Ai chơi mạng xã hội, sẽ rất quen thuộc với mấy “thuật ngữ” hiện đại như “lọc friend”, “lọc mem”.

“Lọc friend” ngoài đời rất đáng sợ (Từ Facebook)   

Ý nghĩa căn bản của hai từ trên là xóa bớt, lược bớt, dẹp bớt những người ít “tương tác” hay nhìn thấy không ưa ra khỏi danh sách bạn bè online hoặc danh sách người tham gia nhóm thảo luận trên mạng. Mục đích rất nhiều, có thể là cho khuất mắt những người không cùng tư tưởng, không cùng “lý luận”, không cùng quan điểm về cuộc sống/chính trị… Cũng có thể là để nhắc nhở, cảnh báo người ta về việc họ đã “bỏ bê” mình. Hoặc cảm thấy không có nhu cầu “tiến xa hơn” với người đó, không thích nhìn cái “bản mặt” đó mỗi ngày, không thấy vui mỗi khi đọc được bài viết của họ… Hay đơn giản là buồn buồn, kiếm chuyện làm cho… vui. Ðôi khi, có những người ngồi “lọc” người ta cho đã, nhưng lâu lâu vẫn vô “nhà” của người ta “rình” coi họ viết gì.

Hành động này nếu làm âm thầm thì không có gì để bàn, vì chỉ có trời biết, đất biết, bạn biết. Nhớ hôm hổm, tôi ngồi “block” (chặn-một tính năng giúp những người dùng mạng xã hội không thể thấy nhau nữa) mấy người, Facebook còn thủ thỉ với tôi “Bạn yên tâm đi, tôi sẽ không nói cho người ta biết bạn “block” họ đâu” (nhiều chuyện hơn tôi nữa).

Bởi vậy, có những lúc nhìn số bạn online cứ vơi dần, vơi dần, tôi tức lắm mà đâu biết làm gì. Biết làm gì cũng không biết đè ai ra mà… làm. Ðến một ngày đẹp trời, đọc một bài viết nào đó, thấy một người nào quen quen, nhấn vô coi họ giờ sống ra sao, sao lâu quá không “thấy” họ. Lúc này mới bẽ bàng nhận ra, chúng tôi không còn là “friend” nữa. Hay một bữa (cũng) đẹp trời khác, đang tung ta tung tăng “hóng” chuyện. Tôi chợt thấy bạn (online) của mình nói chuyện mình ên trong một bài viết. Hỏi ra mới biết bản nói chuyện với người A, mà người đó “block” tôi tự đời nào rồi. Nên tôi không thể thấy được bình luận của họ. Nhiều khi ngồi nghĩ, cái nút “block” mà có ngoài đời, chắc chỉ sau một tháng, tôi ra đường không còn thấy ai.
Cuộc sống chúng ta luôn tồn tại những mặt đối lập. Có những người thích âm thầm thì cũng có những người không thích. Thế là lâu lâu trên đường đời tấp nập, ta vô tình vấp phải một bài viết, một câu “cảnh báo” của ai đó dọa “thiên hạ” là lát nữa họ sẽ “lọc friend”, “lọc mem”. Có những người họ “lọc” thiệt, cũng có những người hăm dọa cho vui, chứ không làm ra cái chuyện “nhẫn tâm” đó. Ðồng thời, có những người cảm thấy khó chịu với những “cảnh báo” này, họ cho rằng người đăng bài muốn tạo sự chú ý, muốn “lên mặt”, muốn “câu like”. Nhưng cũng có rất nhiều người cho đây là điều bình thường, họ cho rằng:

“Mục đích của những bài “lọc friend không tương tác” là gì? Là: tao thấy lâu rồi mày không để ý tới tao đó, mày còn muốn làm bạn thì để lại đây một bãi để tao biết, không thì tao đi kiếm bạn khác.

