Có nhà nghiên cứu nào đó nói chỉ mất 40-60 giờ để có một người bạn bình thường, nhưng thời gian tối thiểu để xây dựng một tình bạn thân thiết là 200 giờ. Và theo kinh nghiệm riêng bản thân tôi. Chỉ cần một lời nói, dẫn đến một sự hiểu lầm nho nhỏ. Thì tình bạn dẫu 200 giờ hay 200… năm cũng rất dễ đi “đai” (die) trong vài nốt nhạc.

Những hình ảnh chụp từ YTN News    

Mà tình bạn nó đã “mong manh dễ vỡ” vậy rồi, nói chi tới những sợi tình giữa người với người… dưng! Bởi vậy, cũng chỉ vì một bình luận vu vơ trên mạng khi rảnh rỗi, tôi bị một đống “đồng hương” năm lần bảy lượt nhận định là “người Hàn nói tiếng Việt”.

Câu chuyện bắt đầu khi đài truyền hình YTN News của Hàn Quốc chiếu một cuộc phỏng vấn một du khách Hàn Quốc phàn nàn về điều kiện vệ sinh và đồ ăn ở bệnh viện phổi ở Ðà Nẵng, nơi ông cùng 20 du khách người Hàn khác bị cách ly. Kèm theo đó là clip và hình ảnh một số công dân Hàn Quốc chụp gửi về cho người nhà, sau đó được đài này đưa lên sóng truyền hình. Những du khách Hàn nói thà chết sạch chứ không chịu được, vì nhà vệ sinh không sạch sẽ. Ăn uống thiếu thốn, “chỉ vài mẩu bánh mì” và cơm Hàn Quốc nấu theo kiểu Việt Nam. Họ cảm thấy bị cầm tù vì cửa mỗi phòng bị khóa trái và bị “nhốt” chung với một/hai người khác, không biết nhiễm bệnh hay không. Họ tin rằng nếu cứ sống như vậy suốt 14 ngày chắc không nhiễm Corona Vũ Hán thì cũng nhiễm bệnh khác mà chết….  “Tôi thật sự không thể tắm được ở đó luôn…” – Người đàn ông thốt lên khi được phỏng vấn.

Bằng một cách nào đó, bản tin này đã “đến tai” cư dân mạng Việt Nam. Những người vừa “giựt giải” top 5 những nước hành xử kém văn minh trên Internet, do Microsoft khảo sát và xếp hạng. Việc này khiến các “anh hùng bàn phím” thiện chiến tức giận. Và từ đó, chúng ta nhìn thấy cuộc “đại chiến” chưa từng có của cư dân mạng Việt Nam và cư dân mạng Hàn Quốc. Các hagtag #ApologizeToVietnam #Vietnamdidwell #KoreansStopLying trở thành trending trên cả Twitter và Facebook.

Việt Nam đứng top 5 nước có hành xử trên Internet kém văn minh nhất. – Ảnh: Facebook, Zing

Do không nhiều người ở hai “phe” giỏi hết cả ba thứ tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Việt để cãi nhau cho thỏa chí tang bồng. Mà dùng Google Translate cũng khá bất tiện, nên đâm ra, sau tất cả thì người Việt với người Việt (và người Hàn với người Hàn) cãi nhau nhiều hơn. Và do bản tánh nhiều chuyện, tôi cũng không chịu thua sút đứng ngoài lề xã hội. Sau khi coi những hình ảnh phía Hàn Quốc đưa tin, bằng tất cả sự thiệt thà của mình, tôi bình luận bên dưới:

“Ủa toilet dơ thiệt mà? Nhưng cũng không lạ, toilet ở bệnh viện VN, cái nào không dơ… Thông cảm cho mấy người Hàn sốc văn hóa tí thôi…”

