Máy nghe nhạc Akai từng có một thời hoàng kim tại Sài Gòn và các thành phố miền Nam trước năm 1975. Sau nửa thế kỷ, tưởng Akai biến mất và nhường chỗ cho các loại máy nghe nhạc hi-end hiện đại nhưng hiện nay, ở trong nước, giá của một chiếc Akai “đồ cổ” lên đến cả vài ngàn đô.

Akai 636, băng lớn. nguồn.museumofmagneticsoundrecording     

Năm 1963, me tôi thu băng cuộc nói chuyện với bà cố 99 tuổi, đang nằm liệt giường. Sau đó, gia đình ngồi lại nghe nhiều lần trên chiếc máy thu băng Philips stereo, với loại băng nhỏ, thuộc loại hàng hiếm bấy giờ. Tối, me tôi thường nghe nhạc VN do người bạn của bà thu từ Ðài Phát Thanh Huế.

Chiến tranh Việt Nam mở rộng, quân đội Mỹ đổ bộ vào Chu Lai, trực tiếp cùng miền Nam chống Cộng. Ngoài những vũ khí súng đạn, nước ngọt Cô ca, kẹo cao su quần Jeans Levi’s họ còn mang tới máy thu băng loại trung (cỡ băng 7 ½), đầu tiên là hiệu Akai, sau đó có thêm các hiệu nổi tiếng khác như Teac, Sansui, Pioneer bán tại PX (cửa hàng bán miễn thuế cho quân đội Mỹ).

Masukichi Akai, người sáng lập. nguồn. museumofmagneticsoundrecording.org

Năm 1967, chợ trời đồ Mỹ ngay hông Tòa án Sài Gòn bắt đầu xuất hiện máy thu băng Akai, Teac, Sansui, Pioneer. Me tôi mua của người hàng xóm, thiếu tá không quân Mỹ về nước, bộ Amply Sansui 3000A, loa Sansui SP 2500 và Akai 200D.

Xem thêm:   Chuyện đòn roi

Chiếc Akai 200D nghe quá hay. Từ nhạc Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, Lệ Thu cho tới The Monkees, Bee Gees, Papa&Mama Frank Sinatra, Adamo, Christophe, Sylvie… Tôi nghe rỉ rả suốt ngày.

Roberts191, tiền thân của Akai. nguồn. museumofmagneticsoundrecording

Máy Akai bắt đầu nổi tiếng tại Sài Gòn, nhiều người thích và đáng nhớ: Akai đã phổ biến trong suốt chiến tranh Việt Nam cho đến 1975.

Sau năm 1975, tôi sưu tầm được nhiều máy, từ Teac 4010SL cho đến Teac 6010SL, Akai 365D, Pioneer SX 949 4 ch (ngon nhất hồi đó). Tới bây giờ tôi vẫn còn cái Pioneer SX 949 tại phòng nghe nhạc ở nhà.

Akai M8 thời 66 tại VN (hình phải). nguồn.museumofmagneticsoundrecording

oOo

Công ty Akai được Masukichi thành lập tại Tokyo vào tháng 7-1929 là một hãng cung cấp phụ tùng radio, ổ cắm điện và các phụ tùng điện khác. Sau đó, áp dụng những kiến thức mới về kỹ thuật điện của Saburo – con trai lớn của Masukichi, Akai mở rộng sản xuất động cơ điện. Chính động cơ điện này đã khiến một công ty sản xuất máy chiếu phim 16 ly chú ý. Ðây là lúc máy chiếu phim 16 ly lần đầu tiên làm tại Nhật. Công việc kinh doanh mới với sản phẩm động cơ điện đã phát triển mạnh nên hai cha con dời nhà máy từ vườn sau nhà tới hãng lớn ở Kamata năm 1933.

