Trên trang này đã hơn một lần chúng ta biết về Khoa Hữu và thơ ông.

Khoa Hữu ngày xưa đi dạy rồi đi lính VNCH.  Ông từng in thơ trên một số tạp chí văn học. Sau 75, Khoa Hữu im lặng viết, không xuất hiện. Từ 1987, ông gửi thơ đăng lại trên các tạp chí văn chương Hải ngoại: Văn học, Thế kỷ 21, Hợp Lưu (Mỹ)…

Ông mất năm 2012 tại Sài Gòn, để lại nhiều sáng tác chưa kịp xuất bản.

Thơ Khoa Hữu nói chung, mang phong cách và tâm cảnh khá đặc thù, tạo nên một chất thơ riêng biệt, nhất là trong thể ngũ ngôn và thất ngôn mang không khí bi phẫn và nét u hoài, man mác rất cổ điển, bàng bạc “không khí thơ biên tái” như Nguyễn Mộng Giác từng ghi nhận. SAO KHUÊ

Cái chết của một tượng đá

Si Dieu existe, que souhaiteriez vous

 qu’il vous dise après votre mort.

 

Tạc mãi đau thương người thành đá

ngồi canh đồng đội đã bao năm

cây súng gác ngang đời không ngủ

chiếc ba lô vai nặng vết hằn.

 

Người ngồi đó, mở trang bi sử

chiến bào như thấm máu chưa khô

ta ngồi đó xanh hàng bia mộ

áo nhung rêu cũng bạc dấu thù.

 

Ta muốn hỏi người từ đâu đến

bèo mây hạnh ngộ, có nhớ ta

ta về từ những vùng, khu chiến

bọc kinh hoàng xương mất, để da.

 

Ta muốn hỏi người, câu sinh tử

mắt trẻ thơ, môi cánh hoa đào

trán cô phụ băng lời tình sử

tóc mẹ già phủ mặt chiêm bao.

 

Cái chết – những con thiên nga trắng

ngàn năm tuyệt tích trời đông phương

anh hùng mạt lộ, chiến trường tận

đâu trái tim của một gã cuồng?

 

Ðêm thập tự hàng hàng, vấn tội

đồi bạch dương chụm những đầu ma

oán sâu sương khói cao mù núi

sát thời gian, người, đá hay ta.

 

Mười năm, lại mười năm sống sót

chuyện dữ tan tành, đồng đội đâu

đất nghĩa trang nhớ hoang dại mọc

quê nhà đây, cỏ mới, ngang đầu.

Saigon 1990.

 

Xem thêm:   Đỗ Nghê

Ải bắc

 

Biên cương rừng giới bạt ngàn phủ

trùng trùng núi đứng giáp đầu mây

đường lên ải bắc dọc ngang lộ

muôn dấu chân qua bạt lối này.

 

Ta nghe tiếng vọng triền miên lũng

đỉnh đá khua hay vực gió dồn

bụi cát mù mù vó ngựa động

lòng ta, mốc cắm vết suy vong.

 

Ta lên ải bắc hỏi tin nhạn

hỏi thời gian tìm nhạn môn mây

thủa loạn ngôn trời đất cũng loạn

đất cắt, trời chia, loạn cỏ cây.

 

Ngọn suối nước khe dòng lịch sử

nghe đâu đây gọi tiếng mơ hồ

cung kiếm mấy đời đi giữ đất

chiến bào da ngựa bọc biên khu.

 

Nhúng bàn tay xuống trường giang lớn

năm ngón như chạm mũi cọc chôn

nhớ theo sóng lớp Bạch Ðằng lộng

bóng chinh phu đoạt giáo trên thuyền.

 

Ta đi tìm lại đoạn đường tận

xưa, Nguyễn Trãi ngồi ngun ngút thù

người đi chân xích vai gông nặng

kẻ quay về mài bút bình ngô.

 

Có con nhạn trắng tung trời hót

bay liệng giữa vòng nhớ ải quan

có gã dân dã già cô độc

ngoái lại trăm năm đã mỏi mòn

BẢO HUÂN

 

điệp khúc

 

Ta như mùa đông

đóng băng ngày tháng

ta như mùa đông

đến từ vô tận

Một ngọn cỏ gầy

nhấc lên từ đất

ta như cỏ này

lạnh cóng trong đất

Thấy mặt trời gần

trong mắt ta mở

thấy tay thời gian

vuốt qua ghê sợ

Bình minh như lửa

hoàng hôn như than

ta thấy cùng cháy

ta tàn cùng than

Ngẩng đầu ngang núi

sững một niềm đau

rừng rung thân mỏi

hờn suốt biển sâu

Ði dọc đời sống

tựa như đi dây

một hồn vực thẳm

hai bờ căng thây

Ta làm thi sĩ

gõ cửa đa đoan

tìm kẻ dưới mộ

thương người hồng nhan

Vắt kiệt sự sống

dốc cạn máu ta

thơ là máu nóng

thơ là thịt da

Lấp hoài chưa tận

vũng bể dâu này

đời mòn bấc lụn

mai về đâu đây

Vĩnh biệt mùa đông

buồn dâng tới đỉnh

ta chạm vô cùng

ngàn sau chưa tỉnh.