Lời tòa soạn:

Tác giả Dương Như Nguyện (DNN), nguyên thẩm phán gốc Việt đầu tiên của Hoa Kỳ, đến với Trẻ lần đầu tiên trong số Lễ Vu Lan với thơ Khóc Mẹ, viết cho hương hồn cụ bà Nguyễn Thị Từ Nguyên (1933-2018), nguyên giáo sư Việt Văn Trần Quý Cáp Hội An và Đồng Khánh Huế, người mẹ đã un đúc văn học Việt cho tác giả DNN ngay từ thuở ấu thơ. Trước năm 1975, DNN lãnh giải nữ sinh xuất sắc toàn quốc của Việt Nam Cộng Hoà, và là người cuối cùng nhận giải văn học toàn quốc, Lễ Hai Bà Trưng, của Tổng Thống trao tặng, Tháng Ba 1975, một tháng trước khi Saigon mất.

Trong số này, Trẻ xin giới thiệu văn chương sáng tạo qua dạng tùy bút cuả DNN, “Những Cỗ quan Tài Của Tĩnh Tâm,” tác giả nói về bà ngoại mình, một phụ nữ quyền quý đất Thần Kinh trích từ tập truyện Mùi Hương Quế, do chính cha mẹ tác giả là GS-TS Dương Đức Nhự (Đại Học Văn Khoa Saigon) và GS Từ Nguyên đem đến cho cộng đồng người Việt tại Mỹ năm 1999, qua Nhà Xuất Bản Văn Nghệ của Nam California.  

Kỳ 2:  Phần Một của Hồi Ký

Những cỗ quan tài của Tĩnh Tâm

“Đau đớn thay phận đàn bà….”

Nguyễn Du

Người đàn bà đẹp đầu tiên tôi gặp trong đời là bà ngoại tôi.

Khi tôi có trí khôn thì bà ngoại tôi đã ngoài sáu mươi tuổi. Ở tuổi đó, người bà vẫn thẳng, tóc dài gần chấm đất, tuy đã muối tiêu nhưng vẫn còn óng ả, lướt thướt. Bà có chiếc mũi dọc dừa, gò má cao, cặp môi mỏng và cong, rất hiếm thấy trên những khuôn mặt phụ nữ thuần túy Việt Nam.

Bà ngoại tôi pháp danh là Tĩnh Tâm. Tên thật của bà là Hương Quế. Xứ Huế đã đặt cho đàn bà những cái tên đẹp lạ lùng: Dạ Khê, Tiểu Bích, Tú Thiềm, Phiến Tuyết, vân vân.

Xem thêm:   Thơ bằng hữu

Mọi người chung quanh cho rằng bà ngoại tôi là một người đàn bà khó tính, khắc nghiệt và lạnh lẽo Bà có một chứng bệnh không bác sĩ nào chữa được. Ðó là bệnh nóng cổ. Cổ bà nóng và rát, làm bà ray rứt, khó chịu, ăn ngủ không được, người đâm bẳn gắt. Bà ngoại tôi rất chiều con cháu, nhưng hay la mắng, rầy rà gia nhân. Mẹ tôi là con độc nhất của bà. Gả mẹ tôi cho ba tôi là người Bắc, bà ngoại tôi luôn luôn mang nỗi buồn phải xa đứa con một.

Tôi chưa hề thấy bà ngoại tôi khắc nghiệt hay lạnh lẽo. Bà ngoại thích coi cải lương, say mê. Nhiều khi xúc động, khóc sụt sùi. Con người tình cảm ấy không thể nào khắc nghiệt hay lạnh lẽo. Khi bà la mắng người làm, giọng bà như độc thoại, buồn như một điệp khúc than thở, không hề có tính cách đay nghiến của một người chủ thiếu lòng nhân. Lúc về già, người độc nhất mà bà cằn nhằn là ông ngoại tôi. Nhiều khi không duyên cớ. Ông ngoại tôi người nhỏ bé, tính vui vẻ, hồn nhiên. Bà con gọi đùa là Lão Ngoan Ðồng như trong truyện kiếm hiệp. Khi bà ngoại tôi càu nhàu, ông ngoại tôi chỉ phớt tỉnh, ngồi đọc báo.

Mẹ tôi kể cho tôi nghe cuộc đời bà ngoại. Bà chỉ có một người chị gái. Hai chị em con quan xứ Huế, gia đình phong lưu trưởng giả. Người chị gái, bà Ấm, lấy chồng đông con nên vất vả. Bà ngoại tôi lấy ông ngoại tôi là con quan, được đủ miếng ăn thì lại phải chịu những đau đớn khác.