Và thế là, tôi thành bia ngắm cho đám đông “đồng hương” của mình – những người đang cần người giỏi tiếng… Việt để hiểu và cãi nhau với họ. Tôi bị gọi là “người Hàn nói tiếng Việt” vì dám “bênh” Hàn Quốc. Họ ùn ùn tấn công tôi. Như bao nhiêu người khác đang bị họ tấn công vì nhìn nhận khách quan sự việc trên.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Nhiều cư dân mạng Việt cho rằng những người Hàn này “vô ơn”, “ăn mày mà đòi xôi gấc”, giữa lúc dịch bệnh mà đòi đủ thứ, trong khi ở VN – một đất nước nghèo – có người không có toilet mà dùng thì dám đi chê cái toilet ở trong… hình. Mà họ quên mất tiêu, VN là một trong những nước có rất nhiều câu chuyện dạy người ta “nghèo cho sạch rách cho thơm” // “nhà sạch thì mát bát sạch ngon cơm”. Nên viện cớ nghèo mà ở… dơ khi đón khách khứa vậy thì dĩ nhiên là không được rồi!

Những cư dân mạng Việt này cho rằng bánh mì Việt Nam là đặc sản thế giới mà những người Hàn dám chê bai. Phần cơm “truyền thống Hàn Quốc” được nấu theo khẩu vị Việt Nam có giá 180,000 vnđ (theo truyền thông nhà nước) mà cũng chê trong khi người Việt ăn một bữa cơm chưa tới 50,000 vnđ… Mà họ quên rằng ngay cả người Việt, cũng có người không ăn được phở/bún riêu/mắm. Và chuyện phở vị Bắc vị Nam bao năm nay vẫn là đề tài tranh cãi trên mạng xã hội. Cớ gì bắt người Hàn phải thích bánh mì, phải ưng đồ Hàn nấu theo vị… Ðà Nẵng ?

“Phòng cách ly sạch sẽ, phục vụ chu đáo nhiệt tình” ở Bệnh Viện dã chiến Củ Chi/Saigon được một cư dân mạng đăng lên để “cãi” lại cáo buộc của du khách về bệnh viện phổi… Đà Nẵng. Tôi lần thứ 3 làm “người Hàn nói tiếng Việt” vì cái hình này – Ảnh: Facebook

Những “anh hùng” này cãi hăng say, quên mất tiêu mấy người Hàn này đang đi du lịch/đi công tác chứ họ không qua Việt Nam để bị bỏ vô cái phòng “tiêu chuẩn” bệnh viện ở Việt Nam (may là không cho họ nằm chồng lên nhau hoặc chen chúc dưới gầm giường như thường lệ) và khoá trái cửa. Những “anh hùng” quên mất tiêu là những người Hàn Quốc đến Ðà Nẵng không có phạm tội. Hải quan VN đã không cảnh báo đến những người này lúc cấp visa và trước khi lên máy bay vô VN. Thậm chí, VN có quyền “tống cổ” những người khách từ “tâm dịch bệnh” của các nước về, hoặc không nhận ai, “cửa đóng then gài” ngay khi họ muốn đặt chân đến VN trong mùa dịch. Và rất quan trọng, dù cãi thế nào thì những hình ảnh đang được công khai trên truyền hình Hàn Quốc và cõi mạng thế giới cho thấy nó không hề quảng bá tốt cho hình ảnh VN trong mắt thế giới. Cho dù đó là những hình ảnh người VN được nhìn thấy hàng ngày ở các bệnh viện VN.

Ai đó nói: “Ðừng bao giờ tranh cãi với một người ngu”. Tôi cũng không biết tôi hay những người đang cãi nhau với tôi, ai ngu hơn. Nhưng tôi đã chọn im lặng trước, vì cãi không… lại.

