Tên thật là Nguyễn Thiệu Hùng, sinh năm 1937 tại Hà Nội.

– 1954 di cư vào Nam, học trường Chu Văn An và đỗ Cử nhân Văn chương Đại học Văn khoa Sài Gòn.

– 1963 động viên vào khoá 16 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức.

– 1975 đi tù 7 năm.

– 1990 lại bị bắt và giam tới 1994.

– 1995 sang Hoa Kỳ theo diện H.O. và mất tại Baltimore, Maryland năm 2002. Để lại ba (3) tác phẩm.

Mai Trung Tĩnh làm thơ rất sớm, từ đầu thập niên 1950 lúc còn học trung học ở Hà Nội, có thơ đăng báo từ năm 1953. Năm 1954 ông di cư vào Nam, và theo học tại trường Chu Văn An, ông trở thành một trong những cây viết sung mãn nhất của phong trào thơ tự do, thường có thơ đăng trên tạp chí Sáng Tạo của nhà văn Mai Thảo.

Năm 1962, Mai Trung Tĩnh cùng Vương Đức Lệ được Giải Thưởng Văn Học Toàn Quốc đồng hạng nhì về quyển “40 Bài Thơ”. Nguyễn Thanh Châu nhận định: Thơ MAI TRUNG TĨNH nặng về suy tưởng nội tâm hơn là diễn tả cảm xúc. Trong thơ ông ta nhận thấy nỗi khắc khoải có tính hiện sinh về bản thân, lịch sử, chiến tranh và cả tình yêu trước những biến động của đời sống, của đất nước. Ông diễn đạt trong sáng tác của mình phần lớn bằng thơ tự do, nhất là thơ xuôi.

Ôi. Mai Trung Tĩnh. Bạn ra đi vậy mà đã gần 20 năm. Tôi vẫn không quên ngày mình gặp nhau ở quân trường Thủ Đức. Hồi đó có cả Huy Phương, Chinh Yên, Ngô Kha… cùng khóa. Ra trường, tôi đi Pleiku còn bạn về Cục Tâm Lý Chiến. Năm 1974, tôi gặp lại bạn ở Đài Phát Thanh Quân Đội tại Sài Gòn. Tưởng nhớ bạn xin trích đăng lại 3 bài thơ của một thời chiến tranh trên đất nước ta. SAO KHUÊ

Xem thêm:   Ngu Yên

một lần ra chơi đà nẵng

 

Ta đến nước sông Hàn

Cuối mùa chinh chiến mỏi

Với dăm ba thằng bạn

Những người sống sót chăng?

Ta trốn đời trốn ta

Như quên một quá khứ

Mưa âm thầm ảm đạm

Gió thở đều như than

Ta đổi được đời ta

Chiếc đồng hồ quá cũ

Trong ngôi nhà cổ xưa

Tháng ngày rêu mốc phủ

Ta thoát được đời ta

Ðến nơi này của biển

Những mây trời tuổi nhỏ

Lại réo tàu ra khơi

Ta trải rộng hồn ta

Chạy lan dài sông núi

Sớm lên thăm Non Nước

Chiều tắm ngoài Mỹ Khê

Ta cũng đã gặp em

Giấc mơ nào hạnh ngộ

Ðưa em đến Nam Ô

Lòng ta nghiêng sóng sánh

Cát im lìm dưới chân

Dưới chân em thao thức

Hồn ta tưởng đã cạn

Cũng tròng trành bể dâng

Ta đã sống đã sống

Một phút vàng thập thành

Em đã lùa ngọn lửa

Biến anh thành chính anh. 

 

khi nào

 

Khi nào em mệt mỏi

Hãy cầm lấy tay anh

Con đường đưa em tới

Vùng mây trời biển xanh

Khi nào em tội lỗi

Hãy giẫm lên đời anh

Nơi đã thừa ô nhục

Cũng không còn thần linh

Khi nào em đau khổ

Hãy nghiêng xuống hồn anh

Võng nhung tơ phù phiếm

Ru em vài giờ quên

Khi nào em tuyệt vọng

Hãy cầm dao giết anh

Tấm gương soi đối mặt

Vỡ một lần cho xong.

(1970)

Xem thêm:   Thơ bằng hữu

nửa đêm

 

Nửa đêm tỉnh dậy ngắm nghía mình

Tiếng còi tàu qua tàn bạo

Cửa sổ sao vây đời giá băng

Tôi nghĩ bóng tàu đường sắt

Những tiếng nói đêm run chân thành

Thổi lên rung động hồn kẻ ngủ

Tiếng gõ nào vang đầy nhà cũ

Nước chảy giòng kêu chan chứa lòng.

Nghĩ đến ngày mai một sớm mai hồng

Kẻ ở thành phố sửa soạn tâm hồn

Ngoài sân ga có người và đường sắt song song

Ðầu máy sẽ ló ở khúc quanh đưa tới

Tàu nào qua biên giới đã sang

Những người bước xuống thân thể nhiều năm nói

Kẻ ở quê hương cười đón buồn như sương

Những lời trao, những tiếng nức, những vòng ôm, những thoáng hôn

Chiếc xe ngựa bâng khuâng vào thành phố.

Những thân hình thương lấy nhau

Trái tim hạnh phúc thầm mở ngỏ

Bao chuyện hôm qua chịu gục đầu

Tiếng nói góc phòng ngọn lửa

Tranh nào gọi năm xưa

Người vợ đến bên chồng hôn rất khẽ

Lời nước mắt rơi thưa

Mẹ ngồi nhìn con giờ biết nói

Từng không gian kéo về.

Tôi đợi tàu qua không được hỏi

Thế giới nào người đi tới

Tôi sẽ đợi người về

Cho đến ngày hấp hối

Ngày mai kẻ dậy ra thành phố nhiều tiếng nói

Ở bệnh viện, sân ga, xưởng thợ, bến tàu.

Tôi muốn hỏi người về đâu

Từ nơi nào sẽ đến

Tôi muốn đợi người trắng đêm nay.

MTT