Xem thêm:   Thiên lý độc hành

Ngoài cảnh làm dâu trong chế độ gia đình phong kiến, bà ngoại tôi là một người mẹ xấu số. Ðẻ ba con trai đều chết cả ba. Mẹ tôi thì èo uột, hay đau ốm. Bà ngoại phải đem cho chùa, đổi tên, cho thần thánh khỏi bắt đi. Vì không có con trai, bà phải cưới vợ hầu cho ông ngoại rất nhiều lần. Mẹ tôi kể có lần bà phải nằm giường sát phòng hợp cẩn của ông ngoại và người hầu trẻ. Ông ngoại tôi là một thứ “ông phán” phong nhã, hào hoa, có không biết bao nhiêu vợ hầu vợ lẽ. Không có con trai, bà ngoại tôi phải nuôi con nuôi, hoặc con trai của những người vợ hầu. Những người con trai này lớn lên (trừ người con út) đều phụ công nuôi dưỡng của bà ngoại tôi mà đi.

oOo

Thuở nhỏ tôi không hiểu được lòng ưu uất của người vợ lớn là bà ngoại tôi, cũng như nỗi cô đơn của bà. Ở tuổi thơ ấu, tôi không hiểu được căn bệnh nóng cổ của bà. Mẹ tôi bảo bà tưởng tượng ra bệnh. Tôi thì cho rằng bà nóng cổ vì hay hút thuốc Cẩm Lệ.

Tôi lớn lên trong lòng thương và tình quyến luyến của bà ngoại. Có lẽ tôi đã lây tính đa sầu, đa cảm, hay khóc thương phận người của bà. Tuy trí óc non nớt, tôi cũng biết bà ngoại là người hay phiền muộn. Bà thích tôi ngồi coi cải lương với bà, một điều mà bố tôi cấm đoán. Tôi tự cho mình là người bạn nhỏ của bà. Tôi tự nguyện lớn lên sẽ làm cô giáo, mua nhà ở Huế cho bà ngoại ở.

Xem thêm:   Thơ Tháng Tư

Tôi nhớ mãi có lần tôi bắt gặp bà ngoại tôi nhỏ lệ, không phải vì tuồng cải lương hay vì giận ông ngoại nước mắt bà thấm ướt mái tóc dài. Tay bà run rẩy. Bà kể cho tôi nghe về một hình ảnh mà lâu lâu bà vẫn thấy trong một giấc mộng đã ám ảnh bà cả đời. Bà dặn dò tôi đừng kể cho ai nghe, kể cả mẹ tôi.

Trong giấc mộng ấy, bà ngoại tôi, người đàn bà đẹp xứ Huế mang tên Tĩnh Tâm, ngồi một mình bên một dòng sông tĩnh lặng. Có thể là dòng Hương Giang, có thể là con sông Bến Ngự, hoặc có thể là khúc sông chảy qua làng Cồn. Trên dòng sông, có những cỗ quan tài trôi từ từ, lặng lẽ.

Người đàn bà ngồi đợi để vớt những cỗ quan tài.

oOo

Giấc mộng chỉ đến đó thôi rồi bà ngoại tôi tỉnh dậy.

Bàn tay nhỏ bé của đứa cháu gái là tôi lau nước mắt cho bà ngoại tuổi ngoài sáu mươi. Tôi không thấy sợ, chỉ thương bà ngoại tôi nằm thấy ác mộng. Cơn ác mộng lặng lẽ và im lìm, không tiếng động.

Càng lớn, tôi càng nhớ mãi về giấc mộng của bà ngoại tôi. Có lần tôi hỏi, “Ngoại có biết trong quan tài có gì không?”

Dương Như Nguyện, nhận giải thưởng Học Sinh Xuất Sắc Toàn Quốc với 16 lần xướng danh, do Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa trao tặng (1974).

(xem tiếp phần hai, số tới)


DƯƠNG NHƯ NGUYỆN

Sợi tóc của ngoại tôi

 

Tóc ngoại tôi dài bạc khói sương

Bàn tay chăm chút bát canh vườn

Con tôm, cọng cải cho bầy cháu

Ðể chúng phiêu du vạn nẻo đường

Bầy cháu tha hương một góc trời

Bên kia biển lặng, sóng đầy vơi

Quê tôi có ngoại tôi nằm chết

Ai giữ cho tôi, sợi tóc rời

DNN

copyrighted Sept 30, 2012