Luân vũ theo phong cách Mỹ. Nguồn. httpyesofcorsa.com

Trong căn biệt thự ở đường Yên Ðỗ, lúc 1 giờ trưa, năm 1972.

Chị Liz, ăn hết tô phở gà Pasteur:

– Ngon chi lạ!

Uống ly nước mía Viễn Ðông cái rột, chị đứng dậy, giọng Huế An Cựu nhẹ nhàng:

– Nghe nì! Valse là điệu khiêu vũ quý phái. Xưa vua chúa, hoàng tộc ở bên nớ thường nhảy trong lễ tiệc cung đình với lễ phục sang trọng, không như các điệu Bô-lê-rô, chachacha…

Tôi và hai cặp bạn đang được chị dạy nhảy, vểnh tai ngồi nghe.

Chị mở máy thu băng, nói:

– Nghe hết bài ni, căn bản của valse, cho quen nhạc,

Những bước luân vũ dài, phong cách Mỹ. Nguồn. artismotion.org

Bài Giòng sông xanh của Johann Strauss.

Bữa nay, lần đầu tiên, tôi biết thế nào là điệu nhảy luân vũ (Waltz,Valse), chị Liz tập cho tụi tui tới tối…

Ðiệu nhảy này xuất hiện vào thế kỷ 16 ở Châu Âu, nhưng nguồn gốc trước đó, các tầng lớp bình dân ở Bavaria, Tyrol, Styria đã có điệu nhảy  từng cặp nam nữ xoay vòng được gọi là Walzer. Ngoài ra, còn có điệu nhảy Ländler (tên gọi khác là Schleifer), một điệu nhảy đồng quê rất phổ biến ở vùng Bohemia, Austria, Bavaria và lan rộng tới các thành phố. Trong khi đó, giới quý tộc vào thời kỳ này vẫn trung thành với điệu Minuets (như nhạc của Mozart, Haydn, Handel dùng). Khi những người quá chán với những bước nhảy này, họ đã tìm tới vui chơi trong tiệc tùng của những người hầu, người giúp việc và họ cảm thấy thích thú với điệu nhảy cặp này. Dần dần, điệu nhảy phổ biến và lan rộng khắp nơi.

Xem thêm:   Mùa hoa nhĩ cán tím & hoàng đầu ấn ở Tràm Chim

Như vậy, giới quý tộc đã lấy điệu nhảy Walzer của giới bình dân và biến tấu thành điệu nhảy Waltz (luân vũ).

Ngay từ đầu, luân vũ đã gây thích thú nhiều người vì sự mới mẻ của nó, sau đó trở thành cái mốt ở Vienna, từ năm 1780, và lan tràn tới nhiều nước khác trong mấy năm sau. Ðiệu luân vũ vô nước Anh năm 1791. Trong thời kỳ Napoleon, từ năm 1804, quân lính của Napoleon ở vùng Ðức đã đưa điệu nhảy tới Bexhill, Sussex. Theo thời gian, luân vũ đã thành mốt không chỉ của giới quý tộc mà của mọi người yêu thích khiêu vũ và từ đầu thế kỷ XX. Luân vũ phát triển thành nhiều điệu khác nhau, kể cả luân vũ biểu diễn.

Luân vũ phong cách Vienna. Nguồn. www.pinterest.com

Tại Hoa Kỳ, luân vũ phát triển mạnh ở vùng Viễn Tây với những bước xoay ngược kim đồng hồ, đi vòng quanh sàn nhảy. Ðiệu nhảy này có những bước đều, xoay tròn chậm trong tư thế nhẹ nhàng, tay không đóng khung cứng ngắc như luân vũ bên Châu Âu. Dân chơi miền Tây nhảy luân vũ nhẹ nhàng thư thả như đang dạo chơi trên ruộng đồng.

