Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ tục danh Phạm Văn Thương sinh ở Lào, quê tại Quảng Bình, Việt Nam, là một học giả uyên bác về Phật giáo, nguyên giáo sư thực thụ của Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn, nhà văn, nhà thơ, dịch giả tài năng.

 Tuệ Sỹ từng là Giáo sư thực thụ Viện Đại học Vạn Hạnh từ năm 1970 và là Chủ bút của tạp chí Tư Tưởng do Viện Đại học Vạn Hạnh phát hành. Ông cũng làm thơ, viết một số truyện ngắn đăng trên tạp chí Khởi hành (1969-1972), Thời tập (1973-1975). Ngoài ra ông cũng hiểu biết rất nhiều trong lĩnh vực triết học Tây phương.

Đầu năm 1978 ông bị đưa đi tù “học tập cải tạo” 3 năm, đến năm 1980 thì được trả tự do.

Ngày 1 tháng 4 năm 1984 ông bị bắt cùng với thầy Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát). Tháng 9 năm 1988 ông và Lê Mạnh Thát bị tuyên án tử hình vì tội “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”. Tháng 11 năm 1988 sau một cuộc vận động giảm án, bản án được giảm xuống còn tù chung thân. Ngày 1 tháng 9 năm 1998 ông được trả tự do từ trại Ba Sao-Nam Hà ở miền Bắc Việt Nam. Một năm sau, do vì tiếp tục hoạt động cho GHPGVNTN, ông cùng với Hòa thượng Thích Quảng Độ lại bị đe dọa giam giữ và bị công an triệu tập tra hỏi. Sau khi Hòa Thượng Thích Quảng Độ viên tịch, Tuệ Sỹ được cử làm Viện Trưởng Viện Hóa Đạo.

Xem thêm:   Thiên lý độc hành

Tuệ Sỹ không phải là người tìm danh vọng, nhất là bằng thi ca. Ông không tìm độc giả, tìm tri kỷ, tri âm. Ông thừa nội lực để sống an nhiên trong tịch lặng giữa cõi ta bà. Nhưng thơ ông xuất hiện như vầng trăng ra khỏi đám mây, như mùi hương bông sứ chợt thoảng vào vườn khuya, là một niềm vui chung, và cho người lữ khách ngồi lại bên đường, buổi chiều, “cười với nắng một ngày sao chóng thế… đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan”, câu thơ ngày xưa của ông mà Bùi Giáng hết lời ca ngợi. Sao Khuê

Cánh chim trời

 

Một ước hẹn đã chôn vùi tang tóc

Cánh chim trời xa mãi giữa lòng sâu

Nghe một nỗi hao mòn trong thoáng chốc

Một mùa thu một vạn tiếng kêu gào

Khuya còn lạnh sương mù và gió lốc

Thở hơi dài cát bụi cuốn chiêm bao.

Bên cửa sổ bên kia đồi sao mọc

Một lần đi là vĩnh viễn con tàu

Ði để nhớ những chiều pha tóc trắng

Mắt lưng chừng trông giọt máu phiêu lưu.

 

dạ khúc

 

Tiếng ai khóc trong đêm trường uất hận

Lời ai ru trào máu lệ bi thương

Hồn ai đó đôi tay gầy sờ soạng

Là hồn tôi tìm dấu cũ quê hương

Ai tóc trắng đìu hiu trên đỉnh tuyết

Bước chập chờn heo hút giữa màn sương

Viên đá cuội mấy nghìn năm cô quạnh

Hồn tôi đâu trong dấu tích hoang đường?

 

Xem thêm:   Thơ Tháng Tư

khung trời cũ

 

Ðôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ

Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang

Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ

Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở

Ðỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan

Cười với nắng một ngày sao chóng thế

Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng

Ðếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ

Bụi đường dài gót mỏi đi quanh

Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ

Suối rừng xa ngược nước xuôi ngàn

 

mộng trường sinh

 

Ðá mòn phơi nẻo tà dương

Nằm nghe nước lũ khóc chừng cuộc chơi

Ngàn năm vang một nỗi đời

Gió đưa cuộc lữ lên lời viễn phương

Ðan sa rã mộng phi thường

Ðào tiên trụi lá bên đường tử sinh

Ðồng hoang mục tử chung tình

Ðăm chiêu dư ảnh nóc đình hạc khô.

tự tình

 

Còn nghe được tiếng ve sầu

Còn yêu đốm lửa đêm sâu bập bùng

Quê người trên đỉnh Trường Sơn

Cho ta gửi một nỗi hờn thiên thu. 

tôi vẫn đợi

 

Tôi vẫn đợi những đêm xanh khắc khoải

Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng

Trong bóng tối hận thù tha thiết mãi

Một vì sao bên khóe miệng rưng rưng

 

Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió

Màu đen huyền ánh mắt tự ngàn xưa

Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử

Dài con sông tràn máu lệ quê cha.

 

Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ

Quên những người xuôi ngược Thái Bình Dương

Người ở lại với bàn tay bạo Chúa

Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương.

 

Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng

Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu

Rồi khép lại hàng mi về cõi mộng

Như sương mai, như bóng chớp, mây chiều.

 

Xem thêm:   Thơ bằng hữu

một bóng trăng gầy

 

Vai nghiêng tủi nhục hờn lay mộng tàn.

Rừng sâu mấy nhịp Trường Sơn

Biển Ðông mấy độ triều dâng ráng hồng.

Khóc tràn cuộc lữ long đong

Người đi còn một tấm lòng đơn sơ?

Máu người pha đỏ sắc cờ

Phương trời xẻ nửa giấc mơ dị thường.

Quân hành đạp nát tà dương

Khúc ca du tử bẽ bàng trên môi.

Tình chung không trả thù người

Khuất thân cho trọn một đời luân lưu.