“Chào mọi người, em muốn lên Sài Gòn, cho em xin lời khuyên với ạ!

Thôi, ở quê đi em.”

Phần biển báo do lực lượng chức năng lắp bị khuất khiến nhiều tài xế “dính bẫy” và bị xử phạt (vietnamnet.vn) 

Hồi nhỏ, coi phim trên tivi, thấy đa số nhân vật là gái quê lên “thành phố” đều sẽ: Một bị đời xô đẩy, bị người xấu dụ dỗ, lừa gạt hoặc ép buộc trở thành người hư hỏng. Sau đó chết yểu hoặc trở thành “chị đại” rồi trả thù đời, cuối phim thường sẽ vô tù hoặc chết. Hai là không ai dụ, ép, đời mắc đẩy người khác nên cũng không đẩy họ – vậy mà cũng tự sa ngã rồi cũng hư hỏng và đi tới bước trả thù đời… Ba là bị lừa gạt nhưng không hư hỏng, mà trở thành nạn nhân – thế là ăn trọn mấy chục tập phim đau khổ, bị hại… Cho tới tập cuối mới có kết cục tốt. Hầu như chưa thấy bộ phim nào mà đạo diễn để yên cho những cô gái quê lên “thành phố” tìm một cơ hội/tương lai mới cả!

Bởi vậy, suốt bao năm tháng tuổi thơ, tôi cứ tưởng “thành phố” trong tivi là ở chỗ nào, không phải là thành phố tôi đang sống. Tại nhỏ giờ mang tiếng “người Sài Gòn”, chưa một quận nào tôi chưa tới, chưa có tầng lớp nào chưa tiếp xúc. Vậy mà tôi thấy không có bao nhiêu người bản xứ xấu tánh, thích lừa gạt người ta. Ða số người không tốt, lừa gạt tôi hoặc người tôi quen biết đều là người từ “dưới quê” nào đó tới thành phố này lập nghiệp. Chẳng lẽ do tôi không giống “gái quê” nên những người “thành phố”… chê, không thèm lừa?

Cũng có thể do quê ai thì người đó yêu, đồng hương ai người đó mến – nên tôi thấy quê tôi luôn đẹp, người Sài Gòn luôn tốt hoặc ít xấu hơn người nơi khác. Cũng có thể do tôi chưa “va chạm” nhiều, nên tôi thấy toàn màu hồng. Trong mắt tôi, Sài Gòn tuy là nơi hội tụ dân tứ xứ, tốt xấu lẫn lộn… nhưng không phải là thành phố ngoài cạm bẫy ra thì chẳng còn gì cả, như các bộ phim trên tivi. Bằng chứng là những điều tử tế chưa bao giờ hết, chưa bao giờ ngưng lại. Trong 100 bài viết của tôi, có hết 70 bài khoe cái tốt có thật ở Sài Gòn. Nên tới khi biết “thành phố” xấu xa trong các bộ phim trên tivi là Sài Gòn, tôi hơi bất ngờ, sốc và quyết định không coi tivi nữa. Tôi nhìn ra cuộc sống thật cho đỡ tổn thương.

Sài Gòn chắc chỉ có người yêu là khó kiếm, chứ những thứ để một người nghèo có thể trôi qua một bữa hết tiền/thất nghiệp thì không thiếu. Ðói thì có “bánh mì miễn phí”, “cơm miễn phí”, “cơm 2k”, “bữa ăn trên tường” (trong bệnh viện)… ngoài ra còn “phòng trọ sinh viên miễn phí”, “quần áo miễn phí”, vá xe miễn phí, “áo mưa miễn phí”, “nước miễn phí”, “thuốc miễn phí”, “khám bệnh miễn phí”… dịch bệnh thì có “gạo/thực phẩm thiết yếu miễn phí”, “khẩu trang miễn phí”, “thuốc miễn phí”, “bình oxy 0 đồng”, “ATM thực phẩm”, “người khỏi nhiễm cúm Vũ Hán tình nguyện chăm người lớn tuổi (bị nhiễm cúm Vũ Hán) miễn phí”… Nhiều gia đình cũng vô tư treo bảng “Gia đình đã đủ thực phẩm, xin nhường lại cho ai thiếu. Khi cần, gia đình sẽ liên lạc. Xin cảm ơn.” – ngay giữa lúc “đỉnh” dịch cúm Vũ Hán – khi rau tìm không ra, có tiền mua không được thịt…

Phần biển báo do lực lượng chức năng lắp bị khuất khiến nhiều tài xế “dính bẫy” và bị xử phạt (vietnamnet.vn)

