Nói tới thơ Cung Trầm Tưởng trước hết phải nói tới Lục Bát.

Theo Nguyễn Thanh Châu ghi lại, Cơ sở xuất bản Con Đuông cách đây hơn nửa thế kỷ đã đưa ra nhận định: Từ nhiều năm nay Cung Trầm Tưởng là nhà thơ thích đánh đu với lục bát. Qua tập Tình Ca và các sáng tác khác, nhiều người đã cho rằng lục bát và hồn thơ Cung Trầm Tưởng là một cuộc hôn nhân thành tựu. Cung Trầm Tưởng đã khoác cho lục bát những chiếc áo mới nhất của thời trang và đã trao tặng lục bát những trang sức diễm kỳ nhất của thời đại.

Quả thật, Cung Trầm Tưởng đã đưa ngôn ngữ mới vào thơ nhưng đã không để tuột mất cái hồn muôn thuở của lục bát, cái khí phong bàng bạc đã khiến thi ca Việt Nam lồng được một hương sắc rực rỡ vào trong bầu trời bát ngát của thi ca Đông Phương.

Dưới đây là một số bài thơ lục bát của thi sĩ Cung Trầm Tưởng được sưu tập từ các thi phẩm đã xuất bản của ông: Tình ca (1959), Lục bát Cung Trầm Tưởng (1972), Cung Trầm Tưởng, một hành trình thơ (2012) và từ các tập san văn nghệ miền Nam trước 1975. SAO KHUÊ

khoác kín

 

Chiều đông tuyết lũng âm u
Bâng khuâng chiều tới tiếp thu trời buồn
Nhớ ngày tầu cũng đi luôn,
Ga thôn trơ nỗi, băng nguồn héo hon.
Phường xa nhịp sắt bon bon,
Tàu như dưới tỉnh, núi còn vọng âm.
Sân ga mái giọt âm thầm:
Máu đi có nhớ hồi tâm đêm nào?
Mình tôi với tuyết non cao;
Với cồn phố tịnh buốt vào xương da;
Với mây trên nhợt ánh tà;
Với đèn xóm hạ cũng là tịch liêu.
Tôi về bước bước đăm chiêu,
Tâm tư khoác kín sợ chiều lạnh thêm

 

Xem thêm:   Ngu Yên

kiếp sau

 

bù em một tháng trời gần
đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi
bù em góp núi chung đồi
thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ.
bù em xuôi có ngàn thơ
vẫn nghe trắc trở bên bờ sông thương
quên thôi, bông sẽ phai hường
mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu
non sông bóng mẹ sầu u
mòn trong ngưỡng cửa, chiều lu mái sầu.

thôi em xanh mắt bồ câu,
vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau…

 

đêm sinh nhật

 

mưa rơi đêm lạnh Sài Gòn
mưa hay trời khóc đêm tròn tuổi tôi?
mưa hay trời cũng thế thôi
đời nay biển lạnh, mai bồi đất hoang.
hồn tu kín xứ đa mang
chóng hao tâm thể, sớm vàng lượng xuân
niềm tin tay trắng cơ bần
cuối hoàng hôn lịm bóng thần tượng xưa.
đêm nay trời khóc trời mưa
gió lùa ẩm đục, trời đưa thu về

mưa hay trời khóc ủ ê?
cổ cao áo kín đi về buồn tôi…

 

tĩnh vật

 

ngủ trong hồn, ngủ ngoài mưa
cái khuya im vắng bốc vừa đôi tay
ngủ phương lan, ngủ hiên đài
vóc sương lưng gió đã cài hoang liêu
ngủ chim sâu, ngủ anh chiều
hình con én mộng bốc nhiều phiêu du
ngủ rêu bồn, ngủ mùa thu
hồn rơi cánh vạc đeo tù không gian..

Từ trái qua: Cung Trầm Tưởng, Phạm Duy, Ngy Cao Uyên – Hình phamduy.com

chiều

Xem thêm:   Đỗ Nghê

 

Chiều về mây nước đăm chiêu,
Hoang sơ lá cỏ, tiêu điều quán không.
Cành trơ chim núi ngồi trông,
Sương giăng xóm ngủ, mù buông lũng chiều.
Thuyền nằm xuôi bóng xiêu xiêu,
Con sông tới giấc mắc triều lên nhanh.
Hồn tôi cái đĩa thâu thanh,
Tròn nguyên nét nhạc, trung thành ý ca.

Do  ré  mi  fa  sol  la,
Ngẫm từng âm điệu nghe ra chiều buồn.

 

nghĩa địa

 

Ngồi trông lõng bõng mưa rơi
Cây me mục nát nói lời cổ sơ
Bãi nhăn nhàu vết lăn xưa
Một xe thổ mộ nằm trơ gỗ gầy

Ngồi trông úp xuống trần mây
Cỏ xanh bia mộ đã dầy ngút quên
Chiều nhoà về xứ không tên
Thời gian hoá đá chồng lên tuổi đời

Ngồi trông vút bóng chim dơi
Rồi ghê lạnh cả đất trời thâm sâu
Sương – khăn – sô lấy phủ đầu
Che hồn ẩm mốc mối sầu âm dương

 

ngoại ô

 

Về nơi che phủ mái đầu
Một vuông trời nặng, lá nhầu nhợt mưa
Lối ren cỏ búi lưng lừa
Mùa đi bỏ lại gốc dừa cội măng
Tháng dư buốt nẻ đôi đằng
Nửa chì mưa đục, nửa băng đá cồn
Chiều về lại lẻ lũy đồn
Mình trơn đứng tuột nóc hồn nằm ươn…

 

CTT

*Nguồn: Sưu tập của Nguyễn Thanh Châu