Ông trời cũng chơi “Vlog” (Từ Facebook)

Nghĩa đen của từ “một người bạn” là gì? Là một người quen biết có sự giao tiếp thường xuyên và độ thân mật nhất định. Ở ngoài đời, bạn bè là để nói chuyện với nhau chơi, gặp gỡ khi buồn và giúp đỡ khi cần. Ủa vậy bạn Facebook không để like status với hình ảnh của nhau thì để thờ à?

Xem thêm:   Ý tưởng mần giàu...

Một người không nói chuyện, không tiếp xúc gì với nhau ngoài xã hội thì gọi là người dưng. Vậy cũng người đó không tương tác gì với nhau trên mạng xã hội thì gọi là bạn bè facebook. Ủa ngộ he? Bạn chỉ là một người dưng hoàn toàn xa lạ với tôi, giờ tôi và bạn kết bạn với nhau không phải để like nhau, comment với nhau thì tôi add bạn về để bạn tỏ ra thượng đẳng với tôi à?

Chỗ này là thế giới ảo, bạn lên thế giới ảo chơi mà bạn chê người ta sống ảo, khuyên người ta sống thật. Vậy sao bạn không khoá phây bút, ngắt mạng đi rồi đi ra chuồng gà chơi với mấy con gà á? Mà chưa chắc gà nó chịu chơi với bạn à nha.” – Từ Facebook Lê Thị Thùy Linh

Thiệt ra, có những khi, thấy không còn “friend” chớ vội buồn. Vì cũng không hẳn là bạn đã bị “lọc”. Máy móc lâu lâu cũng chạm mạch, mạng xã hội cũng vậy. Ðôi khi do lỗi lầm gì đó mà hai bên không còn trong “friendlist” của nhau nữa. Nếu nhận ra sớm, thông báo cho nhau rồi “kết bạn” lại thì không còn gì tốt hơn. Nhưng khổ cái là, khi thời đại internet lên ngôi, con người gặp nhau qua màn hình nhiều hơn là chạm mặt. Vì thế có những tình bạn lâu năm “tan vỡ” vì bạn này hiểu lầm bạn kia “lọc” mình, trong khi bạn kia cũng vậy. Thế là xa nhau. Có một câu chuyện có thiệt cũng khá “lan quyên” (liên quan): Hồi xưa, lúc còn mần bánh bán. Tôi bị một vị khách quen “block”. Sau những ngày trằn trọc, buồn bã, căm hờn (vì không biết họ mua bánh của “đứa nào”), thì chúng tôi vô tình gặp nhau ngoài đường. Tôi hỏi lý do. Anh trả lời: “Bạn cùng… giường của anh làm, nguyên do anh không biết!”

Tiếp đến là giới thiệu một khái niệm mới về việc “lọc” này, được cư dân mạng Việt Nam “đẻ” sau những tổng kết về các thảm họa đầu năm 2020 như cháy rừng ở Australia, ở Mỹ, hàng triệu con châu chấu tàn phá mùa màng ở châu Phi, dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona Vũ Hán gây ra… Ðó là “tạo hóa đang… lọc mem”, “ông trời đang lọc friend”. Khái niệm này nghe có vẻ đùa cợt nhưng cũng khá hợp lý. Nếu nghĩ rộng một chút, chúng ta có thể tin là những thảm họa này là những đòn cảnh cáo nặng nề của “mẹ thiên nhiên” gửi đến nhân loài. Sau rất, rất nhiều niên kỷ con người bòn rút, phá hại môi trường để phục vụ cho sự tiến hóa của mình. Tôi chỉ hơi thắc mắc một chút, các thảm họa được báo chí và cư dân mạng VN liệt kê ra không hề có cái nào “thuần Việt” được nêu. Mặc dầu Việt Nam thiếu gì thiếu chứ chưa bao giờ thiếu thảm họa. Ðơn cử như hạn mặn kỷ lục ở Miền Tây, mới đây ở Tây Nguyên. Một thảm họa ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 20 triệu gia đình người dân và ảnh hưởng gián tiếp đến mấy chục triệu người dân khác.