Khoảng đầu Ðệ nhị Thế chiến, Saburo nhập ngũ nên Masukichi đã bán hết máy móc dụng cụ cho công ty Sawafuji Electric Co. Sau khi giải ngũ, Saburo về làm việc tại đây. Ðến năm 1947, Saburo mua lại công ty Kamata của Sawafuji và đổi tên thành Akai Electric Co.

Quảng cáo của Akai trên báo Mỹ. nguồn. museumofmagneticsoundrecording

Ðến năm 1948, Akai bắt đầu sản xuất và bán sản phẩm động cơ máy quay dĩa. Thời điểm này, kỹ thuật thu âm thay đổi rất nhanh và cần phải có các máy thu, phát âm thanh thật chính xác. Akai đáp ứng nhu cầu bằng cách nâng cao phẩm chất động cơ máy quay đĩa. Năm 1951, họ sản xuất động cơ C-5 ít tiếng ồn và độ rung, được những người say mê kỹ thuật âm thanh vào thời đó yêu thích và thị trường Mỹ bắt đầu chú ý đến sản phẩm này. Vì vậy, năm 1953, Saburo quảng cáo trên tạp chí kỹ thuật Mỹ “Electronics” với tiêu đề “Tại sao không mua công nghệ Akai?” và được 5 công ty quan tâm. Một trong các công ty này là công ty Roberts Electronics do Robert Metzner thành lập, chuyên cung cấp dụng cụ nghe, nhìn cho ngành giáo dục. Công ty đã giới thiệu tất cả sản phẩm của Akai và từ đó, việc kinh doanh tăng lên nhanh chóng.

Xem thêm:   Họa sĩ... "Vandal"

Tiếp tục đà phát triển, năm 1954, Akai nhảy vô thị trường máy thu băng bằng sản phẩm AT-1. Tiếp theo, đến năm 1960, họ sản xuất máy Akai 900 được nhiều người đặt mua.

Akai X200D. nguồn. Catawiki

Chưa dừng lại, Saburo quyết định đi Mỹ để thăm dò thị trường. Anh hoàn toàn sửng sốt vì thị trường quá lớn của Mỹ và nhận định rằng, nếu có sản phẩm tốt, chắc chắn sẽ bán được nhiều ở Mỹ.

Năm 1957, Saburo làm giám đốc tập đoàn và bắt tay vào phát triển sản xuất. Ðây là bước ngoặt của Akai, khi tập trung sản xuất máy thu băng giá rẻ, số lượng lớn và trở thành nhà sản xuất hàng đầu về máy thu băng. Akai cũng là công ty có số lượng sản phẩm bán nhiều nhất tại Mỹ.

Akai X300c băng lớn (76-79). nguồn. museumofmagneticsoundrecording

Sau khi đạt được thành công tại thị trường Mỹ, Akai quyết định mở rộng mạng lưới thương mãi tới các quốc gia khác, đầu tiên là Ðông Nam Châu Á, tới Trung Ðông và Châu Âu. Song song với việc phát triển thị trường, Akai tiếp tục tung ra những sản phẩm mới trong thập niên 1960 như máy thu băng M-7, M-8. Và đến năm 1972, Akai sản xuất máy cát-sét và video.

Cũng trong thời gian này, Akai thành lập công ty Akai America, Ltd tại California, Hoa Kỳ để giới thiệu và trực tiếp bán sản phẩm đến người tiêu thụ Mỹ. Nhờ đó, Akai nổi tiếng và phát triển mạnh tại đây.

Akai GX365D. Nguồn. Catawiki

Akai hiện có trụ sở chính tại Singapore và là công ty con của Grand Holding, một tập đoàn lớn có trụ sở tại Hong Kong.

Xem thêm:   Mối đe dọa của heo rừng

Ðược biết, người sáng lập Akai, Saburo Akai, qua đời năm 1973.

Akai GX747 (1985) sản phẩm cuối cùng nguồn. museumofmagneticsoundrecording

HĐV

(Nguồn. museumofmagneticsoundrecording.org/)