Cách đây hơn 300 năm, ông bà mình tại Bồng Sơn, Tam Quan, Bình Ðịnh,  tuốt ngoài Trung, đi ghe bầu vào đất Bến Tre.

Người đến trước vào cửa Ðại, ngược lên cù lao An Hoa, cù lao Bảo, cù lao Minh, nơi Tiền giang nước ngọt quanh năm để lập vườn dừa, vườn cây ăn trái xum xuê như quê mình ngoài ấy. Chính vì thế Bến Tre còn gọi là xứ dừa…

Ai đến sau đành phải khai khẩn đất vùng gần biển, nước lợ. Ðất phèn, xấu; chỉ trồng rẫy được trên những giồng cát, phải đào giếng lấy nước, cực khổ hơn Miệt vườn trên ấy nhiều.

Ðược cái là miền Nam mình mưa thuận gió hòa, sáu tháng mùa khô và sáu tháng mùa mưa, mùa nước nổi từ sông Mekong, Biển Hồ bên Campuchia tràn về, bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hàng năm; mang theo cá linh, cá kèo… rửa trôi các nguồn sâu bệnh gây hại cây trồng, rồi còn cung cấp phù sa màu mỡ cho vụ mùa sau.

Mùa khô, nước kiệt, nước biển mặn lấn vào tận các xã ở giữa cù lao An Hóa như Lộc Thuận, Vang Quới… nên đất còn hoang hóa, dân gọi là đồng Bưng Lớn.

Dân Bình Ðại làm rẫy, lập vườn trên giồng cát, làm ruộng, và đánh cá.

“Tư bề Thừa Ðức nội thôn. Ðất trồng dưa hấu ngọt ngon quá chừng”. Còn mãng cầu dai Thới Thuận, trồng trên đất cát pha, ăn ngọt như ăn đường cát trắng và bí đỏ Giồng Giếng. Có bốn làng: Thừa Ðức, Thới Thuận, Thọ Phú, Phước Thuận làm nghề đánh cá, dân khá giàu so với các xã miệt trên.

em-hai-bong

Bảo Huân

o O o

Sáng hôm 27, tháng Giêng, năm 1973, chiếc GMC phát xuất từ Bình Ðại thả ba ‘thằng’ SVSQ  khóa 4/72 SQTBTÐ,  mới 21 tuổi, xuống một cái đồn nghĩa quân nằm sát lộ, thuộc xã Tân Phú Trung để đi chiến dịch Hiệp định Paris.

Nón sắt, giày sô, áo trận, dây ba chạc, súng AR15, bảy băng đạn, hai trái lựu đạn da láng M67, dao găm, gà mên, bình toong nước… đứng ngơ ngơ ngáo ngáo giữa trời quê hiu quạnh.

Quận Bình Ðại năm ấy có hai Xã trưởng rất nổi tiếng về đánh giặc. Một là Xã Tắc ở Thừa Ðức; hai là Xã Bốn ở Tân Phú Trung.

Xã Tắc là một con người gan dạ, nghe VC lén về là vác súng carbine M2, lội sông qua rượt! Còn Xã Bốn ở Tân Phú Trung lại là người đa mưu túc kế; để ý bữa nào dắt một trung đội nghĩa quân vô ấp Tân Phú, kề sông Ba Lai, giáp với quận Ba Tri, chiều đi thấy bàn thờ ông Thiên của một ngôi chùa trong xã bóng đèn màu đỏ; sẩm tối rút lính về , bóng đèn chuyển qua xanh, làm ám hiệu báo ‘an’ cho VC

Xem thêm:   Kế Sách

Vậy là một chiến thuật phục kích bừa rụng răng được đặt ra. Cả trung đội rút về đồn, còn ém lại hai anh nghĩa quân chỉ trang bị lựu đạn mà thôi để chờ du kích mò vô; ‘đôi’ cho tụi nó vài trái; rồi chạy ‘riết’ về đồn.

o O o

Xã Tân Phú Trung tên gom lại của ba ấp: Tân Ðịnh, Tân Phú và Bình Trung thuộc tỉnh Kiến Hòa êm ru bà rù hè. Cho dù lúc đó ba ‘Kiến’ có tiếng nhiều VC là: Kiến Phong (Cao Lãnh), Kiến Tường (Mộc Hóa) và Kiến Hòa (Bến Tre).

Xã Tân Phú Trung cũng có vài nhà theo VC! Mấy lần đi xuống ấp, tui thấy trước cửa nhà dân có vẽ một vòng tròn xanh lá cây (là thuộc phe mình), màu đỏ (là thuộc phe nó), còn màu vàng (là lừng khừng cầu an). Nên mới có cái khẩu hiệu của bên Dân vận Chiêu hồi là: “Lừng khừng cầu an là đầu hàng CS”.

Vô trình diện được ông Xã trưởng chỉ cho qua trụ sở Hội đồng nhân dân xã cạnh đồn nghĩa quân mà ở. Phải đặt cơm tháng, do vợ của một trung đội trưởng nghĩa quân nấu ngày hai bữa, tốn hết 3 ngàn, mà SVSQ chỉ lãnh lương trung sĩ khoảng bốn ngàn rưỡi; nên đành tự mượn bếp, nồi nấu cơm vậy. Nhiều bữa nấu cơm xong, mà hổng biết nấu canh, kho cá ra làm sao; đành để bụng đói meo, mặt rầu rầu như người vừa bị em nào phụ phàng duyên kim cải.

Chắc thấy tội nghiệp nên ông Ba Xồm, Phó Chủ tịch Hành chánh xã kêu ông ‘Thượng sĩ’ quan về nhà ổng ăn cơm.

Bác Ba Xồm chừng 45 tuổi, người cố cựu, có học, tới lớp biết đọc, biết viết, biết làm bốn phép tính cộng trừ nhân chia nữa đó.