Trong khi đó, ở Nam Mỹ, luân vũ tưng bừng hơn, lúc ôm, lúc xa; đã vậy còn thêm mấy động tác như nhảy Salsa của Mễ; các vũ công vẫn đi vòng sàn nhảy với những bước luân vũ nhưng tự do thêm vô động tác của các điệu múa khác.

Xem thêm:   Triển Lãm Nhiếp Ảnh Lê Văn Khoa

Tuy nhiên, trước đây tại Cali, điệu luân vũ bị các linh mục truyền giáo cấm nhảy vì ôm nhau sát rạt, cho đến năm 1934 mới dỡ bỏ lịnh cấm này. Sau đó điệu luân vũ Tây Ban Nha ra đời. Ðiệu nhảy này tổng hợp giữa kiểu ôm sát nhau nhảy quanh sàn với những bước tới lui căn bản của “Valse a Trois Temps” (3 bước), gọi là Rye Waltz.

Hiện nay, điệu luân vũ chậm nhất là Boston, một kiểu nhảy có tên là “French Valse Boston”, khởi xướng từ Pháp từ đầu thế kỷ 20, và hiện nay rất phổ biến trong các vũ trường.

Tóm lại, điệu luân vũ nhanh kiểu Vienna rất phổ thông ở Châu Âu và điệu luân vũ chậm kiểu Mỹ được mọi lứa tuổi yêu thích.

Phong cách Châu Âu mới. Nguồn. Photo by Paul Kolnick

oOo

Chị Liz chỉ vô H, nói:

– Nì, khi xoay, em phải khép chân lại, bước 1 – tới; bước 2 – xoay qua phải, ngang vai; bước 3 – xoay trở lại vị trí giống bước 1. Xoay trong cùng một vị trí, thì vòng xoay mới tròn trịa.

Rồi chị mở lại bài Giòng sông xanh và quay sang tôi:

– Nhảy đi!

Tôi nắm tay, ôm vai chị. 1, 2, 3… Tôi xoay vòng, bước, xoay vòng, vòng… chị Liz ngả đầu ra sau, mái tóc dài bay bay, tay phải buông thõng, chiếc đầm trắng xòe ra. Tôi xoay những bước luân vũ tròn trịa, tuyệt vời.

Xem thêm:   Tự do hay là Chết

– Hay!

Biểu diễn luân vũ www.expedia.com

Thằng bạn khen. Tôi lầm bầm:

– Chắc bà nhập! Mẹ, hồi giờ tao đâu biết nhảy điệu khó khăn này.

Nó, thúc vai tôi, thì thầm:

– Chắc tại bả xinh, người tròn trịa, đầy đủ… gây cảm hứng nên mầy nhảy đẹp chớ gì!

Tôi không biết đúng hay sai.

Luân vũ biểu diễn với dàn nhạc. Nguồn. www.ekathimerini.com

Tháng sau, chị Liz về Pháp.

Người bạn gần nhà thường rủ tôi đi vũ trường hoặc đến mấy lớp dạy nhảy trá hình (thật ra đây là chỗ nhảy đầm lậu, lâu lâu không chung đủ là cảnh sát đem xe tới hốt), tôi có nhảy luân vũ với một gái nhảy. Em nói là học sinh trung học, mới 17 tuổi, mặc bộ áo dài trắng nhưng nồng nặc mùi dầu thơm bông lài như tiệm hớt tóc, nhảy hết tua nhạc, đèn sáng. Nhìn lớp phấn son dày cui trên mặt, tôi biết cô cỡ 30 tuổi.

– Hai anh cho em ít tiền mua sách vở.

Bạn tôi cho tiền, cô rà qua bàn khác.

Bây giờ thì tôi biết. Nhảy đầm mà có người bạn gái xinh xắn, dễ thương như chị Liz, nhảy mới đã.

Tôi vẫn nghe mùi hương thịt da của chị còn đâu đó bên mặt mình.

HĐV

(Nguồn: Wikipedia)