðộng Quân đã trở thành hai ông sư, đầu trọc lóc, thầy trụ trì mới bắt đầu hỏi tên tôi và tên chú Phong. Thầy ngồi ngẫm nghĩ một hồi, rồi chậm rãi:

– Con tên là Long, vậy ta cho con chữ Tùng: Pháp danh của con sẽ là Thích Như Tùng. Cây tùng hay cây thông là biểu tượng của người quân tử.

Quay sang chú Phong thầy tiếp:

– Còn con tên là Phong, ta cho con chữ Sơn: Pháp danh của con sẽ là Thích Như Sơn; con sẽ mãi mãi vững vàng như núi.

Thế là từ chiều 20 tháng 5 năm 1966, Thiếu úy Biệt Ðộng Quân Vương Mộng Long biến thành tỳ kheo Thích Như Tùng, ngày ngày chay tịnh, tu tâm dưới chân Phật Tổ.

Mấy ngày đầu, cứ mặt trời lên tới đọt cau, tôi và Như Sơn lại rủ nhau ra vườn sau phơi nắng bên chân cái tháp cổ. Chúng tôi phơi cho da đầu sạm đi, tránh người lạ tò mò phát giác ra cái đầu vừa xuống tóc.

Thời gian này Chùa Tỉnh Hội Quảng-Nam đang bị Thủy Quân Lục Chiến cô lập. Sa di Thích Như Hạnh giữ vai trò liên lạc viên giữa chùa Tỉnh Hội và chùa Long Tuyền.

Một hôm chú Hạnh từ chùa Tỉnh Hội trở về, mặt rầu rầu:

– Năm nay gặp pháp nạn, Phật Ðản không có lễ cung nghinh Ðức Phật như mọi năm, buồn quá!

Nghe nói vậy tôi pha trò:

– Phật Ðản mà Hội-An không có rước đèn thì người người được nghỉ, nhà nhà được nghỉ. Phật Thích Ca cũng được nghỉ, khỏi phải đứng trên tòa sen đặt trong lòng những chiếc ô tô treo cờ kết hoa chạy rong trong phố. Ðứng lâu trên xe, xe chạy rề rề, Phật bị chóng mặt và mỏi chân lắm.

Mọi người cùng cười, nhưng lòng không vui.

Như Hạnh trao cho tôi một cái thư tay của Ðại úy Tôn Thất Trực nhắn rằng anh ta đang trong tình trạng nguy ngập, chưa biết làm cách nào để thoát ra ngoài. Cùng chung cảnh ngộ với Tôn Thất Trực còn có Ðại đức Thích Như Huệ, Trung úy Tuyên Úy Phật Giáo của Trung Ðoàn 51 Biệt Lập cũng đang bị kẹt ở đây…

(còn tiếp)