Hình ảnh quen thuộc mùa dịch năm nay (Từ Facebook)

Nhiều người nói do Việt Nam sính ngoại, chuyện biểu tình ở Hồng Kông, chuyện cháy nhà thờ ở Pháp, chuyện cháy rừng ở Úc, chuyện châu chấu ở Châu Phi, chuyện corona Vũ Hán… tất cả được quan tâm là vì có “yếu tố nước ngoài”. Người ta quan tâm thì mình cũng quan tâm cho… vui. Ví như anh MC Phan Anh. Ảnh bị người ta chỉ trích vì lúc nạn ấu dâm bị thế giới lên án, thì ảnh kể chuyện mình từng bị ấu dâm lúc nhỏ. Lúc nhà thờ bên Paris cháy, ảnh “quặn đau như muốn khóc” và cả đêm không ngủ được. Nhưng lúc cháy rừng ở Hà Tĩnh, lúc hạn hán ở Miền Tây thì ảnh ăn ngon, ngủ yên và chẳng có ý kiến nào về vấn đề này…

Xem thêm:   Mất mạng

Thiệt ra nói hạn mặn ở Miền Tây không có “yếu tố nước ngoài” là hoàn toàn không đúng. Bởi một trong những nguyên nhân lớn nhất của những đợt hạn mặn trải dài suốt 20 năm qua là các đập thuỷ điện tích nước trên thượng nguồn Mê Kông của Trung Quốc, hoặc thuộc Trung Quốc đã “nhốt nước” lại, không chịu “thả” xuống hạ nguồn. Mà cái dòng Mê Kông này nó “chạy” xuyên qua nhiều nước. Cụ thể, nó bắt nguồn từ tỉnh Thanh Hải của Trung Quốc, chảy qua Tây Tạng và Vân Nam trước khi đi vào Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và đổ ra biển tại Việt Nam. Như vậy có đủ “yếu tố nước ngoài” rồi.

Nhiều người nói rằng, do đang trong mùa dịch cúm Vũ Hán – đại dịch của toàn thế giới – nên không ai rảnh để quan tâm chuyện hạt gạo, con cá, con tôm. Có lẽ vì vậy mà khi dịch bùng phát mạnh ở Việt Nam, chúng ta nhìn thấy hình ảnh giành giựt nhau mua mấy chục thùng mì về tích trữ ít hơn hình ảnh giành nhau mua gạo về tích trữ?

Về mặt nguyên nhân lẫn hậu quả của những đợt hạn mặn thì chắc nhiều chuyên gia nói hay và rõ ràng hơn, tôi không dám múa rìu qua mắt thợ. Nhưng về việc tại sao những thảm họa “thuần Việt” luôn bị chính dân Việt “bỏ rơi”. Tôi nghĩ nguyên do chính là ở những người trong cuộc. Họ có quá ít tiếng nói. Khi chính họ là những người hiểu nhất nỗi đau mình đang trải qua. Tôi nhớ hồi thảm họa Formosa Hà Tĩnh xảy ra, khi cả nước hướng về họ thì chúng ta biết rất ít người Hà Tĩnh lên tiếng.

Những người mua gạo để dự phòng cho dịch Corona Vũ Hán khéo lại có dịp sử dụng khi khủng hoảng an ninh lương thực bị vì vựa lúa quốc gia bị nhiễm mặn trầm trọng, để lại hậu quả dài hạn.

