Phùng Quán sinh năm 1932 tại Thừa Thiên Huế, mất năm 1995 tại Hà Nội. Cuộc đời Phùng Quán đầy gian truân, khốn khổ nhưng ông vẫn giữ được hồn thơ chân chất. Năm 1956 Quán tham gia Nhân Văn Giai Phẩm. Với hai bài thơ Chống tham ô lãng phí và Lời mẹ dặn viết năm 1957, Phùng Quán phải trải qua 15 năm lao động cải tạo và 32 năm treo bút.

Cùng quẫn, ông phải viết “văn chui” kiếm từng đồng nhuận bút nuôi vợ con. Ông cũng từng thú nhận, trong gần 30 năm treo bút, ông đã câu trộm cá ở Hồ Tây để nuôi gia đình và đãi bạn bè… “Cá trộm, rượu chịu, văn chui” là châm ngôn sống của Phùng Quán thời ấy. Trên ‘chòi ngắm sóng’ ở Hồ Tây, cảm xúc khi nghĩ tới thân phận mình, Phùng Quán viết ‘Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe’. SAO KHUÊ

Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe

 

Ngoài trời trăng như tuyết

Trắng lạnh đến thấu xương

Trong nhà vách trống toang

Gió ra vào thoả thích…

 

Hồ khuya sương tĩnh mịch

Trộn nước lẫn cùng trời

Con dế chân bờ giậu

Nỉ non hoài không thôi…

 

Tựa lưng ghế cành ổi

Vai khoác áo bông sờn

Tôi ngồi đọc Ðỗ Phủ

Vợ vừa nghe vừa đan…

 

Ðỗ Phủ tự Tử Mỹ

Thường xưng già Thiếu Lăng

Sinh ở miền đất Củng

Cách ta hơn ngàn năm

 

Thơ viết chừng vạn trang

Chín nghìn trang thất lạc

Người đời sau thu nhặt

Còn được hơn ngàn bài

 

Chỉ hơn ngàn bài thôi

Nỗi đau đã Thái Sơn

Nếu còn đủ vạn trang

Trái đất này e chật!…

 

Thơ ai như thơ ông

Lặng im mà gầm thét

Trang trang đều xé lòng

Câu câu đều đẫm huyết…

Thơ ai như thơ ông

Mỗi chữ đều như róc

Từ xương thịt cuộc đời

Từ bi thương phẫn uất

Thơ ai như thơ ông

Kể chuyện mái nhà tốc

Vác củi làm chuồng gà…

Ðọc lên trào nước mắt!

 

Giữa tuyết trong đò con

Ðỗ Phủ nằm chết đói

Ðắp mặt áo bông sờn

Kéo hoài không kín gối.

 

Ngàn năm nay sông Tương

Sóng còn nức nở mãi

Khóc chuyện áo bông sờn

Ðắp mặt thơ chết đói!…

 

Giật mình trên tay vợ

Bỗng nẩy một hạt sương

Hạt nữa rồi hạt nữa

Tôi nghẹn dừng giữa trang.

 

Kéo áo bông che vai

Ngồi lặng nghe sương rơi

Con dế chân bờ giậu

Nỉ non hoài không thôi!…

Vụng về… tôi dỗ vợ:

Em ơi đừng buồn nữa

Qua rồi chuyện ngàn năm

Bao nhiêu nước sông Tương…

 

Miệng nói nhưng lòng nghĩ:

Ôi thân phận nhà thơ

Khác nào thép không rỉ

Ngàn năm cũng thế thôi!…

 

Ðã đi với nhân dân

Thì thơ không thể khác

Dân máu lệ khốn cùng

Thơ chết áo đắp mặt!

 

Em ơi, nếu Ðỗ Phủ

Vai khoác áo lông cừu

Bụng no đến muốn mửa

Viết sao nổi câu thơ

Ngàn năm cháy như lửa:

Cửa son rượu thịt ôi

Ngoài đường xương chết buốt

 

Em ơi, nếu Tử Mỹ

Nhà ở rộng mười gian

Rào sắt với cổng son

Thềm cao đá hoa lát

Chắc ông không thể làm

Mưa thu mái nhà tốc

 

Em ơi, nếu Thiếu Lăng

Cặp kè vợ béo nứt

Một bước là ngựa xe

Ðứng đi quân hầu chật

Ðời nào ông lắng nghe

Tiếng gào và tiếng nấc

Bà cụ xóm Thạch Hào

Gái quê tân hôn biệt…

 

Ðã đi với nhân dân

Thì thơ không thể khác

Dân máu lệ khốn cùng

Thơ chết áo đắp mặt!

 

Chính vì thế em ơi

Nhân loại ngàn năm qua

Máu chảy như sông xiết

Cũng là để cho Thơ

Sẽ không còn phải viết

Những Hành qua Bành Nha

Vô gia Thùy Lão biệt…

Cũng là để cho Thơ

Sẽ không còn phải chết

Giữa tuyết, trong đò con…

Ðắp mặt áo bông sờn.

 

Ðừng buồn nữa em ơi

Chuyện ngàn năm… ngàn năm.