Xem thêm:   Để trả lời một câu hỏi

Ông nội của bác Ba Xồm họ Hoàng ở đàng ngoài khi vào đàng trong phải đổi thành họ Huỳnh, bởi vì chúa Nguyễn đầu tiên là Nguyễn Hoàng.

Bác Ba Xồm nói: “Hồi mới sanh ra, tía tui tính đặt là Huỳnh Văn Giỏi (cho tui đừng có dở); nhưng bữa ra Nhà việc làm khai sanh, ông Chánh lục bộ bận đi ăn đám giỗ, nhậu quắc cần câu, về quên mất cái tên, bèn viết đại tên Xồm, sanh năm Mùi, cầm tinh con Dê; cho biết cái tuổi luôn!”

Bác Ba Xồm có người con gái thứ hai tên Bông, 17 tuổi, chưa chồng. Tính đặt tên Hoa đó chớ; nhưng cũng cữ tên bà lớn nên gọi trại là Bông.

Hoa hoặc Bông! Cái nào cũng được; cũng thơm hết ráo mà.

o O o

Nhà bác Ba Xồm, cách đồn Nghĩa quân chừng 500m, có hàng rào bằng cây keo, cổng vô nhà bằng tre gai. Ngoài sân có bàn thờ ông Thiên, chiều tối nào cũng phải thắp nhang.

Trước khi vào nhà phải qua một cái sân khá rộng, để phơi lúa. Có cối xay lúa, ở nhà sau, đặt trên một chân cối có bốn chưn. Chàng xay là đoạn tre hơn một mét, hình chữ T, có mấu xỏ vào tay cối ở thớt trên. Phần đầu chữ T được buộc dây treo lên xà nhà; đẩy tới kéo lui làm cái cối xoay tròn, chà xát bóc vỏ trấu để lòi ra hạt gạo vẫn còn vỏ cám bám ngoài.

Muốn gạo trắng phải cho vào cối; giã xong, đổ vào cái sàng mà tách ra trấu, gạo. Trấu để chụm lò; gạo để nấu cơm.

Góc sân nhà có cây xoài. Lá lụa, non, chấm cá kho hoặc cuốn bánh xèo ở cái đất quá hẻo rau sống. Xoài sống chấm nước mắm đường giằm ớt.

Có cây me, lá non và trái nấu canh chua với cá kèo… Cây chuối hột, bắp chuối xắt mỏng trộn gỏi gà rau răm, chuối chát ăn với thịt luộc, mắm chưng.

Nhà có ba căn hai chái, cột gỗ kê tảng đá xanh. Nhà trên, giữa bộ ván dầu có bình trà, bình vôi để trên bàn, nơi tiếp bà con xóm giềng.

Trên cột treo đồng hồ quả lắc là sang lắm. Chớ bà con mình đêm canh giờ bằng nghe tiếng gà gáy rộ. Ban ngày vin vào mặt trời lên hai sào, ba sào, mặt trời đứng bóng hay xế chiều.

Xem thêm:   Hủ tiếu?

Nhà dưới có giàn bếp để ba cái cà ràng, dưới chân là củi. Kề bên nhà bếp là chuồng trâu, cây rơm cho trâu nhơi quanh năm.

Bác Ba Xồm có sáu chục công ruộng trồng lúa mùa, từ gieo đến gặt hái mất tới khoảng 6 tháng, mỗi công được chừng 4, 5 giạ. Ðược cái là lúa mùa, gạo ăn ngon hơn lúa Thần nông nhiều.

Tui rất thích ăn chực nhà bác Ba Xồm. Một là khoái nghe ổng kể chuyện hồi xưa của cái đất nầy, rất là hấp dẫn, Nhưng hấp dẫn hơn nữa là em Hai Bông, con gái lớn của bác Ba Xồm, chu cha đẹp ơi là đẹp!

“Bông nè! Con gái Bến Tre, có tắm bằng nước dừa hông mà trắng như trứng gà bóc vậy?” He he!

Có bữa em đi chợ xã, họp chỉ một tiếng vào sáng sớm, mua con cá lóc về nướng trui chấm nước mắm me; thêm miếng thịt luộc ăn với chuối chát chấm mắm nêm để Tía em, bác Ba Xồm, lai rai vài ly hột mít rượu đế với tui.

Rượu vô là gan, là liều, tui lủi xuống bếp, nói thơ: “Ðôi mình mới gặp hôm nay. Cho hun một cái, em hai đừng phiền!” “Có hun thì hun cho liền. Sàng lui sàng tới xóm giềng cười em.”

Sao mà tôi thương chữ ‘hun cho liền’ này biết bao nhiêu mà kể!

Bốn tháng trời đi chiến dịch rồi cũng hết! Buổi sáng cuối cùng, cụ bị ba lô, súng đạn lên xe lôi đi Bình Ðại để trở về trường Bộ Binh Thủ Ðức. Em Bông quẹt nước mắt, tiễn tui đi.

Bùi ngùi quá mạng, tui thề là: “Rồi có một ngày, sẽ một ngày, chinh chiến tàn… Anh trở về dựng căn nhà xưa… Rồi anh sẽ sang thăm nhà em… với miếng cau với miếng trầu… ta làm lại từ đầu!”

Nhưng đó là niềm mơ ước đã vỡ tan. Sau 75, không còn gió đưa gió đẩy bông trang; bông búp về nàng, (đám hỏi); bông nở (đám cưới) về anh; tù cải tạo về, tui dông luôn ra biển! Bỏ em Hai Bông lại ở bên trời lận đận!

Phần số thì đành vậy Bông ơi! Bởi vì VC; chớ lòng anh nào muốn phụ em đâu!

DXT – Melbourne