Tôi cũng cố đi biện hộ “dạo” cho họ. Rằng có lẽ dân Miền Tây không còn tâm trí để than thở nữa, khi nước không có mà uống. Có lẽ vì ai cũng biết, dù là lý do gì thì sau tất cả, những kẻ tội đồ “nặng đô” nhất là các ban bệ từ trung ương đến địa phương, thành viên thì đông như quân Nguyên, hàng ngày ngốn không biết bao nhiêu ngân sách, trong đó không ít là từ thuế của mấy chục triệu nông dân Miền Tây. Mà do ai cũng biết, nên ai cũng… im. Họ sợ nói gì sơ sẩy là “mệt” với chính quyền. Như cô giáo Trần Thị Lam ở Hà Tĩnh, vì vô tình nổi tiếng vì viết bài thơ “Ðất nước mình ngộ quá phải không anh” năm 2016. Mà bị “để ý” rồi “ghim” hoài luôn. Ðến tận năm 2018, cộng đồng mạng và báo chí Việt Nam “rần rần” về một cô bé học sinh nghèo giành được học bổng trị giá 6.2 tỷ đồng từ Trường Ðại học Smith College (Hoa Kỳ). Các bài báo về cô học sinh vô cùng tài giỏi này và gia đình cô đã bị gỡ khỏi các trang báo trong nước ngay sau đó. Vì người ta bỗng nhận ra, cô bé tài giỏi kia là con của cô giáo Trần Thị Lam.

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Cũng có thể, họ không nói vì: “Mình là dân Sóc Trăng, nhưng với mình ST25 không phải là loại gạo ngon nhất thế giới. Gần 3 chục năm trước, nhiệm vụ của mình mỗi ngày là canh 4 đứa em lít nhít sao cho tụi nó không đứa nào bị té mương lọt đìa, không đứa nào ra đường xe cán hay mẹ mìn bắt cóc, chờ mẹ đi làm về. Mẹ làm ở nhà máy xay lúa, ngoài tiền lương ra, họ còn cho mẹ quét mớ gạo rơi vãi dưới nền – về cho gà, 5 con gà ở nhà.

Với mấy anh em mình đó là loại gạo ngon nhất thế giới. Nhờ nó mà 5 con gà lớn lên thay da đổi thịt thành thiên nga, không đứa nào nghiện ngập, không đứa nào hư hỏng, cái vị hôi hôi, mốc mốc, thỉnh thoảng cắn cục sạn đánh cốp, mẻ răng. Vậy mà khi đói nó ngon đến lạ lùng. Ðến tận bây giờ, thỉnh thoảng mình vẫn ăn trộm cục cơm trong nồi của chó (xin lỗi chó), nhưng không ngon được như hồi xưa vì chó nhà mình tuy rằng ăn gạo phế, nhưng là phế Hương Lài.

Còn về việc chống hạn! Người Thái chống hạn ngay từ khi người Tàu khởi công các con đập, mặc kệ thằng Ðông Lào (VN) ngoác mồm ra chửi Tàu chặn nước. Người Thái không chửi, họ làm, và khi sông Mekong cạn nước, toàn dân Thái huy động máy bơm trữ nước. Thằng Ðông Lào sau ăn Tết phủ phê, chửi Tàu chán không si nhê, lại quay qua chửi Thái đã trữ hết nước của tao, chửi chán, Ðông Lào chống hạn bằng cách lôi chân gà rút xương Ðài Loan (mà trên bao bì in chữ giản thể) ra nướng. Mở chai cuốc lủi lai rai và lôi cái loa Temesheng sản xuất tại VN ra bật lên và cám cảnh “người ơi, số kiếp nhân sinh…” Thỉnh thoảng kèm vào vài câu chửi “đm thằng Tàu”, hoặc len lén chửi nhẹ “Ðm thằng chánh quyền” rồi ngửa mặt chờ trời cứu. Nhớ câu nói của một bà chị: “Tôi làm phần của mình”. – Facebook Phạm Ngọc Duy

Nhưng dẫu là vì lý do gì. Họ cứ mãi im lặng như thế thì sớm muộn gì họ cũng không thoát được “quy trình” “lọc mem” khắc nghiệt của trời đất. Vì không ai cứu nổi bạn, nếu bạn không muốn sống nữa!

DU

Saigon