Ngoài những cư dân mạng VN giỏi tiếng… Việt, chúng ta có rất nhiều người có khả năng ngôn ngữ. Nhưng hình như họ chỉ dịch những cái gì họ cho là đúng, theo ý của họ. Nên trong vòng xoáy cãi cọ ở phía Việt Nam, một bình luận của một cư dân mạng Hàn được nhiều người Việt chia sẻ, với thái độ rất tức giận:

Một bình luận được “tam sao thất bản” thành nhiều nghĩa – Ảnh: Facebook

“Tôi chỉ nói ý kiến của mình và những sự thật khách quan. Ðây là nền dân chủ mà người Việt Nam không thể hiểu và đạt được. Ðó là trình độ của xã hội. Xin lỗi tôi chỉ muốn khai sáng cho bạn bởi sự thật, sự thật và điều hiển nhiên. Việt Nam thất bại rất lớn trong lịch sử và trở thành quốc gia nghèo nhất thế giới vì họ luôn nói như bạn.  Vì vậy, 39 người Việt Nam đã chết trên đường đến Anh. Bạn có thể kiếm được 180000 vnd mỗi giờ nếu bạn làm việc cho một cửa hàng tiện lợi của Hàn Quốc.  Hơn 5000 công ty Hàn Quốc đóng góp tới 30% GDP cho Việt Nam.  Việt Nam giống như nô lệ của Hàn Quốc. Việt Nam luôn là nô lệ của các cường quốc thế giới suốt 300 năm qua.  Bạn nghĩ gì về tương lai?  Sự độc lập?  Tỉnh lại đi.  Nếu người Việt Nam không thể sửa chữa thái độ ngu ngốc, thì cái kỷ nguyên nô lệ vẫn tiếp diễn. Rất tiếc. Chấp nhận thực tế và thức tỉnh đi. Tôi thực sự hy vọng Việt Nam sẽ là một đất nước tốt hơn…”

Xem thêm:   Chó...

Thiệt ra, tôi thấy bạn trên nói cũng đúng phần nào. Chỉ là với lời lẽ hơi gay gắt chút thôi. Nhưng cái người thấy cái bình luận trên đầu tiên và lan truyền nó lại dịch theo một hướng khác, càng gay gắt/có vẻ miệt thị hơn, có vẻ cố tình “châm dầu vào lửa”. Và với bản tánh thiệt thà, tôi lại dại dột một lần nữa nghĩ sao thì nói vậy trước đám đông đang “hăng tiết gà”. Thế là, tôi lại bị nhận nhầm là “người Hàn nói tiếng Việt”…

Nhắc đến Hàn Quốc, người Việt sẽ liên tưởng ngay đến những bộ phim tình cảm “đẫm nước mắt”, tình tiết bắt buộc là một trong hai nhân vật chính mắc bệnh ung thư, bệnh hiểm nghèo… Hoặc chuyện những xóm nhỏ ở miền Tây chuyên “xuất khẩu” người đi lao động ở Hàn, “xuất khẩu” con gái đi Hàn, hình ảnh những bài phóng sự các cô gái phải lột trần truồng cho những người đàn ông “nước bạn” chọn lựa… Những năm gần đây, khi nhắc đến Hàn Quốc, cái in sâu nhất trong đầu những người Việt là những hình ảnh dân Việt qua Hàn làm “chui”, ăn cắp vặt, những dòng chữ Việt “mời” xếp hàng, không chen lấn/xả rác giữa đất Hàn. Những màn “fan kpop” VN hôn ghế thần tượng Hàn, khóc lóc vật vã, thức thâu đêm xếp hàng đón thần tượng. Hoặc vụ 9 người “đi nhờ” chuyên cơ công du của bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân rồi bỏ trốn lại Hàn cuối năm 2018 (không biết mùa dịch này, họ có về “đầu thú” vì sợ lây bệnh không?). Gần đây nhất, hình ảnh “tình hữu nghị” Việt – Hàn được gắn liền với tên tuổi vị huấn luyện viên tài giỏi Park Hang Seo đang “lay tỉnh” niềm đam mê, “niềm tự hào” của người Việt với nền bóng đá đã “hấp hối” rất nhiều năm của nước nhà. Có nhiều người còn “khuyên” mấy ông “quan”, ông “nghè” nhà nước hãy quản lý đất nước như cách ông huấn luyện viên Park quản lý các đội bóng trẻ của mình… Còn đối với những người “chỉ biết ăn thôi chẳng biết gì” như tôi, khi nhắc đến Hàn Quốc, tôi nghĩ đến những quán nướng Hàn Quốc “mọc” lên khắp Việt Nam và luôn đông khách, món kim chi Hàn, cua/ghẹ chưng tương cũng đứng một vị trí rất bự trong… bụng người Việt.