Cũng không chỉ người nghèo được lợi từ lòng tốt. Vô số lần, tôi được người lạ đưa tôi tới tận chỗ khi tôi hỏi đường (tôi là chúa mù đường). Vô số lần, tôi thấy một người lạ truyền hết nửa bình xăng vô xe một người lạ khác, để họ có thể tiếp tục chuyến đi dang dở. Những bữa để quên tiền ở nhà, tôi vừa được chủ quán bán đồ thiếu vừa được đưa tiền dằn túi  để tránh “đạp bánh tráng không có tiền đền”. Hồi xưa tập tành buôn bán, tôi bối rối thì được người mua nhào vô phụ bán luôn, thối nhầm tiền mấy đồng cũng được trả lại, bán ế mà ráng năn nỉ chút cũng có người mủi lòng mua hết. Trên các nẻo đường dài, người ta nhắc nhau bằng miệng, bằng ký hiệu dọc đường để tránh bị Cảnh sát giao thông phạt oan – khi không thấy rõ biển báo. Như vụ mới đây tại Tân Bình nè:

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Do thấy biển báo giao thông (không được phép quẹo trái, trong khung thời gian từ 6h-22h) của chính quyền để khuất mắt tài xế quá, khiến nhiều người bị phạt oan hoài. Người dân liền làm hai cái tấm bảng bằng giấy, bên ngoài ép giấy bóng, kích thước 40x60cm, dán cố định vào một thanh gỗ rồi gắn chắc chắn vào dải phân cách. Ngoài nội dung thông báo “không được phép quẹo trái trong khung giờ 6h-22h” (như của chính quyền) thì phía dưới còn có lời chúc “Chúc bác tài thượng lộ bình an”. Sợ các bác tài không để ý, người làm hai cái biển hiệu này còn gắn thêm chiếc chong chóng nổi bật trên đầu. Nhờ vậy mà “cứu” không biết bao nhiêu là túi tiền của tài xế. Trên báo trong nước (vietnamnet.vn) viết:

“Một tài xế xe tải từng bị phạt vì rẽ trái tại ngã tư này bày tỏ, anh rất xúc động trước việc làm của người đặt tấm biển. Anh cho hay, đoạn đường này khá nhỏ, lưu lượng giao thông lớn, người lần đầu đi tới rất dễ vi phạm: “Bữa trước tôi không để ý biển báo cấm rẽ trái lắp bị khuất tầm nhìn ở bên trong”, anh nói.

“Ðoạn đường này đúng là dễ nhầm lẫn lắm, người từ tỉnh khác đến không biết đâu, vì cái biển báo nó bị khuất. Có thể ai cũng nhìn ra vấn đề nhưng không phải ai cũng tìm cách giải quyết và nghĩ ra cách giúp người khác như vậy. Thật sự cảm kích.”

“Ai đang đi nhanh nhìn tấm biển chắc cũng phải giảm ga liền. Quá ấm áp.” – Hết trích.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Ngoài gây nhiều thiện cảm, hai tấm bảng trên còn cho nhiều người dân Việt té ngửa, thì ra luật Việt Nam cũng có quy định rằng biển báo giao thông không được khuất mắt, “trốn tránh” ánh nhìn của các bác tài. Nếu có những biển báo như vậy, chính quyền phải sửa ngay. Vậy mà nào giờ ai cũng tưởng đó là chuyện đương nhiên, tại cánh tài xế từ Nam chí Bắc Việt Nam đều xác nhận là các biển báo giao thông chơi trốn tìm với đôi mắt các tài xế có ở khắp nơi, không chỉ tại Sài Gòn – Hà Nội. Khiến nhiều khi người dân bị phạt oan, rồi họ lại cho là chính quyền cố tình “bẫy” họ.

Những “biển báo” có ích khác của người dân, đều không hề bị khuất (Facebook)

Lúc tôi viết bài này thì những người dân ở Tân Bình nói hai tấm bảng được khen trên đã bị ai đó dẹp đi rồi. Ai cũng hy vọng người dẹp đi hai tấm bảng đó có thể làm cho tất cả các tấm biển báo giao thông «real» không bị khuất mắt tài xế nữa.

Ngoài các lý do trên, tôi tin người Sài Gòn tốt nhiều hơn xấu vì chưa bao giờ thấy người ở những nơi khác ngưng chọn Sài Gòn là điểm đến lập nghiệp, tìm cơ hội, sinh sống, học tập… Như cách đây có mấy chục phút, một bạn trẻ đăng trong một nhóm, hỏi:

“Mọi người ơi! Em nay 23 tuổi, lâu nay học hết lớp 12 xong chỉ ở nhà, làm việc nhà. Em có chút bất ổn về tâm lý và giới tính (nhưng bây thì ổn hơn rồi). Trước giờ em rất ngại giao tiếp và sợ đám đông, nhưng lần này em muốn lên Sài Gòn sống một thời gian, biết đâu được bản thân mình sẽ thay đổi được chút chút? Em không giỏi giao tiếp, với một ít hậu đậu, lại cận 4 độ… cho nên mọi người cho em hỏi là có việc gì hợp với em? Ðể em “nghiên cứu” trước cho đỡ mất công lên Sài Gòn lại bỡ ngỡ. Và cho em hỏi ở Sài Gòn làm sao để an toàn, không bị lừa gạt ạ?

Tạm thời hết tháng 3, bạn em nó để lại phòng trọ cho em, với lại em đem xe đạp điện lên Sài Gòn để đi lại thì có quê quá không ạ? Chứ e không biết chạy xe máy. Em cám ơn nhiều!” – Hết trích.

Không hề có những lời ngăn cản dứt khoát như ở đầu bài viết này, cô bé trên nhận rất nhiều lời chào đón và khuyên nhủ rất thực tế, như:

Hứa Thị Ánh Nguyệt: Bà ơi đừng lo, trước tôi như bà ấy. Sau 1 năm ra SG, như bị lột lưỡi. Giờ ai tôi cũng nói chuyện được hết. Nên là cứ thoải mái thôi, đừng sợ. Còn vụ xe thì đừng lo, miễn bạn không ngại thì người ngại sẽ là người khác.

Nam Tran: Ở Sài Gòn chỉ cần lễ phép, đàng hoàng thì sẽ tốt thôi. Hạn chế đi chơi khuya và đừng tin người lạ quá nhé. Nhất là đừng mê “việc nhẹ lương cao”.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Mao Minh Khải: Ði làm phục vụ đi bạn ạ (tầm 1, 2 tháng), nói chuyện với mọi loại người để cởi mở hơn. Làm chỗ nào chịu khó làm quen, rủ đi cafe, đi chơi. Nói chung bạn cứ đi chơi, đi làm, từ từ bước ra khỏi 4 bức tường là được. Sài Gòn là dễ sống nhất rồi đấy!

Miên Khôi: Tôi học xong ở đây làm việc hơn 5 năm, lên voi xuống chó đủ nghề, chưa bị gạt bao giờ bà ơi. Ðừng lo, chắc sẽ không sao đâu.

Hong Phan: Tôi ở quận 10, bà lên đây có cần gì thì hỏi tôi nè.

Đời không như là mơ (Facebook)

Cuối tháng 3, không biết cô bé kia có “khăn gói” lên Sài Gòn không? Nhưng vẫn sẽ có hàng trăm/hàng ngàn cô bé tương tự tới Sài Gòn. Chắc trong đó cũng có vài cô có số phận như các bộ phim mà tôi kể trên, vì đời đâu như là mơ mà hoàn hảo cho đặng. Với lại Sài Gòn bây chừ cũng hỗn loạn hơn tuổi thơ của tôi nhiều lắm. Nhưng tôi tin, so với nhiều nơi tại Việt Nam, Sài Gòn vẫn có nét quyến rũ đậm đà, là nơi nhất định phải tới trong đời.

Thiệt ra, trong nhiều người bạn “đồng hương” mà tôi quen biết, không phải ai cũng có tình cảm với Sài Gòn nhiều như tôi. Nhiều đứa còn không thích Sài Gòn bằng người ngoại tỉnh tới đây ở. Lý do chắc cũng nhiều, để hôm nào tôi “phỏng vấn” từng người. Nhưng hôm rồi, đọc về tác giả Ocean Vuong (người Mỹ, gốc Việt) – trong bài nói rằng, do tác giả Ocean Vuong lớn lên ở vùng Hartford, Connecticut. Nên “cho tới khi tiếp xúc với bên ngoài, em cứ nghĩ nước Mỹ là của người da đen”. Thì tôi bỗng thấy một sự trùng hợp lạ kỳ, vì một người bạn tôi từng nghĩ rằng người Sài Gòn nói giọng Bắc, vì nó lớn lên ở nơi toàn người Bắc di cư sau 1975, chỉ vài ba người hàng xóm nói tiếng Nam. Vì tiếp xúc nhiều, chính nó cũng nói tiếng lơ lớ ngữ điệu miền Bắc, dầu ba má là Nam kỳ. Cho tới khi lớn một chút, nó mới biết miền Nam nói giọng Nam, dân Sài Gòn là miền Nam (xưa nó còn tưởng cha mẹ mình mới là người di cư vào Sài Gòn). Ðiều này là sự thật, cũng là điều khiến nhiều người Sài Gòn lẫn miền Nam buồn. Không phải “hắt hủi” người Bắc, chỉ do thấy người Nam ở miền Nam ngày càng ít, càng giống người thiểu số ở chính miền Nam. Bởi vậy, không ít người đã chia sẻ và bình luận câu hỏi nóng hổi dưới đây, tôi xin dùng nó làm kết bài viết này:

“Sài Gòn – Hà Nội vào mua đất (hơn 75% rồi)

Bình Dương – Hà Nội vào mua đất

Phú Quốc – Hà Nội vào mua đất

Ðà Lạt – Hà Nội vào mua đất

Vũng Tàu, Bà Rịa – Hà Nội vào mua đất

Nha Trang – Hà Nội vào mua đất

Phan Thiết – Hà Nội vào mua đất

Qui Nhơn – Hà Nội vào mua đất

Ðà Nẵng – Hà Nội vào mua đất

Huế không có cái vẹo gì – Hà Nội cũng vào mua đất

Nay tận trên núi Kon Tum xa lắc lơ – cũng Hà Nội vào mua đất.
Người Hà Nội làm gì mà nhiều tiền thế hả bà con?”

DU