Trong đêm đầu tiên của cuộc “đấu khẩu” mang tính “quốc tế”, VN đã lọt “top trending” – Ảnh: Twitter

Với những “nhung nhớ” đó, tôi chợt nhận ra một sự thật khá cay đắng. Sau Trung Quốc, có lẽ Hàn Quốc là nước thuộc Ðông Nam Á có ảnh hưởng nhiều nhất với người VN qua nhiều thế hệ. Nhưng cho dầu Trung Quốc hay Hàn Quốc, thì con dân Việt Nam hình như không có nhiều “hồi ức” vẻ vang, tốt đẹp để khoe với thế giới. Vì hầu như từ văn hóa, kinh tế đến phim ảnh, thời trang, ẩm thực… Việt Nam đều ở thế bị động, là những người “bị ảnh hưởng”, được “hưởng sái” tinh hoa chứ không phải là kẻ tạo ra dấu ấn trong tâm trí, văn hóa, lịch sử, kinh tế của nước người ta. Còn bóng đá thì tôi không rành, xin miễn bàn tới.

Xem thêm:   Ham & hố

Có lẽ vì vậy, với tâm hồn mong manh dễ vỡ của con dân của một nước yếu, rất nhiều cư dân Việt khá là nhạy cảm và “hồ hởi” khi đứng trước sự “suy sút” của nước bạn trước dịch bệnh. Cho đây là một cái cớ, một cơ hội để “phản công”? Nói không phải “mê tín” chớ tôi tin là trong mấy chục/mấy trăm người đang nói tôi là “người Hàn nói tiếng Việt”, chắc cũng có không ít kẻ cách đây không lâu xếp hàng rồng rắn trước Lãnh sự quán Hàn suốt mấy bữa để lấy cho bằng được phiếu phỏng vấn visa du lịch. Nhân dịp Hàn có chương trình công dân Việt có “hộ khẩu” tại ba thành phố Hà Nội, Saigon và Ðà Nẵng sẽ được cấp thị thực 5 năm để nhập cảnh vào Hàn Quốc.

Dĩ nhiên, không phải tôi “bênh” Hàn Quốc vì tôi là một “fan kpop”, tôi nghe không hiểu. Tôi cũng không thích ăn kim chi, so kim chi thì tôi “thân” với bánh mì hơn. Cũng không vì tôi muốn trở thành “người Hàn nói tiếng Việt” thật. Tôi chỉ không muốn người ta nhìn vào và nói dân Việt là những kẻ chấp nhận các điều kiện sống nghèo nàn, đáng bị coi khinh. Là những người có dân trí thấp đến cực thấp. Tôi không muốn “lòng tự tôn dân tộc, tình yêu nước” của tôi nó bẩn như cái toilet của mấy bệnh viện công ở VN.

Nhân đây, để “mừng” VN “giựt giải” top 5 những nước hành xử kém văn minh trên Internet (tuy không được top 1 cũng hơi buồn). Tôi xin kết bài bằng câu chuyện định nghĩa một số đông cư dân mạng VN – từ Facebook Anh Tuan Pham

“- Anh chị cho cháu đi học nhé ? Tình hình có vẻ ổn định rồi ?

– Các ông định giết con tôi à ? Nguy hiểm lắm blah blah…

– Thế anh chị cho các cháu ở nhà cho an toàn nhé?

– Các ông định hại chúng tôi à? Công ăn việc làm, còn bao giáo viên cần công cần việc…

– Thôi chúng tôi lấy ý kiến các anh chị nên cho con đi học hay ở nhà.

– Chúng tôi đâu phải nhà chuyên môn, làm sao chúng tôi quyết định được?

– Vậy chúng tôi quyết định sẽ …

– Thế các ông coi chúng tôi ra gì ??? Sao không hỏi ý kiến chúng tôi…

Cô Na vẫn thua quân ta.”

DU

Saigon – VN